HỒI ỨC CHƯ NGHÉ

Thứ năm - 27/07/2023 07:35

        Truyện ký của Hoàng Tiến Thắng

         Những ngày này bộ phận trinh sát phải hoạt động hết công suất, sắp đánh lớn. Không chỉ có các vị “khua sương đá mình” vất vả mà cánh lính 2w bọn tôi cũng ối việc. Sáng nay Tiểu đội trưởng vô tuyến Dương Hồng Hợi phân công 5 thằng bọn tôi lên Ban Thông tin trung đoàn nhận khí tài bổ sung. Trong lúc ngồi chờ lấy pin 45 và ắc quy 24, bọn tôi có dịp trò chuyện với mấy ông cảnh vệ Trung đoàn. Lính “trung đoàn” đương nhiên là oách rồi, đến như “lính tiểu đoàn” còn được gọi là “quan đại đội” nữa là. Một ông cảnh vệ có vẻ lớn tuổi nhìn bọn tôi hỏi: “Sắp oánh lớn, dưới các ông chuẩn bị đến đâu rồi? Tôi ngập ngừng: Dạ, chỗ em các thủ trưởng bí mật lắm, mà lính tráng chỉ đâu đánh đấy thôi ạ. Nhưng rồi không nén được tò mò, tôi buột miệng hỏi: Bọn địch lại đưa quân lấn chiếm khu vực nào vậy anh?”. Ông cảnh vệ ngồi bên canh lên tiếng: Lần này không đánh quân giải tỏa mà đánh công sự vững chắc chú mày nhé! Thủ trưởng dưới tiểu đoàn chưa phổ biến gì à?”. Tôi lắc đầu: “Dạ các Thủ trưởng chỉ nói chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”. Bỗng chui đâu ra một tay cảnh vệ mặt búng ra sữa nhưng nói năng như ông cụ non, khoe rằng: “Chính mắt nhìn thấy một c “Trung ương” và một vị tướng từ Hà Nội vào đi thị sát trận địa. Tháp tùng cho các “Cụ” là Thủ trưởng trên Mặt trận B3 và Sư đoàn 320A. Cụ “Trung ương” cầm ống nhòm quan sát một lúc rồi quay sang nói với thuộc cấp:Nó như cái gai trước mắt mà các ông để được à!”. Và rồi để “Nhổ cái gai” sẽ là một trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tăng cường hỏa lực mạnh...

        Tôi hỏi tay cảnh vệ: “ Căn cứ nào thế ông?”. Cậu ta k cả: Lính mới hả? Chư Nghé, bọn địch gọi là Lệ Minh. Căn cứ này do Tiểu đoàn 80 Biệt động quân đóng giữ, phòng thủ nghiêm ngặt, công sự vững chắc và hỏa lực thì thôi rồi”.

Tôi đoán cậu cảnh vệ này nghe lỏm thông tin từ các thủ trưởng và cánh trinh sát rồi thêm thắt đôi chút để phán. Nào là: “Căn cứ này nằm sâu trong vùng giải phóng, hàng ngày bọn địch phải dùng máy bay vận tải C130 đáp xuống sân bay Sùng Thiện tiếp tế...”. Luật một chiến sĩ cùng tiểu đội 2W đi nhận hàng với tôi hỏi: “Căn cứ này bị cô lập, phải tiếp tế khó khăn thế sao chúng vẫn cố giữ nhỉ?”. Cậu cảnh vệ lắc đầu: Bỏ thế nào được một vị trí có giá trị chiến lược quan trọng như thế. Các ông biết không! Năm 1965 khi mới đổ quân lên vùng này Quân đội Mỹ đã nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của Chư Nghé. Điểm cao này khống chế, hàng chục cây số hành lang phía Tây, nơi có con đường huyết mạch của ta từ Bắc vào Nam. Ông cảnh vệ già bổ sung: Bộ tư lệnh Vùng II chiến thuật ở Pleiku ý thức được việc này nên đặc biệt đưa tên thiếu tá Quang, trực tiếp chỉ huy căn cứ. Hắn là một sĩ quan chiêu hồi nên chống cộng đến cùng.”...

3

Các chiến sĩ Trung Đoàn 48F320A làm chủ căn cứ Chư Nghé chiều ngày 22/9/1973.
(ảnh của Phạm Huy Tưởng Ban Tuyên huấn E48) (*)

        
     Buổi tối hôm đó anh em trong D bộ 2 được huy động đi gùi đạn cho một trận địa pháo 85 ly nòng dài. Trận địa này được bố trí đối diện với căn cứ địch, pháo có thể hạ nòng bắn thẳng vào các mục tiêu. Chúng tôi nhận đạn từ một kho quân khí sư đoàn cách trận địa pháo khoảng 30 cây số. Mỗi người bọn tôi phải gùi trên lưng 2 quả đạn có tổng trọng lượng 45 ki lô, nặng hơn trọng lượng tôi lúc đó khoảng 3 ki lô. Việc gùi 2 quả đạn 45 ki lô trên lưng, đi bộ gần 30 cây số đường rừng, với sức vóc khiêm tốn như tôi có thể nói vô cùng vất vả. Biết vậy nhưng đạn pháo 85 ly thì không thể tháo ra san sẻ mang đỡ nhau được. Những năm tháng sống và chiến đấu ở chiến trường đã giúp tôi đủ sức chịu đựng để hoàn thành nhiệm vụ. Về đến đơn vị cũng đã gần 3 giờ sáng, mệt quá không kịp tắm tát gì, tôi chui vào hầm kèo ngủ một giấc,…

Sáng hôm sau Tiểu đội trưởng vô tuyến Dương Hồng Hợi công bố danh sách các tổ đài đi với đại đội bộ binh. Tôi được phân công đi cùng đài trưởng Vũ Xuân Láng người Vụ Bản, Hà Nam Ninh. Sau cuộc họp tiểu đội, tôi và đài trưởng Láng thu xếp quân trang, khí tài xuống tăng cường cho Đại đội 6. Đón chúng tôi, Đại đội trưởng vui lắm anh nói: Trận này C6 được hai ông vô tuyến cứng cựa thế này thì quá yên tâm. Bắt tay đại đội trưởng, ông Láng bảo: “Đúng là tôi rất có duyên đi với C6. Từ hầm bên, một người cao gầy, trắng trẻo bước ra lên tiếng: Cũng phải thôi, ông là đài trưởng cứng nhất Tiểu đoàn 2, C6 lại chuyên đánh vận động. Nếu không phải một đài trưởng giỏi thì khó đáp ứng được nhiêm vụ chiến đấu”. Nói rồi anh đến bắt tay Láng và tôi. Đại đội trưởng C6 giới thiệu: Đây là anh Luân, tiểu đoàn Phó, trận này trực tiếp đi cùng đại đội. Tiểu đoàn Phó tâm sự: “Tôi cũng mới mới từ Tiểu đoàn 1 bổ sung sang còn chưa kịp ra mắt anh em trên tiểu đoàn bộ.

Ở gần hầm của chúng tôi có hai chiến sĩ đang lúi húi bên khẩu cối 60 ly. Một người nhìn thấy tôi nheo mắt: Chào ông Lính tiểu đoàn quan đại đội’...”. Tôi cười: Đã là lính thì ở đâu chẳng là lính. Nhìn hai xạ thủ lau chùi vũ khí tôi hỏi: Súng cối 60 ly sử dụng khó lắm không? Anh bạn có khuôn mặt già dặn hơn thủng thẳng đáp: Để bắn được không khó nhưng bắn giỏi lại là chuyện khác. Chẳng hạn như khi quá gần địch phải bắn ứng dụng, đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm. Bỗng anh bạn có khuôn mặt trẻ măng đứng bật dậy:Có phải Thắng dân thị xã không?”. Phải mất một lúc tôi mới nhận ra: Cường con ông Dực ở Khải Xuân? Người có tên Cường cười tít mắt: “Vẫn nhận ra tôi là quý rồi. Nhìn ông cũng rắn giỏi lên nhiều, không còn công tử bột như ngày xưa”. Cường kể, cậu ta nhập ngũ sau tôi một năm, mới bổ sung về Đại đội 6. Đây cũng là trận đánh đầu tiên của cậu ấy, tôi nhận ra Cường nhờ đặc điểm hàm răng trên chìa ra khá lộ.

1

             Lính Biệt động quân, Quân lực VNCH (ảnh tư liệu)

     Khoảng 6 giờ tối chúng tôi bắt đầu hành quân vào vị trí tập kết. Mấy tiếng đầu đi trên Đường 15 còn dễ chịu, nhưng càng đi đường càng khó. Bởi đoạn sau là con đường trinh sát mới cắt để bộ đội tiếp cận mục tiêu nên khó đi là phải. Khoảng 11 giờ đêm chúng tôi đến vị trí tập kết, lính B3 vẫn gọi là “Kiềng chiến đấu”. Đơn vị ém quân trên một sườn dốc đối diện căn cứ của địch. Trong lúc đào hầm, chúng tôi nhìn sang căn cứ Chư Nghé thấy đèn điện sáng trưng, khoảng cách này có lẽ khoảng tám, chín trăm mét là cùng. Vì gần địch nên chúng tôi phải rất khẩn trương hoàn thành hầm hố và ngụy trang trước khi trời sáng. Bên phía căn cứ của địch, thỉnh thoảng lại rộ lên mấy loạt đạn bắn vu vơ ra phía ngoài hàng rào. Một vài quả pháo sáng vút lên không trung lạc lõng. Bọn địch đã đánh hơi thấy ta sắp tấn công nên chúng rất cảnh giác. Nghe anh em ở đây nói, mấy hôm nay ngày nào máy bay vận tải C130 cũng đáp xuống sân bay Sùng Thiện tiếp tế.

 

2

Sân bay Sùng Thiện trước trận đánh 5 ngày.(ảnh tư liệu)

      









    Cả ngày hôm sau chúng tôi nằm ém quân ở vị trí tập kết, công tác bảo mật luôn là hàng đầu. Ban ngày, ở trong hầm ngụy trang, nhìn sang căn cứ địch rất gần, chiếc ống nhòm Mỹ của tôi bị bom đánh bay mất trong lần đi kiềm pháo.
Tuy nhiên bằng mắt thường vẫn có thể quan sát hoạt động trong căn cứ địch tương đối rõ. Như thường lệ, chiếc C130 đáp xuống sân bay Sùng Thiện làm nhiệm vụ tiếp tế. Khi chiếc C130 vừa cất cánh lại nghe có tiếng động cơ máy bay trực thăng lạch phạch bay tới. Lạ nhỉ, không hiểu sao hôm nay lại có một chiếc trực thăng lẻ loi đáp xuống! Chiếc máy bay từ từ hạ độ cao xuống sân bay, cùng lúc từ khu A một chiếc xe Jep vụt ra sân bay. Tôi quay sang anh Luân hỏi: Có khi nào là thượng cấp của chúng đến căn cứ lên dây cót tinh thần không? Người Tiểu đoàn phó trẻ nhìn về phía chiếc trực thăng nói: Khả năng này rất thấp, theo thông tin từ đài kỹ thuật sư đoàn, bọn địch ở Pleiku biết chúng ta sắp đánh lớn, thậm chí chúng đã tính đến phương án xấu nhất sẽ phải bỏ căn cứ. Một khi đã xác định như vậy chúng sẽ không mạo hiểm đưa sĩ quan cao cấp đến căn cứ vào lúc này.

Khoảng 8 giờ tối chúng tôi được lệnh bí mật vào chiếm lĩnh trận địa, ém quân chờ lệnh. Vị trí chiếm lĩnh khá gần hàng rào ngoài cùng căn cứ, khi đào công sự chúng tôi chỉ có thể dùng xẻng xắn đất chứ không dám cuốc, sợ có tiếng động mạnh. Bọn địch trong căn cứ hễ thấy nghi ngờ chỗ nào là chúng dùng cối 61 ly bắn ra không tiếc đạn. Khoảng 2 giờ sáng anh em trong đơn vị triển khai xong công sự, ngụy trang cẩn thận, nằm chờ lệnh. Là người cẩn thận đài trưởng Láng nhắc: Ông nhớ khi xuất kích phải bám sau tiểu đoàn Phó, không chạy trước, không chạy ngang, không tụt hậu. Nhiệm vụ của lính vô tuyến là phục vụ chiến đấu, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, chứ không phải trực tiếp bắn nhau với địch, trừ trường hợp đặc biệt. Trong lúc tấn công, nếu hỏa lực địch bắn rát quá, phải biết chọn vị trí có vật che đỡ hoặc che khuất ngồi nghe điện. Trong chiến đấu, cho dù ông có cầm súng lao lên bắn chết hàng chục tên địch, nhưng để mất liên lạc vẫn bị kỷ luật...

Trời đã sáng rõ, chúng nhưng chưa lệnh xuất kích, bốn phía xung quanh căn cứ im ắng đến lạ lùng. Theo truyền thống, đơn vị thường nổ súng vào buổi sáng sớm, chưa khi nào tấn công muộn. Đúng kế hoạch, hôm nay 22 tháng 9 tấn công căn cứ Chư Nghé mà 10 giờ sáng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Cả buổi sáng chúng tôi nằm ém quân ngay sát hàng rào chờ xuất kích, thật căng thẳng. Liên tục nhìn đồng hồ, 11 giờ, 12 giờ… 12 giờ 30 chúng tôi nhận được điện từ Chỉ huy sở: “13 giờ nổ súng, C6 sãn sàng chờ lệnh xuất kích”. Tiểu đoàn Phó quay sang chúng tôi: “Các ông báo cáo tiểu đoàn C6 đã sẵn sàng!”.

          Đúng 13 giờ, pháo binh của ta bắt đầu lên tiếng. Sau loạt đạn bắn chỉnh, các trận địa pháo của ta đồng loạt cấp tập. Tiếng đạn pháo vang rền, căn cứ địch rung lên trong màn khói mờ mịt. Sau thời gian bắn phá hoại, các trận địa pháo của ta chuyển sang bắn theo yêu cầu để dẫn dắt và hỗ trợ bộ binh tấn công. Các trận địa pháo 85 ly, D 74 chọn phương án hạ nòng bắn trực tiếp vào các mục tiêu, pháo 122 ly, 105 ly, cối 120 ly và cối 82 ly tập trung bắn vào các mục tiêu ở trung tâm. Lợi dụng lúc quân địch hoảng loạn lo tránh đạn pháo, các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 ở mũi chủ công và Tiểu đoàn 3 đã dùng mìn ĐH 10 quét bung các lớp hàng rào. Bọn địch trong căn cứ vẫn ngoan cố chống cự. Chúng điều hai xe tăng M41 ra bịt cửa mở, dùng súng 12 ly 8 trên xe tăng bắn chặn mũi tấn công của bộ binh ta, bộ đội phải tạm chững lại. Lúc này đơn vị DKZ của Tiểu đoàn 15 bắt đầu phát huy sở trường diệt tăng. Chỉ sau ít phút, hai chiếc xe tăng địch đã bị các khẩu đội DKZ của ta tiêu diệt. Tận dụng thời cơ, các chiến sĩ Trung đoàn 48 đánh thẳng vào trung tâm. Cùng lúc Tiểu đoàn 2 lệnh cho C6 xuất kích vận động đánh thọc sâu vào trung tâm. Tổ đài 2W vừa truyền đạt mệnh lệnh của Chỉ huy sở. Ngay lập tức anh Luân phát lệnh: Xung phong!”. Từ các công sự chiến đấu, gần trăm chiến sĩ đại đội 6 bật dậy lao về phía cửa mở ...

        Tôi tập trung cao độ bám sát ngay sau Tiểu đoàn Phó. Lúc này anh Luân trực tiếp nắm bộ phận hỏa lực, Đại đội trưởng C6 đi cùng các trung đội bộ binh. Chúng tôi xuất kích được hơn trăm mét thì tới cửa mở. Phát hiện thấy một khẩu súng máy của địch phía trong căn cứ đang bắn chặn hướng tấn công C6, Tiểu đoàn phó liền lệnh cho khẩu cối 60 ly dừng lại lấy phần tử bắn vào ụ đại liên của địch. Hai xạ thủ cối thao tác rất khẩn trương lấy phần tử bắn, chờ lệnh. Tôi thấy Cường, trên người đeo gần chục quả đạn, cậu ta ngồi bên khẩu cối vẻ mặt rất căng thẳng trong tư thế sẵn sàng chờ thả đạn. Tiểu đoàn Phó hô lớn: “Bắn!”. Oành! Một tiếng nổ chát chúa tức thì, nhưng to hơn tiếng đề pa rất nhiều. Tôi có cảm giác như mình bị một lực đẩy xô về phía sau! Tiếng nổ vừa dứt, mùi thuốc súng nồng nặc một cảnh tượng thảm khốc hiện ra phía trước, tôi không dám tin vào mắt mình nữa. Khẩu súng cối 60 ly nòng vỡ toác như thân rau muống chẻ ngâm nước, hai xạ thủ cối đều hy sinh tại chỗ, tiểu đoàn Phó Luân gục bên khẩu cối. Tôi chạy đến lay vai anh nhưng không thấy phản xạ gì. Biết anh đã hy sinh đài trưởng Láng điện gấp về Chỉ huy sở: “C6 đang vận động qua cửa mở, tiểu đoàn Phó Luân đã hy sinh”! Ngay lập tức điện từ chỉ huy sở: “Đại đội trưởng C6 chỉ huy đơn vị khẩn trương phát triển vào trung tâm, phối hợp cùng đơn vị bạn tiêu diệt gọn quân địch”. Nhận lệnh tiểu đoàn, Đại đội trưởng C6 lệnh cho một chiến sĩ B40 nhanh chóng tiếp cận tiêu diệt ổ súng máy của địch. Ổ đại liên của địch bị dập tắt, ngay lập tức C6 vận động đánh thẳng vào trung tâm phối hợp với đơn vị bạn tác chiến.

Bầu trời xuất hiện những tốp máy bay địch. Một tốp A37 bổ nhào ném bom vào đúng vị trí mà trước đó Tiểu đoàn 1 chiếm lĩnh khi xuất kích. Một tốp A37 khác lao xuống ném bom trận địa pháo phòng không của ta. Các khẩu đội pháo phòng không 37 ly súng máy phòng không 12 ly 7 đồng loạt đáp trả. Tốp A37 hoảng hốt thả vội cơ số bom, rồi vút lên cao bỏ chạy. Khoảng 4 giờ chiều quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Chư Nghé. Bọn địch trong căn cứ bị tiêu diệt tại chỗ khoảng một nửa. Một số liều mạng chạy trốn ra ngoài nhưng cũng khó thoát, nhiều tên bị bắt vào đêm hôm đó và sáng hôm sau. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 80 Biệt động cùng 200 tên lính trong căn cứ biết không thể chống cự, kéo cờ trắng xin hàng. Có một chút tiếc nuối, chúng ta chỉ bắt được tên chỉ huy, đại úy Nguyễn Hữu Hội. Tên thiếu tá Quang đã được chiếc trực thăng đáp xuống căn cứ hôm trước bốc về Pleiku, bọn địch chủ động bảo vệ tên chiêu hồi này. Trận đánh diễn ra khoảng 3 tiếng đồng hồ, quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ, đánh tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 80 Biệt động quân, thu được rất nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng của địch. Tôi và anh Láng tranh thủ chọn lấy một chút chiến lợi phẩm ưa thích đem về làm quà cho anh em ở nhà. Khoảng 7 giờ tối đơn vị nhận được lệnh từ Ban chỉ huy Tiểu đoàn: C6 rút ra một vị trí ở phía Đông căn cứ chốt đón lõng”.

Đêm đó trời mưa không lớn lắm nhưng sấm chớp rất nhiều. Chúng tôi nằm phục bên con đường nhỏ, theo dõi qua ánh chớp cũng bắt được gần chục tên tàn binh. Có thể trong nhóm tàn binh trốn chạy có tên cầm theo bộ đàm nên bọn địch vẫn bắn pháo rải rác vào những khu vực của ta. Lúc này anh Láng đã chuyển chiếc máy P105DM cho tôi làm việc. Nằm đón lõng tàn binh, nghe từ phía Pleiku thỉnh thoảng lại có những tiếng đạn pháo pinh… ùng… oàng. Tôi quay sang hỏi Đại đội trưởng C6: Sao có những ba tiếng nổ cho một quả pháo bắn ra, chẳng lẽ có hai tiếng đề pa? Người đại đội trưởng dày dạn trân mạc bảo: “Vì cự li từ trận địa pháo của địch đến Chư Nghé xa hơn khả năng bắn tối đa của loại pháo 155 ly. Để kéo dài tầm bắn bọn chúng phải sử dụng thêm liều phụ cho viên đạn. Tiếng đề pa khi bắn là liều thứ nhất đẩy quả đạn đi, tiếng nổ thứ hai trên không là của liều phụ có tác dụng đưa viên đạn đi thêm một khoảng cách nữa. Lính chiến trường đặt tên cho loại đạn này là pháo “tăng tốc”…

Mỗi lần đi chiến dịch tôi lại học được khá nhiều điều thú vị! Chợt nhớ đến tình huống lúc trưa ở cửa mở, tôi hỏi anh: Liệu có phải bọn địch phản pháo trúng giữa nòng khẩu cối 60 ly làm nó vỡ toác khiến mấy chiến sĩ của ta hy sinh không? Giọng đượm buồn: Theo mình, khả năng phản pháo của địch là cực thấp. Rất có thể khi thả đạn vào nòng cối, chiến sĩ mới của ta mất bình tĩnh nên thả lộn đầu quả đạn vào nòng cối, đầu nổ kích hoạt, đạn nổ ngay tại chỗ. Đúng là chiến tranh không có chỗ cho sự nhầm lẫn! Quả đạn oan nghiệt đã cướp đi mất 3 đồng đội, một cán bộ tiểu đoàn, một khẩu đội trưởng dũng cảm, và một chiến sĩ rất trẻ lần đầu ra trận.

          Đêm đó nằm chờ địch dưới trời mưa ướt, Đài trưởng Láng tâm sự chân tình, anh bảo: “Nhìn ông làm việc chững chạc lắm, không thua gì một đài trưởng thực thụ ... Sắp tới, tình hình chiến sự sẽ rất ác liệt, mất Chư Nghé, bọn địch ở Gia Lai nhất định sẽ trả đũa xua quân đánh ra vùng giải phóng. Sắp tới tôi ra Bắc học ông sẽ là trụ cột của bộ phân 2W”. Tôi cảm ơn anh rất nhiều! Được là đồng đội của anh chỉ có thể là chữ duyên. Rồi đây những kiến thức về nghiệp vụ, những kinh nghiệm thực chiến của anh sẽ giúp tôi vững bước trên con đường mà tôi sẽ phải đi hết cuộc chiến!
---------------

(*) (Hiện vẫn còn khá nhiều nhân chứng trong bút ký này, người đứng thứ 3 từ trái qua phải trong bức ảnh thứ ba hiên là Đại tá Tô Xuân Hinh nguyên Hệ trưởng Học viện QP đang ở Mỹ Đình 2 Hà Nội. “Đài trưởng Vũ Xuân Láng” nay là thượng tá kỹ sư nghỉ hưu ở Tp HCM ... Thượng tá Phạm Huy Tưởng người chụp bức ảnh thứ 3 hiện đang sinh sống ở Gia Lâm Hà Nội ...)

H.T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây