Chị Lương là một người con gái hiền thục từ tấm bé. Nhìn cái cách chị cưng nựng các cháu trong trường mầm non của mình, ai cũng cảm thấy an yên. Những ông bố dắt con ba, bốn tuổi tới giao cho chị Lương ai cũng như gửi gắm sự tốt lành, cẩn thận và trách nhiệm. Những cô giáo ở trường mầm non Misa cũng quá đỗi thục hiền. Lương giáo viên nào được bao nhiêu nhưng hàng trăm con mắt trẻ thơ quấn túm quanh mình chính là nguồn tài sản vô giá của các cô, của chị Lương mới là điều đáng kể.
Mấy tháng trước, khi chị Lương đón nhà văn Lê Lựu trở về căn nhà tuổi thơ nơi bối cảnh ông viết Thời xa vắng ai cũng thấy mừng thầm. Người đi ừ nhỉ thấm thoắt mây bay mấy chục năm rồi cũng đến lúc trở về làng cũ. Cái tên Lê Lựu lừng danh khắp trời Việt, trời Âu, Phi và đặc biệt là nước Mỹ. Lê Lựu có rất nhiều người bạn Mỹ và không ít người nhìn bộ tóc xoăn tít của Lê Lựu cứ nghĩ ông là người lai Mỹ nhưng tính cách ông lại đặc sệt chất nông dân Việt Nam bờ bãi sông Hồng. Lê Lựu dẫu có giày tất com lê cravat trông vẫn cứ tất tả, tơi tơi như ông nông dân vừa đánh xong mười mấy luống cày vụ chiêm nóng nực. Lê Lựu uống nước cứ chộp choạp vất vả thế nào. Cái cách Lê Lựu vuốt tóc cũng khiến người khác phát mệt bởi tóc ông vốn xoăn tít vô tổ chức, lại lúc viết lách văn chương bí bách hay sao mà ngài cứ vuốt bừa mái đầu bò đầu bướu. Bây giờ thì cái đầu ấy đã trọc lốc chỉ còn lơ thơ vài sợi. Tóc về với đất trước người cũng như lẽ đời, trời biển nông sâu.
Chị Lương thương người cha nhưng chị hiểu rằng phải làm thật nhiều việc tốt cho đời, làm vui lên cuộc sống của gia đình, con cháu, nhất là hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ trong ngôi trường Misa máu thịt mà chị dày công gây dựng. Đất không phụ ơn người, ngôi trường mầm non Misa chính là cánh chim đầu đàn khối mầm non của tỉnh Hưng Yên không chỉ là hãnh diện của người phụ nữ mang dòng máu nhà văn nổi tiếng mà trước hết là trách nhiệm của một công dân với vùng đất xứ nhãn thân thương.
Chị Lương vất vả từ tấm bé. Nhà văn Lê Lựu toàn làm những việc đâu đâu. Nhiều lúc, việc quốc gia đại sự ông cũng hò hét xông vào nhưng việc gia đình lại vô cùng vụng về. Ông từng than rằng tớ không biết tổ chức cuộc sống gia đình. Ở nhà với vợ con nó cứ bồn chồn lo lắng thế nào đó. Việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng đúng là hợp với tớ. Ngày làm thư ký tòa soạn Văn nghệ quân đội, nhất là khi ra tờ Phụ san, Lê Lựu lúc nào cũng tất bật chuẩn bị gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng ở tầm rất cao mà những việc như cơm nước, giày tất còn quên biệt huống chi con cái, càng biết đâu đến cô con gái nhỏ mãi tận vùng đất Khoái Châu chiêm khê mùa thối tít tắp. Với Lê Lựu, Khoái Châu cũng xa xôi như châu Mỹ, châu Phi vậy. Mà có về đến Khoái Châu, chưa chắc Lê Lựu đã về nhà mà lại tụ bạ nơi đình, đền, chùa, miếu đương xây dựng dở dang, vận động cái cột, tấm bia cho tươm tất còn bản thân ông húp bát nước lá vối cũng đủ sống qua ngày.
Chị Lương rất biết tính cha mình. Những lúc Lê Lựu trên đỉnh vinh quanh, tầm quan hệ toàn cỡ quốc gia, quốc tế là lúc chị Lương chăm chỉ, cần mẫn với cương vị giáo viên, quản lý giáo dục nơi huyện nghèo ở Hưng Yên. Rồi người cha già đi, già đến nỗi không còn nhận biết trời đất gì nữa. Rồi người con lớn lên, đã thành bà, đã có trong tay gia đình hạnh phúc, những ước mơ đã thành hiện thực, đã chung sức cộng đồng giúp được vật chất, tiền bạc, tinh thần cho các em thơ trên chính mảnh đất của mình cũng là lúc chị đón cha trở về. Lê Lựu chắc gì đã biết những thành tựu của con. Nước mắt của Lê Lựu là nước mắt dành cho thiên hạ, dành cho những Giang Minh Sài, Sông, Biển, Núi... giang hồ thảo khấu đâu đâu, con cái nhà ai đó chứ nhà mình lại quên mất. Từng có chuyện sau khi bộ phim Sóng ở đáy sông trình chiếu, một số người không có công ăn việc làm nơi đất cảng Hải Phòng đã tìm đến bắt đền Lê Lựu, bắt Lê Lựu tạo công ăn việc làm cho bởi vì bác viết chuyện về cháu, làm phim về cháu khiến cháu nổi tiếng, không còn hành nghề cũ được nữa, thì bác phải nuôi cháu, chứ ai nuôi bây giờ. Bác là nhà văn thì bác phải có trách nhiệm với xã hội, nhất là các nhân vật mà bác viết ra. Cháu nói thế là còn nhẹ đấy, còn nể bác là nhà văn chứ phải thằng khác chết với cháu.
Lê Lựu luôn gặp phải những thiên tai địch họa như thế.
Nhà văn Phùng Văn Khai và chị Lê Thị Lương
Con gái Lê Lựu, chị Lương không hiểu sao tính nết ôm đồm, xuề xòa y như bố. Việc hàng tổng nào ới đến chị đều sẵn sàng. Những suất quà cho hộ nghèo. Miễn giảm học phí cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí tổ dân phố, các kỳ hội thôn quê, đình, đền, chùa, miếu cần thức vật gì khả năng có thể chị đều đáp ứng. Thậm chí như tôi mỗi lúc lạc đường, xe cộ khó khăn, tìm gặp những nhân vật bị lảng tránh đều ới chị Lương là thông đồng bén giọt. Chị giúp đỡ mọi người tự nhiên y xì Lê Lựu. Ngày trước, một lần con tôi bị sốt cao co giật, tôi lại đang ở xa, bí quá cầu cứu thầy Lê Lựu. Lê Lựu sốt sắng nhận lời, chỉ hơn tiếng sau vợ tôi đã gọi, có xe bác Lựu đưa đến viện rồi. Bác sĩ trưởng khoa đã gọi hỏi han kỹ lắm. Lại có việc hai nhà hàng xóm ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên cãi cọ tranh chấp đất đai thế nào đó căng lắm, dao kiếm đã chuẩn bị được rút ra cũng là hôm Lê Lựu về đất ấy thực tế sáng tác. Lê Lựu xông thẳng đến cầm miếng trầu của nhà này, quệt vôi của nhà kia nhai bỏm bẻm nói mấy câu thế nào đó hai bên lập tức dàn hòa rồi trở thành thân thiết với nhau. Đất đai cũng chẳng là quái gì với Lê Lựu. Huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên từng dự kiến giao hàng trăm hécta cho Lê Lựu làm làng văn hóa song chỉ vì ông dự đoán được sẽ có người rình rập xâm phạm quyền lợi đất đai của nhân dân mà ông lặng lẽ bỏ khiến anh em doanh nghiệp đi theo tiếc hùi hụi. Cũng may câu chuyện đi theo hướng đó.
Chị Lương ngày nào cũng vài bận thăm cha, chăm sóc, trò chuyện với người cha nổi tiếng. Chị nói đấy mà tự nghe đấy bởi nhà văn đã không còn nói được từ lâu. Mắt ông nhắm, chỉ đôi lúc khóe miệng giật giật như bảo với con gái rằng, con ạ, con hãy còn thơ dại lắm, con phải làm nhiều việc chứ xem ra vẫn lười lắm, phải phấn đấu bằng bạn bằng bè. Ấy là chị cứ tưởng tượng ra như thế chứ đời nào Lê Lựu suy nghĩ tư duy lo lắng được cho con. Việc thiên hạ cần đến Lê Lựu hãy còn nhiều lắm.
Đã từng có những câu thơ: Những mùa quả mẹ tôi hái được/ Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng/ Những mùa quả mẹ tôi hái được/ Như mặt trời khi như mặt trăng/ Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí những bầu thì lớn xuống/ Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/ Nhỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi... (Nguyễn Khoa Điềm). Chao ôi! Tại sao ở những lúc như thế này, tôi bỗng thấy chị Lương là một người phụ nữ đã vượt qua muôn trùng ải lũy, mà ải lũy lớn nhất, chính là người cha Lê Lựu - người lừng danh và dường như còn thiếu khuyết mà chị tuyệt đối không một câu trách móc cha mình. Tôi bỗng thấy thật gần, chị, như biết bao người con gái xứ nhãn từng góp binh tướng vào cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và trong thời đại Hồ Chí Minh là đội du kích Hoàng Ngân với những chiến công lừng lẫy. Vậy mà, chị Lương - Lê Thị Lương, vẫn hồn nhiên và bình dị, có phần tự lãng quên mình để góp với những chị em xứ nhãn, với nhân dân, những thanh âm hữu ích.
Nguồn tin: HNV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn