Ngô Đình Ngọ - một tài thơ lục bát

Thứ hai - 19/08/2024 09:11
Ngô Đình Ngọ - một tài thơ lục bát



Nhà phê bình văn học  Đinh Thiên Hương

   Sau những “Trăng quê”(2015), “Thương nhớ ở ai”(2019), thì “Lục bát hồn quê”(2024) là tập thơ thứ 3 của nhà thơ Ngô Đình Ngọ, đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Ông hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Lục bát, đất văn hiến Hà Đông. Và tập thơ thứ 3 này, thêm một thành công mới, thể hiện tài thơ Lục bát của lão thi vừa bước vào tuổi 84.

   Như một thói quen, nâng trên tay tác phẩm thơ nào, trước hết tôi hay vân vi tự hỏi về tên “đứa con tinh thần” của người cha sáng tạo ra nó. Đó là cả một dụng công, mà nhiều khi nhờ nó, người đọc như được “mách nước”; nhà phê bình như nắm được chìa khóa trong tay để mở cánh cửa, bước vào thế giới nghệ thuật, tìm sự đồng điệu với tâm hồn nhà thơ. Công phu ấy không kém gì việc đặt tên cho đứa con viên mãn của tình yêu và hạnh phúc vợ chồng.

    “Lục bát hồn quê”? Thoạt tiên nghe thấy có gì quê quê, cũ cũ…Nhưng chao ôi, đọc rồi mới thấy, sợi dây tư tưởng vướng vít lắm. Người đọc bị nhà thơ mê dụ. Thì hóa ra ông rất thành thật và cũng rất tự hào, không giấu giếm gì gốc gác chân quê. Nhà thơ lớn lên từ làng, nếm trải đủ những vui buồn, thiếu thốn, khổ sở nơi làng quê một thời dĩ vãng chưa xa…Rồi cuộc đời đã đưa ông đi khắp nơi trên đất nước này, trong suốt hành trình không ngơi nghỉ, “lốp xe mòn vẹt phố phường”. Dõi trong thơ, luôn thấy một Ngô Đình Ngọ thân tại đô thành, tâm tại quê. Trực cảm nhạy bén nhất trong thơ ông là với chất quê – hồn quê. Dù đang “Du xuân xứ Lạng”, phiêu du nơi “Cõi tiên Bích Động”, dìu dặt bồng bềnh “Đêm Nha Trang”…, nhà thơ vẫn khôn khuây “Hồn làng”,  vẫn nhớ “Quê mình” và luôn thầm nhắc mình “Nợ quê”: “Nợ chữ nghĩa, nợ văn thơ / Tha phương cầu thực để giờ nợ quê”. Đã từng là công dân chung cư tiện nghi văn minh nhiều chục năm, nhưng trong lòng nhà thơ vẫn đằm đằm âm ấm chất chân quê: “Phố phường chật chội bốn bề / Chợt thèm một mảnh trăng quê thuở nào / Thèm nghe cá quẫy bờ ao / Men quê xưa đã ngấm vào thơ tôi”. Đã nói, xin được nói cho công bằng sòng phẳng, không như khối người ỉ oi: thương quê – nhớ quê, sao không về hẳn quê mà sống, lại cứ bám lấy phố phường? Thưa rằng, sau một đời bươn trải, hoặc sau khi “công thành danh toại”, phố thị là nơi đua chen, mưu sinh có nhiều lợi thế. Rồi từ đó sinh cơ lập nghiệp, ổn định cuộc sống. Phần hương hỏa ở quê, nhường cho thân nhân không có điều kiện vượt ra khỏi lũy tre làng; hoặc giữ lại củng cố thành hậu phương, làm nơi tiến thoái có chốn đi về, giữ lấy đất lề quê thói, hương khói tổ tiên...Khi kinh tế khấm khá, nhiều người chọn phương thức này để giữ lấy đất quê. Nói như Ngô Đình Ngọ là “Về quê”giữ lấy “Hồn làng”: “Quê là pho cổ tích xưa / Nhai trầu bà kể như vừa hôm qua / Người quê dầu có đi xa / Cổng làng, Đình cổ mãi là…hồn quê”.

   Có hiểu được điều đó, mới thấu tỏ cái tiêu đề tập thơ. Nó như chủ âm vút lên trong bản nhạc lòng, giữ nhịp mạch cảm hứng chủ đạo xuyên suốt tập thơ. Chuyện này bất giác khiến tôi nhớ tới cụ Tú Vị Xuyên, một thời làng đang dần xoay ra thành phố. Duy nhất có một bài thơ lục bát thuần Việt, Cụ dùng để diễn tả nỗi buồn tiếc xa xót và thảng thốt: “Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai / Vẳng nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Tiếp nối người xưa, nhà thơ Ngô Đình Ngọ dùng lục bát để gom nhặt hồn làng, khi là những mảnh vụn kí ức đói nghèo mà trong veo, khi là cảnh tượng làng đang trên hành trình đô thị hóa. Ông tìm về làng như “tìm khúc ca dao / Mẹ ru trên võng thuở nào đánh rơi / Mảnh cài trên giậu mùng tơi / Mảnh sa đáy giếng, mảnh thời gió bay / Mảnh rơi lõm bõm rãnh cày / Hòa mồ hôi mẹ, găm đầy áo cha”.

   Cái tiêu đề “Lục bát hồn quê” là tên một bài trong tập thơ ấy, kết tinh một phần lớn giá trị tư tưởng và nghệ thuật của toàn tập: “Tôi về tìm lại bóng mình / Còn in đáy nước hồ đình nữa không / Tôi về thăm lại cánh đồng / Còn đâu thấy dáng lưng còng bà tôi(…)Tôi về lượm chút hồn làng / Đò xưa bến cũ nay hoang vắng rồi / Tôi về tìm lại bóng tôi / Khơi dòng cảm xúc bồi hồi cho thơ”. Có lẽ, vì là người yêu quê, chân ái với con người, lại từng trải một đời qua nhiều môi trường và cảnh ngộ, giờ ở vào hàng trưởng lão, nên trong thơ Ngô Đình Ngọ không hiếm những ưu tư, trĩu nặng tình đời. Đây cũng là nguồn thi hứng và thi ảnh không nguôi cạn, đặc biệt xúc động, thể hiện triết lý nhân sinh và trách nhiệm công dân của nhà thơ.

   Đọc thơ ông thấy có nhiều cảnh đời thương lắm. Nhà thơ như con tằm rút ruột nhả tơ lòng, nói hộ bao người những xót xa và mong ước. Ông thác lời nhánh Lan rừng Trường Sơn mà cảnh giới ai đó trong hội Lan xuân: “Nước nhà đổi mới khang trang / Ngàn hoa khoe sắc, hội Lan tưng bừng / Máu xương, gai mật đã từng / Xin đừng quên nhánh Lan rừng Trường Sơn”. Trong đề tài chiến tranh này, ông có chùm bài viết ở những thời điểm và những nhân vật trữ tình khác nhau: “Mẹ ngồi”, Tìm mộ chân tôi, Mẹ ơi! Lại bão biển Đông…”. Nhưng đọc, sẽ luôn thấy bão lòng và rưng rưng khóc: “Mẹ ơi! Lại bão biển Đông / Con ra giữ đảo với đồng đội đây / Giờ con đi gió về mây / Thắp hương mẹ thấy mắt cay…con về / Khói nhang đặc quánh chiều quê / Xin đừng pha loãng lời thề Nước non”. Xót xa quá nhưng rất đỗi tự hào, vì vong thiêng người lính đảo…

   Trong thơ Ngô Đình Ngọ, ta còn gặp tiếng rao đêm, hình ảnh em bé bán vé số, bao phận người trong cái “Ngõ nghèo”, “Ngõ thì dọc, đời thì ngang / Mấy ai tính được hèn sang mà lường”. Ông khiến người ta khôn nguôi xót xa về cõi tạm của nhân sinh. Từ thân phận nàng Kiều, đến cô gái sông Hương (trong thơ của chàng thanh niên Cộng sản Tố Hữu thời “Từ ấy”, mà chắc chúng ta ai cũng biết), đến bây giờ, đã được mấy mươi người cảm thương và cảm khái thời thế như Ngô Đình Ngọ trong bài “Phận Đào”: Đời vầy cho mệt cho mê / Giao thừa pháo nổ biết về nơi đâu? / Quê nhà mẹ yếu con đau / Đồng tiền sấp ngửa còn nhàu vết son / Mưa xuân đào nhú chồi non / Nước nào rửa được tủi hờn nhuốc nhơ / Ngày mai có khác ngày xưa? / Ai như Kiều cũng mới vừa…qua đây!” Đúng là nước mắt trời cũng không lau hết được nỗi buồn đau, tủi nhục của một thân kiếp. Tôi đang có trong tay, câu trả lời phỏng vấn của nhà thơ Tố Hữu ở giai đoạn cuối đời. Ông nói buồn lắm, cả một đời đi làm cách mạng, tưởng thay đổi hết phận đời những cô gái giang hồ trên sông Hương, nào ngờ…Tất nhiên, trách lũ “bướm đêm” một phần, cũng trách cái cơ chế biến mọi thứ thành hàng hóa bán mua. Trong muôn cảnh “bướm lả ong lơi” kia, cũng có những thân phận khốn khổ, đáng thương. Và người nghệ sỹ cần trong cuộc đời này là để nâng giấc những kẻ cùng đường tuyệt lộ (ý của cố nhà văn lớn Nguyễn Minh Châu), là như vậy đấy!

   Cho nên, đọc “Lục bát hồn quê”, gặp nhiều nỗi buồn cô đơn, nhiều khi bẽ bàng, thảng thốt của “cái tôi” nội cảm. Nhà thơ buồn lặng và đau trước nhân tình thế thái và thời cuộc: “Đâu là tiếng nấc thơ người đơn côi / Tôi là ai, / Ai là tôi? / Một ta với bóng trăng ngồi uống nhau”. Không nói quá đâu, nhưng chung quanh rặt“Tấn tuồng đời”:“Nhá nhem sân khấu đèn mầu / Cười ra nước mắt, khóc đau nhân tình”; “Chợ đời” bát nháo, nhố nhăng, tàn độc và gian manh: “Chợ trời sớm nắng chiều mưa / Quan tham bán tước, dân lừa buôn gian”. Nhà thơ đã khắc tạc bằng thơ, nhiều vần điệu tương phản đối lập rất ám ảnh, trong những tác phẩm lấy cảm hứng thế sự: “Tảo tần sấp ngửa mưu sinh / Vén màn thế thái nhân tình mới hay / Thảo dân sống chết mặc bay / Tham lam nhũng nhiễu một bầy sai nha”. Hậu quả sẽ là: “Rừng vàng biển bạc cạn vơi / Mọt sâu đục khoét, thói đời dối gian / Nam mô buôn cả Niết bàn / Kim ngân xủng  xoẻng, hợm sang khoe giầu”. Đúng là càng yêu đời, yêu sống bao nhiêu, nhà thơ càng buồn đau, căm ghét cái xấu cái ác, sự vô lương và đồng cảm với đồng bào lương thiện của mình bấy nhiêu. Đấy là dũng khí, bản lĩnh của cây bút vừa có lương tri, vừa có trách nhiệm và tấm lòng; noi gương ông cha ta xưa, coi cây bút là vũ khí thanh cao và đắc lực để góp phần “chở đạo”, triệt tiêu sự giả dối và tàn ác, làm cho tâm hồn người thanh sạch…

   Nói tới tài thơ lục bát của nhà thơ Ngô Đình Ngọ trong tập thơ này, tất nhiên cuối cùng, còn phải nói tới đôi nét về đặc điểm nghệ thuật. Nó thể hiện qua ngôn từ, thi ảnh, biện pháp tu từ và nỗ lực cùng với cả thế hệ mình góp phần cách tân thể lục bát. Đây cũng là một vấn đề lớn, thể hiện dụng công lao động sáng tạo của tác giả; mà riêng điều này cũng làm nên một chuyên khảo…Trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ có đôi lời khái lược.

   Trong khá nhiều bài thơ, khi thì chuyên tâm khi thì ngẫu hứng, tác giả luôn thể hiện sự khiêm nhường. Ông tự cho rằng, mình chỉ đi nhặt câu rơi câu vãi trong nhân gian “Về làng nhặt được câu thơ / Lấm lem bùn đất ai vừa đánh rơi / Vuốt nhầu, gột sạch, hong phơi / Mới hay lục bát từ thời xa xưa”. Nhưng nghe ông bày tỏ thế này “Cạn chiều nhặt sợi nắng rơi / Mang về xe dệt thú chơi trời đày / Người ta chơi cảnh chơi cây / Mình ngồi cặm cụi tối ngày đan… thơ”, thì mới biết: ông là nông phu trên cánh đồng chữ nghĩa; là “người gieo hạt buổi chiều” ngay cả khi không còn trẻ trung nữa. Vất vả, chuyên cần lắm, mới mong có vụ mùa bội thu.

   Nhờ thế, đọc suốt tập thơ không thấy có chỗ nào gượng vần ép chữ. Ông dùng lục bát truyền thống thuần Việt, nhưng vẫn in đậm dấu ấn cái tôi sáng tạo. Đó là cảm xúc riêng, cảnh huống riêng, có triết lý nhân sinh và quan điểm tư tưởng – thẩm mĩ khó lẫn, khi ông chạm vào những vấn đề con người và thời thế; hoặc khi ông bày tỏ những rung ngân chan chứa trữ tình “Người không gieo gió, ta đâu bão lòng”. Tôi cho rằng, Nguyễn Đình Ngọ và nhiều  nhà thơ lục bát hôm nay luôn trăn trở và nỗ lực cách tân thơ lục bát. Họ đã mở rộng phạm vi đề tài, thích ứng với hiện thực của cuộc sống đa dạng, phong phú sinh động và phù hợp với tâm lý, cảm xúc của con người đương đại. Chất triết lý trong các đề tài khá nhuần nhuyễn với cảm xúc, khiến nó sâu xa và hay hơn; bay bổng mà ưu tư, lắng đọng. Ngô Đình Ngọ cũng tạo lối ngắt nhịp, cắt dòng linh hoạt, có chủ ý; chứ không hề bẻ vụn dòng thơ một cách tùy tiện. Từ mô thức 6/8 bất biến, nhờ cách ngắt nhịp mới, đã trở nên sinh động, phù hợp với nhu cầu biểu cảm.

   Nhà thơ Ngô Đình Ngọ sử dụng các biện pháp tu từ nhuần nhuyễn và thành thục. Nhờ nó mà lục bát của ông tránh được lối tả, kể, phô diễn như trần thuật. Nhà thơ khiêm tốn nói rằng: “Dễ gì gạn được một vài câu hay”, nhưng thơ ông thiên về cảm xúc, lời ít ý nhiều,  sâu xa khác thường và nhiều câu chữ, cùng hình ảnh thơ hay lắm. Trong đó, thật thú vị bởi  thủ pháp tương phản đối lập đầy ám ảnh.

   Viết về mẹ Đốp, ông chấm phá vài nét thôi mà nhân vật trữ tình hiện ra thật táo tợn. Hành vi thì “Váy nâu tốc ngược đung đưa / Túm lời thầy Lý gói vừa…ba gang”; khí phách thì “Chẳng chanh cũng đã chua rồi / Chỉ tên, điểm mặt chuột dơi…giữa đình”. Đáo để là thế, nhưng cần lúng liếng  í a thì thơ ông cũng nuột nà tình tứ. Lấy bài“Trăng thanh vườn chuối”(bài thơ đạt giải A, cuộc thi Thơ tình Lục bát Việt Nam năm 2022), làm ví dụ. Tình yêu “nồi méo vung méo” Chí Phèo –Thị Nở, được gợi hứng từ truyện ngắn của Nam Cao, thì ai cũng biết. Nhưng Ngô Đình Ngọ nhìn nhận nó bằng tấm lòng rất đỗi nhân bản và nhân văn. Nhà thơ dùng những thi ảnh đẫm hứng tình và phồn thực; cùng biện pháp tu từ điệp từ, nhằm khẳng định, nhấn mạnh sự đồng lõa của thiên nhiên trong cái đêm trăng rười rượi ấy và cái chất người – thật người: “Đã say, chẳng thẹn với trăng / Đã yêu lót lá chuối nằm vẫn yêu / Đã chiều, ba bẩy cũng chiều / Phau phau yếm trễ, liêu xiêu men tình”. Lần khác, suốt cả canh Quan họ, nhà thơ chỉ lảy đôi dòng mà thâu góp được đủ ý – tình – hình - nhạc: “Tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng lòng / Thuyền tình nhẹ tếch mà cong cán sào”. Có thể giở bất cứ trang thơ nào trong tập, cũng nhặt được câu chữ hay, đầy thi hứng, “quen mà vẫn lạ”. Ví như mưa tháng Giêng “Mưa phùn ướt sũng tháng Giêng (…)Lạnh run cả tiếng thở dài nhặt thưa”. Có khi là một câu hỏi tu từ, theo lối chơi chữ gợi suy cảm “Bâng khuâng bến Đục bao giờ nước trong?” Nhìn con rùa đá nơi Văn Miếu “Vo tròn thế sự rùa nằm đội bia”, nghe một câu hát “Nghẹn câu “Thương nhớ ở ai!” / Chợt nghe tiếng nấc rụng ngoài bến sông”…Trong số này, tôi thấy“Đôi vằng trăng khuyết” hay ở cả bài (tất nhiên rồi, vì bài thơ từng đạt giải  thưởng cuộc thi “Tâm tình người cao tuổi”, năm 2023 của Tạp chí “Người cao tuổi” – Hội Người cao tuổi Việt Nam). Nhưng cái cách nhà thơ suy cảm về mối tình của những phận người “Đã từng đứt gánh giữa cầu nhân gian” thì thật giầu tình nhân ái, luôn luôn cảm thông, luôn luôn thấu hiểu. Nhờ thế, nhà thơ có liên tưởng tuyệt vời tài hoa “Một nửa tôi, một nửa em / Vá đôi mảnh khuyết mà nên trăng rằm”. Bao giờ, nhà thơ cũng cảm nhận và diễn tả theo cách của riêng mình. Điều đó thêm một lần nữa chứng tỏ, người nghệ sỹ có tài, hơn chúng ta là ở chỗ: giữa bao nhiêu những thứ quen thuộc, tưởng nhàm lặp, tẻ ngắt, họ vẫn có những phát hiện; hoặc chí ít cũng có cách nói mới mẻ.

   Là người được tin trao đọc trước và có đôi lời về công phu câu chữ của tác giả, tôi đã thật sự khách quan và cẩn trọng. Dẫu vậy, đây chỉ là chút cảm nhận riêng tư, cảm xúc của lòng thành. Phần cơ bản còn lại là tri âm của độc giả. Bằng tất cả sự trân trọng, quý mến với tài thơ lục bát Ngô Đình Ngọ, chúng ta hãy cùng ông mở sách, đồng điệu với tâm hồn thơ…

 

                                                                                                                                    Chào mùa Phượng mới 2024
                                                                                                                                     Đ.T.H        
  •  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây