Y Ban
Nhà văn Bùi Việt Mỹ và Gs.Ts Trần Đăng Suyền chủ trì buổi Tọa đàm
Sáng ngày 5/6/2024, tại Hội trường 19 Hàng Buồm, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tọa đàm “Mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hình tượng văn học”. Chủ trì buổi hội thảo là GS.TS Trần Đăng Suyền - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Hội Nhà văn Hà Nội và nhà thơ Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Hà Nội. Mặc dù thời tiết rất xấu, trời mưa to nhưng vẫn khá đông các nhà thơ, nhà văn tham dự.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, nhà thơ Bùi Việt Mỹ cho biết trong đời sống văn học đương đại, đề tài lịch sử tiếp tục là là nguồn cảm hứng lớn đối với anh chị em văn nghệ sĩ. Năm trước, ngày 26/8/2023, Hội Nhà văn Hà Nội cũng đã tổ chức tọa đàm “Văn học về đề tài lịch sử và những chuyển động”. Năm nay, chủ đề buổi tọa đàm là “Mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hình tượng văn học”. Tọa đàm vừa nhận diện, đánh giá, vừa nhìn nhận thực trạng tác động, khẳng định vị trí và bước đi tiếp theo của đề tài lịch sử trước nhu cầu thực tế của thời đại.
Lịch sử và văn chương có độ vênh lệch nhất định do mức độ hư cấu được phép đối với mỗi loại thể. Trong khi sử gia cần ghi chép một cách khách quan, xác tín thì nhà văn lại cần sự sáng tạo, giả tưởng. Tại tọa đàm, các tham luận đã mang tới những góc nhìn đa chiều xoay quanh mối tương quan giữa lịch sử và văn học.
Trình bày tham luận Mấy suy nghĩ về sự thật lịch sử và nhân vật văn học tại tọa đàm. PGS.TS Vũ Nho cho rằng các nhà văn viết về lịch sử với những anh hùng dân tộc và sự kiện lịch sử có thật. Tiểu thuyết có khi đưa nhân vật đã "thiêng hóa" trong dân gian gần với đời sống hơn, "Tiểu thuyết là truyện bịa y như thật" (Đời viết văn của tôi, Nguyễn Công Hoan).
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân đưa ra ý kiến: Nếu viết tiểu thuyết bám quá chặt vào chính sử thì sẽ dễ khô cứng. Viết tiểu thuyết lịch sử chỉ dựa vào truyền miệng dân gian dễ xa rời lịch sử. Nếu viết tiểu thuyết dựa vào cả chính sử và dã sử sẽ dễ làm sống dậy hình tượng nhân vật. Nhà văn nhấn mạnh: “Bằng quyền năng của mình, nhà văn cần lên tiếng khi lịch sử im lặng hoặc có những con người bị oan khuất”.
Cùng ý kiến với nhà văn Nguyễn Trọng Tân, NSND Trần Quốc Chiêm cho biết, tác phẩm sân khấu đa số là về đề tài lịch sử. Nhân vật diễn trên sân khấu có sự hư cấu sáng tạo nhưng không thể bẻ cong lịch sử. Người đạo diễn phải bám sát lịch sử với những nhân vật có thật đồng thời có sự hư cấu, sáng tạo nhưng vẫn phải làm sao cho thiên biến vạn hóa, đông thời lại phải thấu tình, đạt lý, thể hiện rõ tính logic và nhân văn.
Là người đã viết 7 cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Phùng Văn Khai cho rằng, sức mạnh của tiểu thuyết là hư cấu nhưng vẫn phải bám vào cốt lõi lịch sử. Sự thật lịch sử là “cái đinh” để nhà văn gửi thông điệp đến bạn đọc.
Do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân chữ viết của ta, chữ quốc ngữ ta đang dùng ra đời chậm; lịch sử Việt Nam gắn bó rất chặt với lịch sử Trung Quốc. Nhà văn Kim Dung, cây bút viết tiểu thuyết lịch sử rất giỏi hư cấu. Tác phẩm của Kim Dung có sức hút mạnh mẽ. Nhiều bộ phim lịch sử dựa trên tác phẩm đó rất hấp dẫn người xem. Thế giới biết rất nhiều đến văn hóa Trung Quốc nhờ đọc tác phẩm của Kim Dung; có cả viện nghiên cứu riêng về tác phẩm của Kim Dung. Qua đó nhà văn Phùng Văn Khai cho rằng văn học về đề tài lịch sử của ta cần được quan tâm và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Khai thác vấn đề Từ tư liệu lịch sử đến tác phẩm văn chương, nhà văn Lê Hoài Nam nhận định, có những đề tài và nhân vật lịch sử quá xa, tư liệu rất ít, chỉ vài dòng trên bia đá. Lại có những sự kiện và nhân vật có quá nhiều nguồn tư liệu và thông tin. Điều quan trọng là nhà văn sử dụng như thế nào? Mỗi người viết phải biết chọn lọc, tổng hợp và khái quát để đưa vào tác phẩm những gì là cần thiết. Sau nữa, nhà văn cần chọn phương pháp thể hiện nào cho thích hợp? Nếu chỉ theo một phương pháp hiện thực cổ điển, bạn đọc trẻ thấy dễ đơn điệu. Chính vì vậy trong Cuộc đời xa khuất viết về vua Tự Đức và triều thần, Lê Hoài Nam đã sử dụng phương pháp hậu hiện đại. Toàn bộ nội dung tác phẩm chỉ diễn ra trong 5 ngày đêm qua “cuộc họp mặt kỳ lạ” giữa cả người sống và người chết…
Nhà lý luận phê bình Đỗ Ngọc Yên đưa ra ý kiến: thuộc tính của văn học nghệ thuật là tính chủ quan của người sáng tạo. Nhà văn phải là người biết sáng tạo ra thế giới thứ hai, thế giới của cái đẹp và nhân văn. Những việc chính sử ghi chép, nhà văn phải biết xử lý theo cách riêng của mình. Nhà văn cần xây dựng hình tượng nhân vật trong tác phẩm của mình sao cho không xa lạ với quan niệm của nhân dân; giải mã lịch sử theo cách của mình sao cho lịch sử đó phải sống động, phải thật hơn sự thật.
Theo nhà văn Bùi Việt Thắng lịch sử là nền tảng cho các nhà văn sáng tạo, phát triển tầm vóc văn chương của mình: “Cảm hứng lớn, tích cực giúp nhà văn có tầm bay cao, bay xa của đại bàng nhìn thấu cuộc sống cả trong bề rộng lẫn bề sâu (nói cách khác là năng lực thấu thị lịch sử, cuộc đời, con người)". Ông lưu ý trong văn học viết về đề tài lịch sử là cùng một sự thật, con người lịch sử nhưng có rất nhiều người viết với những góc nhìn, sáng tạo khác nhau. Chẳng hạn như chiến thắng Điện Biên Phủ. Tố Hữu có Hoan hô chiến sỹ Điện Biên, Đỗ Nhuận có bài Giải phóng Điện Biên, Hữu Thỉnh có trường ca: Giao hưởng Điện Biên…
Nhận định chung về tọa đàm, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định cuộc tọa đàm đã đi trúng, đi sâu vào vấn đề trung tâm của đời sống văn học đương đại. Quan điểm của các tác giả đưa ra cơ bản là thống nhất với nhau. Sự thật lịch sử và tưởng tượng hư cấu trong văn học chính là tư duy nghệ thuật của người nghệ sĩ. Đề tài lịch sử trở thành đối tượng của văn học nghệ thuật. Nhiệm vụ của nhà văn là làm sáng rõ những góc khuất của sự thật lịch sử mà chính sử chưa có điều kiện ghi chép chi tiết.
“Năm 2025 sắp tới, chúng ta sẽ long trọng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Chúng ta cần thấy được đóng góp của nền văn học như thế nào với sự phát triển của đất nước. Rất ghi nhận thành tựu của những nhà văn viết về đề tài lịch sử. Trước đây có Nguyễn Huy Tưởng, Lan Khai... Văn học đương đại hiện nay có nhiều cây bút đề tài lịch sử: Hoàng Quốc Hải, Phùng Văn Khai, Nguyễn Quốc Khánh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Trọng Tân, Lê Hoài Nam, Bùi Việt Sỹ…”. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.
Kết luận tọa đàm, GS. TS Trần Đăng Suyền khẳng định, viết về đề tài lịch sử không phải là minh họa hay bóp méo lịch sử. Lịch sử vốn là chân lý vĩnh cửu nhưng không dễ nắm bắt. Nhà văn sáng tác sao cho tiệm cận với chân lý nghệ thuật, chân lý của lẽ đời.
Tuy tác phẩm lịch sử có những yêu cầu và đặc trưng riêng nhưng vẫn nằm trong quy luật chung của văn học nghệ thuật, tác phẩm nào cũng phải hướng bạn đọc đến với Chân – Thiện – Mỹ, vừa thể hiện tính tư tưởng, vừa tỏ rõ được phong cách nghệ thuật riêng.
Đề tài lịch sử là một dòng chảy lớn trong đời sống văn học hôm nay, cần có sự nghiên cứu, hội thảo nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa.
Với các tham luận được trình bày và một số ý liến phát biểu của các nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình văn học và nhà văn chuyên viết về đề tài lịch sử tại tọa đàm, các đại biểu dự tọa đàm nhận thức thấm thía và thú vị về mối.Với các tham luận được trình bày và một số ý liến phát biểu của các nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình văn học và nhà văn chuyên viết về đề tài lịch sử tại tọa đàm, các đại biểu dự tọa đàm nhận thức thấm thía và thú vị về mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hình tượng văn học. Nội dung buổi tọa đàm chuyên đề đã mở ra hướng để các nhà văn tiếp tục sáng tạo nghệ thuật phục vụ công chúng và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Y.B.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn