Bùi Văn Kha
Năm 1990.
Việt Nam bước vào Đổi Mới được 4 năm. Khó khăn còn chồng chất. Nghèo đói còn đè nặng lên mọi người, nhất là ở miền Trung và miền Bắc. Biên giới phía Bắc vẫn còn chiến tranh. Bên Cam pu chia vẫn còn dư đảng “diệt chủng”. Lệnh cấm vận của Mỹ chặn hết đường ra. Có một con đường xuất khẩu lao động thì Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ đã bịt lại mọi hy vọng đổi đời. Ở Sài Gòn có nguồn tiền Việt kiều gửi về cũng chỉ là da lông, cũng chỉ một bộ phận thôi. Người đi Nga và Đông Âu trở về cũng chỉ mua cái nhà, con xe máy. Tràn ngập là hàng sida và rim Tàu cũng hàng lậu chui từ biên giới, cả phía bắc, phía tây, phía nam, phía biển, toàn hàng nhập thải. Nghiêm trọng nhất vẫn là Liên Xô sụp đổ gây khủng hoảng viện trợ và lòng tin. Lệnh cấm vận của Mỹ làm trầm trọng nền kinh tế. Sản xuất yếu kém. Gần như chỉ có than chui, gạo chui sang Tàu, nhập hàng bãi của Nhật, hàng lậu từ Thái Lan.
Đây là thời kỳ của chuyện tiếu lâm hiện đại, của chuyện chính trị vỉa hè. Thơ còn yếu lắm. Những bài thơ “Hai nửa vầng trăng ” của Hoàng Hữu, “Những phút xao lòng” của Thuận Hữu làm đầu những năm 80, hay “Tản mạn thời tôi sống” của Nguyễn Trọng Tạo,… không gây ảnh hưởng bằng ký của Phùng Gia Lộc, Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết của Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, …hoặc một vài hồi ký khác.
Ngay cả “Lời ai điếu cho một nền văn học minh họa” của Nguyễn Minh Châu, như là sự tiếp tục của “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến, về căn bản, cũng chưa thay đổi được gì. Cả dân tộc đang cố gắng tìm đường ra, mà thơ ca gần như vẫn dân ca lục bát, mà cái võng sáu tám dễ mị hoặc tinh thần. Các nhà thơ hầu như ai cũng trăn trở, như cả nước trăn trở, nhưng dính vào phương pháp hiện thực M. Gooc ki mà thoát ra là khó lắm. đành rằng công nông binh vẫn nguyên đấy, nhưng bây giờ họ chỉ là một bộ phận thôi. Trong trận chiến dân giàu nước mạnh đang chuyển sang cuộc thi đua thị phần giữa kinh tế quốc doanh vốn nhà nước với kinh tế thị trường vốn xã hội, thì quyền chủ động không thuộc một ai, mà phải toàn xã hội. Đảng ta đổi mới triệt để chính là đi theo hướng ấy. Đã là xã hội thì phải là toàn dân, tức là con người, và những gì thuộc về con người. Bất cứ cái gì cũng phải từ con người, và năm 1991, có một nhà thơ đã là một trong những người đầu tiên phát ngôn điều đó: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Ông trình ra thể thơ tự do để truyền những tư tưởng về con người với thân phận đơn nguyên. Không còn một chút nào lục bát dù ông sinh ở Làng Chùa cả làng làm lục bát. Nhưng ông không đoạn tuyệt ngày trước. Ông chỉ đặt truyền thừa vào thời kỳ mới, thời kỳ phi thường, vì vậy phải có những sự tình phi thường. Bài thơ Những Ngôi Sao chính là sự mở đầu như vậy.
Những ngôi sao
Ta không thể nuôi nhau bằng những ánh sao trời
Anh nói vậy xin em đừng khóc
Những ngọn tóc em đang đổ xuống ngực anh
Như những rễ cây bò buồn trong sỏi đá
Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi ta chẳng còn biết nữa
Ta ôm nhau ngồi thở trước sao trời
Những ngôi sao tuyệt vời nhưng anh không tới được
Chẳng bao giờ anh hái được cho em
Anh đã gọi em về, không nỡ để em đi
Em non bấy đau trong từng sợ hãi
Em tựa vào anh, anh tựa vào cay đắng
Trái đất tựa vào những tinh tú thẳm xa
Đêm hoang sơ chỉ có đôi ta
Không cơm áo cửa nhà ngồi ôm nhau run rẩy
Ta sẽ bắt đầu điều gì khi bình minh thức dậy
Đi về phía biển khơi hay trở lại rừng
Trái đất đang ở đâu đêm nay một triệu năm về trước
Hay của triệu năm sau gió bụi, mây vàng
Và ta nữa khổ đau cùng hạnh phúc
Ta là hai kẻ cuối cùng hay hai kẻ đầu tiên
Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi ta chẳng còn biết nữa
Ta như hai đứa trẻ non mềm vừa mới sinh ra
Với hơi thở của người vừa ốm dậy
Ta ôm nhau ngước mắt gọi sao trời.
1991
Chỉ có A đam và E va bên nhau trên trái đất. Trái đất tựa vào tinh tú. Và họ lại vừa mới sinh ra nên phải tồn tại đã, trước khi có thể làm triết học, làm thơ. Cái minh triết của bài thơ này nằm ở hai câu “Em tựa vào anh, anh tựa vào cay đắng /Trái đất tựa vào những tinh tú thẳm xa”. Câu đầu là chỉ ra khởi thủy của sự sống khi con người phải có nam có nữ mới làm được điều vĩ đại nhất: Sinh ra con người. Câu sau hàm ngôn chỉ đến trong ba lực lượng cần có cho sự phát triển kinh tế xã hội là lực lượng tinh hoa, lực lượng bình dân, lực lượng tài chính. Ta lúc này (năm 1990) đang thiếu lực lượng tài chính, thừa lực lượng bình dân, nhưng phải tôn trọng giới tinh hoa. Nhưng phải là giới tinh hoa toàn xã hội, chứ không phải chỉ ở giới chính trị và giới trí thức. Bây giờ điều này khi thế kỷ XXI được hơn hai mươi năm đã bình thường, nhưng hơn ba mươi năm trước, những “Vua lốp”, “Vua Điện” , “Vua…vua” thành phần tư nhân không có cửa “Thượng tầng”.
Ở bài Tiếng Vọng là sự đặt vấn đề về nhân văn. Nhưng là ở mặt vô cảm và hậu quả.
Tiếng vọng
Con chim sẻ nhỏ chết rồi
Chết trong đêm cơn bão về gần sáng
Đêm ấy tôi nằm trong chăn nghe cánh chim đập cửa
Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi
Và tôi ngủ ngon lành đến lúc bão vơi.
Chiếc tổ cũ trong ống tre đầu nhà chiều gió hú
Không còn nghe tiếng cánh chim về
Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt.
Nó chết trước cửa nhà tôi lạnh ngắt
Một con mèo hàng xóm lại tha đi
Nó để lại trong tổ những quả trứng
Những con chim non mãi mãi chẳng ra đời.
Đêm đêm tôi vừa chợp mắt
Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh
Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ
Tiếng lăn như đá lở trên ngàn.
Chủ nghĩa nhân văn là bảo vệ quyền lợi con người. Đó là tư duy của thời thế kỷ 17 - 17 “Tôi buôn bán thì tôi phát tài, ai cũng vì mình, chỉ có thượng đế là vì mọi người”. Hết giai đoạn ấu trĩ này, trên thế giới mới xuất hiện tổ chức Hòa bình Xanh và các tổ chức bảo vệ môi trường. Nhưng ở Việt Nam thì chưa. Đến bây giờ Việt Nam toàn xã hội vẫn chưa quyết liệt, chỉ mới khởi động ở pháp luật thôi.Và Nguyễn Quang Thiều lại đúng: Bắt đầu phải ở giới tinh hoa!
Chất nhân văn còn thể hiện ở Những người đàn bà gánh nước sông.
Lao động đặc thù được miêu tả như ảnh chụp. Nhưng tôi thấy họ một nửa bấu vào hy vọng mây trời vẫn biết mây bay, tay kia bấu vào nghề nghiệp cũng chơi vơi, mà sông cũng khổ, cũng khó tới ngày mai, chỉ lần được bước nào hay bước ấy. Trông vào những người đàn ông thì họ ra khỏi nhà lặng lẽ, họ trông vào phép mầu, phép mầu không thiêng, họ chỉ lại toàn là tiêu cực. Thơ như vậy hướng tới giới bình dân không phân biệt ai cũng lột tả được hoàn cảnh “không thể được!”.
Những người đàn bà gánh nước sông
Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt
Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng
Sông gục mặt vào bờ đất lần đi
Những đàn ông mang cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Những con cá thiêng quay mặt khóc
Những chiếc phao ngô chết nổi
Những người đàn ông giận dữ, buồn bã và bỏ đi
Đã năm năm, mười năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Sau những người đàn bà gánh nước sông và lũ trẻ cởi truồng
Chạy theo mẹ và lớn lên
Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến
Con trai lại vác cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Và cá thiêng lại quay mặt khóc
Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi.
Bài thơ này như một tiếng kêu cứu nhân văn!
Chủ ý này còn ở bài Trên Đại Lộ. Những người mẹ, người vợ, người con gái của chúng ta lạc loài trên con đường lớn. Những người yêu của chúng ta thời “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” bị cái nghèo túng làm cho tha hóa. Nhưng Nguyễn Quang Thiều không vùi khinh họ. Họ bước theo hàng, đúng lề lối, không có gì hỗ trợ, lặng lẽ, có vẻ thất trận, nhưng tứ ẩn của bài thơ nằm ở hai câu “Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương/
Họ chẳng cần tung hô, cũng chẳng đợi đón chào”. Đã là thời kim tiền qua phân phối bao cấp rồi, nếu nghèo thì khổ là đương nhiên. Nhưng sự tự tin là cần thiết. Các khen thưởng cũ không bằng nghề nghiệp tặng cho. Những chiếc vảy cá, vì vậy mới là huân chương của họ. Còn cái gì mà động viên phù phiếm họ không cần. Câu thơ có vẻ thực dụng nhưng đúng thời, đúng việc.
Đây là thời của hiện thực mỹ cảm bị tư tưởng thơ đi trước một bước. Đa số vẫn bị hình thức cũ dung tục trói buộc. Chủ nghĩa hình thức là một thói quen bẫy rập nguy hiểm của chủ nghĩa bảo thủ giáo điều. Những bên phải, đầu trọc vẫn theo sát anh, nhất là anh dùng cái cũ để đóng anh chống lại cái khốc liệt đang đến, thì cái nhìn của anh, cái vận động của anh cũng lạc hậu rồi. Trên Đại Lộ chính là hướng chúng ta tới điều đó. Đường lớn cái gì!
Trên đại lộ
Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen
Chỉ đôi tay, đôi chân và đôi mắt lộ ra
Nhưng tất cả cũng một màu như thế
Những chiếc dậm đan bằng tre trên vai họ như vầng trăng khuyết vớt từ bùn lên
Những cái giỏ bên hông như những cái đầu trọc lắc lư theo nhịp bước
Bóng họ đổ xuống đường thành những vũng đen
Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận
Cán dậm chúi xuống mặt đường - Những nòng súng gỗ hết đạn
Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám
Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương
Họ chẳng cần tung hô, cũng chẳng đợi đón chào
Như mây trước cơn giông trôi nặng nề, oi bức
Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Họ đến từ đâu và sẽ đi đâu
Với mùi tanh cua ốc tỏa quanh người
Đại lộ Nguyễn Trãi,1991
Đặc điểm lớn nhất của thơ Nguyễn Quang Thiều là trữ tình triết lý, dung hợp Đông Tây, tự nhiên trí tuệ. Ông là người khai phá, định hình và thành công ở một phương pháp mà tôi gọi là NHÂN VĂN ĐA DIỆN. Ông kiên trì tiên phong dựng và giữ phương pháp sáng tác này cho mình. Đóng góp của ông, ảnh hưởng của ông cũng là ở phép tắc này. Với đa phần xã hội, ngay từ đầu chưa thể thấu và đón nhận thơ ông trong buổi giao thời. Nhưng càng ngày, văn minh càng dày lên, cửa mở thông thoáng, ngọn lửa của ông biến thành hào quang lan tỏa, ít hoặc nhiều, ông trở thành hình tượng, biểu tượng. Sự mất ngủ của lửa trở thành Prômêtê đem vũ khí của thần linh xuống cho loài người. Nguyễn Quang Thiều đã nối dài tứ thơ thuở thần thoại cho đến tận giờ, day dứt.
Có lẽ những người sáng tác thời Nguyễn Quang Thiều, cả văn xuôi và thơ, đều ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Khi cái cũ không thể cho mình cách nhìn, cách sống, cách thức hành động, thì việc xem xét và lựa chọn là đương nhiên. Có thể trở về quá khứ, nhập vào dòng văn học hồi ức. có thể phủ định từng phần hay toàn bộ, lật đổ thần tượng, biểu tượng lịch sử, trở thành dòng văn học giải thiêng. Nhưng đối mặt với hiện tại, vững tin vào sức sống, vào dân tộc, vào lịch sử, mới là chỗ đứng của các nhà thơ chân chính. Tác phẩm phải đặt lại các vấn đề, các giá trị để thấy hết các mặt của sự tình, từ đó có cách biện giải của cá nhân, mới có thể giúp cho sự phát triển theo chiều đi lên tiến bộ. Đi tiếp, đi hết sức mình mới có thể đồng hành với nhân dân mình. Khi đó, các sáng tác văn học mới hữu ích cho đất nước, cho lý tưởng.
Nguyễn Quang Thiều dùng thể loại thơ tự do, không phải để tự sự, mà để truyền tải ý tứ. Bài thơ nào của ông cũng có chuyện, có nhân vật. Thơ ông vì thế điệp ý, bài nào cũng hàm ngôn, đa tầng. Ngay những bài thơ tôi dẫn ra đây tưởng dễ hiểu nhưng đều phải giải mã.
Sông Đáy
Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm
Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc
Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn
Tỏa mát xuống cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi
Một cây ngô cuối vụ khô gầy
Suốt đời buồn trong tiếng lá reo.
Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông.
Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại
Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi
Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước
Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi
Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa.
Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi…chiều nay tôi trở lại
Mẹ tôi đã già như cát bên bờ
Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi
Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt
Tôi khóc.
Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng.
Sông Đáy, 1991
Mẹ giờ như cát, con về khóc, vốc cát ấp mặt. Nước mắt đem cát từ mặt con chảy xuống dòng sông. Dòng nước mắt cát ấy đã là truyền đời, đã là tinh lọc, đã hòa thành dòng sông đời. Cái dòng “Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc” của Quang Dũng, cái “Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa” của Lai Vu - Đoàn Bổng, nay “Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại/
Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi” vì sông đã cạn dòng, nhiều chỗ đã cạn khô, mà nguyên nhân là bởi nhân tình.
Triết học Mác dạy ta, mọi tự nhiên, xã hội, và tinh thần đều tồn tại theo hai nguyên lý liên hệ và phát triển. Và trở thành kinh viện. Và nhiều thứ trở thành giáo điều. Vậy nên Đảng ta đã nhìn ra, đã nhìn thẳng. Nhưng đó là chính trị. Còn thơ thì phải hình tượng. Mạng nhện không phải là ước lệ. Mạng nhện là biểu tượng tượng trưng, nghĩa là phản ánh cái hiện thực bằng nghệ thuật. (vì biểu tượng là ngôn ngữ của văn xuôi. Còn ngôn ngữ của thơ là hình tượng. Là cái chính thôi, chứ cũng không hẳn rạch ròi).
Ám ảnh
Tấm mạng nhện giăng nơi cửa sổ phòng tôi không có mưu mô độc ác gì
Mỏng như hơi thở con tôi phả vào mặt kính
Nó dịu dàng đỡ những giọt sương đêm
Như tấm võng của bà mẹ đỡ đứa con
Ru êm ái trong ban mai màu ngọc
Nhưng đời tôi phải chăng đã gặp những lọc lừa
Nên tôi sợ và tôi nghi ngờ
Rằng ý nghĩa tôi sẽ mắc vào tơ nhện
Con nhện già lao ra từ một khe cửa sổ
Vồ lấy ý nghĩ của tôi
Phủ lên đó một lớp nhựa độc màu trắng
Như người ta phết bơ lên lát bánh mỳ
Khi ý nghĩ của tôi tê cứng
Nó sẽ ăn ngon lành
Như kẻ ăn mày ăn lát bánh mỳ phết bơ béo ngậy
Vừa ăn nó vừa gãi những cái chân dài lên từng sợi tơ mảnh
Như thằng du côn vừa uống rượu vừa gẩy đàn
Sự nghi ngờ đã lây lan, sự căm thù đã lây lan
Nhưng mãi mãi tấm mạng nhện kia không có mưu mô độc ác gì
Mỏng như hơi thở của con tôi phả vào mặt kính
Tháng tư năm 1991
Những năm 70 của thế kỷ trước, ở Âu Mỹ (xuất xứ từ Mỹ), những người trẻ có phong trào “we do going”, nghĩa là “chúng ta đang đi”, không đầu không cuối không dừng! Chỉ có đang đi mới thấy mình tồn tại. Đến Tha Phương của Nguyễn Quang Thiều là “Người đi, người đi, người đi. Vừa đi, vừa vấp”. Câu thơ phản ánh cả một phong trào. Câu thơ là cả một tư tưởng. Câu thơ là cả một trạng huống.
Tha phương
Xa
Xa ngơ ngác con đường
Người đi, người đi, người đi. Vừa bước vừa vấp
Ta khóc trong cỏ gai
Ta khóc trong rơm rạ
Ta khóc thành rêu.
Xa
Xa nhoi nhói con đường
Ai sẽ gọi người, ai sẽ dắt người, ai sẽ thay áo cho người
Ta đau như dễ đứt
Ta buồn như chó ốm.
Quê hương
Khuất khuất sau mây
Quê hương âm âm trong gió
Ta không thể dâng tay gạt hết mưa chiều
Để nhìn cho tỏ mặt.
Chỉ mùi khói phân trâu khô bên đường bén lửa
Ngăn ngắt đắng vào giấc ngủ kẻ tha phương.
1992
Mạch này còn tiếp tục ở khúc IX của Mười Một Khúc Niệm. Ta quan niệm ta ở lúc chiều xế, thấy u mê. Ấy là ta lúc vừa đẻ. Đã âm nhạc cuối cùng. Nguyễn Quang Thiều nhớ đến con kiến lửa của G. Mác kết trong Trăm năm cô đơn.
IX
Những u mê trôi kín cả chiều vàng
Ta khao khát nhìn thấy ta trong vệt sáng cuối ngày hắt qua khe cửa
Có lẽ nào đó là đường nhân loại
Đó là niềm tin sót lại trên đời
Tóc ta bết – tóc trẻ con vừa đẻ
Cơn sốt ngân lên âm nhạc cuối cùng
Trong vệt sáng cuối cùng có một con kiến lửa
Đang bò về cơn sốt của ta.
Nếu những ai trưởng thành ở thập niên 80 thì đã xem - nghe – đọc Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi, Người không cùng một chuyến tàu của Nguyễn Quang Thân. Kịch trước thì “nhân danh và ám chỉ”. Truyện sau thì có những người không hát đồng ca với con tàu đang vận hành, cũng là ám chỉ. Ở Mười một khúc cảm, khúc V, đó là sự trình bày ám chỉ, nhưng trên phương diện con người, chứ không phải thế thái nhân tình.
V
Người đàn ông điên không quần áo đang đi trên đường phố
Thứ tự do này làm hoảng sợ mọi thứ tự do
Một triệu năm về trước nhảy và hú
Một triệu năm về sau nhảy và hú
Đói không phải là đói
Khát không phải là khát
Đau không phải là đau
Trong sự hổ nhục của người đàn bà đi qua mặt người đàn ông điên
Trong sự không hổ nhục của người đàn ông điên trước chúng sinh và mặt trời
Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác.
Cái anh AQ của Lỗ Tấn năm Cách mạng Tân Hợi 1911 (và cả Nhật ký người điên nữa), đến năm 90 hiện diện ở Việt Nam là một người phi lý, bản thể, động vật, hoang dã, không còn là động vật tinh khôn, trong một nơi tập trung văn minh nhất, nhân tính nhất, chứ không phải nơi rừng rú. Nơi đường phố. Và anh ta tồn tại với đại diện của cái đẹp nhất: Người đàn bà! Cái đẹp hổ nhục. Người đàn ông không hổ nhục! Còn nhà thơ thấy nhân loại nhìn qua lăng kính. Cái nhìn (thế giới quan – nhân loại kia mà) đã biến ông vua của An đec xen bị người ta bịp, thành S. Freud của nhân văn quan hệ, trong một trừu tượng triệt để.
Ở Việt Nam, từ năm 1941 đến nay, ai mà không biết đến chú Dế mèn với giấc mơ thế giới đại đồng của Tô Hoài. Còn bây giờ “Tiếng con dế bị giam cầm trong góc nhà vươn lên một con đường cỏ dại”. Cái lưỡi dao trên bàn viết, như hàm răng người lạ, không cầm dao, mà cười. Những năm 90, cả nước xem phim Bao Công “thiết diện vô tư”. (Đến giờ tôi cũng không hiểu từ thiết diện hay như thế bên Tàu, sang thơ cụ Nguyễn Du thành mặt sắt đen sì, để từ đấy thành ác quan. Nhưng tôi thấy Nguyễn Du cho cách xử Thúc Sinh và Kiều cũng vô tư đấy chứ. Câu “Bề nào thì cũng chẳng yên bề nào” thật tuyệt vời!). Trở lại Bao Công. Tôi nhớ nhà văn Hòa Vang tác giả của Hiện tượng Hveya có nói người viết chúng ta lúc này bị cái “uầy ù” làm kinh hồn táng đởm. Nguyễn Quang Thiều, trong cái hoàn cảnh ấy, vẫn sống cùng với nó, như người miền Tây sống chung với lũ. Đấy là một thái độ.
“Những vết rạch thương yêu giờ này đã ngủ
Miệng vết thương mở ra hai mầm lá gợn hồng
Có gì đó cựa mình trong mạch vôi tường ẩm ướt
Có gì đó lướt trên nụ cười lưỡi dao
Như thiên nga lướt mộng mị trên mặt hồ tỏa sóng
Nỗi đau lịm dần… lịm dần
Nỗi đau gượng dậy… gượng dậy
Trong những tia cười dao sắc và thơ ”
XI
Trên mặt bàn viết của ta
Lưỡi dao rọc giấy lóe sáng như hàm răng một người lạ đang cười
Tiếng con dế bị giam cầm trong góc nhà vươn lên một con đường cỏ dại
Chạy mãi về cánh đồng ngoại ô
Ta là đám rêu vừa cổ kính vừa tơ non ven tường ngôi miếu cổ
Đống lá bưởi khô mười năm chưa cháy hết
Mười năm dụi vào ký ức tuổi thơ
Những vết rạch thương yêu giờ này đã ngủ
Miệng vết thương mở ra hai mầm lá gợn hồng
Có gì đó cựa mình trong mạch vôi tường ẩm ướt
Có gì đó lướt trên nụ cười lưỡi dao
Như thiên nga lướt mộng mị trên mặt hồ tỏa sóng
Nỗi đau lịm dần… lịm dần
Nỗi đau gượng dậy… gượng dậy
Trong những tia cười dao sắc và thơ
Nguyễn Quang Thiều, bằng sức mạnh của sự trừu tượng, đã biến tất cả công nông binh thời sử thi anh hùng ca sĩ nông công thương thập loại chúng sinh thành con người tự nhiên xã hội, từ đấy mà “văn tư tu huệ”. Con người trong thơ ông là con người nhỏ bé, đơn nhất nhưng phổ biến. Ông không hiện sinh triết học họ như F. Kafka, J.P Sartre, A. Camus,… với công lý, buồn nôn hay dịch hạch. Ông, đơn giản chỉ muốn trình họ ra với những cái có và không có của họ trong xã hội này, trong vũ trụ này. Họ, những đơn nhất người ấy, mới là “một, là riêng, là thứ nhất”.
Cho nên, cái Nhân văn Đa diện của Nguyễn Quang Thiều đã đưa vào thơ một thứ ngôn ngữ hình tượng âm bản (bản nguyên, bản gốc). Nhân văn truyền thống lấy con người và lợi ích con người là duy nhất. Đó là nhân văn đơn diện, nhiều khi kinh viện. Nhân văn đa diện lấy tồn tại là mục đích. Theo nhân văn đa diện, con người là động vật tự nhiên – xã hội. Phần nhân văn tự nhiên là các dạng thức mục đích tồn tại, là cùng tự nhiên, lấy tự nhiên là đồng hành, điều kiện, chứ không phải là trở về tự nhiên như kiểu Hippie những năm 1960 từ bỏ xã hội công nghiệp, quay về tự nhiên. Phần nhân văn xã hội lấy các quan hệ làm pháp tắc tồn tại. Cả hai phần này đều được Nguyễn Quang Thiều đưa vào thơ Việt.
Thời kỳ này, bên Trung Quốc có Trương Hiền Lượng với Một nửa đàn ông là đàn bà trình một lập luận lưỡng cực, đem chủ nghĩa Mác làm nhân vật, và nhân văn là một phía, để tranh biện. Có Khương Nhung trong Tô tem sói giải thích cội nguồn dân tộc bằng biện chứng pháp của tự nhiên, có màu quyết định luận địa lý. Còn Cao Hành Kiện trong Linh Sơn vừa hồi ức vừa đồng hiện vừa dựng giải (như kiểu montage – dựng phim). Cả ba đều nhân văn đa diện. Mạc Ngôn, Giả Bình Ao vẫn là đơn diện.
Như vậy, Nguyễn Quang Thiều không phải kiểu Ơ rê ka! Ông chỉ đem nhận thức vào nhân sinh bằng thơ, một cách chủ thuyết, để thơ Việt tiếp cận một phép sáng tác, khác về tất cả phép sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bây giờ, sang những năm 20 của thế kỷ XXI ta thấy là bình thường. Năm 1990 trở về trước, cũng cam go chỗ đứng lắm.
Đến đây, tôi muốn dẫn một bài thơ nữa để thấy, với Nguyễn Quang Thiều, phương pháp luận quan trọng như thế nào. Tất nhiên , ông nói bằng ngôn ngữ thơ, tức là ngôn ngữ hình tượng. Tôi không diễn giải bài thơ này, vì tự câu thơ đã bộc lộ rõ ràng ý tứ:
Hồi tưởng tháng chín
Chúng ta không thể tìm thấy dấu vết quen thuộc
Của thành phố trong buổi sáng mù sương
Những hàng cây biến mất, những ngôi nhà biến mất
Biến mất những con đường cùng với biển chỉ đường
Trong nỗi sợ hãi biến mất những thói quen
Tất cả quờ tay lần tìm một bức tường
Trước mặt là người quen mà chúng ta không biết
Thời tiết thay đổi đột ngột xoá mất đôi mắt chúng ta
Trong sương mù cất lên một giọng nói
Một giọng nói khác và một giọng khác nữa
Hoảng hốt hỏi nhau về con đường vẫn thường đi
Nhưng chúng ta đều là những người mù trong buổi sáng ấy
Có một người mù ngày ngày vẫn đi qua thành phố
Dừng lại nói cho chúng ta nghe về con đường
Nhưng chúng ta không sao hình dung được
Con đường trong ngôn ngữ của trí tưởng tượng giữa bóng tối
Trong lúc chúng ta loay hoay và nguyền rủa thời tiết
Người mù bước đi thong thả giữa hai hàng cây
Chúng ta cố ngước mắt kiếm tìm dấu vết
Và lạc ngay trước cửa ngõ nhà mình.
Nghe nói Homer là người mù, là người hát rong giỏi. Còn người mù ở đây chỉ có ngôn ngữ của trí tưởng tượng giữa bóng tối thôi. Kinh khủng con đường. “Chúng ta cố ngước mắt kiếm tìm dấu vết/ Và lạc ngay trước cửa ngõ nhà mình.”…
Tôi cho là Nguyễn Quang Thiều theo chủ nghĩa chiết trung, không hẳn kiểu trung dung của Khổng Tử, bát chính đạo của Đức Phật Thích Ca, viễn cận vô vi của Lão Tử, cũng không hẳn là đứng giữa duy tâm duy vật kiểu phương Tây, mà là sự dung hợp của tượng hình phương Đông với lô gic phương Tây bằng lối thơ tự do hành văn Âu Mỹ trong áo nghĩa tiếng Việt. Ông là Triết giả trên bàn viết, Chúa sơn lâm trong rừng văn, và Chủ tướng trong trận bút, đưa tư tưởng nhân văn đa diện vào thơ Việt Nam, và ảnh hưởng đến văn học Việt Nam, từ những năm đầu của Thời kỳ Đổi Mới 1986. Sự đổi mới ấy đang tiếp diễn và thành công, chứ không phải dậm chân hay thụt lùi, như ai đó nói!
Nguyễn Quang Thiều có hình phách của một nhà thơ lớn. Ông là một trong những người thời đại cần, và đã đáp ứng được nhiều hơn, bằng thơ, những yêu cầu thời đại!
Hà Nội, tháng 12 năm 2023.
B.V.K
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn