Kết chạ có nhiều tên gọi như “ăn chạ” “Giao hiếu” “Đi nước nghĩa” “Chạ anh chạ em”… Đó là nét đẹp văn hóa có từ thời các vua Hùng, đặc biệt phát triển vào thời Lý, Trần…khi Đạo Phật trở thành Quốc giáo của nước Việt. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ theo thống kê các làng xã ở đầu thế kỳ XIX có trên 1000 làng có tục giao hiếu. Nhờ đó, họ chung lưng đấu cật trong việc khắc phục thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, chống giặc giã, hỏa thoạn, trộm cướp…duy trì cuộc sống trong sản xuất, chiến đấu và xây dựng đời sống văn hóa. Kết chạ trong hội làng có khi là kết nối tâm linh vì cùng thờ Phật, Mẫu, Thánh, Thần,…cùng thiền phái, tông phái cùng chịu ơn ban phát của một vì hoàng thân, quốc thích.
Đền Sóc, xã Phù Linh huyện Sóc Sơn hội ngày 6/1 đến 8/1. Đền thờ Thánh Gióng cùng Thánh Mẫu, Trần Vu Điền, Tì Sa Môn Đại Sư, Tây Vu Vương, Tiên Đồng cùng hai võ sĩ mang chùy…Phù Đổng hóa bất tử được phong Vương, Thánh, Thần. Hội có tế lễ, dâng hương, chọi gà, ca trù, chém Tướng giặc Ân. Trên 16 xã tham gia với sự phân công rõ ràng: Vệ Linh, Tiên Dược dâng Hoa Tre, Yên Tàng Mậu, Tàng, Xuân Tàng cử 3 cô gái trẻ đóng tướng Ân, Bình lỗ cứ trai chém tướng, Quế Dương dâng ngựa sát, Xuân Kỳ dâng lửa thần…Lại có cả lễ dâng “Nồi Hương” của Phù Lỗ, để gội đầu cho Thánh trước khi bay lên đỉnh Trời.
Hà Nội tính đến năm 2021 có 21 di tích lễ hội được xếp di tích phi vật thể cấp Quốc gia.
Ở nội thành Hội kết chạ Phú Mỹ Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm), hội múa Ải Lao (quận Long Biên), Hội Lệ Mật (quận Long Biên), Hội Chèm (quận Bắc Từ Liêm), Hội Đền Voi Phục (quận Ba Đình).
Ở ngoại thành có Hội Hát Môn (huyện Phúc Thọ), Hội Hạ Lôi (huyện Mê Linh), Hội Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Hội Bình Đà (huyện Thanh Oai), Hội Tân Hội (Huyện Đan Phượng). Các trò diễn phong phú như vui khỏe có vật, đu, leo cầu, kéo co, múa gậy, chạy cờ…Trò khéo tay có nấu cơm, thổi xôi, làm cỗ, giết trâu, thịt lợn, mổ gà. Trò hát xướng có hát ca trù, Hát Xẩm, Quan Họ, Hát Chèo Tàu, Hát Kể Hạnh, múa cồng chiêng, mùa Rồng, múa Hổ…
Làng xã có “bầu trời” riêng nhưng vẫn mở ra với các làng chung quanh bởi mối quan hệ cộng đồng “Làng” và “Nước”. Phải chăng đó là sức mạnh của dân tộc Việt trong nghìn năm để dựng nước, giữ nước và xây dựng bảo tồn VĂN HÓA VIỆT. Nói như Bác Hồ:
- Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ Nước nhà.
Văn Hậu
Hội VNDG Hà Nội
Nguồn tin: HNV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn