CỐ NHÀ THƠ LÊ ĐẠT: “NHÀ PHU CHỮ” NÓI VỀ NGHỀ THƠ

Thứ năm - 11/07/2024 07:40
 Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Cố nhà thơ Lê Đạt từng tâm sự: “Ngay từ nhỏ, tôi đã ôm ấp mộng cách tân thơ Việt - lẽ dĩ nhiên lúc đó tôi không ý thức được rõ rệt nên cách tân như thế nào. Sau Cách mạng tháng 8, nhà thơ ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là nhà thơ Xô - Viết Mayakovsky. Tôi thích những hình ảnh quả đấm hết sức táo bạo cũng như những bài thơ quảng trường mạnh mẽ tham gia trực tiếp vào quá trình hay đổi xã hội của ông, ảnh hưởng của Maya rất đậm nét trong những bài thơ đầu tiên của tôi”

 

 

5262c53d fb68 4dc8 a9c4 03f71c7b437d
Nhà thơ Lê Đạt
(1929 - 2008)

Mở đầu cuộc cách tân thơ,  Lê Đạt khác đã dành hết tâm sức của mình cho một cuộc chơi mới, cuộc chơi của một nhà - phu - chữ như cách dùng từ của Lê Đạt. Trong bài thơ Bóng chữ, một bài đặc trưng cho phong cách Lê Đạt, cái cảm xúc trữ tình của thơ tiền chiến đã được chuyển hoá sang một dạng trữ tình khác, nó không dạt dào, sướt mướt ở bề mặt chữ, nó khơi gợi sự âm vang bất ngờ từ bề sâu của một cảm xúc, một suy tư:”Chia xa rồi anh mới thấy em/ Như một thời thơ thiếu nhỏ/ Em về trắng đầy cong khung nhớ/ Mưa mấy mùa mây mấy độ thu/ Vườn thức một mùi hoa đi vắng/ Em vẫn đây mà em ở đâu/ Chiều Âu Lâu/ bóng chữ động chân cầu”. Câu kết của bài thơ mang trong nội hàm của chữ một dư âm mới, qua bài thơ này, chiều Âu Lâu không còn là một địa danh trữ tình của riêng nhà thơ nữa khi bóng chiều, bóng chữ hay bóng người tình xưa còn đang vang động ở phía chân cầu của ký ức vì khu vườn xưa vẫn thức một mùi hoa đi vắng mặc dù mưa đã mấy mùa và mây mấy độ thu.

KHƠI DẬY SỰ SỐNG ĐỘNG CỦA CẢM XÚC VÀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG

Lê Đạt là một thi sĩ dày công chăm bón chữ nghĩa, tôi có cảm giác trước khi gieo trồng mỗi câu thơ của mình, ông làm chữ kỹ càng tới mức “xới đất, lật cỏ” như một nông phu cần mẫn làm đất chuẩn bị mọi thứ cho một vụ mùa gieo trồng mới của họ. Nhưng khác với công việc cày ải, gieo trồng của các nông phu, công đoạn làm chữ của một nhà thơ theo kiểu phu - chữ luôn cần tới một tố chất thiên bẩm khác, đó là khả năng khơi dậy sự sống động của cảm xúc và trí tưởng tượng từ những con chữ vô tri vô giác theo một cấu trúc ngôn ngữ thơ:Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ/ Nhà số lẻ/ phố trò chơi bỏ dở/ Mộng anh hường/  tìm môi em bói đỏ/ Giàn trầu già/ khua /những át cơ rơi”. Bài thơ Át cơ nói trên của Lê Đạt ngay từ khi mới công bố đã gây nhiều tranh cãi khác nhau, nhưng bất luận thế nào thì mọi người cũng thống nhất đây là một bài thơ hay. Cái hay của nó không chỉ bởi sự liên tưởng của nhiều hình ảnh lạ xuất hiện trong một bài thơ rất ngắn, cái hay của nó còn nằm ở kỹ năng chơi chữ rất tài hoa và tinh tế kiểu Lê Đạt, đã khiến cho mỗi người đọc bài thơ lại nhận thấy có một tâm tưởng khác, một cảm hứng khác,  một khung trời khác sau những câu thơ mang vẻ đẹp bí ẩn nói trên.

   Với Lê Đạt, nhiều người đọc đã rung động trước một lời tâm sự khá nổi tiếng của ông. “Một nhà thơ sắp già báo trước một người đàn bà chưa hết trẻ”: “Anh bảo đảm không làm phiền em cõi đời, không dám hứa không làm phiền em cõi chữ, ở đó hai ta đều bất lực”- Thơ là kết quả của sự làm phiền đó chăng”. Nếu coi chiếc áo dài truyền thống của thơ là vẻ đẹp quến rũ của lục bát - ca dao thì phải chăng đẹp vẻ khêu gợi một cá tính của bộ váy áo âu - tây mát mẻ chính là đường nét của thơ hiện sinh. Theo tôi, Lê Đạt là một nhà chủ động cách tân nhằm hiện - sinh - hóa những mảnh rời của hiện thực theo kiểu những bài thơ Hai-kâu sau đây của ông: “Tình sét đánh má đồi môi bão ập/ Yêu một liều xuân bất chấp thu lôi” (Thu lôi);Tàu đắm hẹn bội thề lênh láng biển/ Trăng tình bờ mộng thải nhiễm ô mơ”(Ô nhiễm); “Em tình tựa cơ may phường ảo số/ Mỗi ngả đường e cửa ngõ Tạm Thương” (Ngõ Tạm Thương);“Rượu nổ má bừng cỗ xuân ầm ã/Mâm một tình mời ăn vã cô đơn” (Cỗ xuân).
Tôi nhất quyết rằng, những bài thơ trên đây là một kiểu “đố chữ” rất tài tình, lý thú của Lê Đạt (khi tên của bài thơ nằm ngay trong 2 câu thơ) và nếu như tác giả giấu tên thật của mỗi bài thơ Hai-kâu thì người đọc khó mà đoán đúng được ý đồ đặt tên bài thơ của tác giả. Kiểu thơ Hai-kâu này cho thấy nhà thơ đã dày công tìm tòi nhiều cách chơi chữ rất kỳ ảo và biến hóa, nó nén lại cả một năng lượng thẩm mỹ chỉ trong hai câu thơ ngắn và đây là một hướng cách tân thơ rất hiện đại của nhà phu - chữ - thơ (theo cách gọi của Lê Đạt).

SỰ UYÊN BÁC TINH TẾ CỦA THÚ CHƠI CHỮ TRONG THƠ CA

Luận bàn về thú chơi chữ trong thơ, Lê Đạt từng khẳng định trong Đường chữ: “Người làm thơ chơi những phép tu từ như một thứ bẫy vô thức. Anh ta sinh sự với ngữ nghĩa và ngữ pháp để tạo ra một sự sinh mới cho thơ. Người làm thơ rắp tâm biến ngôn ngữ tiêu dùng thành một thứ ngôn ngữ trò chơi (hiểu theo nghĩa mạnh) trong một trạng thái nửa tỉnh nửa mơ mà Roland Barthes gọi là một sự chú ý bồng bênh (attention flottante). Chính cái trò chơi hết mình này khiến Freud coi các nghệ sĩ như một thứ trẻ con lớn tuổi có khả năng đánh thức bản năng trò chơi của độc giả. Người chơi chữ dễ dàng được coi là người thông minh, chơi như vậy là chơi đùa. Nhà nghệ sĩ cũng như đứa trẻ không chơi đùa mà chơi, thật khiến trò chơi chữ không còn là một trò chơi đơn thuần dựa trên óc thông minh của một người tỉnh táo mà dựa trên toàn bộ trí năng cũng như cảm năng của một kẻ đam mê bị thánh ốp trong một cơn thượng đồng của chữ”. Thiết nghĩ, bàn về sự chơi chữ trong thơ đến thấu đáo như vậy thì cũng đã đủ cho chúng ta thấy Lê Đạt uyên bác và tinh tế trong cách dùng chữ nghĩa như thế nào.

Sau Bóng chữ, Lê Đạt đã dành gần 200 trang thơ trong tập Ngó lời (NXB Văn học,1997) để trình bày một cuộc chơi mới của mình với gần 300 bài thơ viết theo kiểu thơ Hai kâu (đồng dạng với kiểu thơ Hai - cư của Nhật Bản). So với những cách tân quyết liệt của Trần Dần thì Lê Đạt đi theo một hướng khác, ông cố gắng đưa ra một hệ thống mỹ cảm mới trong sự cách điệu những con chữ mà bài thơ Quan họ sau đây là một ví dụ điển hình: “Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió/ Đùi bãi ngô non /ngo ngó sông đầy/ Cây gạo già/ lơi tình /lên hiệu đỏ/ La lả cành/ cởi thắm / để hoa bay/ Em về nói làm sao với mẹ/ Em trường nét gốm thon bình cổ đại/ Mình Lưỡng Hà/thoai thoải/ vú Đông Sơn/ ước gì/ nhỏ đấy bằng con giống/ Bỏ túi đi cùng/ ta phố bông tình bông”.

 Ở bài thơ trên, nhịp thơ vẫn cũ nhưng hình ảnh và âm điệu thơ đã mới rất nhiều. Cái hình tượng: Đùi bãi ngô non ngo ngó sông đầy là một phát hiện mới rất Lê Đạt về mặt mỹ cảm và không chỉ xuất hiện một lần, ngay trong đoạn thơ sau đó, ông lại múa bút vẽ những nét xuất thần để độc giả thơ được thấy: Em trường nét gốm thon bình cổ đại/ Mình Lưỡng hà thoai thoải vú Đông Sơn. Cái đẹp rung động này mang hơi thở ngàn năm của đất đai, sông núi và mãi trường tồn như ngàn khúc dân ca miền Kinh Bắc. Đây là một bài thơ đặc sắc viết về Quan họ với cách nhìn rất mới của Lê Đạt khi âm điệu câu thơ dường như còn nhấn nhá, ngân nga theo nhịp hát Quan họ: Cây gạo già lơi tình lên hiệu đỏ/ La lả cành cởi thắm để hoa bay, nhưng hình ảnh bao trùm lên toàn bộ bài thơ là một không gian đầy sức sống của vẻ đẹp phồn sinh đang hiện hữu trong từng câu chữ.

 Trong một lần trao đổi với tôi về thi ca cách tân, nhà thơ Lê Đạt cho biết: “Một nhà thơ nước ngoài đã nói: ‘Khi ngôn ngữ thơ là hình ảnh, nó trói buộc ta trong một nhà tù rất ghê gớm và thoát ra khỏi nhà tù ấy là bước đầu tiên đã dám đổi mới, ta dám sống mới’. Điều ấy quan trọng lắm và tôi cho rằng cách tân đó là quan trọng nhất. Vì những câu thơ hay bao giờ cũng xuất phát từ cách nhìn mới, bởi hiện tượng chính là tự nhiên cùng với cách quan sát về nó, nên thay đổi cách nhìn là điều quan trọng nhất đối với một nhà thơ. Trong thơ của tôi, ngoài phần thơ hai-kâu còn thêm phần đoản ngôn rất mới và là một hình thức suy nghĩ ngắn gọn về nghệ thuật và cách ứng xử trong cuộc đời. Thể thơ đoản ngôn này thoải mái hơn thể thơ hai-kâu vì nó viết theo kiểu thơ văn xuôi”. Cũng theo nhà thơ Lê Đạt “Điều cốt lõi quan trọng nhất đối với nghề thơ là phải lao động thơ một cách cần mẫn và không ngừng nâng cao văn hóa. Các nhà thơ cần phải cố gắng hơn nữa để cho độc giả thơ chấp nhận mình. Trong động tác chân tôi ghét nhất là dậm chân tại chỗ vì nó đi mà vẫn đứng; trong mọi thứ phải vội thì không nên vội khi làm chữ và khi tự tử”

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây