13/12/2021 14:45
Thủ tướng nhắc lại câu nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, phải phát huy sức mạnh truyền thống văn hóa của dân tộc, càng khó khăn thì càng phải đoàn kết, phát huy sức mạnh nội sinh.
Phát biểu tại buổi làm việc với Lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam về tình hình một số đề án, chương trình phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới, hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập nước (1945-2035) và 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2030) diễn ra sáng ngày 12/12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng cho biết, cuộc làm việc này nhằm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả Hội nghị văn hóa toàn quốc đối với các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ.
Thủ tướng khẳng định, mỗi ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đều có chức năng, nhiệm vụ riêng, song phải phấn đấu vì mục tiêu chung. Các ngành, cơ quan phối hợp nhịp nhàng, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của nhau để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ nhằm phát triển văn học nghệ thuật đúng hướng, đúng tầm, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân, vì quốc gia dân tộc, xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn học nghệ thuật nước nhà vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói riêng cũng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện, với những bước thăng trầm đáng ghi nhớ và những bài học bổ ích đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, những thành tựu văn học – nghệ thuật đã đạt được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đứng trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã dành cho sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học – nghệ thuật nói riêng, sự quan tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Văn học nghệ thuật Để thiết thực đưa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 33 - NQ / TW vào cuộc sống; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển Văn học nghệ thuật giai đoạn mới tiến tới kỷ niệm 90 năm thành lập Nước, 100 năm thành lập Đảng; Chương trình đầu tư chiều sâu cho phát triển văn học nghệ thuật chất lượng cao chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Nước và 100 năm thành lập Đảng giai đoạn 2022-2025 và 2026 2030; Xây dựng ngân hàng dữ liệu số về tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030; Chương trình xây dựng không gian sáng tạo và chuyển đổi số về tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam…
Đồng thời, Chủ tịch Liên hiệp Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng đề xuất kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư trung hạn và những kiến nghị khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với các đại biểu
Tại buổi làm việc, các đại biểu cảm ơn sự chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thể hiện sự thấu hiểu những vấn đề cơ bản nhất của văn học, nghệ thuật và tình hình phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng cần đặt ra chiến lược cho phát triển văn học thiếu nhi. Sách văn học thiếu nhi hiện nay được dịch ở Việt Nam rất nhiều, có thể nói là đang thống trị thị trường văn học thiếu nhi Việt Nam.
"Nếu một đứa trẻ lớn lên những cuốn sách văn học của thế giới về thiếu nhi họ cũng tìm cách để gieo vào lòng những đứa trẻ của đất nước họ nhân tính, thẩm mỹ, những giấc mơ đẹp đẽ và trở thành công dân tốt. Đứa trẻ Việt Nam phải trở thành công dân Việt Nam trong nền tảng và tâm hồn văn hóa Việt chứ không phải nền văn hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc hay của Na Uy, Mỹ. Trẻ em miền núi và trẻ em miền xuôi có quá ít sách đọc" - ông Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn giới văn nghệ sỹ cũng sẽ đồng hành cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong mặt trận chống Covid -19, chống đói nghèo để làm sao ghi lại được những tác phẩm có thể đứng mãi cùng với thời gian.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra những vấn đề như: xây dựng đội ngũ những người làm văn học, nghệ thuật; quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới…
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự nhiệt huyết, tâm huyết, đặc biệt là khát vọng vươn lên, góp phần cùng với quốc gia dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đưa đất nước phát triển ngang tầm với truyền thống lịch sử văn hóa của đất nước trong suốt chặng đường dài vừa qua. Việt Nam tự hào với nền văn học nghệ thuật Việt Nam đã đồng hành cùng với dân tộc hiện tại, sâu sắc toàn diện đường lối của Đảng và xây dựng phát triển đất nước, góp phần làm cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Qua mỗi chặng đường, qua mỗi bước đi, văn học nghệ thuật đều khẳng định vai trò, vị trí và vị thế, hoàn thành sứ mệnh đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những thành tựu của Liên hiệp hội trong thời gian vừa qua. Chia sẻ với những khó khăn vất vả do đại dịch Covid-19 gây ra đối với hoạt động của Liên hiệp hội, Thủ tướng đồng thời cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, như thời gian qua tại sao chưa có những tác phẩm đề đời như trước đây.
“Việc thời sự nhất ở đây là phòng chống dịch Covid-19, ta cũng chưa thấy có một tác phẩm văn học nào khắc họa lên được sự khác biệt, sự khắc nghiệt của nó sau 2 năm, một kẻ thù mà không biết mặt, tất cả các giác quan của con người đều không phát hiện ra được. Chúng ta mất mát, nhưng có chiến thắng, thế nhưng chưa có tác phẩm khắc họa hết được sự khốc liệt, chưa miêu tả hết được sự cố gắng của toàn Đảng toàn dân, chưa nói hết được những hy sinh gian khổ. Nó rất vô hình, mà phải bằng văn học nghệ thuật, bằng trí tuệ, bản lĩnh, năng khiếu của các anh chị thì mới có thể truyền tải hết được” – Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phát triển văn học nghệ thuật không thể phát triển một mình mà cần hợp tác quốc tế, phải có giao lưu, quảng bá hình ảnh, thể hiện tầm vóc đất nước mình. Nhắc lại câu nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Thủ tướng lưu ý phải phát huy sức mạnh truyền thống văn hóa của dân tộc, càng khó khăn thì càng phải đoàn kết, phát huy sức mạnh nội sinh.
“Tôi mong muốn các anh các chị đoàn kết thống nhất đưa cái chung lên, đưa sự nghiệp quốc gia dân tộc lên, hy sinh một phần cá nhân của mình để tạo ra khí thế mới, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết; triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cụ thể hóa các chương trình hoạt động để khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh, là động lực và mục tiêu cho sự phát triển đất nước bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, hướng con người đến giá trị chân- thiện- mỹ và đây chính là giá trị cốt lõi của dân tộc ta” – Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt và thực hiện các Nghị quyết và các nhiệm vụ phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và 6 giải pháp, 4 nhiệm vụ đột phá mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 vừa qua.
Bên cạnh đó Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ phát triển cả về số lượng và chất lượng; chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng các tài năng văn học nghệ thuật, nhất là tài năng trẻ; Đổi mới mạnh mẽ công tác lý luận phê bình văn hóa, văn học nghệ thuật, bảo đảm thực sự có tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả.
Tích cực, chủ động có giải pháp cụ thể để phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm phi văn hóa, vô văn hóa, phản văn hóa và âm mưu “diễn biến hòa bình” thông qua văn hóa, tư tưởng của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị.
Đổi mới công tác sưu tầm, sáng tác có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; Tăng cường ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác sáng tác; trú trọng, tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện đại, cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của Việt Nam về văn học nghệ thuật; Đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa, thu hút, vận động tài trợ cho hoạt động văn học nghệ thuật.
Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng đề án thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Kết luận của Ban Bí thư ngày 20/8/2015, Kết luận ngày 21/8/2017 và Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 20/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Chương trình Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian các tộc người thiểu số rất ít người có nguy cơ mai một; Chương trình bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn hai./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn