KHOẢNH KHẮC CỦA CÁI ĐẸP - TÁC PHẨM CỦA MỘT NGƯỜI LẶNG LẼ VIẾT NHIỀU VÀ MẠNH.
Thứ tư - 15/03/2023 20:02
Sau Lý lẽ của trái tim, Cao Ngọc Thắng lại cần mẫn. Kết quả là Khoảnh khắc của cái đẹp ra mắt chúng ta. Đây là tập sách bình luận và chân dung. Viết về mười sáu người. Xin được kể ra đây: Hồ Chí Minh, Nguyễn Xuân Sanh, Việt Phương, Trần Nhuận Minh, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Lê Thành Nghị, Nguyễn Văn Huyên, Phan Ngọc, Sơn Tùng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Thiếu Sơn, Trần Lưu Hậu, Vũ Giáng Hương, Linh Chi, Phó Đức Phương...
Nhà văn Bùi Văn Kha
...Vấn đề là chỗ này: bình luận tác phẩm mà ra chân dung tác giả (nhà thơ, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, nhà giáo hay nhạc sĩ, họa sĩ đều vậy), hay ngược lại viết chân dung tác giả nhằm khẳng định tác phẩm đóng góp vào nghệ thuật. Phê bình nghệ thuật (chung) hay văn thơ (riêng) hiện nay chung chung. Vậy, người viết “bình luận và chân dung” đặt câu hỏi: tại sao viết tác giả này, tác phẩm này mà không phải tác giả, tác phẩm khác?, bởi người viết có hiểu thấu không - hiểu để chỉ ra cái hay, cái đẹp và cái đúng mà tác giả (và tác phẩm) muốn truyền đến cho người đọc. Không dùng “phê bình” để tránh sự hiểu lầm rằng phải đao to, thế nọ thế kia, lý luận này nọ…, mà cho người đọc thấy tác giả (hay tác phẩm) thuộc cá tính, không giống bất kỳ cái khác. Bởi, cái đẹp chỉ hiện ra trong khoảnh khắc, ai nắm được nó và trình diễn nó sẽ tạo được cái khác, không nhanh mắt nhanh tay cái đẹp vụt biến mất (nhường chỗ cho cái đẹp khác xuất hiện), không bao giờ trở lại. Sơ qua để thấy cái dụng tâm của người viết. Bình hay cũng là một tư thái. Nếu bốn người Trần Lưu Hậu, Vũ Giáng Hương, Linh Chi là họa sỹ và Phó Đức Phương là nhạc sỹ tôi không dám luận bàn, thì mười hai người trên đều là nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa. Đó là lĩnh vực của anh (thực ra viết về họa sỹ và nhạc sỹ, Cao Ngọc Thắng cũng “mắt” lắm. Anh là dân điện ảnh thứ thiệt nên nhảy sang đấy cũng không kể là lấn sân). Vậy ta xem anh viết về Bác thế nào? Sau khi sơ qua về tập Nhật ký trong tù, Cao Ngọc Thắng bình bài Nửa đêm: “Ngủ thì ai cũng như hiền hậu,/ Lành ác phân ra lúc tỉnh rồi./ Lành ác phải đâu là định tính,/ Thường do giáo dục tạo nên thôi.” (Dịch thơ Nguyễn Sĩ Lâm,). Hãy nói về bản dịch. Bản dịch của Nam Trân đầu những năm 1960 như sau: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện,/Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền./ Hiền ,dữ phải đâu là tính sẵn,/ phần nhiều do giáo dục mà nên.” Hai bản dịch mà cả một thời. Cao Ngọc Thắng am hiểu tư tưởng phương Đông nên cặn kẽ giải thích về nội dung mà bài thơ truyền tải. Xin trích: “Thiện- Ác là cặp phạm trù triết học có giá trị muôn thuở và mang ý nghĩa thời đại. Từ 2.500 năm trước, học thuyết Khổng – Mạnh khẳng định: con người sinh ra đã mang tính “thiện” (“nhân chi sơ tính bản thiện”). 200 năm sau, Tuân Tử lại nêu học thuyết về tính “ác”. Như vậy, các triết gia Trung Quốc đã đẩy hai khái niệm ngày càng xa nhau, biến chúng thành “hai kẻ” đối lập, như thể chúng không có cùng một nơi ẩn náu, trong khi họ lại xuất phát từ chính chủ thể là con người để lập thuyết. Nếu các lập luận đó là đúng thì đương nhiên phải có hai hạng người: chuyên thiện hoặc chuyên ác. Nhưng thực tế không phải vậy, bởi “nhân vô thập toàn” (tôi thấy lý giải như vậy là gọn). Cái mới của anh là anh chọn bản dịch. Bản dịch nào cũng hay, mà cụ Nam Trân là tượng đài rồi, Cao Ngọc Thắng xin phép cụ lấy bản dịch của Nguyễn Sĩ Lâm cho con cháu dễ tiếp cận hơn, nó thế kỷ 21 công nghệ 4.0 hơn, đơn ý hơn. Thế là mới rồi. Tất nhiên , ngữ nghĩa khi bản chữ Hán chuyển sang quốc ngữ phần dịch nghĩa có thể sát. Dịch thơ có thể thoát, nhưng âm vận là khó. “Thuần lương hán, đích nguyên nhân” đọc âm Hán chắc hay cả ý cả nghĩa, nhưng sang câu cú thơ khó mà vần điệu được. Vấn đề là bản dịch chuyển tải được ý tứ của bài thơ để độc giả đón nhận. Việc bình vậy chỉ có thể làm hay tư tưởng và cách đặt vấn đề của Bác. Điều này Cao Ngọc Thắng đã đạt được. Tôi thích Nguyễn Xuân Sanh qua Thi Nhân Việt Nam với “Vắt ngang núi cũ xuân hồng ngày nay”, hay là “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” qua giọng đọc của nhà thơ Bằng Việt (người cũng có bài bình trong quyển sách này). Ở đây, trong bài Người tiên phong cách tân thơ viết về nhà thơ Tiền chiến trong phong trào Thơ Mới - Nguyễn Xuân Sanh, Cao Ngọc Thắng chiết tự cấu trúc thơ để bình giảng. Cách này anh làm thành công để nổi lên cái tinh túy, cái hồn kỹ của câu, của chữ. Nó là nghệ thuật của nhà thơ, là thể phách của câu thơ. Cao Ngọc Thắng viết: “Thơ cách tân hiện nay (không phải tất cả) bộc lộ một số dấu hiệu tách xa hồn cốt dân tộc cả về chữ nghĩa, cả về xu hướng “Tây hóa” trong sự hấp thụ, dẫn đến sự “bí hiểm” mới, không phù hợp với mục đích: cách tân để thơ hay hơn, thơ đẹp hơn và đóng góp tích cực để tiếng Việt giàu hơn, ngày thêm trong sáng. Phải chăng, trong xu thế hội nhập thơ thế giới, thơ Việt càng phải khẳng định bản sắc Việt một cách rõ ràng, tránh sự hòa tan?!”. Viết về Bằng Việt, Cao Ngọc Thắng không nói về thời của Bếp lửa, Trở lại trái tim mình, Nghĩ lại về Pau- tốp- xki, trong bài Hương sắc mới trong thơ Bằng Việt, anh viết: “Nghĩ về thơ và ngẫm về cuộc sống – vẫn có thể là hai hướng tư duy, nhưng với một nhà thơ – lại hầu như cùng một mục đích. Bởi chưng, thơ không thể nào tách khỏi cuộc sống và cuộc sống đích thực lại luôn cần thơ, nâng cánh cho thơ bay bổng, tạo nên mọi rung động cùng nhịp sống hôm nay. Cuộc sống thay đổi, chẳng lẽ gì thơ không chuyển mình. Công cuộc đổi mới đất nước thổi luồng gió làm chuyển động toàn xã hội, thì thơ cũng phải tỉnh thức…”. Tôi muốn viết dài, muốn trích nhiều. Nhưng nói về tác phẩm dạng luận và giới phác chân dung mà mình lại lấn sân thì hóa ra việt vị. Đành dành mời bạn đọc xa gần đến với Khoảng Khắc Của Cái Đẹp biết đâu lại ôm được cái đẹp vào lòng như nhà văn Cao Ngọc Thắng.