THEO DẤU CHÂN CỦA LÀNG

Thứ sáu - 11/08/2023 08:02
Trích trường ca của Nguyễn Ngọc Tung
THEO DẤU CHÂN CỦA LÀNG

NGUYỄN NGỌC TUNG
Trường ca
(Trích)
 
Chương I
Ngày trở về
 
I. Cổng làng
1.
Theo dấu chân Giao Chỉ
Tôi đứng lặng trước cổng làng
Âm âm bước chân Cha ông thuở trước
Mang mang giọng nói khuôn mặt
Hao hao dáng người
Ai như dáng Mẹ dáng Cha?
Bước chân tất tưởi gánh mùa
Quê hương là tiếng giã vừng của Mẹ
Khói lam chiều vấn vít bờ tre
Nửa đời biền biệt
Ký ức buồn vui nhoi nhói dội về.
 
Cái dại nhớ lâu
Cái khờ ở lại
Ngô non nướng thơm hương đồng gió nội
Nướng cay mắt khói
Nướng chín hoàng hôn
Mũi quệt ngang tay áo
Gặm giấc mơ cánh diều
Mải chơi bi chơi đáo
Để trâu ăn hết nắng chiều tuổi thơ
Bạn bè tôi bây giờ
Ai quên ai nhớ?
Xin đừng nghĩ quả chín là đỏ vỏ
Trước cổng làng mọi thứ vẫn còn xanh!
Cổng làng những trưa hè
Nhựa mít, nhựa sung chấm con chuồn chuồn ngô,
con chuồn chuồn ớt
Nhốt vỏ bao diêm
Áp tai nghe chuồn chuồn hát
hay chuồn chuồn khóc?
Dấu chân sáo ngày nào mót thóc
Bắt châu chấu, cào cào, đổ nước dế bờ sông
Châu chấu cài túi áo kim băng
Cào cào áo đỏ áo xanh bay đi giã gạo
Dế làm tiệc cho chim sáo
Chỉ còn câu đồng dao
Xuyên qua thế kỷ
Chỉ còn em
Và anh
Đuổi nhau qua nhiều ngõ xóm
Đằng đẵng cổng làng.
 
Lớp học ngày xưa
Anh và tôi cùng trang khác lứa
Cùng lớp, chẳng cùng năm sinh
Đứa lớn bắt nạt đứa bé
Xa nhau rồi lại nhớ lại thương
Lời chế nhau đỏ mặt
Để bây giờ gặp lại
Cứ cười xòa cánh phượng sân trường.
Đình chùa nào cũng thành lớp học
Ngồi cùng ông Thiện, ông Ác
Trót chỉ tay vào Phật
Ngày mút ngón mấy lần
Ông Hộ Pháp, ông Thiên Lôi
Chẳng ngăn được “Con ma”, “Thần sấm”
Hầm ngang, hào dọc
Bom đạn bay trên đầu
Tôi mang cả câu Kiều xuống hầm trú ẩn
Bản cửu chương thuộc lòng
Mà đời người chẳng hề tính toán.
 
2.
Cổng làng dắt tôi chập chững bước đầu đời
Một thời mũ rơm
Khăn quàng đỏ
Chiếc áo màu cỏ
Đất nước xanh, màu xanh phòng không
Túi sách đến trường
Lọ mực và cây bút sắt
Toòng teng vài quyển sách
Mà cả đời nặng nghĩa nhân sinh
Bây giờ các em ba lô đi học
Học chóng mặt quên cả tuổi thơ.
 
3.
Cổng làng, pho sử làng
Không bằng giấy bằng mực
Vết nứt hình sấm hình chớp
Hốc đại bác như hốc mắt chòng chọc nhìn tôi
Giặc lùng sục
Đốt cửa đốt nhà
Mẹ gánh tôi vượt sông sơ tán
Bờ tre ở lại, Cha tôi ở lại
Cổng làng ở lại
Trong mắt Mẹ lửa cháy bên trời
Chuyến đò chiều chạng vạng tuổi thơ tôi.
Sách giáo khoa tôi học
Còn bọc bìa giữ lại cho em
Một thời chữ viết cà nhắc
Câu chưa trọn, ai đã ngắt xuống dòng
Để câu thơ quằn quại
Câu thơ tan nát nỗi lòng
Đã dấn thân tìm chữ
Rút ruột nhọc nhằn
Càng đào càng mênh mông
Ta nhỏ nhoi ngọn cỏ
Chữ nghĩa như núi như rừng.
 
Cổng làng
Nắng mưa vuốt mặt
Vui buồn đi qua
Đám rước dâu pháo đì đùng ngõ xóm
Đám đưa ma kèn trống thê lương
Cha vác bừa đi qua
Mẹ gánh mùa kĩu kịt
Người tốt, kẻ xấu đi qua
Chỉ giặc giã vào làng không đường trở lại
Người về nặng nỗi cố hương
Lối về rưng rưng sỏi đá
Cái nhớ vẫn nhớ
Cái quên chưa quên
Con sông năm tháng chẳng thay dòng
Tôi lỡ hẹn vầng trăng ngày ấy
Cái đã qua làm sao trở lại
Ngày đưa sáo sang sông
Cổng làng man mác buồn
Bông gạo bay, trắng dọc đường lông ngỗng.
Cổng làng
Nắng mưa trần trụi
Cây thay lá sang mùa
Mẹ bảo, tuổi thơ Mẹ đã thấy những lớp rêu già
Cổng làng chẳng bao giờ đóng cửa
Mang ngấn nước năm vỡ đê
Làng đói quay đói quắt
Người xuống xuôi, kẻ lên ngược
Làm thuê kiếm củ sắn củ mài
Qua tháng Ba ngày Tám
Ông xẩm đi đâu?
Ông xẩm không về
Tiếng nhị dãi dề
Giọng xẩm lê thê
Phận người mang đi, câu hát ở lại
Cung oán cung thương quặn thắt phương nào?
 
4.
Ngày trở về
Làng đã đổi thay
Những đứa trẻ trong làng
Đứa nhận ra tôi, đứa không biết
Con đường xưa đã khác
Người xưa đâu rồi?
Ai còn ai mất?
Cổng làng - Căn cước trắng đen!
Cổng làng chứng nhân
Giặc giã và dịch bệnh
Lũ lụt và mất mùa
Vẫn giữ giùm tôi mùi vừng thơm quê kiểng
Vẫn giữ giùm tôi ngọn khói xanh trời.
Cổng làng không cao
Mấy tầng nhà ngước mắt!
Ai giải mã nét hoa văn cổ
Giải mã rêu phong cổ tích cổng làng
Cổng làng soi đáy giếng
Vết chạc mòn tang đá
Gương đất gương trời
Tôi soi vào khuôn mặt Cha ông
Uống ngụm nước mát lành tâm thức
Đời trăm ngả
Lối về chỉ một
Mỗi ban mai lại gặp mặt trời
Mỗi con người có một quê hương.
 
II.Lời cổ thụ
 
1.
Đêm thăm thẳm
Vọng lời cổ thụ
Thuở ngón chân cái bà chõe ra cánh đồng
Khai hoang tìm đất tìm nước
Dấu chân in bờ mương góc ruộng
Bàn chân Cha hà rỗ tổ ong
Bàn tay Mẹ nứt bùn
Con cò con vạc bay ra từ lời hát
Bay vào điệu thức ca dao
Bay vào đời tôi chập chờn cánh võng
Gió mùa Thu, kẽo kẹt gió mùa Thu
Lời cổ thụ canh khuya
Em có thức cùng ta nghe gió hát?
“Đường dài ngựa chạy biệt tăm
Người thương có nghĩa trăm năm cũng về ”! (1)
Cổng làng
Mở ra trang sách
Mở ra chân trời
Mặt trời đi qua, mặt trăng đi qua
Cánh chim bay đi, cánh chim tìm về
Người làng bước ra biển lớn
Người ở lại quê
Tôi như người có lỗi
Cổng làng bao dung rộng mở lối về.
 
Cổ thụ che mát làng tôi
Người đi, rầm rập bước chân người
Mòn đất mòn đá
Mòn bờ mương bờ ruộng
Đầm sen đầy trăng
Trăng soi trên trời, trăng in đáy nước
Trăng thao thức, trăng hẹn hò
Đôi ta yêu nhau đôi bờ xa cách
Cổ thụ lẻ trăng
Đêm nào em khóc
Bao nhiêu nước mắt bấy nhiêu nhớ thương
Bao nhiêu mắt lá che tôi dặm trường.
Cổ thụ neo giữ hồn quê
Sáo đậu cành cao, chào mào cành thấp
Con cò vẫn nhớ ngọn tre
Con cuốc nhớ non nhớ nước
Gọi rạc mùa hè
Tôi về nơi chôn nhau cắt rốn
Nơi tiếng khóc chào đời
Tiếng khóc xé quầng trăng, tiếng khóc vỡ
mặt trời
Tạc nên dáng vóc đời tôi
Quá nửa đời tay súng tay bay
Chân mây góc bể
Tôi chưa làm được gì cho Mẹ
Tóc đã thành mây bạc trắng chân trời!
 
2.
Đất nước tôi, đất nước của tình yêu
Chọn nhân văn và thơ ca làm lẽ sống
Lời cổ thụ xanh rờn
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”(2)
Gậy tầm vông, chông tre đứng lên giữ nước
giữ làng.
Ai về Vĩnh Yên, ai sang Sóc Sơn
Bao dấu tích Phù Đổng Thiên Vương còn đó
Vó ngựa sắt thành ao Móng Ngựa
Thành hồ Canh Nông
Cánh đồng Mê Linh
Dấu chân voi Hai Bà Trưng khởi nghĩa
Thành hồ, thành chuôm tạc vào lịch sử.
Càng nhớ càng thương
Chiếc khăn mỏ quạ, chiếc nón lá non
Chiếc áo cánh sen, đôi chân guốc mộc
Hội làng say câu hát
Cổ thụ che tình trắng đêm
Hát ghẹo hát xoan quên lối về
Đêm trăng tròn anh chia tay em
Cái dùng dằng gốc đa buộc hai đầu
thương nhớ.
 
Đất linh thiêng
Đất sinh nhân kiệt
Nhân kiệt làng tôi sinh dưới bóng tre,
bóng gạo
Đánh giặc xong tráng sỹ về làng trồng cây đa,
cây trôi, cây đề
Thành cổ thụ giữ hồn đất nước
Phù Đổng Vua trời nhưng là con của Mẹ
Mẹ cấy lúa trồng khoai tần tảo tháng ngày
Con ra trận với tre ngà đánh giặc
Người ngã xuống, người sau tiếp bước
Để bây giờ
Đi hết cuộc đời, đi trọn giấc mơ
Mà đi chưa hết bóng đa quê mình.
Sông Cánh quê Cha
Bình Lệ Nguyên quê Mẹ
Giặc Nguyên Mông tan tác năm nào?
Thanh Lanh, Ngọc Bội
Thành Quận Hẻo, thác Ba Ao
Đồi Quần Ngựa, đấu Đong Quân, vực Voi Tắm
Vọng tiếng quân reo, ngựa hý, voi gầm
Quê tôi đó
Núi Trống, núi Đinh, Thằn Lằn, núi Sáng
Ghềnh Khoan Bộ, Xuân Trạch, Hương Sơn
Chạm địa danh, chạm vào lịch sử
Chạm sức nóng ngọn lửa hùng thiêng.
 
Ai về Thổ Tang
Gặp cây đa cổ, gặp ngôi đình cổ
Gặp “Ngang trời mây đỏ” (3)
Nghe chuyện tình Nguyễn Thái Học - Cô Giang
Người thủ lĩnh khởi nghĩa Yên Bái
Lên máy chém vẫn tin ngày thắng lợi
“Không thành công cũng thành nhân!” (4)
Đất nước ghi ơn
Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Lê Xoay,
Nguyễn Viết Xuân
Những người con bất khuất
Máu các anh thắm cờ Tổ quốc
Tên các anh thành tên những ngôi trường
Thành tên những con đường.
Lịch sử vào sách giáo khoa
Muôn sau còn đấy
Xin đừng quên miền ngược miền xuôi
cùng chung một gốc
Quên lịch sử là quên cội nguồn
Như chim mất hướng, như thuyền mất phương
Quên lịch sử làm sao ta lớn nổi!
 
3.
Cổ thụ, mái đình
Chuyện kể rằng người đàn bà cầm càng lĩnh xướng
Hát thay vì nổ súng (6)
“Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than
...Đồng bào tuốt gươm vùng lên”
Mấy vạn người hát vang như sấm
Ngày Tổng khởi nghĩa
Giành chính quyền về tay nhân dân
Cờ đỏ sao vàng bay trên ngọn cổ thụ
Mái đình di tích
Cổ thụ di sản núi sông
Mỗi nẻo tôi đi
Con đường tôi bước
Điểm hẹn còn rung trên mỗi lá cành
Ai lên ngược, ai về xuôi
Cổ thụ ngàn năm còn đó
Lá xanh nuôi trời, lá vàng nuôi cội
Bao nhiêu lá, bấy tình cây tình người.
 
Cây lặng im
Nghe nhân tình thế thái
Nhớ bao chuyện đời
Đêm đêm cây kể
Chuyện nước chuyện làng
Chuyện tách nhập huyện này xã khác
Chuyện dồn điền đổi thửa
Chuyện người chiến sỹ năm xưa
Giật nụ xòe làm tiếng nổ Điện Biên (7)
Ông về tổ tiên mới được phong danh hiệu
anh hùng
Chuyện hàng "đa cấp"
Chuyện "hụi" chuyện "họ"
Mất cửa mất nhà
Người nghèo, người giàu cũng rơi nước mắt.
Cổ thụ chứng nhân bao thế sự
Ai đội nón ra đi
Ai dắt con, dắt cháu trở về
Ai còn ở chân trời góc bể
Có về quê?
Cầm lên chiếc lá
Giông bão bàn tay
Giông bão kiếp người!

 

IMG 1829

 

Chương II
Làng, Cánh đồng và Mẹ
 
I. Làng
 
1.
Xưa Cha ông xuống biển lên rừng
Tìm đất dựng làng
Khai mở
Làng đan lát, làng mộc, làng rèn
Làng trồng trầu, trồng dâu dệt lụa
Làng tạc đá, làng gốm, làng chài
Lập Văn Chỉ, Văn Miếu tôn vinh chữ nghĩa
Lập hương ước răn dạy cháu con
Người làng biết đánh đá ong
Đi bè vượt sông chở gỗ
Lên non đẽo đá
Dựng đình, dựng chùa, dựng đền thờ
các bậc thánh nhân
Tri ân người có công dựng nước và giữ nước
Làng nuôi lời ru, câu hát
Là giấy khai sinh đời tôi.
Làng là tiếng Mẹ đưa nôi
Ngày đánh Tây làng thành chiến lũy
Có người du kích kiên trung
Máu đỏ hồ sen chẳng sờn ý chí
Phiên chợ rải truyền đơn
Đêm đêm ngọn đèn sáng hầm bí mật
Mẹ nuôi đồng chí
Để một ngày cờ đỏ rợp bờ đê
Mẹ đón Cha về
Làng không còn bóng giặc
Tiếng sáo diều vi vút chiều quê.
 
2.
Về làng, lúa kể
Một thời nghe kẻng đi làm
Chấm công ăn điểm
Cấm chợ ngăn sông
Rượu gạo gọi “quốc lủi”
Ăn đậu lợn, “nước xuýt” cũng chia nhau
Mẹ Cha nhọc nhằn leo heo hạt thóc
Không thể bó tay nhìn làng đói làng khát
Bí thư Tỉnh ủy
Hiểu lòng dân như hiểu chính mình
Cách mạng hay là chết?
Phải “Tự cứu mình trước khi trời cứu!”(5)
Ông khởi xướng “Khoán hộ”
Giao ruộng cho dân
Đất giải phóng, sức người giải phóng
Thóc đầy bồ
Dân cơm no áo ấm
Gạo đủ ra tiền tuyến nuôi quân
“Ông tin mình đúng số đông sai”(8)
Kim Ngọc là ngọn lửa(9)
Rực sáng lên sóng đất
Thời gian minh chứng cho ông
Một quyết định đúng
Mọi năng lượng giải phóng
Dân thực sự làm chủ
Con người được là Người.
Bây giờ làng không ai đói
Củ sắn, củ khoai thành đặc sản
Cái xửa cái xưa chẳng bao giờ cũ
Mặt giấy viết rồi mặt giấy còn thơ.
 
 “Đất lành chim đậu”(2)
Trăm họ lập thành làng
Xóm giềng “Tối lửa tắt đèn”(2)
thành lẽ sống
Lúc hoạn nạn, lúc gian nan
“Lá lành đùm lá rách”(2)
Đời ai biết cơn mưa bất chợt
Có người đưa nón cho mình
Để chân đi mắt còn ngoảnh lại
Làng là phẩm giá
Làng là nhân văn.
 
3.
Trầu làng Bỏi
Em têm cánh phượng
“Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng”(10)
Lá trầu cay, ơi lá trầu vàng
Người làng trầu thức khuya dậy sớm
Chợ ngược chợ xuôi
Miếng trầu làm mối cho mình thành đôi.
Làng Vĩnh Đoài, làng Bích Chu, làng Láng
Tiếng đục tiếng tràng
Vợ chồng choãi chân kéo cưa lừa xẻ
Kéo bao chân trời, lùa bao góc bể
Cưa đục long đong đẽo gọt phương người
Cái mộng cái mẹo, ngón nghề truyền đời
Đục chai tay, tràng vung mòn thiên hạ
Một đời nghệ nhân
Nét chạm khắc buồn vui tình thợ
Nét ẩn hiện, bên hoa lồng nụ
Lắng hồn quê mặt gỗ sáng lòa
“Hàng tre Vĩnh Mỗ
Hàng gỗ Bích Chu” (2)
Đi đâu thì nhớ lời ru mà về.
 
 “Ta về ta tắm ao ta”(1)
Làng rèn Lý Nhân có từ thượng cổ
Nhịp búa nhịp đe
Chồng “búa cái”, vợ quai “búa tạ”
Người giữ nhịp
Người chân chèo
Yêu nhau cày cuốc cũng theo nhau về.
Làng Kim, làng Ngái Triệu Đề
Làng đan mây tre
Thúng mủng dần sàng nong nia rổ rá
Cái lờ cái đó
Gàu dây gàu sòng
Mẹ chuốt nan Cha đan ngọn gió
"Cái mây quây cái rế"(5)
Đan yêu thương ấm áp tình làng.
“Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng”(11)
Đất Lò Cang, ủ vàng như lụa
Em chuốt mưa, anh xoay nắng
Nét hoa mặt gốm, hồn quê hồn làng
Người Lò Cang
Thương nhau thức cả một đời
Nghe gốm ăn lửa hát lời nước non.
Em về Hải Lựu cùng anh
Đá đứng đá ngồi
Như trâu trên đồi, như voi trên núi
Thợ tạc đá lưng trần nắng dội
Thổi vào đá nét buồn nét vui
Mặt tượng, mặt Phật
Nghĩ rằng đá là đá thôi
Về đây đá cũng khóc cười trăm năm.
Ai sang Quan Tử, Sơn Đông
Làng tiến sỹ, làng văn, làng võ
Bến Đông Hồ, bến Tuần, bến Giữa
Đền thờ thánh nhân
Trần Nguyên Hãn, Đỗ Khắc Chung
Bên“Thánh võ”, bên “Thánh văn”
Hòn đá mài gươm mòn nỗi lòng Tướng quốc
Ao Sen thơm hồn làng hồn nước
Chữ thầy sáng tựa sao Khuê.
 
Làng là nơi đất gọi ta về
Ngày hội mùa, làng vui làng hát
Trai tài gái sắc
Kéo co kéo song
Kéo cho dời non, kéo cho chuyển núi
Kéo đôi ta nên vợ nên chồng
Đạo Đức leo “cầu ùm”
Cướp cầu Nội Phật
Lò vật Yên Lỗ
Cờ mở trống rung
Ngày xuân
Đò sang, quan họ sang cùng
Trống quân Đức Bác, hát tuồng Hoàng Đan
Trẩy hội yến anh
Nón in đáy nước nghiêng vành trăng non
Hội đúc Bụt
Thi nấu cơm
Phải duyên cầm lấy lời thương em chờ
Trai làng Hủng
Gái làng Chùa
Giọng chèo Vân Hội bỏ bùa Hoàng Lâu
Gặp nhau ăn một miếng trầu
Cây đa Vườn Hội hẹn nhau ta về
“Dứa Hướng Đạo, gạo Long Trì”(5)
 
Ai mua về chợ làng Me, Hợp Hòa
Sông xuân
Nước chảy la đà
Hát câu giã bạn con đò trông theo
Bình Sơn tháp cổ
Trăng treo
Đường về mây phủ trắng chiều Tây Thiên.
 
Tôi đứng trước bờ tre
Hỏi trời xanh mây trắng
Mây hững hờ hay mây im lặng?
Mây mách gì ta chăng?
Con nhện mải giăng mành
Chẳng để ý đến người nhìn
Có thể tôi là người xa lạ
Tôi vào chùa hỏi Phật
Phật từ bi
Chuông chiều gõ hoàng hôn chầm chậm
Cò bay chấm lửng chân trời.
 
4.
Ngôi làng bình yên
Ngôi làng cổ tích
Mà sao như có sóng ngầm
Từ khi dự án về làng
Giá đất sốt từng ngày
Người hôm qua bán, hôm nay khóc
Anh em từ mặt
Đưa nhau ra tòa
Hàng xóm tranh chấp bờ rào bờ dậu
Ao hồ chia lô bán nền
Người phố về làng “Cò đất”
 
Ký ức làng
Cây đa, mái đình, giếng nước
Cây đa nghìn tuổi đã về trời
Đình xưa ai đã dỡ?
Cột gỗ làm bàn ghế lớp học
Đá chân cột nung vôi
Vôi khê vôi sống
Chỉ còn bơ vơ giếng đá
Bơ vơ vành trăng
Lối về tím cỏ.
Không có làng tôi biết về đâu
Dẫu đường cỏ vẫn lối về với Mẹ
Dẫu sỏi đá làm tôi vấp ngã
Bờ tre còn mát gió đời tôi
Rạ rơm giồng ngọn khói
Ngọn khói cay
Ngọn khói ngọt ngào.
 
 
II.Cánh đồng
 
1.
Mẹ chạy loạn sinh con trên cánh đồng
Nhúm nhau chôn góc ruộng
Nhúm nhau thành bùn, thành di chỉ đời tôi
Cánh đồng Mẹ Cha chôn chân một đời
Mẹ lội mưa đội nắng
Gieo hạt ngô hạt thóc
Gieo nước mắt mồ hôi
Cây lúa chín dáng Mẹ gầy héo hắt
Hạt thóc hình giọt mắt
Một cánh cò cũng chớp trắng dòng sông
Một áng mây cũng dịu trưa mùa gặt
Tôi úp mặt vào vòng tay Mẹ
Mồ hôi rưng rức cánh đồng.
 
Cánh đồng đổ lửa
Cánh đồng bão tố
Cánh đồng tài nguyên
Cây rau muối, tầm khúc, tầm phóp
Con cua, cái tép
Mẹ Cha một đời nhọc nhằn
Dấu chân Cha nhiều hơn gốc rạ
Dấu chân Mẹ nhiều hơn cỏ mọc sau mưa
Cánh đồng vật vã
Cánh đồng trang thơ.
Thuở Cha ông
Cánh đồng có tên
Làng xóm có tên
Ông bà, Mẹ Cha và chúng tôi có tên để gọi
Những cái tên mộc mạc, những cái tên cổ tích
Mang khát vọng, niềm tin
Đồng Chĩnh, Đồng Chuôm, Cội Thị, Đồng Lươn
Dộc Gạo, Đằm Trâu, Ao Sâu, Vườn Đò
Sông núi quê tôi mang tên huyền thoại
Núi Voi, núi Đinh, núi Trâu, núi Trống
Sông Cái, sông Con, sông Nhớ, sông Thương
Núi Phượng, sông Loan
Rồng chầu voi phục
Cánh đồng một nắng, cánh đồng hai sương
 
Mẹ lặn ngụp
Nắng Hạ, mưa Đông
Bắt con cá cờ, cân cấn, đòng đong
Nấu canh chua, canh đắng
Em còn nhớ hay em đã quên?
Đắng cay có trải mới nên ngọt bùi
Nghĩa Mẹ công Cha bao giờ trả hết!
 
2.
Cánh đồng người
Liêu xiêu dáng Mẹ cái nắng tháng Ba
Lao đao hình Cha cơn mưa tháng Bảy
Mẹ Cha lam lũ
Sá cày oằn cong khói thuốc
Hằn sâu nếp nhăn trán Cha
Tay cấy nồng cay miếng trầu
Thêm vết chân chim mắt Mẹ
Cánh đồng quần quật
Đơm nụ đơm hoa
Bờ sôi ruộng mật
Cây rau dệu, rau má, rau sam
Mẹ Cha ăn qua ngày giáp hạt.
 
Cánh đồng cổ tích
Cánh đồng ca dao
Người làng ai cũng thuộc
Thuộc như cơm ăn nước uống
Hăng hăng mùi bùn
Cay cay mồ hôi
Mênh mang giọng hò câu ví
Mênh mang cánh cò
Cầu vồng bảy sắc đón cơn mưa
Đêm mưa rào Cha đi đơm cá
Trưa nắng hạ, Mẹ đánh giậm lùa con tép
con tôm
Mảnh nhọn rập rình
Đời nhiều bất trắc
Nỗi oan đâm toạc chân Mẹ
Mẹ nén nỗi đau vào vại muối dưa
Để nụ cười sáng trên khuôn mặt
Cánh đồng mồ hôi nước mắt
Ngàn năm dâu bể cõi người.
 
3.
Cánh đồng trời
Giữ nắm xương người làng đã khuất
Mồ mả ông bà, tổ tiên lô xô góc ruộng
Suốt đời tôi mang ơn
Những nấm mộ bây giờ cũng khác
Bên kia nghĩa trang nhà ai ?
Mộ to mộ nhỏ, cái cao cái thấp
Quay ngang quay dọc
Đá đỏ đá đen
Thành phố âm phủ đua nhau tô vẽ
Sống nhà tranh vách đất
Chết chỉ cần nén hương thành tâm!
 
4.
Cánh đồng bình minh
Cánh đồng hoàng hôn
Cánh đồng hồn thiêng
Đêm đêm bọn trẻ dọa ma trơi lập lòe đom đóm
Đuổi nhau đầu làng, cuối xóm
Bồng bềnh rạ rơm
Lồi lõm ổ trâu ổ bò
Tuổi thơ vấp ngã
Vấp ngã để lớn lên
Lớn lên nhiều sóng gió
Đường đời gập ghềnh
Đã qua hòn đạn chiến trường
Để biết tránh mũi tên bọc đường từ phía
bình yên.
Bên này nghĩa trang liệt sỹ
Thẳng lối thẳng hàng
Bóng mát cây xanh
Giản dị mà thiêng liêng
Tôi gặp các em thiếu niên khăn quàng đỏ
Dâng hoa lên mộ các anh
Đọc lời hứa trước hương hồn Cha ông
Hương khói tri ân
Tên tuổi các anh hùng, liệt sỹ
Sáng mãi những con đường.
 
Cánh đồng làng em
Cánh đồng làng anh
Mồ hôi nước mắt thành bùn
Thành trầm tích
Cánh đồng là nồi cơm của Mẹ
Nuôi ta khôn lớn thành người
Dẫu hạt gầy hạt lép
Nếu không có cánh đồng
Ai nuôi con tôm cái tép?
Để vạc đi mò, để cò đi chép ca dao.
 
 
III. Mẹ
 
1.
Mẹ tôi thương tôi nhất
Cũng gương mặt trái soan
Tóc dài suối biếc
Mẹ ru câu Kiều
Kể tôi nghe cổ tích
Tôi đã biết con bống con bang lúc tóc còn
để chỏm
Mẹ dạy lẽ phải, điều hay
Hoa thơm, thơm từ trong nhụy
Gỗ thơm từ lõi thơm ra
Kính trong đánh lừa khoảng cách
Lời đường mật lừa lòng cả tin
Đường còn dài còn nhiều người tốt
Lời Mẹ trong tim
“Nửa sự thật không là sự thật” (5)
 
Đời Mẹ tất bật
Sớm khuya quần quật cánh đồng
Sáng chưa rõ mặt
Mẹ nhễ nhại gánh gió gánh sương
Tối nhọ mặt, tất tưởi lo bát cơm bát cháo
Mẹ gánh nước giếng làng
Đổ trời nước đầy chum đầy vại
Giếng đồi thì sâu
Gàu mo cau dài chạc
Múc đầy, kéo được thì vơi
Mẹ gánh một đời
Chum đầy buổi sớm
Lại vơi lưng chiều
Mẹ múc gáo dừa
Múc trăng tắm mát tuổi thơ tôi.
Mẹ thương cây lúa
Đêm đêm thắp đèn bắt con sâu, con bướm
Trên trời có sao Thần Nông, có sao Gàu Sòng
Dưới đồng có hồ Vân Trục, có hồ Sáu Vó
Mùa hạn hán
Mẹ bắc gàu sòng vít chòm Tua Rua
Gò lưng tát nước cứu lúa đòng đòng
Lũ ngập trắng đồng
Mẹ lặn ngụp vớt mùa tơi tả
Đời Mẹ chân đất áo vá
Đời Mẹ nón lá áo tơi
Vừa buông giọt cay Mẹ cầm giọt mặn
Tháng Mười mây vàng rộm chân trời
Lòng Mẹ tãi nắng
Nước mắt lặn vào hạt thóc
Mẹ gặt về chín trắng mồ hôi.
 
2.
Cha đi bừa tháng Chạp
Mẹ cấy lúa tháng Giêng
Rét cóng chân có hơi bùn sưởi ấm
Lưng Mẹ còng trăng liềm
Đắng cay Mẹ ngậm ngọt bùi phần con
Mẹ vun nhọc nhằn vào gốc khoai gốc lúa
Mùa nối mùa
Cây thắp đèn cho đất sáng lên
Bữa cơm gia đình
Nhà đông con, Mẹ ngồi đầu nồi
Mẹ ăn cháy vét nồi, miếng khoai miếng sắn
Con bưng bát cơm trắng
Thấm mòn mưa nắng ngàn năm.
Mẹ cấy lúa nếp, gói bánh chưng ngày Tết
Giã bánh dầy, nặn bánh trôi
Tri ân công đức tổ tiên
Mẹ lên rừng tìm cây hái thuốc
Ba bát nước sắc lấy một bát
Cắt cơn sốt cho em
Mẹ làm mốc hoa cau ngả tương đậm ngọt
Chum tương ăn vụ gặt
Chấm hết bè rau muống
Chưa xong bữa sắn Mẹ lo bữa rau
Rau hái còn để lại gốc
Ngọn rau mọc chẳng kịp để ăn
Con thương Mẹ xay giã dần sàng
Cháo nóng húp quanh
Biết rằng mặt sông phẳng lặng
Giấu đi lòng quặn sóng ngầm
Đời Mẹ héo mòn
Quanh năm “bán lưng cho trời, bán mặt
cho đất”(5)
Khi xuôi tay nhắm mắt
Mười móng tay Mẹ còn ngậm bùn.
Mẹ là người gánh nỗi đau lớn nhất
Bàn thờ của Mẹ
Một bên thờ chồng, một bên thờ con
“Ba lần tiễn…
Hai lần khóc thầm lặng lẽ ”(16)
Đêm đêm Mẹ thức
Ngọn đèn nghiêng về phương Cha đánh giặc
Đổ đầy trăng sao thương nhớ lên trời
Tóc Mẹ thêm sợi bạc
Những sợi bạc rụng trắng sương khuya
Mẹ vo tóc rối cài mái gianh, cánh dại
Nghe tiếng rao “Tóc rối đổi kẹo”
Như ai xát muối vào lòng
Không thể đổi nỗi đau dễ dàng
Cuộn tóc - Đời Mẹ!
 
3.
Cây có gốc
Nước có nguồn
Con Tắc Kè biết tìm về núi
Con cá ngược dòng tìm nơi sinh
Tôi tìm về bóng Mẹ
Chỉ còn cánh đồng không
Chạm đôi quang cặp và dây néo cũ
Treo giọt mồ hôi đắng phận người
Cái cuốc mòn lưỡi
Cái liềm vẹt răng
Đòn gánh lõm vai
Cái cào, cái chang bạc mặt
Cái đấu đầy vơi, đong no đong đói
Mẹ đong nỗi người
Cơi trầu trống, nỗi buồn rỗng đáy
Lá trầu héo như lòng Mẹ héo
Cái nghèo cái khó Mẹ chẳng mang đi
Để lại bình vôi em khóc ngày về.
 
Ngày tiễn Mẹ về trời
Con chân đất đi lùi
Trên lưng cầu vồng đón Mẹ
Con đã khóc cơn mưa tháng Chạp
Bước chân thì ngắn, chân trời thì xa
Đời Mẹ như bóng mây qua.
Xin được thắp nén hương góc ruộng
Để trầm thơm khỏa lấp dấu chân Cha
Khỏa lấp dấu chân Mẹ
Khói hương thay lòng người
Khói hương cúi tạ!
 
 (Còn nữa)
 
Ghi chú:
1. Ca dao Việt Nam
2. Tục ngữ Việt Nam
3. Tên tiểu thuyết lịch sử của Ngọc Bái
4. Câu nói của Nguyễn Thái Học
5. Thành ngữ
6. Ngày huyện Vĩnh Tường khởi nghĩa giành chính quyền, bà Khuất
Thị Vĩnh, UV BTV Tỉnh ủy phụ trách, bà cầm loa lĩnh xướng bài
hát cách mạng thay vì nổ súng. Đoàn người cùng hát vang hào hùng
mạnh mẽ; bọn quan huyện phải ra mở cổng Phủ huyện đầu hàng.
7. Anh hùng Nguyễn Văn Bạch ở xã Quất Lưu (nay là Vị Thanh, thành
phố Vĩnh Yên) giật nụ xòe khối thuốc nổ gần 1.000kg trong chiến dịch
Điện Biên, khi ông mất mới được phong danh hiệu anh hùng.
8. Lời thơ trong bài “Kim Ngọc” của Hải Như
9. Kim Ngọc là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú, người khởi xướng
“Khoán hộ” cho nông dân.
10.Lời Quan họ
11. Thơ Tố Hữu
13. “Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước” trong bài thơ “Theo chân
Bác” của Tố Hữu
14. Thơ Chính Hữu
15. Thơ Hữu Thỉnh
16. Lời bài hát “Đất nước”của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, phổ thơ
Tạ Hữu Yên.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây