Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: Văn Hậu và Hồ Sĩ Tá
Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về …Lời ca hào hùng trong ca khúc “Tiến Về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao cùng đoàn quân chiến thắng rầm rập tiến về giải phóng Thủ Đô qua năm cửa ô vào ngày 10 tháng 10. Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu đoàn quân tiến vào Hà Nội qua cửa ô Cầu Giấy.
Ngã tư Cầu Giấy của ta/Bàn tay mở giữa bao la đất trời
Dù đi dù ở muôn nơi/Hai bốn tháng tám ngược xuôi nhớ về.
Nghiễm Phúc Điện được dòng tộc Nguyễn Trần lập để thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từ đầu thế kỷ 19, đến nay đã được hơn 200 năm. Điện Nghiễm Phúc tọa lạc ở xóm Quan Hoa, làng An Hòa, Cầu Giấy, Điện Nghiễm Phúc(殿福嚴) cách mộ cụ Quan Hoa khoảng 100 mét.
Lịch sử xóm mang tên Quan Hoa: Cụ Nguyễn Công Thịnh là ông quan thanh liêm, có nhiều công tích giúp dân làng khai dân trí và nhiều công việc khác nên dân làng biết ơn và đặt tên xóm là Quan Hoa (với ý nghĩa là QUAN tri huyện HOA khê). Năm Kỷ Hợi (1779) Cụ đi thi Hương, đỗ Hương Cống (Cử nhân) được vào học trường Quốc Tử Giám, mấy lần đi thi hội, cụ đỗ Tam trường. Năm Ất Tỵ (1785), cụ được bổ làm quan Tri huyện, huyện Hoa Khê, Phủ Thao Giang, Trấn Sơn Tây. Sau một thời gian, cụ từ quan, bỏ về nhà ở xóm nhỏ trong làng An Hòa dạy học. Học trò của Cụ nhiều, có đến mấy trăm người. Thời đó, trong dân gian có nhiều việc, Cụ đã cùng bản giáp lo liệu chu toàn. Cụ không có con, dân làng cảm động trước tình cảnh ấy, mong muốn được coi sóc việc cúng giỗ Cụ và các bà vợ của Cụ. Cụ bèn đem hai mươi sào ruộng và tám mươi quan tiền cho Văn Hội Giáp lưu giữ theo lẽ tự nhiên. Lại lấy mười sào ruộng và ba mươi quan tiền cho người nhà. Lấy mười sào ruộng cho con cháu người trong ấp để cúng giỗ và làm lễ tế thu vào ngày đó tháng tám mời các linh vị hưởng. Nhân đó hoàn thành sinh phần, sinh từ đền thờ Xuân ở giáp Thân. Cụ mất năm ngày hai mươi nhăm tháng ba, thọ sáu mươi tám tuổi. Mộ của cụ và cụ bà được dân làng xây cất trong một khuôn viên khoảng 50 m2 , trước mộ đặt tấm bia đá “Truy tự bi” để lưu truyền lại mai sau theo lời căn dặn của cụ.
Cách Hồ Gươm 6 km về phía Tây, Nghiễm Phúc Điện tọa lạc ở giữa xóm Quan Hoa được rất đông thiện nam, tín nữ từ khắp nơi đổ về đây cầu lễ. Dân làng còn truyền lại câu truyện: vào những năm đầu thế kỷ 20, ở cạnh gốc cây đa đầu xóm Quan Hoa còn lập trạm đón tiếp người ở xa đến Điện lễ Thánh, mỗi lần đến lễ Thánh, Tri phủ Hoài Đức thường phải buộc ngựa ở gốc đa đầu làng rồi cùng các quạn đi bộ vào Điện thờ.
Đầu thế kỷ XX, người trông coi Điện, chăm lo hương khói là cụ Nguyễn Trần Đóa. Cụ Đóa đã từng giữ chức Đội trưởng trong đội nghĩa quân Đề Thám. Tháng 6 năm 1908, cụ chỉ huy 20 nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám, chờ sẵn trước vọng lâu của phủ Toàn quyền, chuẩn bị đánh trại lính khố đỏ ở phía Tây, làm mũi ngoại kích trong vụ Hà Thành đầu độc. (Vụ Hà Thành đầu độc là vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội diễn ra ngày 27 tháng 6 năm 1908. Mục đích của họ nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm Hà Nội, thêm sự tiếp ứng và chỉ đạo từ bên ngoài của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, cùng với sự tham gia của Phan Bội Châu trong việc vạch kế hoạch để tạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi người Pháp).
Khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị thất bại, cụ Nguyễn Trần Đóa đã đưa Hoàng Luân là cháu đích tôn của cụ Hoàng Hoa Thám từ Bắc Giang về trú ẩn ở Điện Nghiễm Phúc. Hiện nay, cháu nội của cụ Nguyễn Trần Đóa là cụ Nguyễn Trần Vựng tiếp tục trông coi thờ phụng Điện.
Chính Điện có ba gian được xây dựng vào năm Khải Định thứ tư (năm 1920). Mặt trước gian giữa có một bức hoành phi đề ba chữ殿福嚴 (Nghiễm Phúc Điện). Về sau được tu bổ thêm: Hậu cung thờ Quốc mẫu, gian bên phải thờ Tứ phối đó là bốn người con trai của Đức Thánh Trần: Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Uy, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Hiện; cùng con rể là Tướng Quân Phạm Ngũ Lão. Gian bên trái thờ nhị vị Vương cô là hai con gái của Đức Thánh Trần là Hoàng Hậu vợ vua Trần Nhân Tông và vợ Tướng Quân Phạm Ngũ Lão. Gian chính Điện đặt pho tượng Đức Thánh Trần ở tư thế ngồi, nét mặt trang nghiêm, đôi mắt sáng ngời, nhân hậu. Pho tượng do nghệ nhân Nguyễn Trần Bá tạc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng theo nguyên mẫu ở Đền Kiếp Bạc.
Điện còn giữ được sáu ngai thờ đặt bài vị, hai biển gỗ, năm bức hoành phi, trong đó có bức Trần Thượng Tướng chế tác năm Canh Thìn đời vua Tự Đức (năm 1880) và bức Hiển Thánh Điện chế tác năm Kỷ Tỵ đời vua Bảo Đại (năm 1929); mười hai câu đối ca ngợi công đức của Hưng Đạo Đại Vương, trong đó có đôi câu đối nổi tiếng của Tiến sĩ Giang Văn Minh, đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ (1619 – 1643):
銅柱至今苔已綠/藤江自古血猶紅
Đồng Trụ Chí Kim Đài Dĩ Lục/Đằng Giang Tự Cổ Huyết Do Hồng
Dịch nghĩa là:
Cột đồng đến nay đã mọc rêu xanh/ Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ
Và câu đối về sắc thái của Điện:
東阿名將威猶銘/南國靈神感必通
Đông A Danh Tướng Uy Do Tạc/ Nam Quốc Linh Thần Cảm Tất Thông
Dịch nghĩa là:
Oai danh tướng Trần vẫn còn ghi trong lòng/ Thần linh nước Việt Nam đã cảm nhận được
Điện Nghiễm Phúc còn giữ được sắc phong của vua Gia Long năm thứ 2 (năm 1803), sắc phong của vua Tự Đức năm thứ ba (năm 1849) và năm thứ 35 (năm 1882). Điện còn giữ được bộ sách chữ Hán ghi chép các sắc phong biên soạn từ thời vua Duy Tân. Đặc biệt có cuốn phả do nhà nghiên cứu Hán-Nôm Hoa Bằng chép lại từ đền Kiếp Bạc và một số bài văn cổ như: Trần triều hiển thánh, Đức ông phò mã…, Huê hải đường, Tiên cảnh bồng lai… , nhiều nơi đã đến đây xin chép lại để về cúng, khấn. Điện còn giữ được hai quả chuông đồng cao 0,57m, đường kính 0,58 m. Một quả chuông do bà họ Phạm, quê ở làng Thái Đường, huyện Đông Ngàn – nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh cung tiến, quả còn lại mới đúc gần đây.
Đầu thế kỷ 20, xóm Quan Hoa chỉ có vài chục nóc nhà, dân cư thưa thớt. Lũy tre xanh bao quanh xóm giống như bao làng quê ở Việt Nam. Trong xóm nhiều vườn cây ăn quả xum xuê như Gioi, Nhãn, Mít, Bưởi, Hồng Bì … xanh tươi, rậm rạp. Có điều lạ: khi Hà Nội bị tạm chiếm, cả vùng Cầu Giấy bị tàn phá nhưng Điện Nghiễm Phúc vẫn an toàn.
Điện Nghiễm Phúc linh thiêng nhưng không tổ chức lên đồng, xem bói và các hoạt động mê tín khiến cho điện giữ được tính tôn nghiêm. Điện nằm trong khuôn viên yên tĩnh,có diện tích khoảng 200 m2. Điện Nghiễm Phúc có thể sánh với các đền thờ Đức Thánh Trần ở Hà Nội như: Đền Ngọc Sơn, đến Phúc Nam ở phố Lê Duẩn, đền Lừ ở phường Hoàng Văn Thụ, đền Sơn Hải ở phố Bạch Đằng.
Lễ hội ở đây vào ngày 20 ~24/8 âm lịch, có rất đông người đến dự lễ. Vào năm Đại Hội (năm 2000) có đám rước với cờ hoa, mâm lễ, đội bát âm, đội dâng hương từ miếu Quan Hoa về Điện. Sau tế lễ có hát văn, diễn chèo … và lễ đón những người từ Điện Thái Bình ở Đông Anh về dự lễ.
Điện Nghiễm Phúc xứng đáng là một góc Kiếp Bạc ở cửa Ô Cầu Giấy với tên gọi mà nhiều người đặt cho. Đây là điểm sáng về văn hóa tín ngưỡng tâm linh rất đáng được trân trọng ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội.
Văn Hậu – Hồ Tá
Hội VĂN NGHỆ DÂN GIAN Hà Nội