Ngày 30 /11/2022, tại hội trường Hội LHVHNTHN - 19 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi Tọa đàm về một số vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động LLPB của lực lượng làm công tác phê bình văn học của Hà Nội.
Tới dự buổi Tọa đàm có Nhà thơ Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội và một số thành viên trong BCH Hội Nhà văn Hà Nội, Nhà thơ Vũ Quần Phương - nguyên Chủ tịch Hội LH VHNTHN. Chủ trì buổi Tọa đàm có Nhà văn Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng LLPB, GS.TS.Nhà văn Trần Đăng Suyền - Phó Chủ tịch Hội đồng LLPB và P.GS.TS.Nhà văn Tôn Phương Lan Uỷ viên HĐLLPB. Các nhà văn là ủy viên Hội đồng LLPB, Hội đồng Văn học dịch, Văn học trẻ, Ban Sáng tác và đông đảo các nhà văn hội viên, các tác giả và bạn đọc đã tới dự.
Hội nghị đã nghe 6 bài tham luận và một số ý kiến của các nhà văn, nhà phê bình văn học: Vũ Quần Phương, Tôn Phương Lan, Bùi Việt Thắng, Đỗ Ngọc Yên, Vũ Nho, Cao Ngọc Thắng, Trần Thị Trâm, Đức Anh và Đặng Thiên Sơn…Các tham luận một lần nữa xác định vai trò đặc biệt của nghiên cứu LLPB. Nếu chúng ta tăng cường vị trí của công tác này, nó sẽ phát huy tốt tác dụng kích thích sáng tạo của các nhà văn và định hướng cảm thụ tác phẩm, từ đó nối gần lại các giá trị văn học, thẩm mỹ giữa nhà văn và bạn đọc.
Thực tế đời sống phê bình văn học Hà Nội ngày nay đã và đang diễn ra sôi động vào bậc nhất cả nước với sự tham gia của khá nhiều nhà nghiên cứu lý luận và phê bình đồng thời là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam và Hà Nội. Nhiều tác phẩm phê bình văn học đã đến tay bạn đọc, trong đó có tác phẩm với quy mô vài tập, có tác phẩm đã được hội Trung ương và hội Hà Nội chọn, trao giải, chưa kể đến các bài viết giới thiệu sách, phê bình văn học qua mạng xã hội cũng đang thu hút một lượng lớn tác giả và bạn đọc trẻ…Các ý kiến đánh giá, ghi nhận “văn chương đương đại đã cập nhật với đời sống, đã thể hiện được những vấn đề của cuộc sống hội nhập, cuộc sống mà sự nhận chân những giá trị bền vững cho nhân dân, cho dân tộc luôn là nỗi khắc khoải trong lương tâm người cầm bút”. Về sự chuyển giao thế hệ: “Ý thức đi tìm cái mới, nếu như ở thế hệ 4X, 5X điềm tĩnh, chừng mực thì ở thế hệ sau quyết liệt hơn, Với những lợi thế về sức trẻ, về ngoại ngữ, về sử dụng internet, thế hệ này rất ý thức đi tìm cái “khác”: “khác” với lối mòn lưu dấu khá lâu trong đời sống văn học, “khác” như là cái mới mang diện mạo của thế hệ mà ngay tiêu đề sách hay bài báo cũng đã thể hiện điều đó, chẳng hạn: “Phê bình văn học và ý thức đi tìm cái khác”, “Đứng về phe cái khác”...Đương nhiên, chúng ta rất ủng hộ sự dấn thân của thế hệ trẻ trong việc tìm tòi, trước tiên cho chính mình bởi không ai muốn mình bị nhòe mờ trong đám đông, sau nữa, góp vào diện mạo chung của đời sống văn chương. Chính ý thức đó của người viết đã làm cho văn chương trở nên phức điệu”- (Tôn Phương Lan). Lại cần phải nói thêm về bản thân người làm lý luận phê bình, P.GS,Ts Trần thị Trâm khẳng định: “Nội lực là sức mạnh từ bên trong của con người, sức mạnh tổng hợp của trí lực và thể lực. Muốn có nội lực trước hết cần phải có được một cái phông văn hóa theo nghĩa rộng, bao gồm không chỉ là những kiến thức văn hóa nghệ thuật mà còn là cả những hiểu biết về triết học, đạo đức, chính trị, xã hội, công nghệ, ngoại ngữ …Nội lực ấy chính là cơ sở tạo nên bút lực và bút hồn cho mỗi tác phẩm của nhà nghiên cứu phê bình, nó thể hiện trình độ học vấn, kiến thức văn chương nghệ thuật, kiến thức lý luận, những hiểu biết về lý thuyết chuyên ngành và khả năng làm chủ những kiến thức đó để tạo nên bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, để có thể làm việc một cách chuyên nghiệp…Có thể nói: nội lực là vấn đề then chốt nhất, quyết định tầm vóc, phong cách và sự phát triển bền vững của nhà phê bình.
Bên cạnh đó, các ý kiến tham luận cũng tập trung đánh giá ở “chiều ngược lại, đây như là một yếu tố thách thức đối với nhà phê bình văn học. Bởi nếu không có những đầu tư nghiêm túc, phê bình văn học sẽ bị co cụm trong một vài đối tượng độc giả. Không phải là không có những than phiền rằng tác phẩm phê bình văn học rất khó bán bên ngoài thị trường. Sự thách thức này chắc chắn sẽ tác động nhiều trong tương lai và dần dần làm thay đổi diện mạo và tâm thế của phê bình văn học. Nhà phê bình văn học trước hết không thể dẫn dắt và định hướng thẩm mỹ một cách một chiều... Nhưng hơn nữa, nhà phê bình cũng khó có thể chỉ bình thản đứng sau câu chữ, mà phải xuất hiện nhiều hơn, tạo ra phong cách, sắc màu riêng biệt hơn”- (Đức Anh). Một thiên chức của nhà phê bình là nhìn sang các sáng tác: “Nếu như nhà sáng tác không có ý thức trang bị và lĩnh hội cho mình những kiến thức cơ bản về LLPB văn học thì sớm muộn anh ta cùng lắm cũng chỉ có thể sản sinh ra những tác phẩm không hoàn chỉnh, bán thành phẩm, dưới mức trung bình. Một khi những xúc cảm trong sáng tác văn chương không được lọc qua cái filter của lý trí thì rất dễ rơi vào tình trạng tự nhiên chủ nghĩa, gặp gì nói nấy, không biết mình viết đúng hay không và viết để làm gì trong những văn cảnh cụ thể. Cái filter lý trí sẽ giúp cho nhà văn sáng tác tạo ra những tác phẩm có bố cục, kết cấu chặt chẽ, rõ ràng hợp logic với đời sống của con người và xã hội tại từng thời điểm khác nhau của lịch sử; có ngôn ngữ thể hiện phù hợp với từng văn cảnh của thời đại mà nhà văn đang sống, cũng như hợp với từng lớp, loại nhân vật”- (Đỗ Ngọc Yên)
Ở một phương diện khác, ngoài các tác phẩm lý luận phê bình đứng riêng rẽ thành tập, nó còn có sự hiện diện trên báo chí. Chính báo chí là nơi mà nhận định, đánh giá sáng tác về giá trị tác phẩm cũng như quan điểm tác giả dễ và nhanh chóng phổ cập đến các nhà văn và bạn đọc. Theo nhà văn Vũ Nho: “ Có thể nói các cây bút lí luận, phê bình của riêng Hà Nội khá mỏng. Hội đồng lí luận phê bình của Hội nhà văn Hà Nội có thống kê các đầu sách lí luận phê bình được xuất bản trong nhiệm kì là bao nhiêu? Các bài viết lí luận phê bình đăng trên báo Hà Nội mới cuối tuần, trên tạp chí Người Hà Nội là bao nhiêu? Các bài viết của Hội viên đăng trên báo, tạp chí Trung ương là bao nhiêu? Chỉ có làm như thế, chúng ta mới nhìn rõ lực lượng của Hà Nội như thế nào, mạnh hay yếu? mạnh ở mặt nào và yếu ở mặt nào?..Vấn đề thách thức của Hà Nội là phát hiện, bồi dưỡng lực lượng kế cận, tạo điều kiện cho họ xuất hiện trên diễn đàn. Bám sát các sáng tác của Thủ đô, giúp công chúng tiếp cận với các tác phẩm của nhà văn Hà Nội về đời sống của Thủ đô và cả nước.Tôi cho rằng Ban chấp hành Hội cần chỉ đạo Tạp chí Người Hà Nội khôi phục và nâng cấp chuyên mục mang tính chuyên sâu hơn”.
“Thành tựu trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng là kết quả của sức mạnh tổng hợp (cộng đồng trách nhiệm). Tuy nhiên sáng tác văn học là một lĩnh vực đặc thù vì lao động mang tính cá thể hóa cao độ. Không có con đường rải đầy hoa thơm cỏ ngọt cho người làm văn. Không có vinh quang nào không cay đắng với người làm văn. Cổ nhân dạy “Lập thân tối hạ thị văn chương” luôn cảnh giới chúng ta. Đó là con đường thiên lý đầy chông gai. Hoạt động LLPB lại càng gian nan, phải tích lũy bền bỉ, phải nỗ lực cao, như câu dân gian thường nói “thầy già con hát trẻ” (thầy ở đây là người làm nghiên cứu/lý luận/phê bình). Những người làm công tác LLPB của Hội Nhà văn Hà Nội dĩ nhiên không có yêu cầu biệt đãi so với người sáng tác, vì biết Hội là nơi có kha khá dân số hội viên thuộc “diện hộ nghèo” của Thủ đô (!?). Nhưng những người làm công tác LLPB của Hội NVHN cần/ mong được lãnh đạo Hội quan tâm, tôn trọng, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất trong điều kiện có thể. Nhân lực có thể nói không thiếu không yếu. Nhưng vật lực xem ra còn mỏng mảnh không tương xứng. Có thực mới vực được đạo, cổ nhân đã dạy chắc không sai… Cảm hứng tương lai bao giờ cũng quan trọng, nó kích thích niềm say mê sống và làm việc. Thời gian tới (2023-2025) là những mốc lịch sử: Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024), 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025). Đó là những “ngoại cảnh” đặt ra trước toàn thể Hội NVHN, cũng như hội viên chuyên ngành LLPB những việc cần làm ngay. Nếu ban lãnh đạo Hội NVHN có nhiều sáng kiến thì cần tạo nguồn vật lực để kịp thời tổ chức bản thảo và xuất bản một bộ sách tôn vinh văn chương Thủ đô có truyền thống cả ngàn năm, chí ít bộ sách này cũng giới hạn vào thời hiện đại (1954-2024, hoặc Đổi mới 1986 đến nay). Tôi nghĩ không quá khó để thực hiện dự án văn chương này. Thử hình dung, ngày 10-10-2024 khi Hà Nội rực rỡ cờ hoa long trọng và hân hoan Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, ở các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, người dân có thể nâng niu trên tay một ấn phẩm văn chương đẹp (hình dung có tựa Hà Nội bảy mươi mùa hoa văn chương/ Hà Nội văn chương đổi mới và phát triển). Không ai ngăn cản chúng ta mơ ước, vì “không thành công cũng thành nhân”- (Bùi Việt Thắng)…
Không khí buổi tọa đàm cuối buổi vẫn giữ nhịp hấp dẫn như ban đầu vậy. Còn nhiều nữa các ý kiến đầy tâm huyết, khao khát cần tổ chức thêm và đều đặn các buổi sinh hoạt, tọa đàm về lĩnh vực này trong năm 2023. Đó là bài học chuyên môn sâu đối với bất cứ người làm chuyên trách LLPB và người chuyên sáng tác nào. Nhìn về thế hệ LLPB lớp trước, một nhà văn trẻ muốn gửi đến tất thảy chúng ta: “Với tư cách những người độc giả yêu chuộng và mến mộ phê bình, chúng tôi một lần nữa đề cao nhu cầu tìm đọc và thưởng thức phê bình văn học. Cái ta đang nghĩ là đúng hay sai, ta phải cư xử ra sao với một chuẩn mực mới.. Tất thảy những băn khoăn ấy trong một đời sống cá nhân, đều có thể được tác động bởi phê bình văn học, thậm chí còn mạnh mẽ hơn một tác phẩm văn học cụ thể. Phê bình văn học tạo ra những nhịp để neo giữ tư duy, làm ra những điểm tham chiếu về cách nhìn nhận cuộc sống. Nhà phê bình văn học sống thêm nhiều cuộc đời của những người khác, tìm cách thông báo về tồn tại của những thiết chế, những định kiến, phản biện xây dựng xã hội. Tuy họ không định nghĩa lại về thế giới, nhưng mách bảo chúng ta luôn phải nghĩ khác đi. Vì thế, việc nâng niu, trân trọng và liên tục khẳng định, vun đắp cho giá trị của phê bình văn học là công việc cần thiết và cơ bản hơn cả mà đội ngũ làm phê bình hôm nay cần tự tin, sắc sảo và mạnh mẽ hơn với việc nghiên cứu hay giải mã nhu cầu của người đọc về những trang phê bình”.
PV. 1/12/2022. Ảnh Vũ Nho
Nguồn tin: VP Hội
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn