Văn chương Thủ đô một năm nhìn lại…

Thứ sáu - 15/12/2023 07:30

Văn chương Thủ đô một năm nhìn lại…

08:43 15/12/2023

 

Nhà văn Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
 
      Hội văn chương Thủ đô có lực lượng hội viên khá hùng hậu, với trên 700 hội viên, trong đó có tới quá nửa là các nhà văn sinh hoạt kép, tức là hội viên của cả Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2023, Hội đã tiến hành rà soát, chỉnh đốn lại mảng công tác hội viên; xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động cho các chi hội Nhà văn trực thuộc; sắp xếp lại và phân chia, phân cấp nội dung hoạt động, thành lập thêm các chi hội theo địa dư hành chính để thuận tiện cho công tác quản lí và tổ chức sinh hoạt… Theo đó, hiện nay Hội Nhà văn Hà Nội có 5 chi hội hoạt động với các hình thức linh hoạt, trải đều khắp các cụm văn học nghệ thuật tại các quận/ huyện, thị xã và thị trấn.
Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, một trong những hoạt động chuyên môn khởi sắc là các buổi sinh hoạt chuyên đề định kì vào mùng 10 hàng tháng đã được duy trì có nền nếp; nội dung tập trung vào giới thiệu, đánh giá chung về sáng tác văn học, về tác giả - tác phẩm; tọa đàm về văn xuôi, thơ, văn học dịch, văn học trẻ, phê bình văn học... Hình thức đi thực tế, dã ngoại, mở trại sáng tác được chú trọng, thu hút hội viên tham gia tích cực. Ai cũng biết, lao động của các nhà văn là lao động độc lập, lao động đặc thù, “cái tôi” và dấu ấn cá nhân trên tác phẩm là sự mặc định. Thế nhưng nhà văn lấy chất liệu ở đâu, dung nạp vào tác phẩm những nhân tố nào, ở đâu cung cấp năng lượng, gây men, truyền cảm hứng cho các nhà văn? Câu trả lời là cuộc sống. Chính các hoạt động nghiệp vụ, mạn đàm, trao đổi, phản biện, tham quan thực tế, khảo sát đời sống đã góp phần xứng đáng vào thành công của các tác giả, tác phẩm. Có thể nói, với các nhà văn Thủ đô, tham gia đều đặn, đông đủ vào sinh hoạt chung của hội đã trở thành một phần của lao động sáng tác, thường xuyên, thường nhật. Có một con số thống kê thú vị là để tham gia đầy đủ các sinh hoạt từ cấp chi hội, câu lạc bộ, nhóm bạn văn thơ… đến cấp hội thành phố, cấp cơ quan chủ quản địa phương và trung ương thì lịch của các hội viên là kín tuần. Nói cách khác là hiện nay, không tuần nào không có hoạt động về văn học diễn ra trên địa bàn thành phố. Đó là “điểm sáng” của đời sống văn học Thủ đô sau đại dịch.
Một mảng công tác cũng khá quan trọng trong hoạt động của đời sống văn học Thủ đô, thu hút sự quan tâm của các nhà văn và bạn đọc, là công tác xét giải, dự thi, bình chọn tác giả và tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc hàng năm. Giải thưởng tác phẩm xuất sắc trong năm 2023 thuộc về tác phẩm Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn của nhà văn Vũ Bình Lục… Cùng đó là một Giải thưởng lớn đã trở thành thương hiệu thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội, đó là vinh danh tặng thưởng Thành tựu Văn học trọn đời đối với những nhà văn có cống hiến to lớn cho sự nghiệp văn học Thủ đô. Năm 2023, vinh dự đó thuộc về Nhà văn Ma Văn Kháng. Cũng cần nói thêm cho rõ danh xưng Thành tựu trọn đời - Giải thưởng lớn. “Lớn” ở đây được hiểu là về tinh thần, về tầm vóc, về ảnh hưởng, về sức hút, về ý nghĩa xây đắp cho thành tựu chung… chứ không dành nói về giá trị vật chất. Tiền giải thưởng chỉ mang tính tượng trưng, bởi đó không phải từ nguồn ngân sách, mà đó là từ những tấm lòng yêu văn chương, trân trọng tài năng, ý thức trách nhiệm với đời sống văn học Thủ đô mà các hội viên tự nguyện ủng hộ cho quỹ giải thưởng. Có câu chuyện cảm động là nhiều nhà văn, trong đó có các ủy viên Ban Chấp hành hội được Ủy ban Toàn quốc các Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam hỗ trợ sáng tác cũng tự nguyện tặng lại để Hội có kinh phí làm giải thưởng. Đó là những nghĩa cử cao đẹp trân quý.
Là một trung tâm văn hóa - văn chương lớn của Thủ đô với hơn 700 hội viên và hàng ngàn thành viên của 8 Câu lạc bộ thơ, Hội Nhà văn Hà Nội là một chiếc nôi truyền thống ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triền văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Với ý thức và trách nhiệm của mình, đầu năm 2023 Hội Nhà văn Hà Nội đã chủ động lập Đề án tổ chức “Ngày thơ Thăng Long - Hà Nội” tại địa điểm văn hóa lịch sử truyền thống Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Đề án đã được các cấp lãnh đạo, các ban ngành chức năng của thành phố nhiệt tình ủng hộ. Phấn khởi trước tin vui này, toàn Hội đang tập trung quyết tâm cao, khẩn trương chuẩn bị cho ngày hội thơ vào rằm tháng giêng xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức thành công, tạo đà cho những cải tiến tiếp theo trong những năm tiếp theo. Đây là hoạt động lớn “mở hàng” khai xuân, chào đón năm 2024, “kích hoạt” chương trình thực hiện mục tiêu gia tăng số lượng tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, xứng tầm với vị thế Thủ đô và tầm vóc đất nước.

t

Buổi tọa đàm “Sức sống mùa xuân trong văn học trẻ Hà Nội” do CLB Văn học trẻ Hà Nội kết hợp với Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, là một trong những hoạt động văn học thường xuyên của Hội

    Vẫn biết rằng trong sáng tạo văn chương thì tài năng và nhiệt huyết của nhà văn là yếu tố quyết định. Nhưng để có những tác phẩm lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, xứng tầm với sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong thời kỳ mới, thì nếu chỉ dựa vào tài năng của nhà văn và quyết tâm của các cấp hội là chưa đủ. Sáng tác, sáng tạo trong bối cảnh nào, trong môi trường nào, trong điều kiện nào, trong hoàn cảnh nào, trong tâm thế nào… là những câu hỏi đầy thách thức mà người trả lời, người giải những phép tính phức hợp đó lại không từ các nhà văn mà đến từ các cơ quan quản lí các ban ngành và các cơ quan chỉ đạo và lãnh đạo thành phố. Đã rất nhiều lần, tại nhiều diễn đàn chuyên môn, các nhà văn đã kiên trì lên tiếng mong được tạo môi trường tốt và được đầu tư tốt để phát huy sức sáng tạo, tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của tác phẩm tới công chúng trong và ngoài nước. Có một ách tắc luôn luôn hiện hữu đó là sự hiểu nhầm cơ chế “xin cho” của nền kinh tế quan liêu bao cấp với đầu tư, đặt hàng trong cơ chế thị trường. Lao động của nhà văn là lao động tinh thần, tư tưởng; đầu tư cho nhà văn sáng tạo là đầu tư cho văn hóa, cho xây dựng tư tưởng tình cảm, tâm hồn con người. Chu trình để ra được sản phẩm của nhà văn cũng không tính được bằng thời vụ, mùa màng, bằng giờ công trong kĩ nghệ công thương hay ngày công trong nghề nông canh tác. Đó là những đặc thù có thể nói là “đặc biệt” mà các nhà lãnh đạo và quản lý văn hóa cần thấu cảm và chia sẻ với các nhà văn để giúp lao động sáng tạo của họ đạt hiệu quả tốt hơn.

T.G.T

Nguồn tin: Nguồn: Văn nghệ số 50/2023

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây