Nguyễn Đình Quảng và tôi cùng học trường cấp 2 Thống Nhất, Hà Đông.Thời Pháp tạm chiếm trường có tên là Trường Trung học Minh Tân, ở gần hai trường Tiểu học : Nam Tiểu học Nguyễn Văn Ngọc (trường Tiểu học Nguyễn Trãi ngày nay) và Nữ Tiểu học Bà Triệu (trường THCS Nguyễn Trãi ngày nay). Sau hòa bình, trường Minh Tân đổi là cấp 2 Thống Nhất (cấp 2 hồi đó có lớp 5, lớp 6, lớp 7 hệ 10 năm).Địa điểm của trường là nơi đóng trụ sở của UBND thị xã Hà Đông sau này. Đây là trường tư thục, thầy giáo là các thầy kháng chiến phần lớn đều đỗ Tú tài từ chiến khu về, có thầy ở Hà Nội vào dạy. Tôi còn nhớ các thầy: Thầy Ích hiệu trưởng sau thầy chuyển sang Ban Khoa học -Kĩ thuật tỉnh, thầy Báu chuyển sang dạy cấp 3 Nguyễn Huệ rồi sau này là Lê Quý Đôn, thầy mới mất gần đây, thầy Đỗ Trưởng, thầy Vinh dạy văn, thầy Đỗ Văn Trung, dạy Toán,(chủ nhiệm chúng tôi lớp 6 A, lớp7A, chủ nhiệm lớp 5A là thầy Ka dạy toán), thầy Bảo dạy Sử (chủ nhiệm lớp Quảng: 5A, 6A, 7A). Quảng có nhiều kỉ niệm với thầy Bảo, sau này vẫn còn thăm hỏi thầy, khi thầy mất, Quảng và các bạn còn đến viếng…Thầy Ích chuyển đi, thầy Bảng làm hiệu trưởng…Hồi đó chỉ có các thầy, mãi sau này có một cô giáo dạy môn lý là cô Thủy…Học trò gồm các bạn ở thị xã Hà Đông và các vùng lân cận như Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Chương Mĩ…về học. Tuy là trường tư nhưng nền nếp của trường rất sư phạm, kỉ luật của trường rất chặt chẽ ngoài việc dạy và học văn hóa, nhà trường còn quan tâm giáo dục lao động và tham gia các hoạt động xã hội. Quảng học lớp B, tôi học lớp A, nhà Quảng ở phía trong, nhà tôi mặt phố Quang Trung. Sau này, khi mở rộng đường 6, nhà Quảng ra mặt phố, nhà tôi phải chuyển đi. Tốt nghiệp cấp 2 hồi đó (lớp 7), ai từ 16 tuổi trở lên đều được vận động đi học Sư phạm Trung cấp Đông Phù. Nhiều anh chị sau 2 năm tốt nghiệp Sư phạm lại về dạy học và làm cán bộ quản lí giáo dục ở Hà Đông.Tôi khai sinh năm 1945, mới 15 tuổi lên được học cấp 3. Quảng và mấy anh: Phúc, Khánh, Bảng, Hải… xung phong lên miền núi học khóa 1 của Trường Trung học Sư Phạm Hòa Binh. Khóa này có nhà thơ Thế Mạc dạy và nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết cùng học. Quảng ra trường rồi dạy ở Hòa Binh từ đó. Những anh của trường Thống Nhất lên Hòa Bình lúc bấy giờ, có anh mất vì bệnh tật, có anh mất vì mắc trong tội, duy có Quảng là học tiếp lên và theo nghề dạy học đến khi về hưu, anh đã nhiều năm tham gia Hội Cựu học sinh cấp 2 Thống Nhất đến mãi sau này… Quảng say văn từ hồi học cấp 2 và đã bắt đầu viết văn từ đó. Sau này anh vừa dạy học, vừa viết văn. Anh vẫn nói là viết văn để được đăng báo, kiếm tiền nhưng thực ra là anh muốn giải tỏa niềm đam mê được viết, được giãi bày những quan điểm sống và tình yêu con trẻ của mình trong hoàn cảnh xã hội có nhiều vấn đề cần được tháo gỡ nhất là vấn đề giáo dục trẻ em và đạo đức con người. Như vậy là Quảng lên Hòa BÌnh từ năm 1960, tôi mãi đến năm 1966 mới lên dạy trường cấp 3 Cù Chính Lan tận mãi Chợ Bến dưới này nên cũng ít gặp nhau. Từ ngày tôi về Sở lại phụ trách các trường Sư phạm, Quảng đi học Đại học được phân công dạy ở sư phạm nên anh em có dịp gặp nhau và có nhiều kỉ niệm … Năm 1991, anh chuyển về Hà Đông, hai đứa được gần nhau, gặp nhau thường xuyên, chuyện to, chuyện nhỏ, chuyện vui, chuyện buồn không dấu nhau điều gì… Anh vẫn hay lên Hòa Bình vì còn người thân gia đình bên vợ và bạn bè trên đó nên tôi hay được thông tin về Hòa Bình, nơi tôi cũng dạy học 15 năm trời. Anh hay đến nhà tôi, nhiều khi chẳng có việc gì, đến chỉ để “nhìn thấy cái mặt nhau” thế thôi…Tôi với anh tuy cùng ở thành phố nhưng đều vào loại “dân nghèo thành thị”, tuổi nhỏ trèo me, trèo sấu nên cũng hợp nhau. Anh hơn tôi mấy tuổi có vất vả hơn, tôi may mắn và thanh nhàn hơn anh một chút. Vợ chồng tôi đến bây giờ vẫn song toàn. Vợ anh, chị Thọ ra đi đột ngột sau một tai nạn giao thông ngay gần nhà. Hôm biết tin, tôi tức tốc đến bệnh viện, thì thấy anh đang ngồi như tượng bên cạnh chị Thọ nằm đắp kín cái chăn chiến ở nhà tang lễ…Anh bảo tôi đi báo cho mấy nơi quanh Hà Đông. Anh là người thương vợ đến vô cùng, thỉnh thoảng trong câu chuyện với bạn bè anh vẫn nhắc đến người vợ mà anh thương nhớ và luôn tri ân sâu nặng. Ngoài bút danh là tên khai sinh, anh có bút danh nữa là Xuân Thọ để nhớ về người vợ đã sinh hạ cho anh hai đứa con ngoan Hiền, Hậu chăm chỉ và thành đạt. Hồi đó, xúc động tôi có làm bài thơ về mất mát của anh. Anh đọc, rơm rớm nước mắt nói nhỏ: “Mày hiểu tao!”…Từ ngày anh chuyển về trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, gần thủ đô, anh càng viết khỏe. Hầu như tuần nào anh cũng có ba bốn lần đạp xe đến các tòa báo để đưa bài và nhận nhuận bút. Không kể các truyện, thơ châm, tiểu phẩm…in trên báo, Quảng có tới gần 30 đầu sách đều được các nhà xuất bản Trung ương in bằng tiền nhà nước trong đó có gần chục cuốn in tới 3 vạn bản phục vụ miễn phí các em học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Anh có bài được đưa vào sách giáo khoa Tiểu học, là tác giả được chọn vào Tự điển bách khoa “Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam” (năm 2006), và vinh dự là một trong 55 gương mặt trong “Một thời và mãi mãi” nhân kỉ niệm 55 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2012. Năm 2004, nhà xuất bản Phụ Nữ tập hợp các truyện đồng thoại của Quảng trong chuyên mục “Mẹ kể con nghe”của báo thành tâp truyện với cái tên thật nhí nhảnh “Nhảy lên, nhảy xuống” với dòng đề từ: “Những truyện hay dành cho thếu nhi” Tập truyện dày tới 340 trang với 128 truyện. Bìa trình bày trang nhã, sinh động, rất ấn tượng. Nói về truyện thếu nhi của Quảng, nhà thơ Nguyễn Thị Mai nhận xét: “Truyện Nguyễn Đình Quảng chỉ quanh quẩn với những con vật thân quen như gà, ngan, ngỗng, vịt, chó, mèo, khỉ, chồn, sóc, hổ báo, chim muông… vậy mà bao nhiêu trẻ em đã say mê, thích thú, nhiều em học thuộc lòng cả đoan văn dài, có em mê mẩn cả nhân vật và hòa mình vào thế giới cây, con của truyện và tưởng mình cũng là một con thỏ ngốc nghếch nào đấy” (Tản Viên Sơn 6/2004). 60 tuổi, nghỉ hưu, Quảng lại càng viết hăng và được đăng nhiều trên các báo.Viết cho thiếu nhi, Nguyễn Đình Quảng có nhiều bạn trẻ. Họ gửi thư “kêt bạn”: “Quảng thân mến!”, “Quảng xa nhớ”, “Quảng thân ơi!”…Đó thật là một hạnh phúc hiếm thấy của một nhà giáo, nhà văn. Nguyễn Đình Quảng được nhiều giải thưởng, nhiều nhà phê bình đánh giá cao …bạn bè yêu mến song phần thưởng quý nhất đối với anh là được sự trận quý yêu thương của thế hệ trẻ, những mầm non tương lai của đất nước. Sau một thời gian dài bị người ta quên lãng không chỉ Quảng mà còn nhiều tác giả văn học thiếu nhi khác(và Quảng cũng chẳng nhắc nhở, thúc giục gì) thì đến năm 2018, Nguyễn Đình Quảng đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. (Tôi được biết: Trong một cuộc họp hẹp ở Hội Nhà văn Viêt Nam, nhà thơ Nguyễn Thị Mai, bạn từ thời Hà Tây, nhà báo, nhà văn Chu Thị Thơm từng là biên tập viên báo Giáo dục và Thời đại- nơi Quảng thường xuyên cộng tác đã phát biểu về Nguyễn Đình Quảng coi đó là trường hợp xứng đáng được kết nạp vào Hội.). Tuy có muộn màng nhưng đó là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp của Nguyễn Đình Quảng với nền văn học hiện đại nước nhà. Nguyễn Đình Quảng đã đi xa nhưng tác phẩm của anh sẽ sống mãi trong lòng độc giả nhỏ tuổi và bè bạn yêu văn chương, yêu nghề dạy học thân thiết…
Hà Đông 27/5/2022
THANH ỨNG