Lê Anh Phong
Xin mở đầu bằng những câu thơ được tác giả treo ngoài bìa tuyển tập: “Đọc thơ tôi dù ai chê cũng được/ Tôi cứ viết theo giọng điệu riêng mình/ Mong nhẹ bớt những điều trắc trở/ Cay đắng ngọt bùi trong cõi nhân sinh/ Tôi có thơ giàu thêm bè bạn/ Nàng thơ tôi là một người tình/ Và năm tháng âm thầm tôi nhặt/ Chút bụi vàng trong cát lung linh”.
Rất rõ ràng và minh bạch trong phi lộ. Khi đọc hết 213 bài, tôi chợt nghĩ, có thể thêm một chữ “tình” vào tên của thi tập: “Tuyển tập thơ tình Duy Khoát”.
Tôi nhớ mãi lần đầu gặp anh ở Tràng An Thơ, 88 Hàng Buồm, năm 2011. Sau khi nghe một nhận xét về thơ, anh thủng thẳng: - Ấy giời, Chẳng ai giống ai, thơ phải thế chứ. Sao lại cứ xui người nọ theo người kia. Chớ có dại dột mà nghe theo. Tớ chỉ có thơ tình và thơ tình. Tớ cứ viết theo giọng của mình. Càng viết, tôi càng nhận ra điều đó. Thơ là “cây đàn muôn điệu”. Thấy một nhà thơ nữ trẻ gọi nhà thơ Duy Khoát là anh, mình cũng bắt chước. Sau này mới biết hai anh em cách nhau một thế hệ. Hình như những tác giả chuyên viết thơ tình, thường trẻ hơn so với tuổi. Nghe nói, anh không chơi với cô nào, với nhà thơ nữ nào nếu “không rút kinh nghiệm”, cứ “cố tình” gọi anh là chú, là bác. Có lần anh cười nói: - Họ hàng gì mà chú với cháu. Cứ gọi thơ là anh nhé! Với nụ cười thân thiện, với từ “tớ” và “mình” thường dùng, anh trở nên gần gũi với mọi người. Nhưng cũng không ưa sự xuồng sã, thô lậu trong thơ, trong ứng xử. Bản tính lành, anh không bao giờ làm tổn thương người khác. Có lần đi tham quan ngày nắng, anh đeo kính râm, nhưng tôi vẫn thấy mắt kính đen không che mặt người hiền. Chất Kinh Bắc và tạng người như canh hát giao duyên. Sống trầm hậu, khiêm nhường, bao dung và tinh tế, tôi chưa thấy anh to tiếng bao giờ. Và trong thơ cũng thế, không đại ngôn, không đại tự sự.
Có thể nói, thời của anh là thời của thơ tình. Mở đầu thi tập là những “kỷ niệm về nhà thơ Xuân Diệu”, ông hoàng của thơ tình một thời. Đó là sự gặp gỡ, đồng điệu giữa cá nhân với thời đại trong thơ. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Nông lâm trung ương, anh về làm biên tập viên Nhà Xuất bản Nông thôn. Đây là những vần thơ ra đời năm 1963 ở núi rừng Cao Bằng: “Nhớ em tận chốn xa mờ/ Để mình anh với ngẩn ngơ rừng chiều”. Còn đây là chuyến “Thăm bản Lác” năm 2019: “Đêm sao cười nhấp nháy/ Gió thơm mùi phấn thông/ Ghẹo các cô sơn nữ/ Ngực thanh tân phập phồng”. Cách nhau 56 năm, anh “cứ viết theo giọng của mình”, đi tới mình trên con đường thơ duy cảm, duy tình.
Thơ anh có một khoảng trời của mây trắng. Giữa những năm tháng không quên 1972, bất ngờ trên phố Tràng Tiền, anh gặp lại người con gái dịu dàng xinh đẹp: “Ôi đất nước những ngày khốc liệt/ Ngắm em cười anh lại thấy bình yên”. Trữ tình cá nhân trong thơ Duy Khoát thường không đi lạc vào trữ tình chính trị, cái lối nói khá phổ biến trong thơ tình thế hệ anh, thơ tình thời chiến. Vì thế bản ngã không phôi pha, không lẫn vào tha nhân, không lạc vào đám đông. Một phẩm chất thơ trân quý.
Tình yêu là một khái niệm rộng. Tuyên tập chia làm hai phần: Thơ tình và thơ về gia đình, đất nước. Ranh giới ấy cũng chỉ là tương đối. Tình yêu nam nữ, tình yêu đôi lứa là âm chủ. Âm hưởng ấy tràn bờ, tạo ra một “thế giới phẳng” trong thơ anh.
Cũng không nằm ngoài nét chung, cái căn tính thường thấy, thơ tình Duy Khoát rất nhiều đợi chờ, nỗi nhớ, mơ tưởng… Đó là những tình tự lãng mạn, đằm thắm, bâng khuâng… từ chân cảm. Nó không sa vào vàng mã trang kim của ngôn tình thường thấy. Dường như anh không tắt máy bao giờ, chiếc điện thoại hay trái tim anh đó, “nó cứ mừng run lên” khi “sáng nay em gọi”. Trở về quê, mỗi lần qua “Ngã tư phố huyện”, ở nơi nhiều ngả rẽ, nhà thơ tìm lại khoảnh khắc của hẹn hò. Vừa hóm hỉnh, vừa cảm động, bài thơ được viết bên hồ sen ký ức nồng nàn của tình yêu đôi lứa. Nó như một câu chuyện anh kể lại, nhắc lại với người mình yêu thương: “Mỗi lần về qua đây/ Anh lại dừng phút giây để nhớ/ Chỗ này năm xưa/ Có cái quán bên hồ sen ngạt ngào hoa nở/ Đêm ấy chúng mình tan vào nhau/ Dưới trời khuya nồng nàn hơi thở/ Quán bây giờ đã thay bằng một trạm bán xăng/ Treo tấm biển “Cấm lửa”/ Anh chợt nghĩ/ Mình khác nào cây xăng đêm đó/ Đã cháy bùng gặp lửa mắt em”. Nếu người cầm bút hời hợt dễ vô tình trôi qua.
Trong thơ tình Duy Khoát như có cái gì dang dở, lỡ làng, có cái gì như ảo ảnh: “Tôi uống ngọt ngào nước mắt của em/ Cho thấm chất tâm hồn tôi trong đó/ Thấm vị mặn của cuộc đời dang dở/ Ôi hương nồng cay đắng của tình yêu” (Sau ngày em lấy chồng), “Ta khờ khạo vừa chạm tay xuống nước/ Đã giật mình sóng động trăng tan” (Vằng trăng đáy nước)… Nhưng chính cái tình thế ấy, đã làm ánh lên vẻ đẹp sóng sánh, thao thiết của một người nặng lòng, nặng tình, của một tâm hồn thơ nhạy cảm, nơi tình yêu cư trú.
Có lần tôi đùa vui: - Bác làm thơ chắc tốn tình lắm nhỉ?
Anh cười: - Nếu sau mỗi bài thơ có một bóng hồng nào đó, thì tớ phải có mấy trăm người tình ấy nhỉ! Có ai cấm yêu trong mộng tưởng đơn phương đâu!
Thơ tình Duy Khoát thường hiện lên gương mặt đa dạng của thời gian trong tình yêu: “Chừng nào còn có thể/ Thì sao lại không yêu/ Phiên chợ đời sắp vãn/ Thời gian đâu còn nhiều” (Thời gian đâu còn nhiều), “Đốt lòng anh nỗi nhớ mong/ Vì em hẹn gặp chín giờ sáng mai/ Đêm nay mới thật đêm dài/ Bao giờ cho đến sáng mai, hả trời?” (Sáng mai)…
Nói đến cảm thức thời gian, không thể không nhắc đến bài thơ “Tờ lịch”: “Bóc đi một tờ lịch/ Đời ngắn đi một ngày/ Lòng bần thần đưa tiễn/ Xác thời gian trên tay”. Vượt ra khỏi duy cảm, duy tình, đây là bài thơ của cảm niệm. Đó là cảm xúc trí tuệ, một trường hợp hiếm gặp trong thơ anh. Bài thơ ngắn 4 câu, sức nặng của ý niệm và cảm xúc dồn vào câu kết. Nói được cái vô hình trong hiện hữu. Cảm giác thời gian trong lòng bàn tay. Ngỡ là nắm bắt được, nhưng đó chỉ còn là cái xác vô hồn: “Lòng bần thần…/ Xác thời gian trên tay”. Đó là những câu thơ của nghiệm sinh, của vô thường.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn