Bùi Việt Mỹ
Từ nhiều năm qua, đời sống phê bình văn học Hà Nội luôn giữ nhịp sôi động với sự tham gia của khá nhiều nhà nghiên cứu lý luận và phê bình tên tuổi ở Hà Nội, họ đồng thời là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, cùng chung một sàn diễn. Ngay cả trong 2 năm đại dịch, vài chục tập sáng tác và phê bình văn học cứ đều đặn xuất hiện, các trang mạng cũng luôn tích cực truyền tải đến bạn đọc. Có hay và có cả dở. Thơ văn phong trào được các nhà xuất bản cấp phép khá nhiều và nó mặc nhiên xen vào mặt bằng văn chương khu vực, địa bàn văn hóa Thủ đô. Trên cơ sở đó, cuộc Tọa đàm cuối tháng 11/2022 của Hội Nhà văn Hà Nội đã nói được khá nhiều điều. Trước hết, các nhà phê bình văn học đều khẳng định cần tăng cường vai trò, vị trí của lý luận phê bình văn học, ở thời điểm có nhiều biến động về đời sống mọi mặt, nó không chỉ phát huy kích thích sáng tạo của nhà văn mà nó cần xuất hiện với tư cách định hướng cảm thụ tác phẩm, từ đó nối gần lại các giá trị nhân văn và thẩm mỹ giữa nhà văn và bạn đọc.
Không khí sinh hoạt văn chương vào dịp cuối năm được nhà văn và bạn đọc đẩy lên cao hơn, trong đó quan tâm và chờ đợi tác phẩm nổi trội, được dư luận đánh giá có sức nặng về nội dung và nghệ thuật sáng tạo. Chúng ta dễ nhận thấy một số đầu sách với quy mô vài tập đến các bài viết giới thiệu sách, phê bình văn học qua mạng xã hội cũng đang thu hút một lượng lớn tác giả và bạn đọc trẻ.
Bộ sách Giải mã kho báu văn chương của Vũ Bình Lục (NXB Hội Nhà văn 2022), Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “nhà văn đã dồn tất cả sức lực, trí tuệ của ông vào việc nghiên cứu cả ngàn năm thơ ca được viết bằng chữ Hán của cha ông ta. Cho đến nay, ông đã cơ bản giải mã gần như hầu hết những tác phẩm thơ chữ Hán quan trọng nhất, hay nhất, tinh hoa nhất, từ đời Lý-Trần, đến nửa đầu thế kỷ 19. Công việc to lớn này, lẽ ra phải là công việc của một tập thể, của một viện... Nhà văn Vũ Bình Lục đơn thương độc mã, lao tâm khổ tứ, đắm đuối cần mẫn đêm ngày như con tằm nhả kén ươm tơ. Ông đã dịch thơ và bình giải kỹ càng khoảng 1500 bài thơ chữ Hán của hầu hết những tác giả ưu tú nhất ở Việt Nam…Số lượng bản dịch thơ vào loại hay, chiếm tỷ lệ khá cao, vừa nhuần nhuyễn vừa đảm bảo tiêu chí “tín”, “đạt”, “nhã”…Tất cả điển cố, điển tích của các bài thơ đều được ông chuyển cả vào văn, khiến bạn đọc mọi đối tượng dễ tiếp thu, dễ sử dụng”.
Tập truyện Người bay trong gió xanh (NXB Hội Nhà văn 2022) của Phạm Duy Nghĩa cũng đang giành được chỗ đứng khá cao trên báo chí. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nhận định: “Trong những truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, ngôi thứ nhất (tôi) đã ngấm ngầm chiếu giấc mơ của mình lên lối viết, lên những lựa chọn của chủ thể. Nó hạn chế tính khách quan (như lời R.Barthes) nhưng lại là cơ hội cho một quá trình chủ quan hóa, trữ tình hóa nào đó. Gió xanh, Người bay, Người hùng biết sợ, Chiếc áo second-hand, Đi về vùng thảo nguyên… có thể là những dẫn chứng cho việc tự biểu hiện bản sắc chủ thể này của Phạm Duy Nghĩa. Những truyện ngắn đẹp và đa nghĩa, giàu chất thơ, giàu hình ảnh, màu sắc, thấm đẫm tinh thần tượng trưng thông qua lớp biểu tượng và giọng điệu… làm hiện lên “hình tượng tác giả” như là phiên bản được ẩn giấu của chủ thể.… Phạm Duy Nghĩa định hình một văn phong chỉn chu, kỹ lưỡng trong lựa chọn, chặt chẽ trong bố cục kết hợp. Như được phủ lên một lớp men đầy mê say của cảm xúc kết hợp với sự đầy đặn của suy tưởng từ bên trong”. Nhà văn Hồ Anh Thái viết: “Phạm Duy Nghĩa đã tạo dựng được một không gian rừng sâu núi cao đủ để cho người ta mơ màng cái lạ. Nhưng tác giả không câu nệ hiện thực để mà nắn giọng ngọng nghịu giả vờ ngây thơ “cho ra chất núi... Miền núi chỉ là bối cảnh, chỉ là không gian mà tác giả mượn để nói những vấn đề của nhân loại, vốn bao giờ cũng có mẫu số chung. Giọng văn sáng góp phần tạo ra hiệu quả cho việc tạo dựng này”.
Tập tiểu thuyết Sóng độc (NXB Hội Nhà văn 2022) của Trần Gia Thái “là cuốn tiểu thuyết hay, độc đáo, người viết có nghề, có nhiều trải nghiệm, đời sống thực tế phong phú, sâu sắc. Phản ảnh sinh động hiện thực, hiện trạng xã hội…Những nhân vật phản diện, ham hố quyền lực, ăn chơi đàn điếm, trác táng. Mỗi bộ mặt một nhân cách, đủ thủ đoạn mưu ma chước quỷ, ném đá giấu tay, độc ác đê hèn, tung tin bịa đặt như những căn bệnh ung thư khó chữa len lỏi vào từng ngõ ngách trong đời sống hàng ngày…Nhà văn phải công phu lắm, yêu nghề, hiểu và tâm huyết lắm mới lột tả tường tận được tính cách từng nhân vật sống động, lại là trong nghề làm báo. Tác phẩm dẫn dắt cuốn hút bạn đọc như thấy mình đang là người trong cuộc” - Lê Đức Nghinh. Về giá trị nghệ thuật, Gs, Ts.Trần Đăng Suyền khẳng định: “Tiểu thuyết Sóng độc có sự dồn nén cao độ về không gian, về thời gian nghệ thuật với một thế giới nhân vật không nhiều, được lựa chọn kĩ…Ở đây, Trần Gia Thái đã tiếp cận hiện thực đời sống từ một góc nhìn riêng, đã tạo nên cái nhìn riêng về hiện thực và con người…Trong suốt 17 chương, với hơn bốn trăm trang sách, hai chữ sóng độc nhấp nháy hiện lên, cứ trở đi trở lại, như một tín hiệu thẩm mỹ, dệt nên một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng”. Rồi tiếp sau Nguyễn Thành Phong với Đêm ngồi ngã ba sông (NXB Hội Nhà văn), một số nhà văn chọn làm tuyển tập thật dày dặn như: Thơ văn Lê Thị Mây, Truyện ngắn Lê Hoài Nam và Thơ Nguyễn Việt Chiến … tạo hiệu ứng khá cao trong dư luận.
Các bộ tiểu thuyết lịch sử cũng do NXB Hội Nhà văn xuất bản chỉ trong hai, ba năm như: Thiên mệnh và Thiên thu huyết Lệ của Nguyễn Trọng Tân; Bộ 6 tập từ Phùng Vương cho đến Lý Phật Tử định quốc của Phùng Văn Khai. Theo P.Gs,Ts Hỏa Diệu Thúy thì “đây là một cách hình dung về lịch sử, qua ngôn ngữ tiểu thuyết, lịch sử được tái hiện gắn với trạng thái đời sống sinh động nên vô cùng cuốn hút, hấp dẫn. Đọc lịch sử thông qua tiểu thuyết, phải chăng là cách hữu hiệu để lịch sử đến với mỗi người không chỉ bằng lý trí mà còn bằng cảm xúc. Lịch sử dân tộc bốn ngàn năm hào hùng là nguồn cảm hứng mãnh liệt và là kho dữ liệu vô giá với các nhà tiểu thuyết. Viết truyện lịch sử đang trở thành trào lưu, nhiều cây bút đã thành công ở thể loại này”.
Bên cạnh đó, chúng ta thấy một số tác phẩm chuyên sâu về Lý luận phê bình của các tác giả: Trần Đăng Suyền, Trần thị Trâm, Bùi Việt Thắng, Trương Đăng Dung, Hoàng Đăng khoa, Vũ Nho, Đỗ Ngọc Yên, …Tập: Những tượng đài và hiện tượng văn chương Việt Nam hiện đại (NXB Đại học Sư phạm 2022) của Gs,Ts Trần Đăng Suyền là tập tiểu luận tiêu biểu về chuyên ngành lý luận. Ông thể hiện cách tiệm cận với khuynh hướng sáng tạo ở giai đoạn lịch sử rất rõ lập trường, quan điểm và bản chất hiện thực. Có thể khẳng định, qua đây, chúng ta hoàn toàn vững tin bởi cái nhìn khái quát về tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam từ đầu Thế kỷ XX đến 1945 qua từng giai đoạn; tiếp nối là biểu hiện của khuynh hướng văn học mang tính sử thi cho đến trước 1975. Về một số quan điểm chính thống trong tiến trình đấu tranh, xây dựng một nền văn học gắn liền với đạo đức và nhân cách con người… được tiếp nối như một cách minh chứng qua một số tác giả đã để lại dấu ấn về tầm tư tưởng và phong cách nghệ thuật trở thành những tượng đài văn chương. Cách nhìn, độ tin cậy thông tin và văn phong Trần Đăng Suyền thể hiện một tài năng nghiên cứu phê bình đại diện cho sự nỗ lực của đội ngũ những nhà văn làm phê bình văn học hiện nay.
Trở lại với nội dung và diễn biến buổi Tọa đàm nói trên, hầu như các ý kiến đều đánh giá, ghi nhận “văn chương đương đại đã cập nhật với đời sống, đã thể hiện được những vấn đề của cuộc sống hội nhập, cuộc sống mà sự nhận chân những giá trị bền vững cho nhân dân, cho dân tộc luôn là nỗi khắc khoải trong lương tâm người cầm bút”. Và, thực tế đang hiển nhiên bề nổi, bề chìm của sự chuyển giao thế hệ: “Ý thức đi tìm cái mới, nếu như ở thế hệ 4X, 5X điềm tĩnh, chừng mực thì ở thế hệ sau quyết liệt hơn, Với những lợi thế về sức trẻ, về ngoại ngữ, về sử dụng internet, thế hệ này rất ý thức đi tìm cái “khác”: Khác với lối mòn lưu dấu khá lâu trong đời sống văn học, khác như là cái mới mang diện mạo của thế hệ mà ngay tiêu đề sách hay bài báo cũng đã thể hiện điều đó, chẳng hạn: “Phê bình văn học và ý thức đi tìm cái khác”, “Đứng về phe cái khác”...Đương nhiên, chúng ta rất ủng hộ sự dấn thân của thế hệ trẻ trong việc tìm tòi, trước tiên cho chính mình bởi không ai muốn mình bị nhòe mờ trong đám đông, sau nữa, góp vào diện mạo chung của đời sống văn chương. Chính ý thức đó của người viết đã làm cho văn chương trở nên phức điệu”- (P.Gs,Ts Tôn Phương Lan). Lại cần phải nói thêm về bản thân người làm lý luận phê bình, P.Gs,Ts Trần thị Trâm khẳng định: “Nội lực là sức mạnh từ bên trong của con người, sức mạnh tổng hợp của trí lực và thể lực. Muốn có nội lực trước hết cần phải có được một cái phông văn hóa theo nghĩa rộng, bao gồm không chỉ là những kiến thức văn hóa nghệ thuật mà còn là cả những hiểu biết về triết học, đạo đức, chính trị, xã hội, công nghệ, ngoại ngữ …Nội lực ấy chính là cơ sở tạo nên bút lực và bút hồn cho mỗi tác phẩm của nhà nghiên cứu phê bình, nó thể hiện trình độ học vấn, kiến thức văn chương nghệ thuật, kiến thức lý luận, những hiểu biết về lý thuyết chuyên ngành và khả năng làm chủ những kiến thức đó để tạo nên bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, để có thể làm việc một cách chuyên nghiệp…Có thể nói: nội lực là vấn đề then chốt nhất, quyết định tầm vóc, phong cách và sự phát triển bền vững của nhà phê bình.
Bên cạnh còn có ý kiến tập trung đánh giá ở “chiều ngược lại, đây như là một yếu tố thách thức đối với nhà phê bình văn học. Nếu không được đầu tư nghiêm túc, phê bình văn học sẽ bị co cụm trong một vài đối tượng độc giả. Không phải là không có những than phiền rằng tác phẩm phê bình văn học rất khó bán bên ngoài thị trường. Sự thách thức này chắc chắn sẽ tác động nhiều trong tương lai và dần dần làm thay đổi diện mạo và tâm thế của phê bình văn học. Nhà phê bình văn học trước hết không thể dẫn dắt và định hướng thẩm mỹ một cách một chiều... Nhưng hơn nữa, nhà phê bình cũng khó có thể chỉ bình thản đứng sau câu chữ, mà phải xuất hiện nhiều hơn, tạo ra phong cách, sắc màu riêng biệt hơn”- (Tác giả trẻ Đức Anh). Một thiên chức của nhà phê bình là luôn luôn nhìn sang các sáng tác: “Nếu như nhà sáng tác không có ý thức trang bị và lĩnh hội cho mình những kiến thức cơ bản về lý luận phê bình văn học thì sớm muộn anh ta cùng lắm cũng chỉ có thể sản sinh ra những tác phẩm không hoàn chỉnh, bán thành phẩm, dưới mức trung bình. Một khi những xúc cảm trong sáng tác văn chương không được lọc qua cái filter của lý trí thì rất dễ rơi vào tình trạng tự nhiên chủ nghĩa, gặp gì nói nấy, không biết mình viết đúng hay không và viết để làm gì trong những văn cảnh cụ thể. Cái filter lý trí sẽ giúp cho nhà văn sáng tác tạo ra những tác phẩm có bố cục, kết cấu chặt chẽ, rõ ràng hợp logic với đời sống của con người và xã hội tại từng thời điểm khác nhau của lịch sử; có ngôn ngữ thể hiện phù hợp với từng văn cảnh của thời đại mà nhà văn đang sống, cũng như hợp với từng lớp, loại nhân vật”- (Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên).
Ơ một phương diện khác, ngoài các tác phẩm lý luận phê bình đứng riêng rẽ thành tập, nó còn có sự hiện diện trên báo chí. Chính báo chí là nơi mà nhận định, đánh giá sáng tác về giá trị tác phẩm cũng như quan điểm tác giả dễ và nhanh chóng phổ cập đến các nhà văn và bạn đọc. Theo Nhà văn Vũ Nho: “ Có thể nói các cây bút lí luận, phê bình của riêng Hà Nội khá mỏng. Hội đồng lí luận phê bình của Hội nhà văn Hà Nội có thống kê các đầu sách lí luận phê bình được xuất bản trong nhiệm kì là bao nhiêu? Các bài viết lý luận phê bình đăng trên báo, tạp chí là bao nhiêu? Chỉ có làm như thế, chúng ta mới nhìn rõ lực lượng của Hà Nội như thế nào, mạnh ở mặt nào và yếu ở mặt nào?..Vấn đề thách thức của Hà Nội là phát hiện, bồi dưỡng lực lượng kế cận, tạo điều kiện cho họ xuất hiện trên diễn đàn. Bám sát các sáng tác của Thủ đô, giúp công chúng tiếp cận với các tác phẩm của nhà văn Hà Nội về đời sống của Thủ đô và cả nước”. Nhà văn như chợt nhận thấy Hà Nội như chưa có một sàn diễn văn chương, Tạp chí Người Hà Nội đang không đủ sức tiếp cận và cáng đáng những sáng tác thường xuyên của hàng ngàn hội viên.
“Thành tựu trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng là kết quả của sức mạnh tổng hợp cộng đồng trách nhiệm song, với sáng tác văn học là một lĩnh vực đặc thù vì lao động mang tính cá thể hóa cao độ. Không có con đường rải đầy hoa thơm cỏ ngọt cho người làm văn. Không có vinh quang nào không cay đắng với người làm văn. Cổ nhân dạy “Lập thân tối hạ thị văn chương” luôn cảnh giới chúng ta. Đó là con đường thiên lý đầy chông gai. Hoạt động lý luận phê bình lại càng gian nan, phải tích lũy bền bỉ, phải nỗ lực rất cao. Cảm hứng tương lai bao giờ cũng quan trọng, nó kích thích niềm say mê sống và làm việc. Thời gian tới 2025 có những mốc lịch sử: Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024), 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025). Đó là những “ngoại cảnh” đặt ra trước toàn thể hội viên nhà văn với những việc cần làm ngay như việc tham góp phản biện xã hội với ý thức vì cuộc sống mới. Chúng ta không quá khó để thực hiện một dự án văn chương là giói thiệu, quảng bá tác phẩm viết về Hà Nội ở các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng” - (Nhà phê bình Bùi Việt Thắng)…
Nhà văn Vũ Quần Phương tâm huyết về kinh nghiệm từ thế hệ lý luận phê bình văn học lớp trước và nhiều bài học từ thực tiễn. Ông nhắc nhớ thận trọng ở những việc thường làm như phê bình và điểm sách, chúng có khoảng cách khác nhau. Và, như một ý thức chung, những độc giả yêu chuộng và mến mộ phê bình, một lần nữa đề cao nhu cầu tìm đọc và thưởng thức phê bình văn học. “Cái ta đang nghĩ là đúng hay sai, ta phải cư xử ra sao với một chuẩn mực mới… Tất thảy những băn khoăn ấy trong đời sống cá nhân, đều có thể được tác động bởi phê bình văn học, thậm chí còn mạnh mẽ hơn một tác phẩm văn học cụ thể. Phê bình văn học tạo ra những nhịp để neo giữ tư duy, làm ra những điểm tham chiếu về cách nhìn nhận cuộc sống. Nhà phê bình văn học sống thêm nhiều cuộc đời của những người khác, tìm cách thông báo về tồn tại của những thiết chế, những định kiến, phản biện xây dựng xã hội. Tuy họ không định nghĩa lại về sáng tác, nhưng mách bảo chúng ta luôn phải nghĩ khác đi”. Vì thế, việc nâng niu, trân trọng và liên tục khẳng định, vun đắp cho giá trị của phê bình văn học là công việc cần thiết và cơ bản hơn cả mà đội ngũ làm phê bình hôm nay cần tự tin, sắc sảo và mạnh mẽ hơn với việc nghiên cứu hay giải mã nhu cầu của người đọc về những trang phê bình.
BVM. 12/2022
Nguồn tin: Báo Văn nghệ, số 52 - 24/12/2022
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn