Thạc sĩ Nguyễn văn Ngọc
34 năm xa quê hương đất nước, hồn thơ của nữ Việt vẫn luôn dâng đầy những mạch nguồn cảm xúc về thế giới tinh thần của tình yêu đôi lứa, quê hương đất Việt, con người và thiên nhiên nơi xứ người. Thơ từ thành phố Stuttgart nước Đức là tên gọi của tập thơ thứ 4, đánh dấu sự thành công mới trong sáng tạo thi ca của Nguyễn Hồng Linh .
Thi sĩ Nguyễn Hồng Linh, quê Phan Thiết- Bình Thuận, bắt đầu cuộc sống định cư ở nước Đức từ 1989, hiện sống và làm việc ở thành phố Stuttgart. Lưu giữ trong trái tim người đàn bà xa xứ là miền ký ức của tình yêu. Bóng hình Hồng Linh vẫn luôn ngoảnh lại với nỗi niềm trân quí: “ Từ người đi khép lại mùa trăng nhớ / Dấu rêu phong đã chạm cõi tinh mơ / Cánh thiên di bỡ ngỡ khuất chân trời / Ta ngoảnh lại một đời này xanh cỏ” ( Ngoảnh lại một đời này xanh cỏ). Tâm hồn người đàn bà bước qua nỗi buồn khi tình yêu trắc trở : “ Buồn rơi vụn vỡ ngày thơ/ Mắt ai ngơ ngác đôi bờ cách xa” ( Buồn ơi!.. ) để hướng tới ánh sáng của sự tĩnh lặng cân bằng , an nhiên trước thực tại mưu sinh cuộc sống nơi xứ người.. : “ Tìm an nhiên giữa chiều mưa / Hạt rơi vụn vỡ hương thừa quẩn quanh “ ( Chiếc bóng mùa đông ). Bản lĩnh tình yêu vững vàng thu lượm về hồn thơ Hồng Linh những vẻ đẹp thật duyên dáng. Vị ngọt, vị đắng của tình yêu giao thoa bao nỗi niềm sâu thẳm trong trái tim của người phụ nữ Việt, biết sống với tình yêu dẫu bước chân đôi lứa không đến được bến bờ.
Thơ Hồng Linh viết về tình yêu là tiếng vọng tâm hồn giữa hai bờ sông, bên kia - người đã sang sông, bên này - người ở lại, đó là cốt lõi hình thành tứ thơ . Ký ức tình yêu luôn hiện hữu trong tâm thế của người xa xứ: “ Người đi hái giọt buồn rơi / Để ta ở lại sầu khơi một mình” ( Nguyệt sầu). Vận dụng lối kết cấu này trong thơ truyền thống Việt , ngòi bút của thi sĩ thu vén ý tứ vào trong những hình ảnh giàu sức tạo hình , gửi vào thơ hương vị ca dao xưa: “ Người đi khoác áo sương mù / Em về lạc lối mưa thu giăng đầy/ Hạt bay rơi xuống vai gầy/ Hạt nào ghi dấu bóng mây ngang trời” ( Thềm xưa dạ nguyệt ).Vẫn hoàng hôn, vẫn con phố thân quen, vẫn lá thu vàng, vẫn ngọn gió, vẫn mùi hương hoa vừa quen vừa lạ qua các tập thơ trước mà sao khi vào thơ Hồng Linh trong tập thơ này lại xao động khác thường , hồn vía đến vậy : “ Người đi phố bỗng chơi vơi / Hoàng hôn nắng nhạt giấu lời đơn côi / Người đi gió bỗng bồi hồi / Cô đơn chiếc lá chia phôi trên cành...../ Người đi phố vẫn gọi tên / Hương xưa thổn thức bồng bềnh vị yêu” ( Nguyệt sầu ). Hồng Linh thẳm sâu trong tâm hồn mình bước đi của người yêu dĩ vãng : “ Người xa đi mãi về chưa?/ Tìm trong ký ức hoa sưa trắng ngần / Dịu dàng hương thoảng níu chân / Về đi người nhé một lần đợi nhau”( Giấc mộng vấn vương). Lối đi về trong tâm tưởng người phụ nữ là khát vọng rất đỗi tự nhiên của hạnh phúc tình yêu : “ Em mãi tìm một tình yêu trọn vẹn / Đời không anh bến hẹn bỗng xa xôi / Sóng bạc đầu ôm khát vọng / Trong tôi / Ngày anh đi lạc trôi mùi hương cũ” ( Biển gọi mùa thu vắng). Thơ của người phụ nữ trải nhiều sóng gió tình yêu thì phần hấp dẫn người đọc là sự giằng xé nội tâm của nhân vật trữ tình: “ Lang thang phố vắng mưa ngâu / giọt nào đọng lại chìm sâu giữa dòng / Khát khao tìm lại tình hồng / Ngày xanh trôi cạn long đong kiếp người” ( Tiếng trăm năm vọng bên đời).
Điểm mạnh ở hình thức thơ Hồng Linh là sự đầu tư tạo lập hình ảnh và kiến tạo tứ thơ. Nữ sĩ làm mới mình trong cách chọn lọc, tổ chức sắp xếp từ ngữ giàu hình tượng phù hợp với sự vận động của sắc thái tình yêu . Cảm nhận tinh tế những cung bậc của tình yêu, dung hòa xung đột tâm lý : “ Anh chở mùa thương của em đi vắng / lao xao thu vàng gọi nắng chơi vơi” ( Thu chơi vơi). Kết hợp hình ảnh mang màu sắc cổ xưa và hiện đại để câu chữ không bị chi phối hoài cổ mà hướng tới sự màu nhiệm của tiếng Việt hiện đại : “ Đường xa vai áo bạc màu / Thương người viễn xứ lạc nhau chốn nào” ( Rong rêu). Câu chữ ở những bài thơ hay của Hồng Linh thường biểu đạt giản dị, dư vị lắng đọng: “ Em về / Tóc gió thôi bay/ Đông sang ngơ ngẩn / Anh say mỗi ngày/ Bàn tay/ Tìm kiếm bàn tay/ Đợi đêm xuân mộng/ Ươm dây tơ hồng ( Tóc gió thôi bay). Hồn thơ thi sĩ gói vẻ đẹp phồn thực vào những lời thơ nồng nàn hương sắc tình yêu: “ Đêm thắp lửa / Cho hồn ngoan khờ dại / Nhu mì em bỗng lột xác hóa thân / Trăng lả lơi / Bóng trăng vàng ân ái / Ánh sao khuya bỗng rực sáng ngại ngần’ ( Hóa thân ). Trong thế giới thơ tình yêu, thi nhân sáng tạo những câu thơ tài hoa xuất thần ở những đỉnh điểm của tâm lý tình yêu : “ Người đi, một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ ” ( Hàn Mặc Tử ). Cái tôi trữ tình bộc cảm một cách trung thực thế giới nội cảm của riêng mình : “ Một chút nắng ngủ quên trên búi cỏ / Trời chưa mưa , đất đã mềm lòng / Sỏi đá cũng đa tình, em thấy đó / Huống chi sương khói, huống chí anh” ( Nguyễn Nhật Ánh).
Thơ từ thành phố Stuttgart có những thi phẩm buộc tình vào nhau như khúc dân ca tha thiết bên đợi bên chờ : “ Em vẽ vòng tròn cho trái tim anh ngự trị / Buộc câu chữ, ướp nỗi nhớ thành vị ngọt ngào thương / Anh đừng xa lạ, đừng giận dỗi như khách qua đường / Hãy như khúc dân ca mười thương / Dịu dàng đong đầy câu mong đợi” ( Còn lại gì ? ). Tiếng thơ giàu năng lượng , trung thực của Hồng Linh góp phù sa cho dòng sông tình yêu bên lở bên bồi. Cốt lõi tâm thức văn hóa của thơ nữ sĩ nơi xứ người là giàu phong vị Việt , thi sĩ biết gìn giữ và phát huy khả năng diễn đạt ngôn từ của người Việt trong sáng tạo thi ca. Sự phồn thực trong vẻ đẹp tâm hồn được chưng cất từ nhiều yếu tố truyền thống văn hóa người Việt. Nguyễn Hồng Linh dung nạp tinh hoa của văn hóa xứ người và luôn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Nguyên sơ của đời sống tinh thần người Việt là cội nguồn của tình yêu thân, tính cộng đồng dân tộc luôn phát huy trong mọi hoàn cảnh. Hình ảnh quê hương luôn đi về hiện hữu trong tâm trí người Việt nơi xứ người : “ Trời đông giá áo lạnh với khăn quàng/ Tuyết rơi rơi, xốn xang chờ nắng ấm / Nhớ Sài Gòn cơn mưa chiều ướt đẫm / Nhà thờ Đức Bà thầm lặng nghiêm trang “ ( Nỗi niềm giáng sinh ). Hồng Linh trở về với ký ức chân quê : “ Khói giăng dưới mái tranh nghèo/ Rau lang, mắm cáy, cá kèo... thiết tha/ Người quê chân chất thật thà / Đi xa vẫn nhớ quê nhà dấu yêu’’ ( Quê hương là tiếng mẹ ru). Miền ký ức của người Việt xa quê có bước chân của người con gái khát khao muốn trở về nơi đồng bãi thân quen: “ Ra đồng tìm hái lá dền / Cố hương sâu nặng đừng quên cội nhà / Bát canh ngọt đẫm tình xa / Đầm sen trở nụ mẹ già ngóng trông” ( Hoa cải tình quê). Hình bóng mẹ luôn trở đi trở lại trong thơ của đứa con xa quê : “ Con khôn lớn vẫn mơ vòng tay mẹ’’. Ngoài thơ , Hồng Linh còn viết tản văn, những trang tản văn đều viết về cha, mẹ, cảnh quê dịp tết: “ Tết đến.... nhớ mẹ ngồi gói bánh chưng xanh bên bếp lửa hồng. Ba tôi là một người yêu thích hoa cỏ và đam mê của ông là làm những hòn non bộ và làm rất đẹp. Mỗi năm đều chọn một cây mai chưng trong ngày tết. Năm nào đúng vào tết mai nở bông nhiều, vàng rực cả góc nhà thì nụ cười trên khuôn mặt ba tôi càng rạng rỡ” ( trích tản văn Bốn mùa vẫn xuân- Văn chương phương Nam ) . Đi trong miền ký ức của người Việt nơi xa xứ, có nỗi đau thương mất mát của con người trong đại dịch covid, Hồng Linh viết những dòng thơ buồn dằng dặc : “ Giờ đây/ Tinh cầu này/ Nhuộm màu tang tóc/ Tiếng nói cười / Bỗng chốc lặng câm / Cây vẫn xanh / Nhưng chim trên cành không còn tiếng hót / Chỉ còn tiếng cú kêu đêm / Tiếng gió kêu gào trong đêm lặng than van / Chốn ta bà / từ biệt sinh ly’’ ( Sầu covid). Bản ngã tình yêu thương của con người đất Việt trở về trong thơ Hồng Linh : “ Khăn tang trắng đưa người về đất mẹ / Áo xô buồn hương khói lệ tang thương / Gió hát ru khe khẽ tiễn bên đường / Vĩnh biệt nhé! Chốn vô thường người đến!” ( Lệ covid) . Thành phố Suttgart là thành phố lớn ở phía Nam nước Đức, nơi Hồng Linh sống và làm việc đã 32 năm. Thơ viết từ thành phố Stuttgart có nhiều bài viết về con người, cuộc sống nơi đây. Thành phố trải qua những ngày đại dịch covd : “ Tôi đứng lặng nghe người nghệ sĩ đường phố hát / Tiếng anh nồng ấm vút cao khát khao ước vọng / Che lấp chia ly mùa covid / Phố Stuttgart vẫn tấp nập bàn chân người / Đồng hành là chiếc khẩu trang giấu chết chóc, cô đơn đáy mắt. ” ( Nỗi ám ảnh hằn sâu đáy mắt sau chiếc khẩu trang). Cảnh vật và con người ở đây đi vào thơ của nữ sĩ Việt : “ Sông Neckar hiền hòa chảy qua cổ kính và hiện đại / Giữa ngọn đồi xanh khu phố cổ và thung lũng / Tòa lâu đài và cây cầu cổ in bóng sóng nước chênh chao / Con người hiện đại hóa bên sông Necker xưa cũ hiền hòa / Một bức tranh phong cảnh hoàn mĩ thanh bình / Cuộc sống tăng tốc và thời gian không dành cho sự bi thương ’’ ( Sông Neckar hiền hòa chảy qua cổ kính và hiện đại). Sắc màu mùa thu thành phố với những đường nét tinh tế, ngôn từ mô tả nhân hóa cảnh vật tạo nên vẻ đẹp giàu màu sắc hội họa: “ Sót lại những chiếc lá vàng rơi trên ghế đá công viên / Hàng cây nằm nghiêng mình bóng in long lanh đáy nước / Những ngôi nhà đang leo nhẹ nhàng trên sườn núi ánh vàng / Con đường dốc nằm thở tươi cười dưới nắng / Lá cây chuyển màu đỏ an nhiên trong những cánh rừng” ( Mùa thu đi ngang qua khung cửa).
Từ Stuttgart nước Đức , Nữ sĩ Hồng Linh tham gia sáng tác thơ 1-2-3 và được Văn học Sài Gòn tặng thưởng: “ Tác phẩm : Chùm thơ 1-2-3 tháng 7. 2020”. Thơ Hồng Linh đưa ta về chiêm ngưỡng vẻ đẹp cuộc sống nơi xứ người : “ Nghe hơi thở mùa xuân trắng góc phố phường/ Tay trong tay nghe đôi chim câu kể chuyện tình buổi sớm / Lang thang Schlossplatz những khu vườn xinh xắn Cột Thánh xưa/ Nghe tiếng vó ngựa của những chàng kỵ sĩ thời vua william l / Nằm bãi cỏ xanh ngắm tháp Killesberg nghe hạ nhớ nhung....” ( Sẽ đưa anh về Stuttgart một ngày hoa nắng rực rỡ) .Trang vanvn.vn của Hội nhà văn Việt Nam, ngày 28 tháng 1 năm 2021 giới thiệu 5 bài thơ của Hồng Linh ( Venice nàng thơ mộng cho ta ấm lòng những ngày đông, “Thánh địa” tình yêu lướt thướt hạt mưa sa, Chiều ngang qua Vương Cung Thánh Đường Santa Maria della Salute, Chàng họa sĩ vẽ bức tranh yên bình góc phố, Ngắm hoàng hôn dát vàng trên kênh đào độ dài 3800m). Một bức tranh về thành phố yên bình lắng lại trong hồn thơ nữ sĩ : “Hải âu tung cánh giữa bầu trời xanh màu ngọc bích/ Khúc tình ca rộn vang mùa sang dịu dàng hương quyến rũ/ Con thuyền Gondola lững lờ trôi đẹp như chuyện tình đậm chất thơ/ “ Thành phố nổi” tỏa sáng dưới ánh bình minh/ Nụ hôn cầu than thở truyền thuyết sẽ yêu nhau đến trọn đời” ( Chàng họa sĩ vẽ bức tranh yên bình góc phố). Sách : “Thơ Việt ở Đức” tập I ( 2014) và “Thơ Việt ở Đức” tập II ( 2019) là tiếng thơ của cộng đồng người Việt. Nguyễn Hồng Linh có nhiều bài thơ trong “Thơ Việt ở Đức” tập II . Từ thành phố Stuttgart nhớ về Sài Gòn, hồn thơ nữ Việt liên tưởng : “ Mai về tìm lại dòng sông trắng / Dấu vết rêu phong khói sương bay..... Phượng hồng rủ bóng bên đường vắng / Ai chở tình ta gửi gió mây” ( Sài Gòn có gì ?).Tiếng thơ của cộng đồng người Việt nơi xa xứ góp phần làm giàu có đời sống tinh thần người Việt , ở đâu có cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc thì ở đó luôn bền vững thế giới tinh thần bản sắc dân tộc Việt. Tiếng thơ của người Việt nơi xa xứ luôn hành trình giao thoa giữa văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Thơ viết từ thành phố Stuttgart nước Đức của Nguyễn Hồng Linh, gồm 105 thi phẩm – một bước tiếp nối hành trình thơ với 3 tập thơ trước ( Tóc rơi phiến Ngọc, Cành xanh giọt sầu, Giấu nhớ vào anh). Rất nhiều bài thơ trong 4 tập thơ của thi sĩ Hồng Linh đã được phổ nhạc . Tiếng nhạc ngân lên đưa hồn thơ của người đàn bà xa xứ đi tới những miền không gian của thành phố Stuttgart ; gửi về đất mẹ Việt Nam những nỗi niềm sâu thẳm .Thơ của Hồng Linh lặn vào ngày cũ, neo về trong bình minh ngày mới : “ Ta ngoảnh lại một đời này xanh cỏ ”. Nhà thơ Chế Lan Viên quan niệm : “ Mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy/ Lặng vào đời rồi lại ngoi lên” ( Nghĩ về đời, nghĩ về thơ / nghĩ....).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn