Chữ Tình trong thơ Đồng Thị Chúc

Thứ ba - 02/01/2024 08:23

Minh họa: ST

Minh họa: ST



          Ngô Nguyễn

         Tôi từng vào đọc say sưa thơ chị trên blogtiengviet và trên facebook. Thơ chị rất mượt mà, tự nhiên như nước chảy, nhưng đậm chất tình, cứ như những nốt nhạc âm vang trong không trung, càng đọc càng thấy yêu thơ, yêu thơ lục bát hơn. Đọc xong mỗi bài thơ dư âm còn đọng mãi. Trong bài này tôi không muốn dùng từ chung chung là chất trữ tình trong thơ mà sử dụng ngay chính đầu đề của tập thơ “Lục bát tình” để nói về tình yêu trong thơ chị. Tình yêu ở đây bao gồm tình yêu người mẹ, người yêu, bạn bè, xa hơn là tình yêu quê hương đất nước. 

Nói đến tình yêu trước tiên ta không thể không nói về tình mẹ con. Mẹ là người suốt cuộc đời vất vả lo toan cho con “cá chuối đắm đuối vì con”. Bất kỳ ai đều có mẹ để yêu thương và tôn kính. Tình mẹ mênh mông như biển cả.  Cả thế giới đều viết về mẹ mà không sao cạn chữ, cạn lời. Riêng với chị thì khác hẳn, chị muốn nâng từ người mẹ riêng của mỗi người thành người mẹ điển hình, người mẹ Việt Nam. Chính vì vậy chị đã không tiếc tiền và công sức tập hợp các bài thơ về mẹ của các tác giả trong và ngoài nước, tự biên tập, cho xuất bản hai tuyển tập thơ “Lục bát dâng tặng mẹ ta”. Tấm lòng về Mẹ của chị thật rất đáng trân trọng.

Hình ảnh người mẹ trong thơ, người tần tảo, hiếu thuận: “Thức đầu hôm dậy sớm mai/ Vo tròn chữ Hiếu nặng vai chữ Tình” còn cơm thì dành hết cho con “Một thời thương đến xót xa/Củ khoai củ sắn lo qua tháng ngàyTa đi bao bước phong trần/ Vẫn không sánh được một lần mẹ qua” và “Tiếc thương không thốt thành lời/ Ta dâng thơ đắp tượng đời mẹ ta.” Rồi nỗi trăn trở ân hận vì chưa làm được bao nhiêu cho mẹ vui lòng “Kể từ khi được sinh ra/ Ngẫm xem báo đáp có là bao nhiều

 Với tình yêu nam nữ, chị đã để lại những vần thơ thắm tình của cái thời võ vẽ yêu. Dù chỉ là yêu đơn phương nhưng cái thương cái nhớ cứ bén vào mà không sao dứt ra nổi: “Cái thời người ấy trong tôi/ Một ngày không gặp đứng ngồi không yên/ Biết là mình quá vô duyên/ Gió đằng lưng cứ ngang nhiên đập vào/ Người dưng ơi khổ làm sao/ Càng giơ tay gạt càng dào dạt mong”. Ngay đến cái ngày dù mới chỉ cầm tay thôi đã khiến chị vô cùng hạnh phúc: “Một thời yêu chỉ cầm tay/ Mà sao mình cứ đắm say với mình”, Chỉ ánh mắt liếc vô tình/ Mà như gieo cả khối tình sang nhau”.

Với bạn bè, chị luôn là những người chia sẻ, tiếp sức cho thơ chị và chị cũng luôn quan tâm thăm hỏi và chia sẻ cảm nhận “Dạo quanh trong khoảng thinh không/ Mắt đưa tìm bóng, nào trông bóng người!/ Đành lòng quay gót trở lui/ Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua”.

Quê hương luôn là nơi liêng thiêng nhất, nơi sinh thành nên được chị nhắc nhiều trong thơ, Tuổi thơ quê hương mới tuyệt vời sao với chị: Cái thời bên mẹ bên cha/ Áo nâu chân đất thướt tha tóc dài/ Trên bờ đê bước khoan thai/ Em đi học để một mai nuôi mình” Lớn dần thì tình yêu với chị cũng chín chắn dần, bớt ảo tường, đơn phương. Cái thời xinh đẹp hồn nhiên nhất là thời tóc dài má đỏ: Thế là em gái Làng Châu/ Tóc dài má đỏ qua cầu gió bay/ Em đi khắp đó cùng đây/ Nắng mưa với cả gió mây theo cùng”. Và cũng tràn đầy mơ mộng yêu thương: “Cái thời em gái Làng Châu/ Tóc dài má đỏ bên cầu đợi ai/ Phải rồi em đợi chàng trai/ Thương em đến đón với vài buồng cau”.

Vì yêu quê hương nên chị vô cùng xót xa trước những thay đổi khó tin sau thời kỳ đổi mới “Đến hôm nay, đến hôm nay/ Làng tôi như chiếc áo may lỗi thời/ Rưng rưng tôi gọi giữa trời/ Làng ơi! Thuở tuổi chín mười, giờ đâu?”

Trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài, người ra đi chiến trường không trở về, kẻ ở lại địa phương góp gạo nuôi quân vò võ chờ chồng, nỗi thương tâm đã được chị thể hiện trong thơ “Đổ bom xé toạc bầu trời/ Phá tan nhà cửa tơi bời không trung/ Gieo đau thương đến tận cùng/ Mang đói rét đến khắp vùng nước non/ Vắt khô mắt mẹ khóc con/ Cắt lìa đôi lứa thành hồn chiến binh” “Nỗi đau Thành Cổ còn đây/ Với thi nhân được tỏ bày hôm nay/ Tạ lòng xin chắp hai tay/ Cầu hồn liệt sỹ nhẹ bay phiêu bồng”.

Tuổi thanh xuân trôi nhanh bất ngờ và một ngày chị chợt nhận ra: Bây giờ tuổi đã quá trưa/ Chuyện đời đã trải, nắng mưa cũng nhiều/ Chẳng bay như thể cánh diều/ Thì thôi ngồi lại và yêu lấy mình”.

Về già tình yêu lại càng cháy bỏng hơn bao giờ hết: Nào ai tránh khỏi tuổi già/ Chỉ mong mình được như là tre xanh/ Dẫu thân về cõi mong manh/ Có măng ấm bụi ra cành tốt tươi”.

Tình yêu con người, quê hương đất nước đã kết tinh trong Lục bát tình Đồng Thị Chúc:

“Lục bát là lục bát ơi!/ Lục bát dẫn lối đưa người đến ta/ Dù gần hay ở rất xa/ Vịn câu lục bát ta ra với người”.

N.N 12/2023

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây