Tùy bút của Trọng Nguyên
Nước ta vốn có nền nông nghiệp lúa nước từ ngàn đời nay. Những cánh đồng xanh`biếc và thẳng cánh cò bay là biểu tượng của một dân tộc trường tồn. Cánh cò trắng muốt và tần tảo "gánh gạo đưa chồng" từ bao đời đã hóa hình tượng những con người chịu thương chịu khó, một nắng hai sương mà làm nên lịch sử, cốt cách tâm hồn Việt Nam 4000 năm Văn hiến. Và đến lượt mình, hạt lúa vàng lung linh mùa xuân mới. Hạt lúa ấy từng trãi những thăng trầm và bao mùa xuân thăng tiến của dân tộc; từ buổi nhà vua mở hội Tịch điền đến những mùa xuân hưng thịnh "Đời vua Thái Tổ Thái Tông - Lúa mọc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn" (ca dao); từ mùa xuân cách mạng "Từ có Bác cuộc đời chợt sáng - Bát cơm no tháng tám ngày ba" (Bữa cơm thường trong bản nhỏ - Chế Lan Viên) và cả những năm tháng "mất mùa" thiếu đói triền miên. Cơm độn khoai ăn với vại cà muối quanh năm. Lại đến những mùa xuân đổi mới khi "Hạt gạo làng ta" "lên ngôi", từng du nhập khắp bốn biển năm châu...
Dẫu trải bao thăng trầm biến cố lịch sử mà dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam vẫn thủy chung gắn bó với ruộng đồng, với lũy tre làng, với bánh chưng bánh giầy... Đó cũng là nếp sống sống nghĩ, là truyền thống văn hóa của dân tộc Đại Việt, của con Lạc cháu Hồng với nền nông nghiệp vốn độc canh cây lúa. Nhưng, đó cũng là một nền sản xuất vốn có những hạn chế nhất định mà tựu trung như hình ảnh ấn tượng "Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc..." (Cây tre Việt Nam - Thép Mới).
Lịch sử dân tộc từng có những trang hồng. Và một thời đại mới - thời đại ánh sáng đã mở ra : thời đại Hồ Chí Minh từ cuộc cách mạng tháng Tám huyền tích năm 1945. Từ đó hạt lúa củ khoai đã có một vị thế, thân phận mới, không còn kiếp nô lệ. Chính điều đó đã "giải phóng" cho những hạt lúa vàng khỏi những mãnh ruộng nhỏ bé, cỏ cây ngỗn ngang để vươn ra những cánh đồng mẫu lớn. Hạt gạo trở thành hàng hóa xuất khẩu có giá trị và là thế mạnh của đất nước, nhất là trong thời đại ngày nay với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì những bứt phá, khát vọng vươn lên thịnh vượng sẽ dần vượt qua những trói buộc, rào cản vốn có.
Với những thành quả to lớn mà nền nông nghiệp nước ta đã giành được trong mấy chục năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong hơn ba mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta thật tự hào và xúc cảm trước cuộc sống hiện thực giàu đẹp. Đó là hiện thực đời sống của mùa xuân xanh biếc tháng năm, để cho "cái Tý thằng Dần" không còn cảnh "Tắt đèn" mà đang dần bừng nắng chân trời mới! Đó là hiện thực (và cả khát vọng) về tương lai rộng mở những chân trời ánh sáng, hoàn toàn đối lập với hình ảnh ấn tượng về khát vọng ngàn đời của dân tộc được thể hiện khái quát qua những câu thơ bất tử :"Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời, - Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa - Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời - Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ" (Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng? - Chế Lan Viên). Ngày xưa, dưới chế độ quân chủ và cai trị, cha ông ta "không biết cách trả lời" nên cánh cửa cuộc đời vẫn cứ "im ỉm khóa"; cuộc sống vẫn cứ lạnh lùng khóa chặt những mơ ước, khát vọng ngàn đời như cánh cò lầm lụi hay những hạt lúa gầy đồng chua nước mặn năm đôi ba vụ đói nghèo. Đó là hạn chế của lịch sử, của xã hội phong kiến mà sau này, khi cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát bằng hình ảnh hoán dụ với nhiều cảm xúc "Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm đói rách...". Nhưng điều muốn nói là "Đói cho sạch, rách cho thơm", dù đói nghèo mà không hèn mọn bon chen như cách ứng xử tinh tế, nhân văn của dân tộc ta, nhân dân ta trong cảnh thiếu trước hụt sau mà vẫn chan chứa nụ cười, vẫn coi trọng "Lời chào cao hơn mâm cỗ".
Vốn là một nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất cá thể manh mún, cây lúa hao gầy, năng suất sản lượng thấp không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước; lương thực thực phẩm từng một thời là hàng hóa xa xỉ, phải phân phổi bằng chế độ tem phiếu bao cấp. Từng có những khi lạc bước đường trường, những năm mất mùa "đói quay đói quắt" và người đứng đầu Chính phủ phải ra nước ngoài thương thảo mua lương thực...
Nhưng ngày nay viễn cảnh đã hoàn toàn đổi khác. Từ một nước nông nghiệp mà thiếu đói quanh năm, đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Nền nông nghiệp nước nhà đã có những bước tiến ngoạn mục, ngoài mong đợi. Đó là nhờ đường lối, chủ trương đúng đắn và các giải pháp đồng bộ mà Đảng, nhà nước đã đề ra kịp thời sau những thăng trầm cuộc sống. Và đáng kể là Chỉ thị 100 - CT/TW tháng 1 năm 1981 cho áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp và Nghị quyết 10 - NQ/TW tháng 4/1988 (Bộ Chính trị khóa VI) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (còn gọi là "Khoán 10"). Đồng thời, từ Đại hội V (1981), Đảng ta đã xác định "Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu". Từ đó đã giải phóng sức sản xuất, đưa Việt Nam từng bước trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Năm 1989, chỉ sau một năm thực hiện Nghị quyết 10, sản lượng lúa gạo đã đạt hơn 21 triệu tấn và lần đầu tiên nước ta đã xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Hơn 30 năm qua, kể từ năm đầu xuất khẩu gạo, Việt Nam luôn ở tốp đầu các nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới; trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 26 - 28 triệu tấn, trong đó giành khoảng hơn 6 triệu tấn gạo/năm cho xuất khẩu, thu về nguồn ngoại tệ đáng kể cho ngân sách nhà nước (chỉ năm 2020, xuất khẩu gạo vẫn đạt 3,1 tỷ USD trong bối cảnh bộn bề khó khăn thử thách, nhất là ảnh hưởng từ đại dịch Covid - 19, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn). Đây quả là hạt lúa vàng mười, những hạt ngọc lung linh ánh nắng mùa xuân mới, mùa xuân của non sông đất nước, ghi dấu những mốc son trên con đường vươn tới no ấm, giàu đẹp...
Bên cạnh những thành quả đạt được, nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn và cả nhiều thách thức. Hội nhập kinh tế quốc tế vẫn đang là xu thế toàn cầu. Và hẳn là không quốc gia nào đứng ngoài cuộc. Nông nghiệp hàng hóa vẫn là một thế mạnh của nền kinh tế nước ta. Đáng kể, từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) chính thức ký kết thông qua ngày 8 tháng 3 năm 2018. Ngoài ra, còn có Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là cơ hội để các loại hàng hóa nông nghiệp nước ta được xuất khẩu sang nhiều nước có thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, EU,... Mặt khác, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thời đại số hóa, có nhiều ưu thế để cạnh tranh. Đồng thời, sự kết nối mạng Internet và việc bán hàng online ngày càng được phổ biến, chiếm thị phần đáng kể trong nền kinh tế nước nhà. Cánh cửa hội nhập vẫn đang rộng mở. Ngoài bạn hàng truyền thống, ngày càng có nhiều bạn hàng mới, nhiều đối tác thương mại lớn và khó tính trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trong khi đó, vấn đề đáng quan ngại là chất lượng sản phẩm, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là một trong những thách thức với nền nông nghiệp nước ta nói chung và việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng, mặc dầu trong những năm qua đã có nhiều giải pháp...
Hạt lúa nào không trãi nhiều sương gió? Hạt lúa Việt cũng có những thăng trầm mà qua bao mưa nắng vẫn lấp lánh niềm tin. Dẫu phía trước con đường còn nhiều sỏi đá. Nhưng tin ở vầng dương, hẳn là hạt lúa củ khoai của nền nông nghiệp nước ta sẽ ngày càng mập mạp, tươi sáng hơn để ban mai của những cánh cò thêm lấp lánh ánh sáng, để mỗi mùa xuân về càng lung linh hạt nắng vàng.
Hồng Lĩnh,10 - 2022Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn