Nhà văn TÔN PHƯƠNG LAN
1.Lễ Hội 5 làng Mọc gồm các làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang (thuộc Thành phố Hà Nội) diễn ra ba ngày 10-11-12 tháng Giêng hàng năm. Năm nay, làng Quan Nhân đăng cai đúng vào dịp nhiều cơ quan Văn hóa - Văn nghệ tổ chức kỷ niệm 80 Đề cương Văn hóa của Đảng ra đời.
Lễ Hội năm làng Mọc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2021. Đây là một Lễ Hội cổ truyền, có từ hàng trăm năm về trước. Vào ngày lễ chính, các giai nhân giai nữ trong làng rước kiệu đưa các Thành hoàng làng đi du xuân, thưởng lãm cảnh quan và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Tuy Lễ hội chính do một làng đăng cai 5 năm môt lần nhưng năm nào các làng cũng có hình thức tổ chức riêng theo tập tục của làng mình. Đình làng Quan Nhân vốn thờ Trung nghĩa Đại vương Hùng Lãng Công - người có công đánh giặc Nam Chiếu và dưới Phủ thờ Bà Trương Mỵ Nương, người phụ nữ gốc làng Quan Nhân đã có công trong sự nghiệp của chồng. Lẽ ra, Lễ hội được tổ chức vào năm 2021 nhưng bấy giờ đang mùa dịch côvíd. Chính vì thế, khi được Ủy ban nhân dân Phường Nhân Chính đồng ý sẽ cho Quan Nhân đăng cai tiếp tục khi giãn cách, các cụm dân cư trong phường, nhất là hai cụm Quan Nhân và Đoàn kết ngay từ trước tháng Chạp đã khởi động những công việc cần thiết: cử những khởi chỉ ông và khởi chỉ bà, lên danh sách các giai nam, giai nữ tham gia lễ rước; các đội văn nghệ, các câu lạc bộ thơ, dân ca tập dượt, các đội múa lân, đội trống... đã tập luyện và có những cuộc diễu hành thử quanh làng; các đội tế, đội múa sênh tiền cũng đã có những sự chuẩn bị tích cực cho các ngày lễ hội. Sau một thời gian dài háo hức chờ đợi, năm nay, Lễ Hội 5 làng Mọc được tổ chức rộn ràng hơn vì đây là Lễ Hội đầu tiên sau khi đươc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, lại vừa trải 3 năm dài dịch dã...
Đúng 9 giờ sáng ngày 27.2 (tức ngày 8.2 âm lịch) lá cờ ngũ sắc từ từ được kéo lên trước tam quan Đình trong nền nhạc Lưu Thủy Kim tiền. Nghi thức thượng cờ Lễ hội truyền thống 5 làng Mọc được thực hiện theo nghi lễ cổ truyền có sự tham gia của lãnh đạo Đảng ủy, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phường Nhân Chính và Trung Văn - làng sẽ đăng cai tiếp sau - cùng các vị trong Ban Lễ hội và đồng tham gia của đại diện 4 làng Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân và Phùng Khoang. Lễ hạ cờ sẽ được thực hiện vào ngày cuối cùng - ngày 12 - và trao lại cho làng Phùng Khoang, dự kiến tổ chức đăng cai vào năm 2025. Ngày 11, các dòng họ đến đình làng tế lễ nườm nượp, chưa kể khách thập phương cũng đến công đức, dâng hương, tế lễ...Khu vực Đình, nhà Văn chỉ, đình Hội Xuân, ao sen...tấp nập đông vui hơn cả ngày Tết cổ truyền.
Sáng ngày 3.3 (tức ngày 12.2 năm Quý Mão), ngày chính của lễ hội, từ sáng sớm, đại biểu các cấp ủy và chính quyền của các quận Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, các phường Nhân Chính, Trung Văn đã có mặt tại đình làng Quan Nhân cùng hàng nghìn khách đổ về các làng, đặc biệt là Quan Nhân, nơi đăng cai lễ hội. Một ngày trọn vẹn với hai phần: trang trọng trong phần “Lễ” và vui , tấp nập, náo nhiệt, đông đúc trong phần “Hội”. Có thể nói sự mong đợi của nhân dân đã được thỏa mãn cả về quy mô, hình thức tổ chức và không khí lễ hội.
Đúng như tinh thần mà Ban Tổ chức đã đề ra: hãy truyền tải đúng và đủ các nghi thức truyền thống trong cả phần “lễ” và “hội”, tiếp tục quảng bá lễ hội để du khách thập phương đến với Lễ Hội 5 làng Mọc - một lễ hội cổ truyền lành mạnh, nhằm thúc đẩy con người luôn nhớ đến cội nguồn, luôn biết ơn những người có công với đất nước, nơi nhắc nhở hậu thế nhớ về nguồn cội và gắn kết với nhau hơn trong cuộc sống hàng ngày hướng tới mục đích xây dựng và phát triển làng quê giàu mạnh, phồn vinh cùng đất nước.
Một số hình ành trong hội.
2. Trong tình hình một thời gian dài vấn đề vai trò của văn hóa trong đời sống phát triển xã hội chưa được coi trọng thì việc tham gia và quan sát Lễ hội đặt ra cho tôi những suy nghĩ. Suốt một thời gian không ngắn, ngụ cư ở đây, tôi vẫn chưa thật hiểu sâu sắc vấn đề lễ hội trong tâm thức nhân dân vì có một thực tế là nói đến văn hóa lễ hội là nói đến vấn đề “cờ -đèn -kèn -trống” thật. Trong cuộc tọa đàm nhân 80 năm Đề cương văn hóa do Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật trung ương tổ chức hôm 1.3, nhiều ý kiến đã cho thấy sự lúng túng trong cách hiểu về văn hóa và việc điều hành của chính một số người làm công tác văn hóa ở các cơ sở chưa thật thấu đáo. Thực tế cho thấy có những vấn đề sâu xa mà những người làm văn hóa nếu biết nắm lấy thế mạnh thì thực sự Lễ hội sẽ thoát ra khỏi những định kiến như trên và có thể - nói như Hồ Chủ tịch “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Từ sáng ngày mồng 10 - hàng chục dòng họ xếp hàng bưng lễ vật vào lễ. Ở đây không đơn giản là xem mâm lễ của dòng họ nào to hơn dòng họ nào mà quan trọng hơn là lời khấn lễ được coi như một báo cáo cáo thành tích của dòng họ mình với Đức Thánh. Đúng là “Quan làng Mọc, Thóc Mễ Trì”: có thể các ông nghè đã được ghi danh trong Văn chỉ làng nhưng ở đây người ta vẫn thấy sự vẻ vang của dòng họ qua những đỗ đạt của giới trẻ, thành danh của những người trưởng thành và đóng góp của dòng họ mình trong các chủ trương chung. Nếu trong năm, các gia đình khuyến khích con em mình phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, dòng họ, tôi chắc không chỉ riêng các em sẽ được khơi dậy lòng tự hào chính đáng.
Văn hóa yêu nước vốn là một truyền thống của dân tộc nhưng có nhiều con đường đến với mỗi người, mỗi gia đình. Việc phong Thánh cho những người có công với nước, được nhân dân thờ phụng với lòng tự hào và biết ơn cũng là một cách truyền cảm hứng yêu nước, lòng tự hào dân tộc đến với nhân dân. Và đến Lễ Hội cũng là một dịp mọi người được khơi gợi, hâm nóng lên lòng yêu nước của mình.
Lễ hội làm cho con người thấy gắn bó, thân thiện và gần gũi với nhau hơn. Mỗi người như có ý thức về mình hơn khi được tham dự Hội trong những bộ quần áo đẹp, được tắm trong không khí vui vẻ mà trang nghiêm và cảm giác mình như được tôn trọng hơn, thanh sạch hơn. Ban Tổ chức nên tận dụng những dịp này để tuyên truyền lối sống lành mạnh, chống sự xuống cấp đạo đức, chống mọi bạo hành ngay trong từng gia đình, trong phường, xã. Văn hóa phải đi từ phạm vi đến phạm trù, từ cái vi mô đến cái vĩ mô. Hiện nay, văn hóa đạo đức đang có sự xuống cấp. Phát triển văn hóa không thể tách rời việc xây dựng con người văn hóa. Con người ấy phải được chú ý từ lời ăn tiếng nói, từ cách ứng xử trong đời thường và trên nguyên tắc dùng yêu thương để cảm hóa. Tôi biết có một người bạn là Phó Tổng Giám đốc một Công ty Nhà nước, xin cho con và cháu gái vào đội rước của đình Quan Nhân (vì gia đình anh không thuộc cư dân phường dù nhà anh ở sát Đình) chỉ với ý nghĩ: cho các cháu hòa đồng với văn hóa làng quê, biết thêm bà con và các bạn cùng làng, sẽ tự tin hơn, dù các cháu phải xin phép nhà trường nghỉ học một số buổi và tập dượt khá vất vả..
Trong thời gian gần đây, văn hóa đang được nhìn nhận lại đúng mực hơn vai trò của lĩnh vực này trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Lễ hội là một trong những hình thái biểu hiện của văn hóa dân tộc tồn tại từ bao đời nay và chắc chắn sẽ còn trường tồn dầu ngày nay trong hội nhập toàn cầu, giới trẻ xem ra nghiêng về các loại lễ hội của phương Tây chứ chưa hẳn đã mặn mà với các lễ hội truyền thống, nhất là khu vực thành phố. Chính trong tình hình đó, việc bảo tồn các lễ hội cần được nhấn mạnh ở những đặc điểm mang tính bản sắc, và cần được phát huy ngay từ khâu tổ chức, tuyên truyền. Cũng như gia đình là nền tảng của xã hội, việc xây dựng và phát triển văn hóa cần được nhìn nhận từ chính thực tiễn của đời sống sôi động hiện nay./.
Nguồn tin: HNV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn