Truyện ngắn của Hồng Huyên
Mới vào cuối thu mà sao đã lạnh đến thế! Má lom khom bước lên sườn đồi đã biến thành màu nâu đỏ, dở đất dở sành, đến nỗi không còn một chút màu xanh nào có thể tồn tại được. Khi lên đến đỉnh đồi, má ngồi bệt xuống thở dốc. Nhìn khuôn mặt của má nhăn nheo, lại thêm đôi tròng mắt sâu hoắm, cái miệng móm mém khiến má như già thêm đến hàng chục tuổi nữa. Một lát sau, có vẻ như má đã đỡ mệt hơn một chút. Má từ từ lấy trong túi vải ra cái cối giã trầu bằng đồng nhỏ xíu, cho vào miếng cau tươi, một nửa lá trầu không được quệt ít vôi và miếng vỏ trầu nhỏ. Xong, má lấy chiếc nĩa cũng nhỏ xíu đeo bên cạnh chiếc cối xỉa xỉa cho đến khi miếng trầu bị nghiến nát, biến thành màu đỏ tươi, má mới chậm rãi đưa vào miệng nhai bỏm bẻm. Bỗng má thấy người nóng ran. Hơi trầu như đã ngấm vào người má. Má lấy chiếc khăn thấm mồ hôi vã trên mặt rồi đưa mắt lơ đãng nhìn xuống dưới chân đồi. Màu xanh bạt ngàn của rừng cà phê trải dài tít tắp đến tận phía chân trời. Chiến tranh đã đi qua mảnh đất này từ lâu lắm rồi. Những hố bom được san phẳng, rừng cà phê trước mặt kia đã cho nhiều vụ thu hoạch. Từ một khoảng trong rừng cafe ấy, lộ ra một con đường mòn rất ít người qua lại. Những chiếc xe tăng của Mỹ khi xưa bị trúng đạn pháo, trúng mìn quân Giải phóng, cỏ cây phủ kín khiến chúng giống hệt như những ụ đất. Chính cái quang cảnh ấy đã gợi cho má chợt nghĩ lại quá khứ hãi hùng mà thấy người ớn lạnh cứ như đang bị lên cơn sốt rét.
Bầu trời mỗi lúc một sáng lên. Những tia nắng buổi chiều Thu rọi vào mặt, làm cho má có cảm giác ấm dần lên. Đôi mắt bấy lâu vốn thẫm sâu một màu u ám bỗng ánh lên một tia sáng thật kì diệu…
Hình ảnh của mấy mươi năm về trước cứ dần dần hiện lên trong đầu má. Đó là trận ném bom trải thảm của máy bay B52 Mỹ quyết tiêu diệt lực lượng quân Giải phóng trên khắp quả đồi má đang ngồi đây, phòng phục vụ ý đồ tái chiếm lại mảnh đất chiến lược đã bị rơi vào tay quân Giải phóng. Đêm hôm ấy, đứa con trai của má và tất cả anh em đồng đội đóng quân trên chốt để giữ trận địa không một đứa nào còn sống sót. Má đau khổ nhìn lên đám mây gió cuối chiều mùa Thu thổi, những đám mây cứ lững lờ trôi như các chiến sĩ xếp hàng chuẩn bị ra mặt trận. Má hình dung như các con của má vậy. Những nét mặt hồn nhiên trong sáng của tuổi trẻ, mà sao các con lại hùng dũng đến vậy. Mắt má nhòa đi, má càng nhớ các con.
- Má nghĩ đến đây, nước mắt cứ tuôn trào. Má lau nước mắt, lòng dâng trào đến nghẹn thở khi nghĩ đến chồng con, nghĩ đến các anh em chiến sĩ hy sinh.
- Má còn nhớ như in cái ngày ấy. Con ruột của má cùng một số anh em nằm hầm ở đây. Ngày ngày má nấu cơm, cho vào bao bố cõng vô đây tiếp tế. Đêm máy bay thả pháo sáng, ngày ném bom ác liệt như trải thảm xuống vùng này. Thế rồi anh em tụi nó bắn cháy một máy bay, bắt được một thằng Mỹ. Nó còn trẻ lắm, tóc vàng, mắt xanh. Má gánh cơm vô chia cho từng đứa. Khi má đến gần thằng Mỹ, lòng căm thù, uất ức cứ trào ra trong lòng.
Thằng Mỹ không dám nhìn má. Nó cúi đầu xuống, nó tưởng má không cho nó ăn, mà sẽ đánh đập, chửi bới nó. Nhưng mà nhìn nó bỗng dấy lên một tình thương. Má nghĩ: - “Nó có tội gì đâu, chính phủ Mỹ bắt nó đi thì nó đi thôi,” nó cũng như con mình, tội cho nó. Má đưa cho nó một nắm cơm, nó quỳ xuống ứa nước mắt, má thấy mặt nó cũng hiền. Má biểu, “tụi bây giải nó về cho cấp trên, để các anh gửi trả về ba má nó, bảo bả bên đó đừng cho con sang đây đánh nhau chết uổng. Hãy đừng để cho con cái họ chết một cách vô ích, làm khổ cho những người sinh ra chúng.
- Thưa má, chúng con đã điện về Bộ tư lệnh Miền Nam, các ảnh nói sẽ cho người giải nó về. Chắc bom pháo nghẽn đường, giao liên chưa tới đón nó má. Chân nó bị gãy, tụi con bó cho nó rồi. Chúng con còn dạy thêm cho nó cả tiếng Việt, dạy cho nó biết được chính nghĩa, dũng cảm của dân tộc ta. Truyền cho nó tinh thần yêu nước của dân tộc, “quyết chiến, quyết thắng” và cho nó hiểu “lòng yêu nước của cả dân tộc.” Khi “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh…”. Má còn biểu:
- Các con giáo dục cho nó, để nó hiểu, sau này nó về nước Mỹ. Nó tuyên truyền và nói với chính phủ nó, “đừng bao giờ đem quân đi xâm chiến nước ta nữa…”.
Má đâu ngờ, lần đó là lần cuối cùng má được gặp các con. Đêm hôm ấy từ trong rú nhìn ra, bom Mỹ dội xuống quả đồi làm sáng rực cả bầu trời, những tiếng bom nổ như xé tan tim má, lòng má như lửa đốt. Tảng sáng ngớt bom, má vội chạy đến cửa hầm tụi nó thì chỉ thấy đất dưới chân bỏng rát, không còn vết tích những căn hầm đâu nữa. Má gào khóc đến cạn kiệt cả nước mắt. Đất đồi nguội đi và rắn như sành từ bấy đến giờ.
Chiều hoàng hôn đã đổ xuống, má thấy người lành lạnh, má nhìn ra phía xa, những bóng cây đã chạy dài dưới chân đồi, má vội đứng lên thắp hương cho các con, má nghĩ, - các con đang chờ má.
Má quẹt diêm, châm hương, gió trên cao thổi mạnh má phải quẹt mấy lần. Đất trên đồi bằng phẳng, rộng bát ngát. Thương các con, má vẫn ở trong rú thắp hương hằng ngày cho các con. Hòa bình về các anh lãnh đạo dựng nhà cho má dưới chân đồi, hằng ngày má lên hương khói cho các con khỏi lạnh lẽo. Nhiều gia đình đã lần lượt tìm đến hỏi mộ con, khóc lóc rồi xin ít đất mang về, phải lấy búa đục khó khăn lắm mới được một mảnh nho nhỏ. Má khóc lóc sợ tụi nó đau. Má biểu, - “chúng nó hòa vào nhau làm một rồi, cứ để vậy má hương khói cho tụi nó khỏi tủi thân dưới suối vàng.”
Rồi bỗng một ngày, vào buổi sáng ban mai, ánh mặt trời đã le lói trên những ngọn cây, dưới mặt đất, những tia nắng ban mai chạy dài đến chân đồi, đã chuyển tối sẫm bởi bóng cây, má nhìn về phía chân đồi thấy một chiếc xe hơi màu trắng. Từ phía đó đi lại một người phụ nữ mặc đồ đầm, đang đến gần má. Bằng cách ăn mặc má nhận ra là người nước ngoài. Bà ta cất tiếng, “chào bà” rất sõi, – thưa bà, - bà có phải là má sáu ở ấp 9 Vạn tường, người trong coi phần mộ của các chiến sĩ Việt Nam trong đó có mộ của con tôi không? Đã mất mấy chục năm rồi, tôi đã học tiếng Việt để mong có ngày sang Việt Nam tìm con, chí ít cũng tìm được hài cốt nó mang về. Chúng tôi đã đấu tranh rất nhiều để bình thường hóa quan hệ hai nước. Đây là giấy tờ của ban tìm kiếm người Mỹ cung cấp theo tài liệu của Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Má cầm tờ giấy đọc rồi nắm tay bà mẹ Mỹ, - “ôi! Bà là mẹ của thằng Giôn đó ư, sao bây giờ bà mới tới. Thằng Giôn chắc mong bà lắm bởi tôi thấy rất nhiều lần bát hương nó bùng cháy. Tôi có gặp nó ngày ấy, tôi đoán ở bên kia nó cũng có một người mẹ đang mong nó nhiều lắm, cũng như tôi đang mong con tôi vậy. Nó khóc rất nhiều, nó còn trẻ quá.”
Má kể lại tất cả cho bà mẹ Mỹ. Bà mẹ Mỹ run run ngồi sụp xuống khóc nức nở hồi lâu. Má Tám im lặng một hồi rồi đỡ bà mẹ Mỹ dạy, hai bà dìu nhau leo lên đường dốc. Lên đến nơi, má Chín chỉ những bát hương chạy dài lần lượt từng hàng bên nhau vẫn còn nghi ngút khói, và bảo bà mẹ Mỹ, - “các con tôi đây!” Rồi bà nắm tay bà mẹ Mỹ gần như lôi bà đến gần một bát hương bên cạnh và nói:
- “Giôn ơi! Mẹ con sang Việt Nam đón con về Mỹ con nè….” Rồi má nhìn bà mẹ Mỹ, nói tiếp, - “con chúng mình đã hòa thành một rồi bà ạ.”
Mẹ Giôn ôm bát hương vào lòng, như ôm một đứa con thơ, vuốt ve âu yếm, nước mắt cứ tuôn trào và nói:
- Mẹ xin lỗi con, Mẹ đã giết con rồi. Nếu mẹ hiểu ra chính nghĩa của cuộc chiến tranh, chắc mẹ không bao giờ cho con sang nước bạn để chiếu đấu. Con tha lỗi cho mẹ, và bây giờ mẹ đã hiểu, chính phủ mình đã hiểu, thì biết bao nhiêu người đã chết chóc đau thương.
Mẹ Giôn khóc nhiều vì thương con ngất đi. Má Chín an ủi và lấy dầu cao hổ xoa bóp lên hai bên thái dương bà, một hồi lâu bà mẹ Mỹ tỉnh dậy. Bảo má Chín:
- “Thưa bà, tôi thành thực xin lỗi bà, vì những gì người Mỹ gây ra cho bà và đất nước của bà. Tôi biết máu của con tôi và con bà đã thấm xuống mảnh đất này, đạn bom, đau thương đã biến mảnh đất này hóa sành, cây cối không mọc được nữa, tôi thật là xót đau, tôi là mẹ kẻ thù của bà, tôi quỳ xuống đây xin chịu tội với bà.”
Má Chín cũng quỳ xuống ôm lấy bà mẹ Mỹ.” Bà đừng nói vậy, - “nếu tôi thù bà, đất nước vẫn hận thù, thì con cháu đánh nhau đến bao giờ. Tôi với bà đều thương chúng, bởi cùng mang nặng đẻ đau bà ạ.”
Lúc này bầu trời sáng rực lên, những tia nắng hoàng hôn đã chạy dài chiếu rực sáng những bát hương các con. Hai người mẹ vẫn không thể cầm được nước mắt. Họ cùng thương nhau, những đôi mắt bé bỏng ở thiên đàng đang dõi theo hai bà. Nước mắt của hai bà hòa vào nhau chảy xuống thấm vào lòng đất, làm cho mảnh đất màu mỡ. Và bây giờ, họ đã là bạn của nhau, cùng chung một nỗi niềm, của những bà mẹ bất hạnh vì đã mất đi những đứa con thân yêu nhất của mình!
Hà nội, 2/2023
HH