Nguyễn Thị Thiện
Bài thơ Lại về của Tố Hữu (1920 - 2002) ra đời tháng 10 năm 1954 khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô. Bài thơ viết theo thể tự do với nhiều cung bậc cảm xúc phản ánh một sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong đời sống người Hà Nội. Đặc biệt thi phẩm ghi dấu tâm trạng đa chiều của lòng người trở về khi Thủ đô vừa được giải phóng. Người về ở đây là những cán bộ kháng chiến và các chiến sĩ sau nhiều năm từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô. Thi phẩm tái hiện hai cảm xúc chính: Nỗi đau xót tủi hờn khi Hà Nội chìm trong bóng đêm vì sự chiếm đóng của giặc Pháp và niềm vui sướng vô biên, niềm tự hào vì Hà Nội được giải phóng, cả quê hương và con người đều thăng hoa trong cảm xúc: “Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa”
Mở đầu là tiếng gọi tha thiết, chan chứa yêu thương. Là trái tim của cả nước. địa danh Thăng Long - Hà Nội được nhân hoá, là đối tượng để chủ thể trữ tình thổ lộ nỗi niềm: "Hà Nội ơi Hà Nội! / Cay đắng tám năm ròng/ Quê ta thành đất giặc/ Ôi ngàn năm Thăng Long!" Dưới dạng tâm tình, dùng thán từ và câu cảm thán, tác giả bộc lộ rõ nỗi "cay đắng", uất hận bởi suốt thời gian "tám năm ròng", "Quê ta thành đất giặc", đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến bỗng bị chìm trong đêm trường bởi cuộc chiến tàn khốc của thực dân Pháp gây ra. Khắp nơi "Xe gíp bụi mù đường/ Nghênh ngang bầy mũ đỏ". Đất cổ kính, thanh lịch Thăng Long giờ đây "Cuồng loạn quay đèn đỏ / Quỷ sứ cười đêm ngày!" Người Hà Nội có một bộ phận không nhỏ phải tạm xa quê hương ra đi kháng chiến cứu nước. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết về sự kiện này trong bài “Đất nước”:
“…Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng là rơi đầy…”.
Người đi kháng chiến để thực hiện lý tưởng chiến đấu giải phóng quê hương tuy có buồn nhớ nhưng vẫn một thái độ rất dứt khoát, một quyết tâm lớn ra đi vì nghĩa lớn. Người ở lại cũng quyết không khuất phục, tham gia kháng chiến ngay trong lòng địch chiếm đóng. Dù bị bắt, bị tù đày song con người vẫn tin tưởng nhất định sẽ đến ngày thắng lợi, bầu trời lại tươi sáng: "Hết đêm dài đen tối/ Ngày mai đỏ rực cờ?". Và ngày ấy đã đến thực chứ không phải trong ao ước, niềm mơ nữa.
Câu thơ đang dạng ngũ ngôn chợt chuyển sang thất ngôn. Lời thơ như tiếng reo vui tràn đầy hứng khởi: "Về đến đây rồi, Hà Nội ơi! / Người đi kháng chiến tám năm trời / Hôm nay về lại đây Hà Nội / Ràn rụa vui lên ướt mắt cười!". Niềm vui vỡ oà khiến nhà thơ ràn rụa nước mắt. Tiếng cười cùng với nước mắt tuôn tràn ướt đầm khuôn mặt đã thay cho mọi ngôn từ diễn tả niềm vui vô bờ bởi được chứng kiến thời khắc Hà Nội giải phóng, kháng chiến thắng lợi.
Chính ngày này, giây phút này, niềm vui cứ bừng lên như nhũng con sóng trào dâng rồi lại lắng xuống, vui mừng xen lẫn buồn đau. Nguyên nhân vì để có ngày hôm nay, bao vất vả và máu xương anh em đồng chí đã phải đánh đổi, bao người con ưu tú đã hiến dâng tuổi xuân tính mạng cho kháng chiến thắng lợi.
Lúc này, dường như thể thơ thất ngôn không chuyển tải hết cảm xúc, chỉ dạng thức thơ lục bát nhờ sự hài hoà về vần điệu, có hai vế đăng đối mới có thể biểu lộ được niềm vui dào dạt đến ngất ngây của lòng người nên điệu thơ chuyển thể sang lục bát kịp thời: "Đường quen phố cũ đây rồi / Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa / Vườn hồng ngớt gió mưa qua / Cờ hoa đỏ nắng, mái nhà vàng sao / Tay vui sóng vỗ dạt dào / Người về kẻ đợi, mừng nào mừng hơn?" Âm điệu và lời thơ ở đây rõ ràng có sự hân hoan nức lòng nhưng vẫn đượm nỗi buồn thương. Muốn thổ lộ nỗi niềm nhiều cung bậc tình cảm, Tố Hữu đã sử dụng nhiều thể loại thơ ngay trong một bài: ngũ ngôn, thất ngôn, thơ lục bát và cả thơ tự do. Có như vậy mới nói được nhiều, thật nhiều các cung bậc phóng khoáng của niềm xúc động vô biên, vui sướng, tự hào và cả nỗi uất hận khi nói về kẻ thù. Trong từng khổ, từng phần thơ, cách trình bày của tác giả cũng rất linh hoạt.
Cảm xúc thăng hoa nên hình ảnh thơ thật đẹp, bay bổng và hấp dẫn vô cùng: "Bây giờ đây lại là đây / Quốc kỳ đỉnh tháp sao bay mặt hồ". Ý thơ tả ngoại cảnh màu sắc tươi vui nhưng âm thanh, nhịp điệu vẫn trầm xuống. Ý thơ khiến người đọc liên tưởng, nhớ những câu nhà thơ Tố Hữu viết trong bài Việt Bắc: “Phố đông còn nhớ bản làng/ Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”. Chủ thể trữ tình muốn nhắn tới mọi người: để có được thắng lợi vĩ đại này, chúng ta đã trải bao mất mát đau thương. Để đi tới thắng lợi cuối cùng, dân tộc ta còn phải bước vào một chặng đường mới còn rất nhiều thử thách khác nữa... Trong bài, tác giả dùng nhiều điệp từ, điệp ngữ: "Hà Nội", "Hà Nội ơi", "Hà Nội ta", “Hà Nội ta ơi" vừa bày tỏ nỗi vui mừng vừa nói lên niềm vinh dự, tự hào vì Hà Nội đã giải phóng. Kể từ đây, chúng ta không còn phải sống trong màn đêm u tối nữa. Đúng như trong bài “Xưa… nay” nhà thơ Tố Hữu đã viết:“Xưa là rừng núi là đêm/ Giờ thêm sông biến lại thêm ban ngày”.
Với tư cách công dân, tác giả luôn song hành và thơ ông ghi dấu ấn đậm nét các sự kiện lớn lao của dân tộc. Điều đó chứng tỏ Tố Hữu đã thay mặt chiến sĩ và đồng bào cả nước bày tỏ tình yêu mến thiết tha với Hà Nội - trái tim của cả nước. Bài thơ in đậm nét phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu: Tình cảm riêng luôn gắn bó mật thiết với chất trữ tình công dân, tính đại chúng và dân tộc hòa quyện trong cảm xúc và hình thức thể hiện của thơ. Đã 70 năm tròn đi qua nhưng thi phẩm “Lại về” vẫn là bài ca bất hủ và Tố Hữu mãi xứng đáng là“nhà thơ của nhân dân", cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam.
LẠI VỀ
Tố Hữu
Hà Nội ơi Hà Nội!
Cay đắng tám năm ròng
Quê ta thành đất giặc
Ôi ngàn năm Thăng Long!
Năm cửa ô rào thép
Xe gíp bụi mù đường
Nghênh ngang bầy mũ đỏ
Tan trường học nhà thương.
Còi hét ga Hàng Cỏ
Đêm nay nó chạy đâu?
Bóng tối đè mái phố
Bay đầu lũ diều hâu?
Xé ruột, lòng thao thức
Giày đinh nghiến nửa đêm
Tim đập dồn trống ngực
Ai đấm cửa ngoài thềm
Đầu phố ai kêu đó
Ú ớ mấy thằng say
Cuồng loạn quay đèn đỏ
Quỷ sứ cười đêm ngày!
Hà Nội ơi Hà Nội
Đến bao giờ bao giờ
Hết đêm dài đen tối
Ngày mai đỏ rực cờ?
Hà Nội ta không ngủ
Nước hồ Gươm vẫn trong
Đêm đêm nhìn ảnh Cụ
Mắt Người nhìn ấm lòng.
Hà Nội ta không khuất
Hoả Lò thêm Nhà Tiền
Những đứa con vào chật
Hà Nội ơi vùng lên!
Giành lại bao năm tháng
Giành lại mỗi người con
Từng ngọn đèn tươi sáng
Từng ngọn nước lành ngon!
Hà Nội ơi Hà Nội!
Bao giờ
Giữa Thủ đô
Cụ Hồ về
Bộ đội
Tiến vào năm cửa ô?
Về đến đây rồi Hà Nội ơi!
Người đi kháng chiến tám năm trời
Hôm nay về lại đây Hà Nội
Ràn rụa vui lên ướt mắt cười!
Đường quen phố cũ đây rồi
Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa
Vườn hồng ngớt gió mưa qua
Cờ hoa đỏ nắng, mái nhà vàng sao...
Tay vui sóng vỗ dạt dào
Người về kẻ đợi, mừng nào mừng hơn?
Biết bao sung sướng tủi hờn
Trông nhau mà tưởng như còn trong mơ!
Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ
Thiên thu hồn Nước mong chờ bấy nay
Bây giờ đây lại là đây
Quốc kỳ đỉnh Tháp, sáo bay mặt hồ...
(10/1954)
Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục 2003