Thơ và ảnh hưởng của thơ cách tân trong sáng tác

Thứ năm - 11/07/2024 07:49
Thơ và ảnh hưởng của thơ cách tân trong sáng tác


    Linh Chi

    Đầu tiên, do liên quan đến thơ cách tân, xin nêu một chút định nghĩa về thơ, một định nghĩa của nước ngoài và một định nghĩa ở Việt Nam.
"Như vậy, thơ – nghệ thuật của ngôn ngữ - làm thành nghệ thuật thứ ba (sau điêu khắc và âm nhạc) một tổng thể nối liền được hai thái cực do các nghệ thuật tạo hình và âm nhạc tạo thành, đặng thực hiện cả sự tổng hợp của hai cái đó. Rồi sau khi đã kết hợp cả hai thái cực này, thơ lại nâng cả hai lên một cấp độ cao hơn: đó là cáp độ một nội cảm có tính chất tinh thần.”  (Mỹ học - Heghen)

Thêm một định nghĩa nữa do cố TBT Trường Chinh viết

“Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm và lý trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lý trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời thơ trong sáng vang lên nhạc điệu khác thường.” (Sóng Hồng)

Về phần mình, tôi cho rằng Thơ là nơi thể hiện nổi bật nhất sức mạnh của văn học với tư cách là một nghệ thuật của ngôn ngữ, là nơi chứa đựng những gì là tinh túy nhất của một ngôn ngữ., thơ là khúc nhạc của tâm hồn, là bản hòa âm của ngôn ngữ mà ca từ được viết lên trên nền nhạc của vần điệu. Nhà thơ dùng vật liệu là những hình ảnh mà họ nhìn thấy của thế giới xung quanh, ghép chúng lại bằng chất kết dính tạo bởi cảm xúc của chính mình rồi đặt chúng lên nền nhạc của vần điệu và ngôn từ.

Trong nội dung bài trao đổi này, tôi xin trình bày quan điểm của mình trên 4 phương diện: 1, Khẳng định giá trị của thơ ca truyền thống; 2. Đề cao việc tìm tòi sáng tạo và trải nghiệm các hình thức mới và tính tất yếu của việc đổi mới; 3. Kiến nghị về hướng cách tân và 4. Hiện trạng và giải pháp   

  1. Khẳng định giá trị của thơ ca truyền thống

Chúng ta là người Việt-nam, và trong từng tế bào chúng ta đã hiểu về tiếng Việt, về lục bát. Trong cả ngàn năm bị đô hộ, tôi cho rằng ca dao và thơ ca là tác nhân chính yếu giúp cho tiếng Việt còn được bảo tồn cho đến ngày nay, người Việt nghe và thuộc và ngấm vào máu của mình rồi truyền cái gen lại cho đời sau. Những vần điệu mượt mà, dân giã mà rất đỗi thân thương đã như một thứ vắc-xin giúp người Việt chống lại ảnh hưởng của tiếng Hán, ngay cả chữ Hán khi sang ta cũng bị đồng hóa lại  một phần để hình thành chữ nôm rồi từ đó mới có Truyện Kiều . Học giả Phạm Quỳnh đã từng có lần nói: “truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn” để nhấn mạnh đến sự quan trọng của Truyện Kiều đối với tiếng Việt. Nhưng mấy ngàn năm trước đó thì sao, chẳng phải tiếng Việt vẫn tồn tại đấy thôi, Truyện Kiều là một viên ngọc, một tòa lâu đài nguy nga xây dựng trên một nền tảng vứng chắc của thi ca và ngôn ngữ Việt, có lẽ phải nói rằng “lục bát và ca dao còn thì tiếng Việt còn” thì mới khẳng định đúng và đủ giá trị to lớn của thơ ca đối với sự trường tồn của dân tộc . Và đôi khi, tôi có sự suy nghĩ mặc dù hơi khập khiễng, nếu ngày đó người ta viết thơ tự do không vần thì liệu tiếng Việt có còn tồn tại đến ngày nay hay không? Ai đó có nói rằng: ‘việc dễ thuộc không phải là thuộc tính của thơ’ và tôi không phản đối điều đó. Tôi chỉ cho rằng, hơn cả một thuộc tính, việc người ta đọc thuộc bài thơ chứng tỏ họ thấy bài thơ ấy là đáng đọc, là đáng để lưu giữ lại, đó là bài thơ có giá trị. Sở dĩ Đường thi của Trung Quốc hay ca dao của Việt nam còn tồn tại đến bây giờ mà bao thế hệ vẫn thích đọc, vẫn nhớ vẫn thuộc vì chưng nó đã đạt tới nghệ thuật, phản chiếu được những giá trị tinh thần thực sự, nói lên được những tình cảm thực sự của con người. Nhưng những cái mới mà không dựa vào hiện thực hoặc trái với cuộc sống thì sớm muộn đều bị đào thải cả.

  1. Đề cao việc tìm tòi sáng tạo và trải nghiệm các hình thức mới và tính tất yếu của việc đổi mới

Văn học là sản phẩm của cả một quá trình văn hóa, là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, phản ánh tồn tại xã hội và ý thức xã hội thông qua lăng kính của nhà văn. Văn học nói chung và thơ nói riêng sẽ tất yếu có sự thay đổi theo điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội. Con người lao động để tạo ra của cải vật chất, việc lao động ấy cũng sinh ra văn học nghệ thuật như một kết quả lợi ích về tinh thần. Vật chất và tinh thần đã tạo nên nền văn hóa và văn minh của con người do đó việc phương thức sản xuất và dụng cụ sản xuất thay đổi tất yếu dẫn tới sự thay đổi của văn học nghệ thuật. Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà khoa học kĩ thuật có sự thay đổi vô cùng nhanh chóng, các phương thức và phương tiện sản xuất cùng với tâm lý xã hội cũng biến đổi không ngừng, người viết cũng bắt buộc phải bắt nhịp với sự thay đổi ấy nếu không muốn bị đào thải, việc làm mới tác phẩm cũng chính là việc nhà văn làm mới mình để phù hợp với thời đại mới.

Các giá trị văn hóa vật chất và khoa kĩ của phương tây đã ảnh hưởng tới Việt Nam, theo sau dó đó là ảnh hưởng của văn hóa tinh thần, thể hiện trên văn học. Tư tưởng của xã hội thay đổi sẽ tất yếu dẫn tới sự thay đổi trong tư tưởng của nhà văn; Khi thế giới trở nên phẳng hơn, nhà văn không thể dửng dưng khư khư ở một vùng trũng, việc làm mới chính mình là điều không thể không làm.

  1. Mọi sự đổi mới, cách tân đều cần dựa trên nền tảng văn học văn hóa truyền thống.

     Việc thiếu quan niệm về thơ, thiếu cố gắng tìm tòi hoặc sợ cải cách sẽ cản trở sự phát triển của thơ, làm cho thơ mất đi hơi thở của thời đại song nếu phá bỏ hết cả những tinh hoa thuở trước, thậm chí không thèm quan tâm đến cả ngữ pháp và tiếng Việt nữa thì còn tai hại hơn. Giống như con người của chúng ta hiện nay thực ra là kết quả của một quá trình tiến hóa lâu dài, các nhà thơ chúng ta cần không ngừng đổi mới chính mình trong tư duy, phát triển thơ để phù hợp với thời đại mới. Song mọi sự phá cách chỉ nên dừng ở mức độ trải nghiệm, không nên lập tức đưa thành phong trào. Nhiều khi người ta đưa ra các trường phái mới, phủ định gần như toàn bộ những gì đã có trước đó song thực tế đã chứng minh rằng phần nhiều chủ trương mới kia vẫn chỉ là một hình thức méo mó thiếu sót của nghệ thuật, chưa hề có một phương hướng sáng sủa nào cả. Dẫu vậy mọi cách thức thể hiện đều nên được trân trọng và nên được dành cơ hội để phô diễn, khái niệm “thơ mới” hay “thơ cũ” chỉ mang tính tương đối. Với tôi chỉ có thơ hay và không hay, thơ đạt hay không đạt về nghệ thuật thơ mà thôi. Có những người viết theo lối cũ, ép gò từ  để theo đúng luật có thể làm cho cái vẻ ngoài bóng bẩy nhưng thực ra thật là khô khan, hồn thơ bị rút hết cả. Những nhựa sống lãng mạn bên trong chẳng còn đâu nữa thành thử không còn hợp với thời kì mới. Song những tác phẩm được viết ra nếu cắt đứt hoàn toàn với truyền thống văn học dân gian, xa rời nguồn gốc của văn học thì thường chỉ là những trò chơi văn chương vô bổ, hợp với khẩu vị của một nhóm nào đó mà thôi, thứ văn ấy thực chất là vô giá trị, thậm chí đầu độc cả nền văn học.

    Về người làm thơ, nếu cốt cách, suy nghĩ, mục đích của người ấy đã là giả tạo thì không thể viết được chân; nếu lời thơ cất lên từ lòng hận thù thì không thể có tiếng nói thiện; nếu dụng từ kém cỏi, văn phong mờ nhạt, hiểu biết hời hợt thì không thể đưa ra sản phẩm toàn mỹ. Những sản phẩm ấy cho dù có được tung hô, lăng-xê đến đâu thì sớm muộn cũng bị đào thải bởi một điều rất đơn giản: con người vốn có bản tính hướng thiện, họ sẽ hướng suy nghĩ của mình tới chân thiện mĩ. Với tư cách một độc giả, anh ta sẽ không sử dụng những món ăn tinh thần kém chất lượng như thế

Xin trích thêm một đoạn trong đó nói về đấu tranh giữa thơ mới và cũ của Hoài Thanh

“Thực ra, thơ cũ rút chân ra khỏi mặt trận xong không hề cởi giáp lai hàng. Nó lui về các thi xã, ẩn mình trong những thi tập chỉ trao tay trong năm bảy anh em và lưu truyền về sau cho con cháu. Đừng có ai xâm phạm đến nơi nó đương an nhàn dưỡng lão. Kẻ viết mấy dòng này đã có lần đụng phải nanh vuốt của nó..”  

Hóa ra cái sự trăn trở cũ mới nào phải bây giờ mới có. Nếu không có mâu thuẫn thì không có phát triển, cái sự đấu tranh cũ-mời thời nào cũng có cả.

Với tôi, thơ là một thức ăn tinh thần. Một thứ thức ăn tinh khiết được chắt lọc nên từ những gì tinh túy nhất của ngôn ngữ. Có thể với tôi, những bài thơ hay hoặc những câu thơ hay vẫn phảng phất có gì đó cổ xưa, những gì là quen thuộc, đã ngấm vào máu thịt và tinh thần song điều đó không ngăn cản được sự tò mò và muốn tìm hiểu cái mới ở tôi.

Giá trị của cái mới chưa chắc đã phải ở chỗ nó mới về hình thức. Nếu dùng theo thể thơ truyền thống mà nói lên những thứ mới của xã hội về hình thức hoặc tư tưởng hoặc có những phát hiện mới đối với thời đại, với nhân sinh thì thơ đó hẳn cũng nên được coi là mới, xưa mà mới chứ không phải là mới một cách rẻ tiền hay lộ liễu.

  1. Hiện trạng và giải pháp từ góc độ cá nhân

Trong hơn 100 năm trở lại đây, dưới sự tác động và biến đổi không ngừng của khoa học kĩ thuật, diện mạo cuộc sống đã có sự thay đổi to lớn so với những gì đã diễn ra trong suốt mấy nghìn năm trước đó; văn học nói chung và thi ca nói riêng cũng vì thế mà có sự thay đổi. Đối tượng của thơ, từ việc lấy mô tả trăng hoa tuyết nguyệt, sông núi cảnh vật làm chủ đạo trong suốt một giai đoạn dài của thời kì phong kiến đã chuyển dần sang chiều hướng hiện đại, mang tính nhân văn và gần gũi với đời thực hơn. Phong trào thơ mới 1930-1945 đã thực hiện bước lột xác về cả hình thức và nội dung, thể hiện được cái “tôi” trong thơ, điều mà trước đó rất ít có. Sự thay đổi này về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng văn hoá dân tộc, các hình thức thể hiện tươi mới song vẫn đẫm hồn văn hóa Việt Nam. Đó là thời kì thi ca nở rộ nhất trong cả một giai đoạn dài của lịch sử, khẳng định tên tuổi của các nhà thơ và các trường phái thơ, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nghệ thuật cũng như làm sống động cả một nền văn nghệ đương đại. Quá trình đổi mới về kinh tế  sau cải cách mở cửa kéo theo yêu cầu đổi mới về văn nghệ, song giống như sự bó buộc đột nhiên được sổ lồng, như người bần nông phút chốc biến thành trọc phú, cái “chúng ta” đột ngột mất đi, biến đổi thành “cái ta” méo mó đầy vị kỉ. Quá trình biến đổi ấy diễn ra quá nhanh mà không kèm theo sự trưởng thành đầy đủ về chất của nhận thức từ bên trong thành thử dẫn tới “cái tôi” ấy bị biểu hiện ra ngoài một cách lố bịch thái quá, tạo nên một nền thơ ca méo mó, với những tác phẩm vô hồn, tối nghĩa, không vần điệu, không nhạc tính, thớ lợ mùi nhục dục thực dụng mà thiếu đi chất tinh tế, lãng mạn, bay bổng của tâm hồn. Chất thơ vốn như những áng mây ngôn từ bay lên trong sự tưởng tượng lãng mạn, những áng tinh khiết được bay lên từ dòng sông và suối nguồn văn hóa, từ màu xanh trường tồn của đời sống dân tộc rồi ngưng tụ trên bầu trời của văn học. Đôi khi, việc phá cách làm sợi dây nối bắt nguồn từ văn hoá dân tộc không còn nữa; vùng sa mạc khô cằn không thể tạo thành mây; cánh diều xưa kia lãng mạn bay bổng, thanh cao đẹp đẽ với những khúc nhạc du dương giờ đây trở nên rách nát tả tơi, lảo đảo rụng xuống vùng khô cằn tối tăm của sự quên lãng.

Xin nói thêm về một số hiện trạng mà tôi cảm nhận về thơ cách tân phá cách, xa rời giá trị văn hóa truyền thống.

a, Đọc lên như thơ dịch

Nhiều khi tôi đọc thơ ta mà cứ tưởng là thơ dịch, dĩ nhiên là dịch rất dở! Dù người làm thơ ấy chưa chắc đã biết ngoại ngữ, nhưng tác phẩm của họ đọc lên nghe vẫn như là sản phẩm dịch. Dù có đề cao việc cách tân thơ cùng không thể lấy lý do theo phong cách nước ngoài mà hoàn toàn bỏ qua được tính dân tộc trong tác phẩm, vì xét cho cùng, đối tượng độc giả của họ phần lớn vẫn là người sử dụng tiếng Việt. Hay họ chủ đích viết cho tây đọc? Nhưng khi một người Việt là tôi đọc lên cũng không hiểu lắm thì khẳng định rằng không có ông tây nào có thể hiểu được. Vậy đối tượng độc giả của họ là ai? Thị hiếu văn thơ của đông đảo công chúng rất có thể khác so với khẩu vị của những người chuyên về văn học và thị hiếu ấy thường xuyên thay đổi. Với tư cách là nhà thơ, có nghĩa là người chuyên về văn học, người viết có trách nhiệm hướng đạo đối với nghệ thuật song không có nghĩa là dẫn dắt tư duy của quảng đại quần chúng đến một mê hồn trận rối rắm, lủng củng, không đúng cả ngữ pháp, quá xa rời với truyền thống làm phần lớn độc giả hoặc ngộ nhận, hoặc phát chán với cả một nền thơ, quay lưng lại với thi ca để chúi mũi vào với những mì ăn liền ticktok hay những video clip ngắn ngủi đầu độc tinh thần mà giá trị duy nhất là làm cho thời gian quý giá của họ trôi đi một cách vô ích.

b, Về việc khen chê khi sử dụng mạng xã hội.

  Tôi không rõ giữa việc người không đọc hoặc không hiểu biết nhưng vì thân quen hoặc muốn  gây ấn tượng với tác giả nổi tiếng mà tung hô khen ngợi tác phẩm kém chất lượng và việc những người hiểu biết nhưng không đưa ra khích lệ cần thiết hoặc dè bỉu tác phẩm tốt của những người viết không có tiếng tăm thì việc nào tồi tệ hơn, song chắc chắn cả hai việc này đều không giúp ích gì cho sự phát triển của văn học. Định giá một tác phẩm thơ không nên chỉ dựa vào định giá cá nhân hoặc tên tuổi của người viết nó, việc dùng tình cảm cá nhân để đánh giá tác phẩm là điều hoàn toàn không nên làm.

c, Về việc cố gắng nâng cao quan điểm hoặc dùng từ khó hiểu đầy tính triết học trong thơ

Một điểm nữa mà tôi muốn nhấn mạnh, nhiều khi người ta hay khen thơ cách tân với đầy những mỹ từ khi người viết cố gắng nhồi nhét vào đó thật nhiều tư tưởng triết lý. Thử hỏi liệu cái áo mỏng manh của một bài thơ có thể chưa đựng được những vấn đề tư tưởng cao siêu đến ngần ấy không hay người ta chỉ đang làm cho nó khô cứng lại và vô tình bóp chết cả hồn thơ trong đó. Dĩ nhiên không phải thơ đọc hiểu ngay đã là có giá trị mà thơ khó hiểu đều không chứa đứng nghệ thuật song tôi cho rằng nếu người ta hiểu thấu tỉ mỉ một vấn đề thì người ta sẽ có thể nói ra một cách rõ ràng. Chỉ khi người ta không hiểu rõ ràng hoặc cố tình tung hỏa mù thì người ta mới thấy khó nói ra như thế. Và đôi khi, lý do để ai đó viết thơ tự do không tính nhạc gắn mác cách tân lại đơn giản đển bất ngờ: họ không thể hoặc không có khả năng thể hiện được nhạc tính trong thơ. Song do những cách dùng chữ quá bí hiểm, bí mật đó vẫn được nhiều người giả vờ không biết tới.

Vậy tôi sẽ làm gì để vừa đảm bảo được sự đổi mới, vừa giữ được yếu tố truyền thống trong thơ.  

  • Sự giao thoa văn hóa làm giầu thêm các nhân tố nội tại của một nền văn hóa song rất có thể cũng làm cho một nền văn hóa yếu thế lâm vào hoàn cảnh bị đồng hóa. Sự đồng hóa diễn ra trong vô thức, liên tục từ nhiều góc độ. Nhà văn với tư cách là người bảo tồn và phát triển văn hóa sẽ là những người đảm bảo cho sự cân bằng của quá trình giao thoa ấy, bảo vệ cho ngôn ngữ của nước nhà.
  • Cho dù sáng tạo đến đâu, thì thơ cũng nên gìn giữ ngôn ngữ và ngữ pháp tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không vì mục tiêu phá cách hay cách tân mà làm méo mó, biến dạng ngữ pháp của tiếng Việt, chắc chắn tôi sẽ bảo vệ điều đó.
  • Tu từ trong một bài thơ nên giữ ở một mức độ vừa phải. Việc lạm dụng tu từ giống như đeo một cái mặt nạ bự phấn lên gương mặt thuần khiết trong sáng, làm cho thi phẩm mất đi cảm nhận chân thật, mất đi thuộc tính “Chân” – điều cốt yếu của văn học.
        L.C. 10/7/2024

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây