Bài và ảnh: Võ Văn Thọ
Rạng sáng sớm ngày 22.7.2023, anh chị em văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật (HVHNT) thành phố Tam Kỳ đã có mặt khá đông đủ ở cơ quan HVHNT tại Khổng Miếu để sẵn sàng cho chuyến đi tham quan các khu di tích là căn cứ kháng chiến tại tỉnh Quảng Nam như: Khu Di tích Nước Oa (xã Trà Tân thuộc huyện Bắc Trà My) và Di tích Căn cứ Cách mạng Khu V (tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức). Chuyến đi theo kế hoạch của Hội chỉ gói gọn một ngày thứ 7 cuối tuần, nên cũng là thời điểm thích hợp cho anh chị em dàn xếp công việc công, tư tham gia chuyến đi trên được thuận lợi nhất.
Đúng 6h 40 phút, khi mặt trời vừa hừng đông xe ô tô xuất phát. Trước chuyến đi, anh chị em đã kịp chụp một tấm hình tập thể trước Khổng Miếu và lên xe trong hành trình tham quan. Quan sát trên chuyến xe có khá đầy đủ các thành viên trong các phân ban (chi hội) của HVHNT thành phố như: Văn học, nhạc sỹ, hội họa... nhìn nét mặt ai ai cũng vui vẻ rạng ngời nụ cười phấn khởi như báo hiệu một ngày mới thật đẹp đẽ.
Ảnh; Đoàn văn nghệ sĩ TP. Tam Kỳ chụp ảnh kỷ niệm tại Khu di tích lịch sử
Sôi nổi nhất trong chuyến tham quan không thể không kể đến các anh chị như: Nhà thơ Phạm Thông (Chủ tịch Hội), anh Hồ Quang Lĩnh, nhạc sĩ Thế Lữ...luôn biết cách tạo ra không khí thật vui vẻ thông qua các câu chuyện kể về nơi đã từng tham gia kháng chiến hoặc đã từng công tác một thời gian trên những cương vị khác nhau....để cho không khí chuyến đi không tẻ nhạt mà thêm phần hấp dẫn.
Đến thị trấn Tiên Kỳ huyện Tiên Phước, đoàn dừng chân điểm tâm sáng và uống cà phê, để tiếp năng lượng cho chặng đường hành trình tiếp theo như kế hoạch của Hội. Phải nói là quán bún tại thị trấn Tiên Kỳ rất ngon, ai cũng tắm tắc khen, và ly cà phê đậm đà hương vị. Tiếp đến, đoàn lên xe tiến về Khu Di tích Nước Oa tại Trà Tân. Nơi mà lần đầu tiên tôi được đặt chân tới. Đường đi lên chiến khu được khảm nhựa khá bằng phẳng, chỉ có điều đường hẹp, dốc nhiều đoạn cua, nên bác tài chạy xe cẩn thận cốt sao cho an toàn chuyến đi của đoàn là trên hết. Đến nơi khoảng 10 giờ sáng, đoàn đã kịp vào thăm, tham quan Khu Di tích Nước Oa. Đây là Khu căn cứ đầu tiên nơi Khu ủy V đặt trụ sở làm việc trong chiến tranh chống Mỹ giai đoạn khoảng từ năm 1960 - 1972. Là nơi Thượng tướng Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) được Đảng Nhà nước giao nhiệm vụ là Bí thư Khu ủy và đồng chí Võ Thứ làm Phó Bí thư Khu ủy V, để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài.
Đoàn tiến hành dâng vòng hoa, tưởng niệm, viếng hương và nghe thuyết trình của nhân viên xinh đẹp, lịch thiệp thuộc Phòng văn hoá Thông tin huyện Bắc Trà My về quá trình hoạt động cách mạng của các cán bộ chiến sỹ trong Khu ủy những năm tháng chiến tranh cam go, ác liệt nhưng tràn đầy niềm tin và lòng tự hào dân tộc.
Sau đó, đoàn tranh thủ chụp hình lưu niệm và tham quan một số nơi như nhà, hầm làm việc của lãnh đạo Khu ủy, những kỉ vật còn lưu lại...được trưng bày trang trọng.
Sau khi tham quan Khu Di tích Nước Oa, đoàn quay lại trung tâm huyện dùng cơm trưa. Đoàn được anh Tư cán bộ Trung tâm văn hóa huyện đại diện lãnh đạo huyện mời cơm đoàn trong không khí thật ấm cúng. Đoàn được thưởng thức các món ăn dân dã niềm núi thật ngon miệng. Sau đó, đúng 13h chiều đoàn tiến hành đi tham quan Di tích Căn cứ Cách mạng Khu V tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức. Xe chạy khoảng 1 tiếng 30 phút là đến nơi. Đón đoàn tại đây có anh Phạm Lâm (Chủ tịch HVHNT huyện) đã thâm mật bắt tay từng thành viên của đoàn, nên cảm nhận thật sự ấm áp gần gũi. Đoàn tiến hành tham quan Nhà trưng bày Di tích Cách mạng Khu V nghe thuyết minh và thắp hương tưởng niệm trên bàn thờ Bác Võ Chí Công tại nhà làm việc của Bác. Nơi mà Bác Công lãnh đạo chỉ đạo kháng chiến từ năm 1973 đến ngày thống nhất đất nước 1975. Có một chi tiết đáng nhớ, là trời đang nắng đẹp, nhưng khi đến nơi đây, trời bắt đầu mưa nhỏ, những giọt mưa cuối hạ, đầu thu lại làm cho ta có thêm cảm xúc khó diễn tả...
Sau khi tham quan chụp ảnh lưu niệm, theo sự hướng dẫn của anh Phạm Lâm, đoàn tiếp tục chuyến đi tham quan Hầm Chui Hiệp Hòa đến Cầu Trà Linh và đoàn dừng lại ngắm Hòn Kẽm Đá Dừng, chụp ảnh lưu niệm.
Điều đáng ghi nhận, trên đoạn đường không dài hơn 13 km từ Di tích Căn cứ Cách mạng Khu V về thị Trấn Tân Bình huyện Hiệp Đức, đoàn đã được nghe anh Phạm Lâm làm "hướng dẫn viên" bất đắc dĩ. Và đáng nói, anh đã kể lại những câu chuyện rất hay, thú vị về các sự tích như: Mẹ Lê Thị Nghê (ở xã Hiệp Hoà), Mẹ Lê Thị Tịch (ở xã Thăng Phước) đã phải hy sinh đứa con thân yêu rứt ruột sinh ra, để bảo toàn tính mạng của bộ đội và dân làng rất xúc động hay những câu chuyện về sự tích Bà Trà Linh, bà Thu Bồn, Trần Bình đả hổ, sự tích năm nàng tiên nữ, sự tích Ba Hang...với lối kể chuyện rành mạch, ấm áp, lôi cuốn và thuyết phục. Làm cho tôi và các thành viên trong đoàn thêm yêu quê hương, làng quê Hiệp Đức thân yêu...
Cũng phải nói thêm rằng: Những câu chuyện mà anh Phạm Lâm kể ra chắc chắn anh là người con rất tâm đắc với quê hương, anh đã bỏ ra nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu và gặp những người già làng...kể lại. Để viết thành sách "Chuyện Làng" đã phát hành và anh đang ấp ủ để trình làng cuốn sách thứ 2 với những câu chuyện hấp dẫn, nhân văn, nhằm giáo dục và giúp những thế hệ hôm nay sau này muốn khám phá, hiểu hơn về đất và người Hiệp Đức trong quá trình hình thành, phát triển, hướng đến tương lai tươi đẹp và phát triển hơn trong mai sau...
Chắc chắn sau chuyến đi này sẽ để lại trong tâm trí mỗi thành viên trong đoàn những cảm xúc mới mẻ, thăng hoa, để có những tác phẩm hay đi vào lòng người. Để viết tiếp những giai điệu ngọt ngào trong cuộc sống, tình yêu quê hương và sự biết ơn sâu sắc thế hệ ông cha đã hy sinh tuổi xuân, xương máu để có hoà bình cho hôm nay và các thế hệ tiếp bước...
Tam Kỳ, 23.7.2023
VVT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn