Theo dấu chân cụ Đồ Chiểu

Thứ năm - 07/09/2023 09:20
Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888)
Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888)

                                                                                                                        

     Cát bụi dặm trường, vất vả bước chân ai !

     Nhân dân Nam Bộ gọi Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ mù xứ Đồng Nai, bằng một cái tên vừa trân trọng kính yêu, vừa thân thiết gần gũi : Cụ Đồ Chiểu, Cụ Đồ. Cụ là cây bút tràn đầy nhiệt huyết nhân nghĩa, là nhà giáo dục và thầy thuốc lớn. Nhưng trước hết, trên hết Cụ là một chiến sỹ - nhà thơ yêu nước, mà tác phẩm “là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn thực dân phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước ta” (Phạm Văn Đồng).

     Nguyễn Đình Chiểu,tên tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, là con trai cả người vợ thứ, của viên thư lại Nguyễn Đình Huy, người gốc Thừa Thiên, theo vào làm trong dinh Tổng trấn thành Gia Định của Tả quân Lê Văn Duyệt. Cụ sinh ngày 1.7.1822, ở quê mẹ, làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM). Thuở bé, ông được mẹ (bà Trương Thị Thiệt), nuôi dạy và học thầy đồ làng.

     Trong cơn binh biến 1833, Nguyễn Đình Huy bỏ trốn ra Huế, bị cách hết chức tước, nhưng thương con, lén trở vào Gia Định đưa Nguyễn Đình Chiểu ra Thừa Thiên - Huế, nhờ một người bạn nuôi cho ăn học. Nhờ thế, Nguyễn Đình Chiểu được học hành trên đất kinh kỳ từ năm 11 tuổi (1833) đến năm 18 tuổi (1840), thì quay về Gia Định, dự kì thi năm Quý Mão(1843) khi 21 tuổi, đỗ Tú tài và được một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông. Năm 1847, Nguyễn Đình Chiểu lại khăn gói, vừa dẫn em trai 10 tuổi ra Huế, vừa tiếp tục học chờ khoa thi năm Kỉ Dậu (1849). Nhưng không may, ông hay tin mẹ mất vào ngày 30.12.1848 (ngày 15.11.Mậu Thân). Hai anh em ông lặn lội theo đường bộ, trở về Gia Định chịu tang mẹ. Tính cho đến bấy giờ, Nguyễn Đình Chiểu đã phải 4 lần dặm trường xuyên sơn, vượt thủy ra Huế vô Nam, truân chuyên gian khổ biết nhường nào…Trở về lần này, do sức yếu, lại khóc thương mẹ quá nhiều, ông đổ bệnh trên đất Quảng Nam, bị mù lòa. Tuy không chữa dứt được bệnh, nhưng nhờ tá túc ở nhà một lang y vốn dòng dõi Ngự y, nên Nguyễn Đình Chiểu học được nghề thuốc.

     Sau khi đóng cửa cư tang mẹ, năm 1851 Nguyễn Đình Chiểu quyết định mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi - Gia Định, trong cảnh nhà sa sút, mắt mù lòa, lại bị hôn thê bội ước, vì thấy ông công không thành danh không toại, lại bệnh tật…Đây có lẽ là giai đoạn, ông viết truyện thơ “Lục Vân Tiên” dài trên hai ngàn dòng lục bát. Về quy mô thể loại, tác phẩm  “Lục Vân Tiên” chỉ có thể xếp sau kiệt tác “Truyện Kiều”. Sự độc đáo của tác phẩm kể ra, sẽ khá là phong phú. Nhưng ở đây chỉ xin nhấn mạnh : yếu tố tự truyện in dấu ấn đậm nét, thể hiện sự cách tân của thể loại truyện thơ, yếu tố bình dân và tinh thần dân chủ trong sáng tác và thưởng thức văn học. Điều đáng trân trọng nhất là, tác phẩm luôn sáng ngời tinh thần Nhân Nghĩa, là bài ca về Nhân Nghĩa ! Đây là khái niệm đạo đức đề cao lòng thương người và nghĩa tình, nghĩa vụ của con người trong nhiều mối quan hệ gia đình và xã hội (cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em – vua tôi, thầy trò, bạn bè, chủ tớ…). Thú vị nhất là, thuật ngữ Nhân Nghĩa vốn rất Nho giáo, nhưng xem xét kĩ trong các biểu hiện ở “Lục Vân Tiên”, thì thấy yếu tố nhân dân - dân gian luôn là căn cốt, hiện lên rất rõ ràng, hồn nhiên và sinh động (Ví như cốt cách của thư sinh – anh hùng Hớn Minh, phẩm chất của ông Quán, tình cảm chủ tớ của Lục Vân Tiên với chú tiểu đồng, tình cha con giữa Kiều công với Kiều Nguyệt Nga…). Dường như, trong sự điên đảo của cương thường thời ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã sớm có ý thức dùng thơ văn và nỗ lực sử dụng nó, như một thứ khí giới hữu hiệu và sắc bén để gây dựng lại giềng mối đạo đức xã hội, theo quan điểm “Văn dĩ tải đạo”.

     Năm 1854, có thể xem là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời nhà thơ. Một học trò tên Lê Tăng Quýnh, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc, Gia Định (nay thuộc tỉnh Long An) vì quý thương thầy mà vận động gia đình gả cô em gái Lê Thị Điền (1835-1886) cho thầy Đồ Chiểu. Bà Điền không biết có tác động gì nhiều trong sự nghiệp trước tác của chồng từ đấy trở về sau hay không. Nhưng theo tài liệu điền dã sưu tầm được, thì bà thường được Cụ Đồ đọc cho nghe tác phẩm khi nó mới “ra lò”. Vậy, bà là độc giả đầu tiên, có thể có góp ý gì chăng, chí ít thì cũng là câu chữ trong trang bản thảo. Tuy nhiên có điều chắc chắn, bà là người bảo quản và di chuyển những trước tác cho chồng trong suốt những cuộc thiên di -  tỵ địa, từ quê mẹ về quê vợ, rồi cứ thế băng đồng lội ruộng, vượt  sông sâu, rạch dài, đi đến nơi cùng trời cuối đất, tìm nơi lánh quân thù…Truyện thơ “Dương Từ - Hà Mậu” có thể xem là dấu gạch nối giữa những giá trị tư đức (đạo đức riêng) chuyển sang những giá trị công đức (đạo đức chung, có ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn), mà nhà thơ đã manh nha linh cảm thấy : nhân dân đang đứng trước một cuộc thay đổi sơn hà không chủ định ghê gớm và khủng khiếp vô chừng !

     Năm 1858, thực dân Pháp sau nhiều lần dò đường, đã chính thức nổ súng xâm lược vào Đà Nẵng. Gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân ta, chúng vòng sâu xuống phương Nam, tấn công thành Gia Định. Ngày 17.2.1859, Gia Định thành thất thủ, “Bến Nghé của tiền tan bọt nước / Đồng Nai tranh ngói nhuốm mầu mây”. Trong đám người bỏ nhà “lơ xơ chạy”, như  bầy chim “dáo dác bay” hồi ly loạn, có cả gia đình Đồ Chiểu tỵ địa, ly hương. Lúc đầu là chạy về nương náu ở quê vợ (Cần Giuộc-Long An). Tại đây, Nguyễn Đình Chiểu có mối quan hệ mật thiết với vị Đốc binh lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Vào đêm Rằm tháng 11, năm Tân Dậu (16.12.1861), nghĩa quân đã tập kích quân Pháp đồn trú ở Cần Giuộc. Trận chiến không cân sức, nhưng phía quân ta, tràn đầy tinh thần “chính nghĩa cảm”. Hàng chục quan quân giặc và tên Tri huyện tay sai phải đền tội. Phía quân ta cũng có tới 15 nghĩa binh hi sinh. Tấm gương trung liệt đó đã gây niềm xúc động lớn trong nhân dân và Cụ Đồ. Bài “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” bất hủ ra đời trong sự hiểu biết, niềm cảm thương, nỗi xót đau vô tận của nhân dân và nhà thơ, kết hợp với yêu cầu của Tuần phủ Gia Định để tổ chức Lễ truy điệu cho vong linh những nghĩa sĩ. Tác phẩm ngay lập tức có sức lan tỏa mạnh mẽ trong dân gian và được Bộ Lễ của triều đình sao in phổ biến… Ngày 10.12.1864, nhân kỷ niệm 3 năm ngày chiến thắng vang lừng, đốt cháy tầu chiến giặc trên vàm Nhật Tảo, lãnh tụ nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, đã tổ chức Lễ tế nghĩa binh hy sinh và đọc bài Văn tế của cụ Đồ Chiểu. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà, những người “dân ấp, dân lân”…quanh năm nghèo khó, ở nơi cùng trời cuối đất, chỉ biết “côi cút làm ăn”, nhưng vì lòng yêu quê hương đất nước và căm thù giặc, đã vụt đứng lên thành những nghĩa sỹ anh hùng, thành nhân vật trung tâm trong tác phẩm vẹn nguyên vẻ đẹp giản dị mà rực rỡ như đời thường vốn có. Đây là hình tượng nghệ thuật vừa tiếp nối tinh thần “thân dân” vừa đột biến, kì vĩ, mà ở những thế kỷ văn học trước chưa có được.

     Trong lịch sử kháng chiến cứu quốc của dân tộc, nếu“Hịch tướng sĩ”của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là tiếng trống lệnh, là lời thề “Sát Thát”ở thế kỷ 13, góp phần làm nên “Hào khí Đông A”; nếu “Bình Ngô đại cáo”của “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”, là khúc khải hoàn ca sau hơn 10 năm “niếm mật nằm gai” kháng chiến ở thế kỷ 15; thì “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của nhà thơ mù xứ Đồng Nai-Nguyễn Đình Chiểu, là khúc bi tráng, là bức tượng đài kì vĩ về những anh hùng “chính nghĩa cảm”, vì “tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta”mà chống thực dân phương Tây, ngay từ khi chúng mới đặt chân lên đất nước chúng ta. Những người dân binh ấy, “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia” để hun đúc nên “Hào khí Đồng Nai” chất ngất đất trời.

     Sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862), 3 tỉnh Đông Nam kỳ rơi vào tay giặc. Tiếp tục hưởng ứng phong trào “tỵ địa”, Nguyễn Đình Chiểu lại cùng gia đình “Từ biệt cố nhân”, chia tay Cần Giuộc, băng đồng lội ruộng, theo kênh xáng, xuôi sông, quyết không đi trên con đường cái quan của giặc để đến ngụ tại chợ Ba Tri (Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học, trị bệnh cứu người và sáng tác thơ văn. Từ lý tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu đã chuyển sang chủ nghĩa yêu nước. Chủ đề lớn nhất của thơ văn ông, trong giai đoạn hơn 20 năm ở đây, là yêu nước chống xâm lược, chống đầu hàng, tố cáo tội ác của quân cướp nước và bè lũ bán nước, biểu dương, ngợi ca những tấm gương anh dũng của các lãnh tụ nghĩa quân và nhân dân Lục tỉnh Nam kỳ kháng Pháp, thể hiện niềm tin và mong đợi khắc khoải về “một trận mưa nhuần

sạch núi sông”… “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” là tác phẩm thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của những kẻ sỹ bất hợp tác với giặc nhưng gắn bó với nhân dân, lại kết hợp tài tình với những đúc kết y thuật của một thầy thuốc tài ba, có quan điểm y đức : “Đứa ăn mày cũng trời sanh / Bệnh còn cứu đặng, thuốc dành cho không”; cùng rất nhiều những bài thơ điếu, văn tế

Trương Định, văn tế nghĩa sỹ trận vong Lục tỉnh…được viết trong giai đoạn này. Trong nỗi đau mất mát chung, Cụ Đồ có nỗi đau đứt ruột riêng, khi người em trai út là Nguyễn Đình Huân – nghĩa binh chống Pháp hy sinh tại Cần Giuộc năm 1863.

     Năm 1867, 3 tỉnh Tây Nam kì rơi nốt vào tay kẻ thù. “Bờ cõi xưa đà chia đất khác”, là câu thơ trong bài thơ Nôm, mà bấy nay vẫn gọi là “Ngóng gió Đông”. Nhưng kỳ thực, đó là lời của một nhân vật trong chuyện thơ nổi tiếng “Ngư Tiều y thuật vấn đáp”, đã nói trên kia. Câu thơ chất chứa nỗi chua xót, cay đắng và đau khổ tột cùng của Nguyễn Đình Chiểu cũng như bao kẻ sỹ và nhân dân yêu nước khác, trước cảnh “tan đàn xẻ nghé”, khi một lần nữa phần máu thịt bị cắt rời khỏi thân thể thiêng liêng của Tổ quốc. Bài thơ “Ngóng gió Đông”, ai ngờ lại có số phận riêng, tuyệt vời ý nghĩa là vì thế. Đó cũng là một trong những bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường, hay vào bậc nhất của thơ ca Việt Nam thời Trung đại.

     Hòng mua chuộc và lợi dụng danh tiếng của nhà thơ, có mấy lần người Pháp đã tới thương thuyết, xin trả lại đất vườn, xin nhà thơ nhuận sắc lại mấy tác phẩm để đem dịch và in, hứa trợ cấp tiền sinh hoạt…Nhưng Nguyễn Đình Chiểu một mực chối từ. Với ông, “đất chung đã mất, nhận lại thẻo đất riêng phỏng có ích gì”. Cũng theo ông, hiện thời được sống trong sự đùm đậu của bà con và học trò, cũng thấy đủ đầy và mãn nguyện. Thái độ khảng khái, quyết liệt, thậm chí có phần cố chấp, bảo thủ của Cụ Đồ, chỉ có thể giải thích bằng tinh thần thường trực cảnh giác và lòng căm thù không đội chung trời với quân cướp nước và bè lũ bán nước của cả một dân tộc, trong suốt tiến trình lịch sử chống ngoại xâm.  

     Để tránh bị quấy rầy và gần gũi hơn với phong trào kháng chiến đang rộ lên trên đất Bến Tre lúc ấy, Đồ Chiểu lại thiên cư một lần nữa từ chợ Ba Tri về làng An Bình Đông (sau đổi thành làng An Đức), xa lối chừng hơn 2km. Hồi ấy, đây là nơi gần như “sơn cùng thủy tận”, chỉ một thôi đường là ra tới mép biển (Cửa Đại), lau sậy cao ngút tầm sào, nhưng không che khuất được những cuộn sóng bạc đầu. Ngày biển động, mây đen vần vũ như sập trời, bãi Ngao gầm gào dậy sóng.

     Năm 1866, người vợ “tao khang” qua đời, đã là một nỗi đau riêng. Lại cộng với cảnh ngộ “Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn / Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng”. Đợi lệnh của triều đình cổ động phong trào kháng chiến, thì ngày một mù khơi. Đoái trông tin báo tiệp của những phong trào nghĩa binh kháng chiến, thì giờ sao nối tiếp tin buồn. Vùng bưng biền Đồng Tháp với những cái tên Thiên hộ Dương, Thống Linh, Đốc Binh Kiều giờ không còn nhắc nữa. Đốc binh Là ở Cần Giuộc, Trương Định ở Mỹ Tho giờ chỉ còn trong niềm tiếc nhớ của nhân dân “thương quan tướng, nhắc quan tướng chiu chít như gà”. Cuộc khởi nghĩa kéo dài và vang dội nhất của người anh hùng Nguyễn Trung Trực “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa / Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”(Huỳnh Mẫn Đạt), cũng thật sự lịm tắt, sau sự kiện bi thương vào ngày 27.10.1868. Những tên tuổi như Phan Tòng, Phan Tôn, Phan Liêm quanh vùng Bến Tre…giờ cũng như đang lui về dĩ vãng. Người chiến sỹ yêu nước, một trí thức phong kiến tâm đức sáng ngời, một nhà thơ văn giầu cảm xúc và rung động trước thế sự, nhân sinh…, giờ chỉ còn là ông già mù, dẫu có niềm tin lạc quan đến đâu, cũng khắc khoải, đau buồn.

     Rồi cứ thế, Cụ Đồ Chiểu như ngọn đèn leo lét trước gió. Ngày 24, tháng 5, Mậu Tý (3.7.1888), Nguyễn Đình Chiểu qua đời, thọ 66 tuổi. Ngày tiễn đưa nhà thơ về cõi vĩnh hằng, khăn tang của bà con và học trò như cánh cò rợp trắng đồng làng An Đức !

     Nhìn lại cuộc đời hơn 60 năm của cụ Đồ Chiểu, chúng ta thấy cả một dặm trường hành trình. Cụ học hành đất kinh đô, đỗ đạt trường Gia Định, rồi đi theo chiều dài non sông, chấp nhận cảnh đường xa dặm thẳm, lui dần xuống phương Nam tìm nơi lánh nạn. Không làm như người xưa, tự xông đôi mắt cho đui mù, thì mắt của Cụ cũng đã “khuất đôi tròng thịt”. Đồ Chiểu khước từ mọi lợi lộc riêng tư, “bất cộng đới thiên” với cái xấu và cái ác, giữ trọn tiết

tháo “ Lòng đạo xin tròn một tấm gương”. Cuộc đời và sự nghiệp đa diện, phong phú của Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là “người trung nghĩa đáng bia son / Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn”.

     Cụ Đồ là tập hợp nhiều con người trong một con người. Vượt lên trên những đau khổ, bất hạnh riêng và chung, Nguyễn Đình Chiểu trở thành tấm gương nghị lực phi thường. Là thầy thuốc, Cụ thấm nhuần y đức và tài giỏi về y lý phương Đông và y lý Việt, cũng như trước thuật về y học, xứng tầm là một trong những thầy thuốc danh tiếng của nước nhà. Trong Lời

tựa, cuốn “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” xuất bản 1982, GS.NGND Lê Trí Viễn viết “Y thuật ấy

là kết tinh nghề thuốc trong hàng trăm bộ sách  của mấy mươi thế kỷ. Yêu nước ấy có chiều

sâu cá nhân một đời người và chiều sâu lịch sử dân tộc hằng mấy ngàn năm”. Là thầy giáo, Cụ không chỉ dạy chữ mà còn dạy cái tinh thần “chính nghĩa cảm” của kẻ sỹ Gia Định, để ứng xử cho ra cái cốt cách con người giữa thời tao loạn. “Từ Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương ở Mỏ Cày, cuối thế kỷ 19, đến các trí thức Nho học Lê Văn Đẩu, Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn ở Ba Tri nửa đầu thế kỷ 20 đều là những thế hệ môn sinh đầy nhiệt huyết mang đậm dấu ấn giáo dục của thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu”( theo “Nguyễn Đình Chiểu – Thơ và Đời”. NXB Văn học 2018. Tr 222-223). Cụ Đồ luôn được các thế hệ học trò kính quý, thương mến và đùm đậu.

     Là nhà thơ nhà văn lớn, Cụ đáp ứng những đòi hỏi tất yếu của lịch sử. Lúc đầu, Cụ dùng thơ văn để tuyên truyền, “phò nghiêng đỡ lệch”, gây dựng lại nền đạo đức xã hội đang hồi bĩ cực “Chở bao nhiêu Đạo thuyền không khẳm / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Khái niệm đạo đức là lễ giáo phong kiến, nhưng giá trị nội hàm nhiều khi có gốc rễ, căn cốt của nhân dân, từ nhân dân. Sau đó, Cụ trở thành ngọn cờ đầu của văn chương Nam Bộ và của cả nước chống xâm lược, ngay từ cuối thế kỷ 19. Từ lý tưởng nhân nghĩa đến tư tưởng yêu nước, đó là quá trình vận động quan điểm tư tưởng – thẩm mĩ và kết tinh tài hoa văn chương nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu. Cụ Đồ là tấm gương đạo đức lớn về nghị sống, về nhân cách không mảy may tì vết, trong những hoàn cảnh éo le riêng và chung : “Làm người trung nghĩa đáng bia son / Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn”…Lòng dạ Cụ Đồ dứt khoát, kiên trinh : “Đã làm người thì chớ ở hai lòng, đã vì nước thì phải theo một phía / Trước làm nghĩa, sau cũng làm nghĩa”. Bằng tất cả sức mạnh nghệ thuật, thơ văn Đồ Chiểu đã diễn tả những điều chân thực nhất, bản chất nhất, mang tính đặc trưng của một thời đại, cùng với tâm đức và ước nguyện… của chính mình, trong một giai đoạn lịch sử “khổ nhục nhưng vĩ đại”(chữ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Ở đây, cần thêm một lần nữa khẳng định : Nguyễn Đình Chiểu xứng danh tiếp nối những tài hoa văn chương dân tộc về truyện thơ, truyện thơ  lục bát, về thơ Đường luật. Riêng về thể tài Thơ điếu, Văn tế trong thơ ca Việt “thì treo giải nhất chi nhường cho ai” !

     Trong suốt mấy mươi thập niên dân tộc ta tiến hành những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại vừa qua, ngôi sao có ánh sáng khác thường của Cụ Đồ Chiểu (ý của Thủ tướng Pham Văn Đồng) đương nhiên là cần phải rất sáng trên bầu trời văn nghệ nước nhà. Nhưng ngày nay, Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành lý tưởng sứ mệnh của UNESCO. Nhà thơ lớn của nhân dân Việt nam, nhà thơ nhân đạo-thân dân-yêu hòa bình, nhà tư tưởng trong bước chuyển mình của Nho học Việt Nam, tấm gương đạo đức nhân cách lớn Nguyễn Đình Chiểu vừa được vinh danh và khuyến nghị kỉ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm ngày sinh của danh nhân. Đó là niềm vinh dự lớn và niềm tự hào cao cả của dân tộc Việt Nam ta.

ĐTH

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây