Ngày 10/6/2020, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi toạ đàm chuyên đề văn học hàng tháng để góp phần nhận diện "Văn học trẻ Hà Nôị có gì mới?" do nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, uỷ viên ban chấp hành, Trưởng ban Sáng tác, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà văn trẻ và các hội viên. Gần một chục tham luận và ý kiến phát biểu tại tòa đàm đã nêu ra nhiều vấn đề của văn học trẻ và thu hút sự chú ý của dư luận báo chí và văn chương.
Trong đề dẫn tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đặt ra một số vấn đề: “Nhìn lại dòng chảy văn chương đương đại hôm nay, có những thành tựu rất đáng ghi nhận của văn học trẻ đã đưa được một diện mạo mới với những hơi thở mới, cảm xúc mới, đời sống văn chương mới vào các tác phẩm được công chúng văn học và dư luận cổ vũ. Kế hoạch hoạt động của Ban chấp hành HNV Hà Nội trong nhiệm kỳ 2020-2025 là cố gắng khơi nguồn sáng tác cho các nhà văn trẻ và xây dựng đề án tổ chức Hội nghị nhà văn trẻ Hà Nội lần thứ 4. Mục đích trước tiên là thúc đẩy sự sáng tạo nơi người cầm bút, nâng cao chất lượng sáng tác văn học góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại nói chung và phát hiện, bồi dưỡng những cây bút mới cho văn học Hà Nội nói riêng. Đã nhiều đêm tôi băn khoăn tự hỏi mình: phải lý giải sao đây khi thơ hiện đại mỗi ngày một ít độc giả? Phải chăng tiếng nói của nhà thơ không phải là tiếng nói của số đông trí thức (chưa nói đến quảng đại nhân dân)? Phải chăng tiếng nói của nhà thơ chưa rung động, chưa lôi cuốn được mọi người? Phải chăng các nhà thơ đã khép chặt cõi thơ riêng của mình, không để cho những âm vang nhọc nhằn, bức bối của đời thường có cơ hội lên tiếng? Phải chăng nhà thơ chưa tìm ra con đường đưa cái đẹp thi ca đến với trái tim con người hiện đại? Phải chăng các bài thơ hôm nay đã xa rời đời sống cần lao của nhân dân nên đã không có được sự cộng hưởng tri âm trong lòng người đọc? Những câu hỏi này, xin mỗi người làm thơ hôm nay tìm lời giải.
Các nhà thơ về dự buổi Tọa đàm
Theo tôi, để thơ hôm nay đến được với người đọc, điều căn cốt ở mỗi một nhà thơ là phẩm chất tài năng, phẩm chất thi sĩ- cái mà không thể có gì thay thế được. Thơ đương đại hôm nay đã xuất hiện không ít những tác giả cách tân thơ với các khuynh hướng tìm tòi rất náo nhiệt. Bước đầu, họ cũng đã ghi được dấu ấn của mình khi vượt qua sự đơn điệu, nhàm chán của những cung bậc thơ cũ. Nhưng trong số những nhà cách tân đầy nhiệt huyết này, ở một số cây bút, nhiều khi phẩm chất tài năng, phẩm chất thi sĩ không theo kịp phẩm chất đổi mới, nên có thể những bài thơ “non lép” của họ mới chỉ dừng lại ở mức có dấu hiệu của sự tìm tòi mà chưa làm nên sự khác biệt của một phong cách thơ mới được khẳng định bởi một tài năng thơ đích thực”.
Trong tham luận “Thơ trẻ Việt Nam nhìn từ khái niệm trẻ”, nhà thơ Đặng Thiên Sơn nhận xét: “cần gắn tiêu chí “thơ trẻ” với “chất lượng thơ”. Thơ trẻ thường bị xem là văn học ngoại biên, chưa thực sự là văn chương đích thực. Theo cách hiểu của không ít những “cây đa, cây đề” hiện nay, trẻ tức là chưa trưởng thành, “trẻ người non dạ” và chỉ mới tập tành viết. Tiêu chí này thường gắn với sự phân định ngôi thứ, đẳng cấp. Ai cũng hiểu là nếu trẻ thì phải học hỏi, phải “trải nghiệm sống”, phải chịu sự chỉ bảo, dìu dắt, thậm chí “búa rìu” của những bậc đàn anh, cha chú trong thơ. Nhưng với tôi, thơ ca là thể loại luôn gắn liền với tuổi trẻ. Tuổi trẻ làm thi ca thăng hoa và phát lộ hơn bất kì độ tuổi nào khác, những vĩ thanh sau tuổi trẻ chỉ là sự chắt lọc của trí thông minh, tài làm xiếc chữ mà thôi. Người đứng tuổi và già thích hợp hơn để viết tiểu thuyết, Haruki Murakami từng bảo rằng chỉ có thể viết tiểu thuyết sau 30 tuổi, vì trước đó ông không có gì để viết. “Đến năm 29 tuổi tôi mới bắt đâu viết. Trước thời gian đó tôi chẳng có gì để viết. Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó của riêng mình để viết. Thơ trẻ phải bao gồm nội hàm về mặt “chất lượng thơ”, tức là phải bao hàm trong nó sự cách tân tư duy thơ so với những thế hệ trước. Cứ không phải ai trẻ tuổi làm thơ, thậm chí là nổi tiếng hay được thị trường sách mến mộ với hàng chục vạn bản sách vẫn có thể được xem là thơ trẻ đúng nghĩa. Trẻ tuổi phải bao hàm trong nó một “giá trị” có tính khai phóng, cách mạng hệ hình thơ, chứ không đơn thuần chỉ căn cứ vào giấy khai sinh của tác giả. Từ đó, tôi quyết liệt từ chối xác nhận danh từ “thơ trẻ” như một sự phân định ngôi thứ cao thấp, mà theo đó đứng tuổi, lớn tuổi thì bao giờ cũng hay và nhiều trải nghiệm hơn trẻ tuổi. Ngược lại, tôi xem trẻ tuổi như một động lực, điều kiện để đổi mới thi ca”.
Với nhận xét ban đầu về “Phân tâm học với người viết”, nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh cho rằng: “Vô thức luôn hối thúc, lấn áp ý thức khiến con người có những tư tưởng, lời nói hay hành vi không thể kiểm soát được. Đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo theo Freud: “Vô thức đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sáng tạo của con người, góp phần tạo nên các thiên tài, vĩ nhân, thần đồng trong mọi lãnh vực từ âm nhạc, hội họa, kiến trúc, khoa học cho đến tâm linh…”. Với Freud tác phẩm văn học trước hết là một giấc mơ. Nó phản ánh những ham muốn vô thức, những mặc cảm, đặc biệt là mặc cảm Oedipe. Như nhà thơ Hoàng Cầm tâm sự viết trong tâm thức, ông đã hoàn thành bài thơ trứ danh” Lá Diêu Bông” sau một giấc ngủ. Còn nhà thơ Xuân Diệu: Kiếm mãi mơ hoài ghen tuông bóng gió/Ta muốn vào dò xét giấc mơ em. Hay chính sự thăng hoa đã giúp ông chuyển lo âu sợ hãi thành sản phẩm có ích cho xã hội: chuyển cảm xúc thất tình thành thơ. Thực hay ảo chuyện "Làm sao giết được người trong mộng Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?"(Hàn Mặc Tử). Có chuyện các văn nghệ sỹ cố o ép mình để bật lên ý tưởng sáng tạo (bất phẫn bất phát) hay không. Câu thơ của Nguyễn Du cũng phần nào lý giải phần nào: Sầu đong càng lắc càng đầy, chính là thể hiện sự dồn nén cảm xúc. Vô thức: cho ta động lực, chìm sâu vào nó, liên tưởng và tin tưởng nó đúng. Khi chúng ta tin tưởng điều đó đúng như ta đang nghĩ, bắt tay vào viết nó sẽ truyền được đến người đọc một niềm tin. Đã mấy năm nay, mình quan niệm rằng văn học không phải là hiện thực, càng không phải hiện thực ngồn ngộn trong tác phẩm, nó cũ và sẽ dễ bị thua cuộc. Viết là viết bên trong con người mình. Nếu có một ý tứ nào đó từ ngoài hiện thực, mình mang nó vào nội tâm và khảo sát và tìm (lựa chọn) cách kể...
Bản chất sáng tạo từ vô thức mà ra. Con người chứa năng lượng hoàn thiện của vũ trụ, nhờ vô thức thúc đẩy sáng tạo. Jung quan niệm: “Thực tiễn phân tích tâm lí học đối với các nghệ sĩ càng cho thấy xung lực sáng tạo nghệ thuật phát ra từ vô thức rất mạnh, đồng thời nó rất bướng bỉnh và tùy tiện… Chúng ta có thể hình dung quá trình sáng tạo nghệ thuật giống như một sinh vật sống đang lớn lên trong tâm hồn con người.”. Điều đó rất chính xác. Nhưng để hiểu rõ vô thức cá nhân và vô thức cộng đồng, cùng những tác động của nó đến sự sáng tạo của người nghệ sĩ vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ.Vô thức cá nhân: mỗi cá nhân có ba phần trong sự phát triển tinh thần: ý thức, tiềm thức và vô thức. Trong đó ý thức chỉ chiếm từ 5 - 10%, còn lại tiềm thức và vô thức là sức mạnh khổng lồ, miền đất màu mỡ đầy hứa hẹn cho những ý tưởng sáng tạo. Vô thức cộng đồng là ký ức của toàn bộ một dân tộc hay toàn nhân loại. Đó là ký ức vĩnh cửu, luôn luôn sinh ra qua mọi thế hệ, cũng có những yếu tố bị đào thải, chìm sâu trong ẩn ức nhân loại, nhưng không bao giờ bị mất đi. Có ý kiến còn cho rằng tiềm thức & vô thức bất tử, tồn tại qua thời gian, như hình ảnh Thượng đế, đấng sáng tạo và linh hồn bất tử. Nhưng ở đây chúng ta chỉ cần hiểu: tất cả cái vô thức, tiềm thức ấy, sự vận hành và phát triển, cũng chỉ diễn ra trong đầu óc và trái tim con người, rồi tác động lên mọi vật xung quanh. Con người là tiểu vũ trụ, nó là một vũ trụ thu nhỏ. Nếu con người có sự liên hệ với đại vũ trụ, thì sự tuần hoàn, bất tử, luôn luôn sinh ra và chết đi, rồi lại sinh ra, đó cũng là điều dễ hiểu.
Nhà văn trẻ Hiền Trang đưa ra những ghi nhận khá tinh tế về những người viết trẻ: “ Có hai điều mà người ta thường quy cho người viết: một, người viết là nghệ sĩ, và hai, người viết đều có vốn sống dồi dào. Về điều thứ nhất, tin tôi đi dù văn chương là nghệ thuật nhưng người viết văn lại không bao giờ là nghệ sĩ. Một ca sĩ, một họa sĩ, một diễn viên, họ bề ngoài đã có gì đó lấp lánh ánh kim, nếu không thì cũng tỏa rạng hào quang kiêu bạc, còn người viết ư? Bộ dạng họ chẳng khác vì một anh nhân viên công sở, một cô viên chức quèn, tóm lại là nhìn họ rõ chán đời và nhiều khi là không đàng hoàng nữa. Có lần xem bức tranh Đêm Sao Trên Cầu Sông Rhone của Vincent Van Gogh, ở mé phải bức tranh, có hai người tiện dân mặt mũi nhòa nhạt đi dưới bầu trời xanh tím, nhìn họ, tôi cảm tưởng như chính họ cũng có thể là nhà văn được, và khi bước ra khỏi tầm mắt của Vincent, họ sẽ về với ngôi nhà lụp xụp của mình, khẽ khàng đặt mình bên bàn giấy bộn bề, và dưới ánh nến tù mù, họ viết.
Còn về điều thứ hai, rằng viết đòi hỏi một vốn sống dồi dào, tôi cho rằng nó chỉ thu hẹp trong một dạng nhà văn. Còn có những dạng nhà văn khác, người viết về cái tri thức mình tiếp nạp được qua việc đọc, chứ không phải sống, như Jorge Luis Borge. Thậm chí, tôi cho rằng đôi khi vốn đọc còn quan trọng hơn vốn sống, vì chỉ có đọc, mới giúp cho người ta có thể đi tới vô cùng. Tôi nghe Orhan Pamuk có 12.000 cuốn sách trong thư viện cá nhân, trong bụng ông lại có ba vạn điển phạm, đó là cách mà Orhan lao động để sáng tác văn chương, và là cách để Orhan băng qua nghìn trùng đại dương, lặn xuống nghìn trùng con nước để mang về kim cương châu báu”.
Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi và thẳng thắn trong cả buổi sáng với nhiều ý kiến của các nhà văn thuộc các thế hệ khác nhau, đã ghi nhận được sự phát triển của văn học trẻ của Hà Nội những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Sau buổi tọa đàm này, báo Tuổi Trẻ TPHCM và một số tờ báo khác đã có bài viết và phỏng vấn một số nhà văn xung quanh đề tài này.
Việt Nguyễn
Nguồn tin: HNV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn