Xứ Đoài là vùng đất cổ của văn minh sông Hồng thuộc đất Văn Lang của các vua Hùng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có nhiều địa danh lam đặc biệt quan trọng giao thoa giữa văn hóa xứ Đoài với văn hóa Thăng Long như chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Bối Khê…Dấu tích các vị cao tăng thời Lý, Trần, Lê…đến xứ Đoài có thể kể: Thiền phái Tì ni đa lưu chi có Từ Lộ và Từ Đạo Hạnh (1072-117) tu chùa Đông Bụt, chùa Thầy (Thiên Phúc, huyện Quốc Oai), Thiền sư Trì Bát (1049-1117) tu chùa Tổ Phong (huyện Thạch Thất) Thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh tu chùa Nả (H. Ba Vì), ca dao có câu: “ - Vui nhất là hội đền Và, - Thứ hai hội Nả, thứ ba hội Thầy”. Thời Trần có Thiền sư Nguyễn Bỉnh An tu chùa BỐi Khê (Huyện Thanh Oai), còn được gọi Đức Thánh Bối…
Xứ Đoài không chỉ là đất Tiên, đất Thánh, đất Phật mà còn là đất truyền thống hôm nay. Di tích cách mạng, kháng chiến ghi dấu chân Bác Hồ cũng những bút tích của Người liên quan đến lịch sử dân tộc .
Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, núi Trầm (H. Chương Mỹ) là trụ sở của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Tại đây đúng 20 giờ ngày 19/12/1946 Đài đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào lúc Giao thừa xuân Đinh Hợi (tức ngày 21/1/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Đài phát thanh ở núi Tử Trầm đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài:
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn dân kháng chiến,
Chí ta đã quyết lòng ta đã đồng…(Trích)
Đọc xong bài thơ chúc Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với anh chị em cán bộ nhân viên của Đài. Sư cụ trụ trì ở chùa Trầm được gặp và chúc Bác Hồ mạnh khỏe, sống lâu để lãnh đạo nhân dân kháng chiến thành công. Bác Hồ chúc nhà sư mạnh khỏe, tụng kinh cầu Phật cho kháng chiến thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên giấy điều 8 chữ Hán “Kháng chiến tất thắng – Kiến quốc tất thành” để sư cụ dâng lên bàn thờ Phật.
Cuối năm 1948, thực dân Pháp chiếm đóng tuyến đường 6. Chúng đóng bốt ở Trầm. Tháng 9/1949, bộ đội địa phương tỉnh và du kích xã bằng chiến thật “nội ứng chiến” diệt bốt Long Châu thu 15 súng trường, 1 khẩu trung liên, 1 máy vô tuyến và một số đạn dược. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, ngày 22/3/1954, tại đoạn đường chùa Trầm – Ninh Sơn là nơi bộ đội địa phương tỉnh đánh một trận phục kích giữa ban ngày diệt 58 xe cơ giới của địch.
Từ năm 1954-1975, xã Phụng Châu tiếp tục ghi dấu thêm nhiều sự kiện lịch sử. Năm 1957, sáng mồng một Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Phụng Châu thăm trại Kim Đồng, nơi đang nuôi dạy gần 500 trẻ mồ côi. Ngày 13/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh về chùa Trầm trọn một ngày để thảo ra lời Hịch chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là từ năm 1966 đến năm 1975, núi Tử Trầm là hành dinh, là cơ quan đầu não mang mật danh “Sở chỉ huy K12” điều hành một bộ máy chiến đấu khổng lồ gồm các binh chủng: Tên lửa, Ra đa, không quân, pháo cao xạ thuộc Quân chủng Phòng không – không quân hoạt động trên khắp chiến trường của ba nước Đông Dương, đã đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Các đồng chí: Lê Duẩn (Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng), Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Chính phủ), Võ Nguyên Giáp (Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam), Văn Tiến Dũng (Thượng tướng – Tổng tham mưu trưởng) và nhiều cán bộ của Đảng, Nhà nước và quân đội đã đến K12 chùa Trầm.
*
* *
Chùa Thầy huyện Quốc Oai chẳng những là một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà còn là nơi lưu dấu những kỷ niệm thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác đã về ở và làm việc ở chùa Một Mái – một ngôi chùa nằm trong quần thể thắng cảnh chùa Thầy. Nhiều chủ trương và quyết định quan trọng của đất nước được Bác khởi thảo ở ngôi chùa này.
Bác về Sài Sơn vào tối mùng 3 tháng 2 năm 1947, Bác nghỉ và làm việc trong gian buồng của ngôi nhà Tổ dưới chân chùa Một Mái. Từ đây cho đến đầu tháng 3 năm 1947, khu chùa Một Mái – núi Thầy xã Sài Sơn đã trở thành bản doanh, là chỉ huy sở của Bác để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Các đồng chí: Trường Chinh – Tổng bí thư của Đảng; Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh; cùng nhiều đồng chí khác thường đến chùa Một Mái, báo cáo tình hình, xin chỉ thị của Bác. Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra giải quyết các công việc tài chính, nội vụ, quốc phòng. Chẳng quản khó khăn vất vả, từ Sài Sơn, Bác thường về các địa phương công tác.
Trong gian buồng nhỏ, trên chiếc án thư với chiếc máy chữ nhỏ và bên ngọn đèn dầu; ngày đêm Bác còn viết và tự tay đánh máy nhiều tài liệu quan trọng, ký duyệt nhiều sắc lệnh của Chính phủ. Bác thường nhắc nhở Cán bộ trong đội công tác về ý thức tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân và tinh thần cảnh giác, giữ gìn bí mật…
Đầu tháng 3, Bác rời Sài Sơn, xuống Phủ đường Quốc Oai vào tối 2-3-1947 để chủ trì một phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Hội nghị bàn nhiều việc, trong đó có việc cấp tốc di chuyển cơ quan lên Việt Bắc, vì thời gian này giặc Pháp đã mở rộng việc tiến đánh ra ngoại vi Hà Nội. Họp xong đã 4 giờ 30 phút sáng ngày 3-3-1947, Bác vào nghỉ tại chùa Một Mái, dưới chân phía sau núi Hoàng Xá. Bác nghỉ tại đây một ngày, đến 18 giờ 30 phút ngày 3-3-1947, đồng chí Trần Đăng Ninh và một số đồng chí khác đến đón. Bác rời Hoàng Xá, Quốc Oai, qua Trung Hà , sang Phú Thọ, lên Việt Bắc, cùng Trung ương Đảng và Chính phủ tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến cho đến ngày giải phóng Thủ Đô 10-10-1954.
VĂN HẬU
HVNDG HÀ NỘI
THAM KHẢO
Di tích Hà Tây Sở VHTT Hà Tây 1999
Tín ngưỡng tôn giáo và LHDG Hà Tây
TS Nguyễn Hữu Thức NXB VHTT 2008
Hà Nội Di tích cách mạng kháng chiến
TS Lưu Minh Trị chủ biên 2010
Hội làng Thăng Long Hà Nội
PGS Lê Trung Vũ chủ biên NXB TN 2011
Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh – Lê Xuân Đức NXB VH 2012
Tản Viên Sơn 12-2017