Đầy vơi tập tàng - thơ Phạm Ngọc Tâm Dung và lời bình

Thứ bảy - 12/08/2023 08:32

Đầy vơi tập tàng - thơ Phạm Ngọc Tâm Dung và lời bình

 

ĐẦY VƠI TẬP TÀNG
 
               Phạm Ngọc Tâm Dung
 
Cao sang đài các chi đâu
Mà câu thơ lại nhớ rau tập tàng
 
Xanh đầu thôn, mướt cuối làng
Thài lài rau rệu ôm quàng bờ ao
 
Tầm bóp nép cạnh mé rào
Dền cơm lúp xúp xen vào rãnh ngô
 
Mùng tơi quấn quít dậu thưa
Thập thò mảnh bát rúc bờ tre cao
 
Rau dừa lùn ngọn xó ao
Búi sam bịn rịn táp vào cỏ hoang
 
...Mẹ về quần chửa kịp buông
Bếp rơm mẹ nấu canh suông tập tàng
 
Thương con cơm độn khoai làng
Bàn tay mẹ múc mẹ chan vơi đầy
 
Con đi bao tháng bao ngày
Đất trời nay đã đổi thay khác rồi
 
Thơ con viết chẳng hết lời ...
Bát canh mẹ nấu đầy vơi ...tập tàng.
 
 
 
d                       

        
       LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN ĐÌNH BẮC
 
        Lần ấy, trên chuyến xe về quê lúa Miền Cổ Tích Thái Bình, Tâm Dung đọc cho mọi người nghe bài một thơ viết về quê hương từ năm 2014. Bài thơ mang một cái tên giản dị: “Đầy vơi tập tàng”.
“Tập tàng” là tên gọi chung cho một loại rau, gồm hỗn độn dăm bảy, có khi hàng chục thứ cây thảo cỏ lành, người ăn được. Loài rau này, mọc tự nhiên ở vùng đất hoang hóa, xen lẫn bãi cỏ, cây dại bên đường, bờ dậu bìa làng, có loại bò loang trên mặt ao quê.
Bao thời nay, canh tập tàng, trở thành món thực phẩm dân dã, ngọt lành, mát lòng mát dạ. Nó là món canh rau “chủ lực” của người nghèo, trong hoàn cảnh thiếu đất canh tác và trái thời vụ.
Tục ngữ ta có câu:
“Canh tập tàng thì ngon
  Con tập tàng thì khôn”
Thường thì, khi viết về đề tài thôn quê, người ta hay chọn những cảnh đẹp thanh bình, như những bức tranh trù phú, lãng mạn... Ví như đồng lúa vàng bát ngát, bãi ngô non biêng biếc xanh, miệt vườn chiu chít quả, một cánh cò lãng đãng buổi hoàng hôn, hay mái đình, cây đa, giếng nước, con đò hò hẹn...làm nguồn cảm hứng. Nhưng ở đây, nguồn thắp lửa cho thơ Tâm Dung lại là một cảnh quê nghèo cùng nỗi nhớ “đầy vơi”:
“Cao sang đài các chi đâu
Mà câu thơ lại nhớ rau tập tàng”
Với cách nói ngược, thậm xưng, để lý giải, tại sao món đồ ăn không “Cao sang đài các” mà được tác giả “nhớ” đến mức cảm xúc cháy thành thơ! Xin đọc khổ thơ tiếp theo:
                  “Xanh đầu thôn, mướt cuối làng
Thài lài rau rệu ôm quành bờ ao
Tầm bóp nép cạnh mé rào
Dền cơm lúp xúp xen vào rãnh ngô
Mùng tơi quấn quít dậu thưa
Thập thò mảnh bát rúc bờ tre cao
Rau dừa lùn ngọn xó ao
Búi sam bịn rịn táp vào cỏ hoang ...”
Tuy là những câu thơ tả chân, nhưng ngòi bút thật khéo, với lối viết gợi hình: “ôm quàng”, “nép”, “xen”, “rúc”, “lúp xúp”, “quấn quýt”, “thập thò”, “bịn rịn”...
Việc sử dụng hàng loạt động từ, từ láy gợi tả, phép nhân hóa...Tâm Dung không chỉ với mục đích “thống kê” tên các loại rau hổ lốn, “tranh thủ” mọc tự nhiên, tại những nơi hoang hóa, hoạc tạm bợ không “chính chủ” bên những thẻo, những khe, rãnh đất thừa, mà còn thành công trong việc “tạo dáng” cho từng loài, để chúng có được thân phận và cả hồn vía của những đời cây.
Song, sau hết, người đọc dường như lại thú vị nhận ra: Những cây rau, “xanh” “mướt” ngon lành, thơm mát kia, ngoài việc chúng là những “nhân vật” điển hình, làm lãng mạn cho vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của làng quê, chúng còn là những “nhân vật” điển hình cho loài cây chịu thương chịu khó, không chê cuộc mưu sinh khe khắt, cố níu bám vào chút đất quê hạn hẹp mà sinh tồn, mà tươi xanh, mà làm bạn với người nghèo, tặng cho họ sự no lòng mát dạ.
Như vậy, người nắm rất chắc “địa chỉ” của từng loại rau, cũng như “hành trình” khai thác rau, quyết không thuộc đẳng người... “cao sang đài các”!
Phải những ai đã từng sống ở nông thôn, ở cái thời của ngày xưa ấy, đã từng hằng ngày cắp rổ bòn rau, căng mắt quan sát, lần mò vạch cỏ tìm cây, mới có thật nhiều sẻ chia cảm xúc với tác giả bài thơ!
Nếu phần trên của bài thơ là những nỗi niềm nhớ thương, những hình ảnh đẹp độc đáo, giản dị, trong veo, tươi xanh của cảnh làng quê với những món rau dại hiền lành...thì phần tiếp theo, tác giả lại hướng cảm xúc về một “nhân vật trữ tình” tuyệt vời, đó là mẹ - một điểm tựa thật lớn, thắp lửa cho trái tim thơ:
“... Mẹ về quần chửa kịp buông
Bếp rơm mẹ nấu canh suông tập tàng
Thương con cơm độn khoai lang
Bàn tay mẹ múc,mẹ chan vơi đầy...”
Bốn câu thơ, tựa như thước phim quay chậm. Sự xuất hiện hình ảnh “mẹ về” rất cụ thể và sinh động với “Quần chửa kịp buông”, trong tay là một mớ rau hoang hái vội trên đường. Người vội vã để nguyên quần xắn, bùn đất, lao vào “bếp rơm”, cơm nước chăm sóc gia đình.
Đọc đến đây, tôi bỗng nhớ, những vần thơ nức nở của Tâm Dung, khi chị viết mối tương quan của mình với mẹ, để bạn đọc thấy được sự nhất quán trong mạch ngầm nơi thơ chị:
“Điều tôi chắc, tôi sinh từ câu hát
Con bống cái cò lặn lội bờ sông
Từ hạt mồ hôi từ vết bùn chân mẹ
Từ mái nhà xưa chiều lam khói thơm nồng...”
(Tôi của Miền Cổ Tích - Thơ Tâm Dung)
Và giờ đây, trước mắt tôi đang hiện ra một mâm cơm dọn vội, một bầy trẻ lít nhít, háu ăn, vài lưng cơm độn khoai lang lỏng chỏng, trong khi “nồi còn bốc hơi thì cơm đã hết”. Duy chỉ còn nồi canh “suông” tập tàng là đầy đặn, ngon lành đang ngào ngạt tỏa hương.
“Bàn tay mẹ múc, mẹ chan vơi đầy”
Bây giờ cơm cũng “vơi” rồi! Cả khoai cũng vậy! Chỉ còn canh suông rau hoang dại! Và những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi nhớn cần được no lòng...
Tôi lặng đi thật lâu, trước từ “vơi đầy” của Tâm Dung. Và tôi xót xa nhận ra dòng nước mắt đang “đầy vơi” lặn sâu trong ngực mẹ!
Rồi tôi lại ngẩn ngơ, trộm nghĩ: Câu thơ hay quá rồi, gan ruột, tim óc quá rồi, tự nó có sức ngân vọng, không cần phải bình, phải tán gì thêm...
Những kỷ niệm về quê hương, về gia đình, về mẹ...lặn thật sâu một đời vào lòng người con gái thảo hiền, đau đáu tạc thành sự ngọt ngào, niềm thương, nỗi nhớ, lòng biết ơn...
Nhưng tiếc thay, tình yêu thương của mẹ bao la mà câu từ “thơ con” bé nhỏ. Tác giả trần tình:
“Thơ con viết chẳng hết lời
Bát canh mẹ nấu đầy vơi... tập tàng...!”
Một lần nữa, từ “đầy vơi” lại được lặp lại, một cách cố ý.
Tuy âm vực vẫn giữ nguyên, nhưng đọc lên ta thấy, “đầy vơi” ở đây không chỉ đặc tả hình tượng mẹ, mà còn là sự thổn thức của chính người con. Do vậy, sự biểu cảm ý nghĩa của “đầy vơi” ở câu kết lại được nâng cao hơn, khái quát hơn và khắc sâu hơn...
Tâm Dung sinh ra và trưởng thành từ cái nôi của làng quê.
Mẹ và quê hương luôn mang một vẻ đẹp, niềm tự hào, và một điểm tựa sức mạnh trong thơ chị; Nhiều khi được thể hiện vừa có tính cụ thể, vừa có tính tượng trưng. Màu xanh của cây cỏ, mùi thơm tho của hoa trái, sức bền của đất, vừa thấy thương, vừa thấy hi vọng, vừa có gì như mỏng manh, cam chịu...
Với “Đầy vơi tập tàng”, người con gái miền sông nước ấy, đã cố gắng rút lòng mình dù, “viết chẳng hết lời lời”, trả được phần nào chút hiếu nghĩa cho quê hương.
Ngày nay, xã hội đã có nhiều thay đổi. Trong bữa ăn hàng ngày từ thành thị đến nông thôn đã được cải thiện, thậm chí là thịnh soạn. Các món ẩm thực mang sắc màu Bắc Nam, Tây Tàu chẳng khan hiếm gì. Và nỗi băn khoăn về sự độc hại của thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất cũng đang rung lên từng hồi chuông báo động.
Việc trở về với các món ăn truyền thống, cũng là sự lựa chọn của nhiều người. So với những lời giới thiệu của những người sành ẩm thực hiện đại, về những món “rau dớn dâng vua”, “rau cải hoàng hậu”, “cá kho làng Vũ Đại”... "Đầy vơi tập tàng” mộc mạc, giản dị, hiền lành từ tư duy người viết, cho đến những vần thơ lục bát ngọt ngào, thủy chung của Tâm Dung, thì độ sâu lắng nó hẳn khác xa
Với “Đầy vơi tập tàng” nói riêng, và thơ văn nói chung, Tâm Dung đã tạo cho mình một “Thương hiệu” khá độc lập, không lẫn với bất cứ ai. Và thiển nghĩ: Sở dĩ thơ Tâm Dung đã chiếm được chỗ đứng trong lòng độc giả, ấy là vì: chị đã nhóm lên từ đống lửa thời gian mệt mỏi, lụi tàn một vẻ đẹp lạ lùng, lộng lẫy, nồng nàn và ấm áp của tình mẫu tử, tình quê hương, tình người...mà trong mỗi chúng ta, ai cũng tìm thấy ít nhiều hình ảnh mình trong đó.
 
Bán đảo Linh Đàm 10-8-2023
          Nguyễn Đình Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây