NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI DƯỚI NẮNG

Thứ ba - 10/01/2023 18:28
Phỏng theo lời kể của Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung - Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Việt Nam.
Minh họa trong trang: ST
Minh họa trong trang: ST
                                                                                                                   Truyện ngắn của Hồ Bá Thược

      Chị cứ mải miết đi như thế dưới cái nắng xanh trong của trời Quảng trị. Những mảng mây rất nhẹ, trôi trên đầu không đủ che dáng người bé nhỏ của chị. Thỉnh thoảng gió từ dưới mặt nước sông Thạch Hãn hắt lên, thấy man mát ở mặt, nhưng trong lòng chị như có lửa đốt.Từ sáng đến giờ, chị dò hỏi không biết bao nhiêu đường đất, qua bao nhiêu mom sông, vào biết bao nhiêu nhà, gặp gỡ bao nhiêu người, chị không nhớ. Duy nhất trong lòng chị bây giờ chỉ nhớ đến cái làng nhỏ bé mà trong mơ chưa bao giờ thấy nó.

 Nhiều đêm cứ nghĩ quê mình đang ở sông Đuống, sao lại nghĩ đến con sông xa xăm ấy làm gì. Một vùng đất 81 ngày không có đêm ở Thành Cổ đau xót và thân thương biết nhường nào. Từ trái tim lay động, chị muốn ôm nó vào lòng, nhưng lại thấy chát chúa muốn đẩy ra. Sao lại thế ? Sông nước vùng miền xa xôi ấy có lỗi gì đâu mà chị dằn hắt, lúc giận, lúc thương? Hay là con sông Đuống quê chị hiền hoà là vậy nhưng vào mùa giông bão, nước lũ hung dữ tràn về đã ăn sâu vào tâm trí, khiến tính khí chị thất thường? Không, chị không phải là loại người “sáng nắng, chiều mưa”. Chị tin vào cuộc sống, vào  tình yêu và coi tình yêu là thiêng liêng, vĩnh cửu. Trong hoàn cảnh hiện tại, chị biết là vô vọng, nhưng trái tim mách bảo, còn tình yêu là còn hy vọng, nhưng  hy vọng về điều gì, chị cũng không biết nữa.

      Chị đã tách khỏi đoàn cựu chiến binh của tỉnh vào thăm Thành Cổ với một lý do riêng. Chiến tích năm xưa đã phai mờ, nhưng kỳ tích như Thành cổ, tượng đài Sư đoàn 325, bến thả đèn hoa ở Nhan Biều, chị đã đến hôm nay. Ở khu tưởng niệm người ta nói khi xưa bến đò Nhan Biều là nơi tập kết của ba cánh quân từ phía Bắc, phía Tây và phía Đông đưa người, vũ khí qua sông Thạch Hãn vào Thành Cổ.

        Sang ngày thứ hai chị vẫn mải miết đi như hôm qua. Hỏi thăm nhiều chỗ, nhiều người, nhưng không biết cái làng ấy ở đâu. Chị tin chắc cứ men theo sông Thạch Hãn thể nào cũng tìm ra, bởi xưa kia chiến tranh ác liệt đều xẩy ra ven con sông này. Những khúc đường, góc phố, ngôi nhà, mảng tường, mô đất, đồi cây, ngọn cỏ…đẫm máu còn lưu lại, hằn sâu trong tâm trí mọi người.

         Hôm nay chị muốn dành riêng cho mình một khoảng lặng tình yêu vừa hi vọng vừa đau đớn. Chị khao khát muốn đến làng Giang Hến mà xưa kia người yêu của chị đã từng nếm trải.

        Có điều rất lạ, chị đi mãi mà không thấy mỏi mệt. Không lẽ ký ức xa xưa làm chị quên ánh nắng chói chang đậu trên bờ vai phải rồi sang vai trái. Chị bật cười một mình không biết lý giải tại sao sông nước như nhau mà mặn, ngọt lại khác nhau? Đôi khi bần thần ngồi trên bãi cỏ, tâm trí chị như con ngựa hoang, lan man chuyện này sang chuyện nọ mà bẵng quên đang đi tìm cái làng đáng thương, đáng ghét ấy.

         Hơn mười năm sau chiến tranh Thành cổ Lương Kim Quế mới trở về đất Giang Sơn, Quế Võ. Anh về, người không còn lành lặn, không ba lô, súng ống, không dáng đi ngạo nghễ, không nụ cười xiêu đổ bao cô gái làng. Anh về trong chiếc tiểu sành phủ kín cờ đỏ sao vàng. Chị đón anh nước mắt chảy vào trong. Sẽ không còn thảm cỏ ven đê xanh ngút mắt Đào Viên, sẽ không còn ồn ào Chợ Chì, dạo chơi trên con đường tỉnh lộ 291 ngọt ngào hoặc ra bến phà Chì nghe sóng nước lao xao.

      Anh về mang theo một bảỏ vật, đó là chiếc chai nhỏ thuỷ tinh trong đó có một lá thư chỉ bằng ba ngón tay. Vì thế cơ quan chức trách xác định được danh tính và quê quán liệt sĩ cùng với một dòng chữ bất ngờ trên giấy đã ngả màu vàng để trong chai “sau này sẽ lấy cô gái Giang Hến làm vợ”.

       Chị tan nát lòng. Không còn thời “thanh mai trúc mã”. Chị không muốn nói ước nguyện của mình trước khi anh lên đường nhập ngũ. Không dám ôm hôn, thậm chí không dám cầm tay để anh vương vấn chuyện này, chuyện nọ. Nhưng trong lòng, chị quyết chí chờ đợi, yêu anh và sẽ lấy anh làm chồng, bất kể hoàn cảnh nào.

        Bỗng nhiên anh thay lòng đổi dạ. Cô gái nào đã làm anh gục ngã ? Chị muốn hiểu chuyện gì đã xẩy ra với anh, nhưng dòng sông Đuống ngày đêm cuốn theo tâm trí rối bời của chị. Không biết làng Giang Hến ấy có giống với làng Giang Sơn của mình hay không mà sao anh lại quên đường về, dấn thân vào cái miền xa lạ ấy?

        Năm tháng trôi qua. Năm mươi năm kể từ ngày anh ra đi, tuổi xuân của chị chẳng còn. Mái tóc xơ xác đã lốm đốm pha sương. Bộ ngực căng tròn của chị bây giờ giống như một ngọn đồi san phẳng. Da dẻ không còn mơn mởn mà đã sạm màu nhớ nhung, day dứt khôn nguôi. Từ khi mất anh, chị không muốn tìm hạnh phúc riêng cho mình, để mặc cho tuổi xuân phôi pha. Hạnh phúc thời “thanh mai trúc mã ”với chị thế là đủ rồi. Chị không hề giận anh, chỉ trách tại sao anh lại đẹp trai thế, tại sao anh lại có nụ cười mê hồn đến thế, gặp anh cô gái nào mà chẳng mê?

         Đôi khi chị lại ghen với người phụ nữ mà anh yêu, sau này sẽ lấy làm vợ. Chắc hẳn chị ấy hạnh phúc lắm, đã cùng anh nếm trải ngọt ngào bên nhau. Nhưng rồi chị lại thấy đớn đau thay cho người phụ nữ đó đã gần nửa thế kỷ mà không biết anh đã về với đất mẹ từ lâu. Giá như mình gặp được chị ấy để sẻ chia nỗi đau tột cùng này thì hay biết chừng nào. Ôi, đau đớn thay thân phận đàn bà trong thời loạn lạc chiến tranh.

         Sáng ngày thứ ba thì chị gặp may. Chị gặp được cụ ông đã ngót nghét 80. Cụ cho hay những người trẻ tuổi bây giờ không mấy người biết đến làng Giang Hến. Họ thay làng, đổi tên cả rồi. Vâng,  làng Giang Hến bây giờ là tiểu khu 5 hay tiểu khu 6 gì đấy, thuộc thị trấn Ái Tử.

Cụ ân cần bảo:
       -  Nếu cần tôi sẽ đưa chị về Giang Hến. Ở đó tôi quen một người phụ nữ thời xưa là dân quân, từng chiến đấu, lăn lộn trên mảnh đất đau thương Quảng Trị. Bà ấy tên là HoàngThị Hậu, người địa phương

         Thế là chị đến được nơi mình cần đến. Chị không biết xưa kia cái thị trấn này to lớn, nhỏ bé ra sao, nhưng cứ nghe báo đài nói Cồn Tiên, Dốc Miếu, Ái Tử là hàng rào điện tử Mácnamara cũng đủ biết sự tàn phá trong chiến tranh khủng khiếp mức nào. Còn bây giờ thị trấn Ái Tử xinh đẹp với những con đường ngang, ngõ phố, xe cộ ngược xuôi hối hả mới thấy sức sống của vùng đất này thay đổi đến không ngờ. Xưa kia bến đò An Mô máu đỏ hoà với nước sông Thạch Hãn làm rạng danh thiên anh hùng ca, bây giờ là cây cầu soi mình trên  dòng Thạch Hãn, sừng sững dưới bầu trời xanh ngút mắt..

         Chị ngập ngừng trước lối vào căn nhà ba gian lợp ngói. Ngôi nhà bình dị, khiêm tốn trong thời phát triển đô thị chóng mặt. Thấy có người đến nhà mình, chị chủ nhà buông tay giữa đám tre pheo đang chẻ.

-Em chào chị ạ.

   Nghe giọng nói, chị chủ nhà nhận ra người phụ nữ vừa đến là người ngoài Bắc, liền đon đả đưa khách vào trong nhà. Chị le te xuống bếp thổi lửa đun nước, pha trà đãi khách.

   Còn lại một mình, chị đảo mắt nhìn quanh nhà quan sát, theo thói quen của người phụ nữ độc thân. Căn nhà bày biện thô sơ, có lẽ cũng giống như nhà mình. Gian hai bên kê hai chiếc giường nhỡ, chăn chiếu gấp, xếp gọn gàng, không có rèm che giường ngủ. Rõ ràng chuyện “chăn xô, chiếu lệch” là rất hiếm trong ngôi nhà này. Dưới sàn nhà lát gạch, bề bộn thúng mủng và các đồ đan lát mỹ nghệ. Gian giữa kê bộ bàn ghế cũ kỹ. Sát tường phía trong là chiếc bàn thờ ám khói hương nhang đen kịt, thấy khung ảnh bày trên bàn thờ, nhưng không có ảnh chân dung. Trên tường treo la liệt bằng khen, giấy khen của người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Thấy chủ nhà xách phích nước lên, chị liền hỏi:

     - Người nhà đi đâu hết mà mỗi mình chị?

     - Tui ở có một mình. Còn vợ chồng con cái thằng con trai ở bên tê Thành Cổ. Hắn phụ trách chi đó ngành tham quan du lịch. Rồi chị nói thêm:

    - Đừng trách tui lẩn thẩn nha, nhưng cũng cho biết, tui đang nói chuyện với ai đây?

    - Dạ, thưa chị em tên là Trần thị Giang sáu mươi tám tuổi quê ở Quế Võ, Bắc Ninh. Em tách đoàn vào thăm Thành Cổ, muốn đi thăm và tìm hiểu thêm về mảnh đất yêu thương Quảng Trị, chị giúp em nhé.

    - Rứa là tui hơn em hai tuổi, sinh năm 1952, tên tui là Hoàng Thị Hậu. Thôi, ta coi nhau như hai chị em, được không hề?

 Chị khách cay cay ở mắt. Một giọt lệ to, tròn nơi khoé mắt, lăn dọc xuống sống mũi và thấy mằn mặn ở đầu môi. Chị Hậu chủ nhà là con người chân chất, mộc mạc, ân cần, có thể gửi gắm niềm tin vào con người mới gặp gỡ này, Giang thầm nghĩ như vậy.

Chưa kịp pha nước mời khách, dường như từ lâu cuộc chiến trên mảnh đất đau thương của chị đang bị dồn nén, chất chứa trong lòng, mà người khách giống như một chiếc chìa khoá vàng để mở.

Năm 1972 Quảng Trị được sống trong khung cảnh vừa giải phóng, được sống tự do. Chưa kịp hưởng niềm vui hạnh phúc, thì Mỹ Nguỵ mở chiến dịch “Lam sơn 72” tái chiếm thị xã và Thành Cổ Quảng trị, chúng huy động lực lượng khổng lồ bộ binh, pháo binh, thiết đoàn, pháo hạm, không quân kể cả máy bay B52, trong khi ta chưa có lực lượng mạnh.

Ban đầu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ có 1 tiểu đoàn chiến đấu trong Thành Cổ, vậy mà đã đánh chặn, ngăn nhiều đợt tiến của công địch. Sau này có nhiều đơn vị chủ lực trực tiếp chiến đấu suốt 81 ngày đêm. Một cuộc chiến không cân sức em ạ. Nhưng chiến sĩ ta quyết chiến đấu đến giây phút cuối cùng, cũng là để hậu thuẫn cho Hội nghị Pari ở bên Pháp. Nghe đài báo nói, địch đã huy động bom đạn khổng lồ ném xuống Thành Cổ tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống tỉnh chi đó ở bên Nhật năm nào. Bọn chúng thật quá tàn bạo, huỷ diệt hết, sắt thép tan chảy chảy hết, nhưng con người Quảng Trị thì không!

Ở bờ bắc sông Thạch Hãn cũng là một cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt không kém gì Thành Cổ. Ta vừa đánh địch vừa làm công tác vận tải đưa súng đạn, hậu cần, bộ đội sang Thành Cổ chiến đấu và đưa thương binh, tử sĩ về tuyến sau. Những gì xẩy ra ở đây, tui đều biết hết, bởi tui cũng là chiến sĩ chiến đấu ngay chính trên quê hương của mình.

Tuyến vận tải đường sông do Tiểu đoàn 166 đảm nhiệm từ Mai Xá hạ lưu theo tuyến đường sông đưa người, vũ khí lên Nhan Biều và chở thương binh, tử sĩ xuôi dòng. Ở thượng lưu sông Thạch Hãn tuyến vận tải Triệu Giang xuôi về Nhan Biều do Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B, đảm nhiệm.

Trung tâm vận tải bộ từ Triệu Thượng xuống Nhan Biều do Sư đoàn 325 đảm nhiệm. Nhiệm vụ của Sư đoàn hết sức nặng nề, ngày đêm chiến đấu quyết liệt, gom từng cân hàng chuyển sang mặt trận, ngang với từng cân máu đổ xuống sông Thạch Hãn. Người ta xây tượng đài F325 cũng vì thế em ạ.

Nhà chị có con đò của cha mẹ để lại thường ngày vẫn chèo chống đưa khách sang sông ở An Mô. Ngay từ đầu tháng 7 chị đã đưa con đò vào tham gia chiến dịch, trực tiếp lái đò chuyển vũ khí lên Nhan Biều. Đêm đến gặp được con nước là “xuôi chèo mát mái”. Những hôm nước ròng phải chèo ngược nước, vất vả lắm. Không chỉ vậy, gặp pháo bầy từ biển bắn vào, máy bay từ trên trời bắn xuống, pháo ở bờ Nam bắn sang, thậm chí có hôm lính bộ binh của địch rình rập đón lõng.

Nếu không khoẻ tay chèo, vững tay lái thì cuộc chiến này tổn thất lớn lắm, e là không thành công.  Cuối cùng ta trụ được. Cha mẹ chị cùng hơn tám vạn dân đã được sơ tán, chị ở lại bám trụ, nhà cửa tan nát hết. Căn nhà nầy khi xưa là hào giao thông và hầm trú ẩn, ăn ở sinh hoạt đều dưới hầm cả. Con đò duy nhất ban ngày dìm dưới nước, ban đêm lôi lên bờ, tát hết nước rồi xếp hàng hoá, bộ đội sang bên Thành chiến đấu.

Từ cuối tháng 7, địch lùng sục, xăm nát 2 bờ  sông.Các phương tiện xuồng máy, thuyền gỗ bị phá huỷ hết. Vượt sông ta phải dùng đến bè mảng, phao cao su, túi ni lông buộc chặt đựng súng, lương thực, điện đài sang bên kia, tình thế rất khó khăn.

 Hơn nữa miền trung đã vào mùa mưa, nước tràn ngập thị xã và Thành Cổ, ta phải vừa chống giặc vừa chống mưa lũ, rét mướt, thiếu ăn, thương vong, bệnh tật. Cùng lúc ta bị vỡ phòng tuyến vòng ngoài, tình hình rất nguy khốn.

18 giờ ngày 16 tháng 9  để bảo toàn lực lượng cấp trên ra lệnh rút lui khỏi Thành Cổ sang bờ bắc sông Thạch Hãn. Cuộc rút lui không có phương tiện cần thiết gây tổn thất nặng nề, không gì bù đắp nổi. Hàng trăm chiến sĩ sức khoẻ đã suy kiệt trong chiến đấu, bây giờ vượt sông phải vật lộn với mưa lũ, không còn sức, đành phó thác mạng sống cho dòng sông oan nghiệt.

Chị Hậu muốn giải toả tâm trạng, kể hết chuyện này sang chuyện khác mà không để ý đến cô em ngồi trước mặt mình, hai ống tay áo đã ướt đầm nước mắt.
images3032783 1v

Bỗng có tiếng xe máy ngoài sân rền vang, một người đàn ông bước xuống. Cô em quay mặt ra sân thì người đàn ông vừa bước tới cửa. Chị thét lên:

    - Ôi ! Anh Lương Kim Quế!

Kêu xong chị ngất lịm trong vòng tay của chị chủ nhà. Sau khi được bôi dầu tràm, cạo gió, chị tỉnh lại. Người đàn ông biến mất khiến chị ngơ ngác tìm quanh. Chị Hậu biết ý, bảo cô em:

    - Hắn chạy ra Ái Tử mua thuốc và các thứ về cho em rồi. Tại sao em lại giật mình, ngất đi khi thấy thằng con trai tui?

    - Chị ơi ! Em cứ nghĩ đó là anh Lương Kim Quế. Anh ấy mất đã năm mươi năm rồi, bỗng dưng trời quang mây tạnh thế này, anh ấy lại hiện về. Tại sao con trai chị lại giống anh ấy quá.

    - Thì nhiều người thiên hạ giống nhau vậy cả mà em. Anh ấy có cái tên đẹp quá, là chồng của em à?

    - Không chị ạ, chúng em chỉ là bạn thời còn trẻ. Anh đi bộ đội năm 18 tuổi và hi sinh cùng năm ấy ở mặt trận Thành Cổ. Hai người chưa kịp nhắn nhe, yêu đương gì, nhưng em hứa sẽ yêu anh ấy trọn đời.

    - Em thật là kỳ, xinh đẹp như em khối người mê, tại sao lại không?

    - Em không biết tại sao lại thế. Với lại anh ấy nhắn sau này sẽ lấy cô gáí ở Giang Hến làm vợ. Thế là em tò mò muốn biết cô gái ấy là ai. Vì vậy em mới có dịp đi chuyến này.

    - Thế em đã gặp người phụ nữ đó chưa?

    - Chưa chị ạ, hôm nay lần đầu tiên em mới đến được Giang Hến, được vào nhà chị. Chị ơi, cho em hỏi anh đi đâu mà chị ở một mình?

    - Chuyện của tui như ri. Hai mươi, hai mốt tuổi tui có thằng con trai nớ. Tui không nhớ tên, quê quán, thậm chí cũng không biết mặt cha nó nữa. Trên bàn thờ tôi để khung ảnh mà không có ảnh thờ cũng vì lẽ đó. Năm mươi năm rồi, tui chờ đợi hoài mà không thấy ảnh trở về. Có lẽ anh mất trong chiến dịch Thành Cổ, người ta không xác định được danh tính, cũng không tìm được hài cốt chôn ở mô. Em cũng biết đấy, khi tui chở tử sĩ về thì nhiều người đã bốc mùi, buộc chặt trong ni lông hoặc chăn màn, không ai dám mở ra. Trên dọc sông nếu địch đánh rát quá, ghé được vào bờ là huy động dân quân chôn lấp ngay.Vì vậy, nhiều người mất tích không thấy hài cốt cũng vì lý do đó. Không biết chừng cha thằng Hoàng Trung Thành cũng nằm trong số ấy.

    -  Tại sao chị lại không biết mặt anh ấy?

        Chuyện là… Gương mặt chị buồn thảm, già nua. Nước mắt đọng lại trên lớp da nhăn nheo. Giọng chị không còn thanh thoát như lúc nãy mà nghẹn ngào, đứt quãng.

Vào giữa tháng 7 địch đánh rát, chiếc đò của tui bị chúng bắn phá không còn nữa. Không còn đò để chuyên chở bộ đội, tui lên bờ làm các việc khác. Thay thuyền gỗ, thuyền máy, phải đóng bè mảng bằng ván cửa, cột nhà, liên kết thân cây chuối, hoặc đóng buộc ni lông cho bộ đội vượt sông. Ngoài ra cũng có phao bơi nhưng hiếm lắm.

Chập tối, tui đang lúi húi sửa lại cửa hầm thì xuất hiện một anh bộ đội. Anh đứng trân trân, lặng ngắt, mà không nói gì. Tui buột mồm hỏi:

    - Anh cần chi mà không lên tiếng.

    - Chị ơi, tiểu đội em có mười người, hôm nay vượt sông, hẹn gặp nhau ở bên ấy. Không dám đi đông mà chia nhỏ ra, mỗi người đều sơ tán về các hầm cả rồi, chờ đến giờ xuất phát, còn em…

       Nghe giọng còn trẻ, tui liền đổi cách xưng hô:

       - Cậu cứ chui vô hầm mà ngủ, chờ đến giờ xuất phát tui gọi dậy.

       -Nhưng trong hầm… chỉ có mỗi mình chị.

Tui nghĩ ngay cậu ta ngần ngại vì lẽ đó, còn trẻ mà…

       - Không việc chi mô, hầm còn rộng lắm - Tui nói vậy cho cậu yên tâm, thực ra vào hầm phải chui lom khom, một người nằm thì rộng, hai người thì hơi chật, nhưng không thể người ở trong, người ở ngoài vì bom đạn nổ rần rần.

       Cậu để ba lô và súng ở cửa hầm rồi chui vào nằm một bên, như thể phần còn lại dành cho tui.

       Tôi hỏi để lấy lại tự nhiên vì thấy cậu ta hai hàm răng run lập cập.

        - Em năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

       - Dạ 18 ạ.

       - Tui 20, thế là chị hơn em hai tuổi nha.

        Cậu ta nói như cướp lời tui, ra vẻ tự tin lắm.

        - Em nhập ngũ dịp hè vừa rồi, qua ba tháng huấn luyện, được bổ sung vào đây. Tiểu đội trưởng bảo cả tiểu đội sẽ bổ sung vào đơn vị mới, trực tiếp chiến đấu.

        - Em đã có người yêu chưa.

        - Chưa chị ạ, Chúng em chơi với nhau từ thời để chỏm, cùng tuổi mà. Trong thâm tâm sau này sẽ lấy nhau, còn bây giờ chưa có gì cả, thậm chí chưa dám cầm tay chứ chưa nói tới chạm vào người cô ấy để biết mùi mẫm phụ nữ ra sao.

      - Thật tội cho em quá, ngày mai em vào trận rồi, chị thương em lắm.

       Tui chưa kịp hỏi họ tên, quê quán cậu ấy ở mô, thì bất ngờ loạt đạn pháo bên bờ nam bắn sang. Tên tuổi, quê quán tui nghe không rõ. Cậu run người như lên cơn rét.

        -Em sợ lắm chị ạ, không biết ngày mai vào trận, sống chết ra sao?

       Tui vỗ về:

       - Em đừng sợ, vào trận ai cũng sợ nhưng rồi súng đạn quen dần. Giữa sống và chết, ai cũng muốn cái sống về mình, vì thế thành chai sạn, vững tin. 

        - Còn chị, chị có sợ không?

        - Có, ban đầu thì sợ, sau đó quen đi không sợ nữa. Chị làm việc độc lập một mình trên thuyền, đàn ông hiếm lắm, họ đi đánh trận hết, vì thế chị chưa từng yêu ai. Năm nay chị đã hai mươi tuổi rồi, nếu chết thì tiếc nuối lắm vì chưa có người đàn ông nào chạm vào cơ thể chị.

       - Thế thì em cũng thương chị lắm.

       Tui nằm sát cậu ấy. Căn hầm chật, nhưng cũng đủ cho hai người ép sát vào nhau. Mùi thơm da thịt đàn ông và đàn bà lan toả khiến đêm đen trở nên huyền bí, gợi cảm. Bỗng thấy cậu ấy nói, giọng run run, đứt quãng:

  • Chị ơi! Ngày mai em vào trận rồi, cho em nắm tay chị được không?
  • Được em ạ.

        Cậu ấy sờ soạng trong bóng tối, nắm chặt tay tui, vò tay tui vào trong lòng bàn tay cậu ấy, rồi bất ngờ ghé môi vào hôn đắm đuối.Tui muốn rút tay về nhưng lòng lại không muốn, ngược lại người tui rạo rực, như bốc lửa. Hàng cúc áo tự nhiên bật ra vì bộ ngực của tui tròn đầy lắm.Tui cầm tay cậu ấy ấn vào bầu vú trinh tiết của mình. Cảm giác của tui thật lạ, sự ham muốn dâng lên tột cùng. Tự nhiên tui bỗng bật ra lời, tưởng không phải từ miệng mình phát ra:

        -Anh, em yêu anh, thân thể này là của anh. Em hiến dâng cho anh tất cả…Ngày mai nếu hai người có ngã xuống, thì đêm nay chúng mình đã thành vợ chồng rồi.

        Chưa nói hết lời thì anh bịt miệng tui bằng một cái hôn nghẹt thở, đến tận bây giờ tui còn thấy nóng bỏng. Anh không còn dè dặt như lúc mớí đến mà chủ động ôm chặt lấy tui, đặt tay vào khắp cơ thể tui, thành thạo như một người trưởng thành. Tui như điên dại, cuồng nhiệt rồi miên man trong ân ái, quên hết hiện tại, không còn nghe pháo bờ Nam xối xả bắn sang.

        Lúc đạn pháo thưa dần, tui đưa anh ra bờ sông. Khi bọc ni lông thả xuống nước, anh thận trọng túm lấy dây buộc rồi nhẹ nhàng bơi đi. Những hạt lân tinh loé sáng bọc lấy anh thành một vòng tròn. Cái vòng tròn ấy trôi đi và chìm dần trong bóng tối.

       Chị thở nhẹ rồi lặng người như lả đi, cảm giác vừa trải qua một cuộc tình dữ dội, chóng đến và chóng đi. Hai chị em ôm nhau, oà khóc.

       -Ôi, chị đúng là vợ của anh ấy rồi và con của anh ấy nữa…?

       Chị nói trong nước mắt vừa đau đớn, vừa hạnh phúc tràn trề:

       -Ừ, đúng đó em. Sau chiến dịch Thành Cổ chị mang bầu được gần hai tháng. Sinh con xong chị lấy họ mình đặt tên họ cho con rồi năm tháng đợi chờ. Chị không đi lấy chồng vì khắc khoải lời hứa của anh “ Đánh xong Thành Cổ anh về cưới em”.

       - Chị ơi, không lẽ anh Quế là cha của thằng Thành nhà mình? Hai người giống nhau như hai giọt nước, chị nghĩ sao?

        -Ngoài điều em nói hai người giống nhau, em còn bằng chứng nào nữa không?

        -Có chị ạ, trước khi chia tay anh, để lại cho em một tấm hình mặc quân phục khi mới nhập ngũ. Đây, chị xem đi.

        Chị chăm chú nhìn tấm ảnh 4x6 đã ngả màu vàng, rồi đỏ mặt, thẹn thùng :“ Không lẽ bây giờ chị mới biết mặt người yêu. Hôm đó trong bóng tối chị chỉ sờ mặt anh, biết anh ấy đẹp trai. Ừ đúng thật, thằng Thành lúc còn lứa tuổi thanh niên,giống y chang người trong bức ảnh này.

        -Còn nữa chị ạ, trong chai thuỷ tinh có một lá thư nhỏ viết rõ địa chỉ, danh tính, thêm một giòng chữ ngắn gọn “sau này sẽ lấy cô gái Giang Hến làm vợ”. Em mừng cho chị nhưng cũng ghen với chị. Cô gái Giang Hến là chị chứ còn ai nữa?

        Giang nhoài người với lấy túi vải để trên chiếc ghế cũ kỹ, cẩn trọng mở từng lớp bọc giấy, lộ ra một chai thuỷ tinh. Chiếc chai nhỏ này để trong bọc hài cốt của Lương Kim Quế.

        Chị Hậu nhìn thấy chai thuỷ tinh, mặt tái mét chăm chăm nhìn chai dầu tràm đã cạn, nhận ra nó là của mình vì một góc do chị làm sứt. Năm mươi năm trước, sau khi hai người mặn mà hạnh phúc, chị trao cho anh chai dầu tràm để dùng khi trái gió trở trời. Không ngờ là bảo vật anh gửi gắm thông tin vào đó, đề phòng bất trắc. Bây giờ chị chắc chắn đúng là anh ấy rồi, oà khóc đến nỗi ngất lịm lăn từ trên ghế xuống sàn nhà. Cô em ôm lấy chị, rối rít lay gọi.

       Nghe tiếng xe máy, chị choàng tỉnh, bật dậy nhìn ra ngoài sân, biết là con trai đã về, liền kêu to:

         -Con ơi, mẹ đã tìm được cha của con rồi. Còn  nữa đây cũng là mẹ của con. Cha con là Lương Kim Quế, tên con là Lương Kim Thành.

        Căn nhà ba gian vốn yên tĩnh lâu nay trong tiểu khu, bỗng dưng ồn ã tiếng khóc của hai người đàn bà và một người đàn ông trung niên. Tiếng khóc không còn ai oán, nhuốm màu đau xót mà tận đáy lòng dấy lên niềm sung sướng, hạnh phúc. Những thức ăn Thành ra chợ Ái Tử mua về đãi khách, bây giờ được bầy lên hương án làm lễ rước vong linh hương hồn Lương Kim Quế trở về với vợ con, ông bà, tổ tiên. Khung ảnh để trống lâu nay trên bàn thờ được gắn tấm ảnh nhỏ của anh lính  năm mươi năm về trước. Hai người đàn bà trở thành vợ chính thức của anh vì họ đã ngầm hiểu nhau sẽ về quê chồng tổ chức làm đám cưới nay mai.

         Sáng hôm sau, hai bà vợ cùng đám con cháu, tạm biệt làng Giang Hến về Giang Sơn quê cha, đất tổ. Sợi nắng trên Thành Cổ rung rinh theo mãi đoàn người đang ngập tràn hạnh phúc.

 

                                                                                                                               Mộ Lao 1/2023

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây