Trần Đình Việt, lặng lẽ trên đường thơ

Thứ năm - 07/09/2023 17:16
Trần Đình Việt, lặng lẽ trên đường thơ

             Nhà văn Anh Chi

        Mãi đến những năm cuối thế kỷ vừa rồi và đầu thế kỷ này Trần Đình Việt mới cho đăng thơ trên một số tờ báo, và năm 2003 nhà thơ này mới cho xuất bản tập thơ Gió trên những con đường do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Chúng tôi cũng được quen biết Trần Đình Việt trong thời gian anh mới xuất hiện trong đời sống thơ ca, nên biết, quãng thời gian đó anh đang chuẩn bị cho việc nghỉ hưu. Bài thơ Những gợn sóng đời mở đầu tập thơ đầu tay của Trần Đình Việt, đã khiến tôi động tâm: Người đã khuất như hòn đá chìm sâu xuống đáy hồ/ Mặt nước cuộc đời mãi sau còn gợn sóng. Những câu thơ gieo vào lòng tôi một tiếng vang khẽ, nhưng thật sâu, là tiếng vang từ ký ức xa xôi của một con người đã nếm trải nhiều trong trường đời. Bài Tắm ở sông Hồng, xúc cảm thơ đẹp và mạnh: Chúng tôi đi về phía bờ sông/ Những dấu chân in trên cát.../ Nhưng rồi gió thời gian xóa đi/ Chỉ còn có dòng sông trước mặt. “Chúng tôi” ở đây là mấy chàng trai hồi năm 1972, trong đó có Trần Đình Việt, vừa xếp bút nghiên, đang trong những ngày chuẩn bị lên đường ra mặt trận, vậy nên dòng sông họ xuống tắm chợt thiêng liêng khác thường:
Dòng cuộn chảy và lấp lánh mặt trời
Dòng lịch sử của dân tộc tôi
Nào phải tắm đâu
Chúng tôi đem cuộc đời mình hòa vào dòng sông đỏ...

Tôi đã nghĩ, người viết những câu thơ dẫn ở trên, chắc đã mê thơ, và hơn thế, đã bị thơ nó ám vào mình ngay từ quãng đầu đời rồi, nên dù đi theo ngả này, ngả khác, rồi cuối cùng vẫn là người thơ thôi. Quen, rồi thân với Trần Đình Việt, nên tôi biết mình đã nghĩ đúng. Còn biết, hơn nửa thế kỷ trước anh đã là bạn thân của nhóm học sinh miền Nam tập kết, gồm Thanh Quế, Ngô Thế Oanh, Cao Duy Thảo... Những bạn lứa đó sau trở thành những nhà thơ, nhà văn. Riêng Trần Đình Việt thì theo học ngành kiến trúc và trở thành kiến trúc sư. Nhưng Trần Đình Việt chưa bao giờ ngừng làm thơ cả. Bởi thế, trong tập thơ đầu tay, có những bài viết từ mấy chục năm trước, như Những gợn sóng đời và Tắm ở sông Hồng, cùng một số bài thơ khác. Trần Đình Việt tính trầm, sống khiêm nhường, lặng lẽ, như anh tự nói về mình trong bài Không đề, viết năm 1965: Nhà thơ ơi, tìm chi với tấm lòng trai trẻ/ Một tình yêu sâu thẳm tựa hồn anh.../ Khúc tình ca, anh chỉ hát một mình. Khi đó, anh đang là sinh viên khoa Kiến trúc, nhưng đã thầm coi mình là nhà thơ. Nhà thơ này viết đều đặn, liên tục suốt mấy thập kỷ, từ hồi còn là sinh viên, những năm lang thang qua các công trường xây dựng, cả những năm chiến đấu ngoài mặt trận, rồi những năm đi tu nghiệp Kién trúc ở châu Âu... Nhưng, anh hầu như không có nhu cầu gửi thơ tới các tòa soạn báo chí, xuất bản. Anh viết, có lẽ chỉ để “thỏa mãn nhu cầu nội tâm riêng mình”, như nhận xét của nhà thơ Ngô Thế Oanh. Bởi vậy, những bài thơ của Trần Đình Việt thật đậm dấu cuộc sống cá nhân mà anh đã nếm trải suốt mấy chục năm trường. Những yêu thương, những xa xót, hạnh phúc hay khổ buồn của riêng anh đã thành thơ một cách chân thật và bình dị. Chẳng hạn, sau bao năm đi xa, về nhà, người mẹ đã khuất núi, những câu thơ Trần Đình Việt như nước mắt chảy ngược vào tâm can: Trong chạng vạng hoàng hôn/ Tôi trở về thắp hương trên mồ mẹ/ Rồi vội vã ra đi/ Và rồi mãi đi xa.../ Để đến giờ trên nẻo đường xa lắc/ Bóng mẹ về trĩu nặng cả chiều hôm (bài Chạng vạng hoàng hôn). Với bài Cảm tác bên một bức tranh, xúc cảm thơ êm và sâu đằm: Chỉ là một lối mòn/ Một bờ cây đổ bóng/ Một vệt hoa tím mờ/ Chạy dài trên cỏ vắng... Ẩn sau cảm tác của nhà thơ, là một chuyện về sự gặp gỡ rồi chia xa trong cuộc đời này, ngôn ngữ thơ buồn và đẹp thấm lòng: Chiều còn giữ nắng lại/ Bóng người giờ về đâu? Còn bài Ngoái lại, chỉ bốn câu thơ, nhưng chất chứa những suy ngẫm về ngày đang sống và về cả những ký ức xa xôi:

          Bạn dông dài thì nhiều
          Tri âm giờ được mấy
          Chiều giật mình ngoái lại
          Mình ta với hoàng hôn 

Do được bạn bè tâm giao và những người thân khích lệ, đôi khi họ đòi hỏi nữa, Trần Đình Việt đem những bài thơ ấy gửi đăng báo, xuất bản thành sách. Và đời sống văn chương Việt Nam hiện đại đã có thêm một nhà thơ với phong cách của một thi sĩ đi trên đường thơ thật lặng lẽ. Và, nhà thơ này đã tỏ rõ một nội lực thơ khá dồi dào, chỉ ba năm sau khi xuất bản tập thơ đầu tay, năm 2006 anh cho in tập thơ Lặng lẽ bên đời. Qua tên tập thơ, có thể hiểu, chính Trần Đình Việt đã chọn cách đi trên con đường thơ ca của mình, là đi lặng lẽ. Cuộc đời mà anh thấu hiểu: Một ngày ngắn/ Một năm cũng ngắn/ Mà lẫn lộn bao nhiêu buồn vui. Đường dài, mệt mỏi chăng, nên anh thổ lộ: Sao tôi hay nhớ về những giờ có em bên tôi/ Một chút dịu dàng/ một chút dịu dàng thôi... (bài Tôi hay nhớ về). Đây đâu chỉ là những câu thơ tình ái, mà hơn thế, nó là thơ về tổ ấm cho đời người. Và bài Chợt tỉnh giấc khuya, cũng thế, là chuyện của một người trên đường đời: Chợt tỉnh giấc khuya/ Bàng bạc những vòm cây/ Trăng tràn qua cửa sổ/ Thì ra vầng trăng/ Vẫn theo ta lặng lẽ bên trời; không phải thơ về trăng, là thơ về nỗi ước mong da diết một hạnh phúc trần đời: 

Có không đôi mắt
Lặng lẽ theo ta bên đời 

IMG 9599

         Đọc Lặng lẽ bên đời, tôi chợt nhớ tới một đoạn hồi ức của nhà thơ Thanh Quế, kể về tình bạn của anh với Trần Đình Việt: “Ngày ấy, chúng tôi hay nói với nhau: bây giờ làm những bài thơ phục vụ chiến đấu, sau chiến tranh sẽ viết những bài thơ nói thẳng về hạnh phúc và khổ đau của con người”. Phải vậy chăng, những tâm niệm cùng bạn thơ Thanh Quế hơn bốn thập kỷ trước, đến khi kiến trúc Trần Đình Việt nghỉ hưu thì anh bắt đầu thể hiện tâm niệm đó trong tập thơ Gió trên những con đường, và rõ nhất là trong tập thơ Lặng lẽ bên đời cùng tập thơ Con đường rợp bóng sa mu anh cho in năm 2014. Hành trình đã thật dài xa, qua bao nhiêu nước biếc trời xanh, nhưng hình như không đâu bằng Nha Trang, bởi với anh, Nha Trang là nơi mẹ ngày nào nằm xuống, và biển Nha Trang đã giữ hộ giọt nước mắt cuối cùng của mẹ. Do vậy, với nhà thơ này: Biển ở đây có mặn hơn/ Biển ở đây có xanh hơn/ Và sâu hơn... Trần Đình Việt hay viết về cây, bài Khai bút đàu năm, những câu thơ hoa đào: Gặp lại người bán đào hỏi tìm gốc đào cũ.../ Người bán đào báo tin đào đã chết/ lòng buồn như được tin một người tri kỷ mới ra đi. Như thế, đâu chỉ là cây, đào như một con người. Còn “lũa”, là Cái còn lại của một đời cây/ khi phần dác yếu mềm được loại bỏ, qua tài hoa của nghệ nhân đã thành những tác phẩm mỹ nghệ. Lũa tiếp tục ở cùng người, nhưg trong lũa vẫn có hồn cây từ kiếp trước: Lũa,/ Bao nhiêu gió đã thổi/ Bao nhiêu nước đã chảy/ Cùng tháng năm nhẫn nại một đời cây (bài Lũa). Như vậy, cây có thể sống lâu dài hơn một đời. Có khi, cây ghi giữ tình yêu của một đời người, như trường hợp bài Cây bạch đàn bên hồ của Trần Đình Việt: Anh trở lại góc hồ xưa/ Bạch đàn vẫn còn đứng đó/ Cây đã già, lớp vỏ xù xì/ Không còn trắng ngần như cánh tay em ngày ấy/ Và anh, mái tóc/ đã thêm nhiều sợi bạc. Ngôn ngữ thơ đơn sơ, tinh khiết và cũng xao động như ái tình:

          Chỉ ngọn gió bên hồ
          Và những chiếc lá mãi còn run rẩy
          Như ngày ta yêu
Ở Newcastl, ởThơ Trần Đình Việt là thơ có cấu tứ, một số nhà thơ đã nhận xét như vậy. Tôi nghĩ, các nhà thơ đều cần có cấu tứ để viết nên mỗi bài thơ. Cấu tứ tựa như khung xương, và máu thịt của bài thơ là ngôn ngữ, nhà thơ tạo nên bài thơ bằng cả hai “chất” đó. Với tài năng, thi sĩ sáng tạo nên bài thơ đầy đặn hình hài, đẹp đẽ trong ngôn ngữ và xúc cảm, như người ta hay nói là “bài thơ có hồn, cốt”. Dường như thường có một câu chuyện trong mỗi bài thơ của Trần Đình Việt, đó là cách cấu tứ của anh khi sáng tác. Vậy nên, mỗi bài thơ của anh như là kể “một cảnh đời”, “một sự đời”, “một chuyện đời”. Chẳng hạn, một cảnh đời Edinburgh/ những con chim biển bay lượn nhiều trong phố/ chúng sà xuống quảng trường/ và đôi khi dẫm lên đầu các bức tượng; theo bản năng, chim biển “bĩnh” lên đó, làm bạc đầu các vĩ nhân một lần nữa... Cảnh đời này không phải là bức hình thông tấn, mà nó thành thơ Trần Đình Việt: nhưng tôi nghĩ các vĩ nhân không lấy đó làm buồn/ có khi họ còn vui nữa/ vì lũ chim làm họ gần với cuộc đời thường/ và nhắc với thế gian họ vẫn đang có mặt (bài Lũ chim biển và các vĩ nhân). Và đơn cử một sự đời: ngày trẻ mình thích bức tranh/ cô gái ngậm cuống một trái anh đào/ cái cuống dài làm quả nhỏ như đung đưa.../ trái anh đào chắc phải ngon ngọt lắm/ nên bây giờ miền ký ức còn thơm. Đường đời dài, đến một ngày trong tay đầy cả vốc anh đào chín mọng/ mới nhận ra anh đào còn cả vị chát và chua. Sự đời nó vậy, có một bài học cuộc sống, qua những câu thơ:
          Cuộc đời năm tháng trôi qua
          ngẫm ra khi biết cả vị chua chát
          ta mới biết đủ một trái anh đào
                                                (Bài Về một quả anh đào)
Chỉ là đơn cử như vậy thôi, trong số thơ Trần Đình Việt đã xuất bản có khá nhiều những bài có cấu tứ theo cách kể một cảnh đời, một sự đời. Còn số bài thơ cấu tứ như kể một chuyện đời, còn nhiều hơn. Các bài Chạng vạng hoàng hôn, Tôi hay nhớ về, Cây bạch đàn bên hồ, Ngoái lại tôi đã dẫn ở trên, đều là kể một chuyện đời, chí ít là một mẩu chuyện đời. Bài Lời gió, kể về từng chặng đời gió: Ngày gió còn trẻ/ lời gió ngọt ngào/ khiến ta xiêu theo/ mùi hương mái tóc mới gội/ Ngày gió còn khỏe/ tiếng gió rào rào/ những hàng cây vặn mình răng rắc/ không ai cãi lại được lời gió/ Bây giờ/ giọng gió khản rát/ lời gió thều thào... Như một chuyện đồng thoại, nhưng bởi ngôn ngữ thơ, nên khiến người đọc thấm thía một bài học trường đời: Cuộc đời.../ rồi cũng thế thôi/ ồn ào làm gì?/ chát chúa làm gì? Thực ra, thi sĩ nào chả đúc rút những ý nghĩa nhân sinh từ những cảnh đời, sự đời và chuyện đời để tạo nên bài thơ, rồi tặng lại cho người đời. Qua thơ Trần Đình Việt, thấy rõ hơn, có lẽ do ngôn ngữ thơ của anh gần với sự thủ thỉ kể về đời sống cõi nhân sinh. Bài Chùm hoa ép, hoa đã khô từ lâu, giọng thơ rủ rỉ: Tôi với cuộc đời vốn không nhiều đòi hỏi/ Nâng niu đời từng làn khói ban mai/ Nên tôi hiểu khi chùm hoa gửi tới/ Bàn tay hiền đã vuốt nhẹ đời tôi. Ngôn ngữ thơ thật thà, tinh giản mà đẹp thấm lòng, cũng do được kết tinh từ thực đời. Có thể nói, những chữ trong thơ Trần đình Việt hầu như là anh nhặt được trong đời sống: Ngày tháng bảy nóng như nung/ lũ chim sà xuống lòng đường/ nhặt những mẩu bánh vụn/ thành phố đánh rơi. Đó là ngôn ngữ thường tình của đường phố, nhà thơ nhặt, và xếp những chữ ấy lại thành những câu khiến người ta phải động não: Rồi dòng xe ào qua như lũ/ những mẩu bánh bị cuốn tung lên/ lũ chim sẻ bị hất tung/ như những mảnh vụn (bài Những mảnh vụn). Và đây nữa: Trời chuyển mùa tháng tư/ một ngày đầy gió..., những chữ như lời người ta nói với nhau; tiếp theo, cũng là chữ trong đời sống, anh nhặt được, rồi lọc qua mỹ cảm của mình, thành ngôn ngữ thơ trong trẻo, đẹp bâng khuâng:
Một chút lạnh se se
rồi cát bụi mù trời
rồi điệp vàng rắc đầy lòng phố nhỏ...
Chợt nao lòng
một chút vàng thu.  
                  (Bài Một ngày đầy gió)
          Kể từ cái ngày Trần Đình Việt nghỉ hưu để chuyên chú hơn cho thơ, đến nay đã hơn mười năm trời. Anh đi được nhiều hơn, thăm lại chiến trường xưa, vào miền Trung, lên Tây Bắc... như nhà thơ Thanh Quế nói “mới nghe anh gọi điện từ bên Lào, mấy bữa sau lại nghe anh gọi từ Singapore”. Vẫn đi theo cách “lặng lẽ bên đời”. Qua tên những bài thơ: Trong màn mưa Huế, Có một ngày sông Hàn trôi ngược về thời thơ ấu, Qua Thất Khê, Viết ở thác Bản Giốc, Đến thác Khôn nhớ Nguyên Hồng, Khi tôi rời Tây An, Một ngày thu ở Weimar..., thấy anh đi và viết miệt mài. Vẫn là những cảnh đời, sự đời và chuyện đời ở những nơi đó, nó dội vào anh, và thành thơ:
                   ... Nơi đây tôi lắng nghe
                   Tiếng chợ búa ồn ào, tiếng người đi lũ lượt
                   Thời gian tựa con tàu, từng chuyến một
                   Khi chở nỗi buồn, khi chở niềm vui...

          Trần Đình Việt vẫn đang đi trên con đường thơ của mình một cách lặng lẽ, chắc rồi những bài thơ sắp tới của anh sẽ có được những bài học nhân bản với thật nhiều nỗi buồn, cũng thật nhiều niềm vui!

 

  Long Biên, 2016.  A.C  

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây