CHUYỆN CỦA THU
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phương Anh
Đêm tháng Chạp. Cái rét tê người. Những cơn gió đập liên hồi vào cánh cửa gỗ lỏng then khiến Lan không tài nào chợp mắt được. Trằn trọc mãi, cô đành ngồi dậy, cầm thanh sắt nhỏ vẫn để chân giường, bước co ro ra chèn cửa cho chắc. Không còn tiếng động khó chịu nữa. Đang thiu thiu ngủ bỗng nghe tiếng điện thoại rung bần bật trên bàn. Lan với tay cầm lên nhìn. Chị Thu gọi. Lan ngồi hẳn dậy, giọng tỉnh như sáo:
- Chị ơi! Có chuyện gì hả chị?
Tiếng thì thào run rẩy:
- Chị đang ở ngoài. Em cho chị vào đi!
Lan lao ra mở cửa. Một thân hình lạnh toát lách nhanh vào. Lan đóng cửa rồi ôm lấy chị. Lúc này cô nhận ra còn một cái túi du lịch khá nặng đeo ở khuỷu tay Thu. Đặt túi lên ghế, Lan kéo Thu lại giường và lấy chăn quấn cho chị đỡ lạnh. Dưới ánh đèn ngủ, gương mặt Thu nhợt nhạt, đôi mắt đỏ hoe. Chị mếu máo:
- Lan ơi! Chị đã bỏ nhà đi rồi... Em giúp chị với!
Lan đứng dậy, rót cốc nước ấm đặt vào tay Thu. Chị uống một mạch cạn cốc. Lan lên hẳn giường, nắm chặt tay Thu rồi nói:
- Giờ chị kể em nghe đầu đuôi cơ sự thế nào đi!
Bên ngoài, gió đã dịu. Chỉ còn tiếng lá xào xạc. Lời Thu nhỏ nhẹ nhưng chất chứa bao buồn đau uất ức khiến trái tim Lan như thắt lại. Những băn khoăn, ngờ vực bấy lâu của Lan giờ đã rõ ràng. Thương chị quá Thu ơi!...
* * *
Vào một ngày đầu tháng Ba cách đây chín năm, cả thôn Bảo Chí, huyện Gia Bảo tưng bừng bởi đám cưới anh Quyết, con trai đầu nhà ông Mai Đăng Báo. Cô dâu tên là Trần Hoài Thu, đang dạy Toán tại trường Trung học phổ thông Gia Bảo. Lễ ăn hỏi liền với đám cưới kéo dài 3 ngày. Tổng số cỗ gần 200 mâm. Cả tuần sau người ta vẫn kháo nhau về độ to, độ sang của đám cưới này…
Ông Báo là trưởng họ Mai ở thôn Bảo Chí. Ông từng là bộ đội, xuất ngũ sau khi bị thương mất 1 cánh tay trái ở Vị Xuyên năm 1979. Là người năng nổ, thêm cái giọng khỏe vang, nói năng đâu ra đấy, nhiều năm ông được bầu vào Ban chấp hành Hội Cựu Chiến binh của huyện rồi lên chức Chủ tịch hội. Bà Thảo- mẹ của Lan, là em ruột ông Báo. Hai nhà gần nhau nên đi lại thăm non thường xuyên.
Nhà ông Báo khá neo người. Ông có 2 anh con trai cách nhau 3 tuổi. Con đầu đặt tên là Quyết, con thứ là Thắng. Cả 2 đều phổng phao khỏe mạnh và học giỏi. Họ lần lượt đỗ vào 2 trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Thế nhưng, một chuyện đau lòng xảy ra với Thắng khi một lần cùng các bạn trong lớp đến nghỉ mát ở Sầm Sơn. Cả một nhóm sinh viên năm 2 đại học Ngoại thương ra biển tắm, nhảy sóng rồi tập bơi. Khi gọi nhau lên bờ thì không thấy Thắng đâu. Suốt một tuần tìm kiếm mới thấy thi thể dạt vào bãi cát, cách nơi tắm hơn 2 km. Sau lần ấy, vợ ông Báo nằm liệt giường. Đêm nào cũng gào thét gọi con. Ông Báo phải đưa bà đi chữa tại bệnh viện 108 của quân đội, rồi nhờ thầy đến nhà cúng giải hạn. Thế rồi bà Báo cũng khỏi, nhưng không còn hoạt bát như trước. Bà lập một điện thờ nhỏ trên gác, sáng tối thắp hương, tụng kinh niệm Phật.
Tốt nghiệp trường đại học Bách Khoa ngành Cơ khí, Quyết được nhận vào làm tại công ty chuyên sản xuất và sửa chữa nông cụ ngay ở huyện nhà. Công việc thuận lợi, lương không đến nỗi nào. Nhưng hiềm cái, gặp phải ông giám đốc là tay mê tổ tôm và đánh chắn, nên hay tụ tập quân dưới quyền chơi bời, và đương nhiên kèm theo cả những cuộc nhậu. Vốn là người không mấy bản lĩnh và ít nhiều muốn đẹp lòng cấp trên, Quyết dần dần cuốn theo những trò ấy. Cứ thế, lương lĩnh hàng tháng nướng vào những cuộc vui. Vì gần nhà nên anh về ăn chung với bố mẹ. Mà bố mẹ nuôi chứ anh có đưa được đồng nào đâu. Vù cái gần 30 tuổi, Quyết vẫn không một mảnh tình vắt vai. May có một người bạn ông Báo chơi thân cha mẹ Thu trên Tuyên Quang, khi biết con gái họ mới ra trường đang dạy học ngay tại huyện Gia Bảo, nên ra tay mối lái. Chả hiểu duyên trời thế nào mà chỉ vài tháng thôi, nhà gái đã nhận cơi trầu. Sau đó hai tuần, Quyết và Thu đăng ký kết hôn.
Lan vẫn nhớ như in hình ảnh vợ anh Quyết khi chập chững về nhà chồng. Chị Thu có vẻ ngoài xinh xắn. Đôi mắt sáng lúc nào cũng như đang cười. Lan rất thích nghe chị nói. Giọng chị thanh nhẹ và êm như ngọn gió xuân vậy. Có lần Lan thấy mẹ nói với bố:
- Cái thằng Quyết cục cằn, thế nào lấy được cô vợ dễ thương, gia đình tử tế, lại là cô giáo. Mong từ giờ nó tu chí, bỏ thói cờ bạc rượu chè. Nhà bác trưởng cũng mát mặt.
Báo rất mãn nguyện vì cưới về được con dâu hiền. Còn Quyết thì khỏi phải nói, mặt hơn hớn, đi đâu gặp bạn bè cũng khoe vợ tao thế này vợ tớ thế kia, nghe mà buồn cười. Anh cũng cố thưa dần rượu chè cờ bạc, để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình...
Chị Thu nhanh chóng hòa nhập với nhà chồng và rất đảm đang. Việc hiếu hỉ trong họ hay hàng ngõ đều cố gắng vẹn toàn. Với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, Thu sớm khẳng định được năng lực trên bục giảng. Có nhiều phụ huynh đến tận nhà mời cô giáo phụ đạo môn Toán cho con, nhưng chị từ chối, chỉ kèm cặp những trò là con cháu trong họ mà không màng bất cứ sự trả công nào...
Thế rồi mọi người chợt nhận ra, vợ chồng Quyết- Thu lấy nhau gần 2 năm rồi mà chưa có em bé. Bắt đầu có sự xì xào băn khoăn. Hay là...
Người trước tiên sốt ruột là bà Báo. Một lần Lan sang chơi, thấy bác gái đang thủ thỉ nói chuyện với chị Thu:
- Con à! Thằng Quyết 32 tuổi rồi đấy! Con cũng 25 chứ ít gì. Bây giờ phải tính chuyện sinh cháu cho ông bà nội bế bồng. Thấy thiên hạ hỏi thăm riết mẹ cũng không biết ăn nói thế nào...
Chị Thu cúi mặt nói khẽ:
- Vâng! Con sẽ bảo nhà con để cùng cố gắng ạ!
Rồi 2 năm nữa lại trôi đi. Lúc này ông bà Báo không còn kiên nhẫn, nhũn nhặn được nữa. Họ họp gia đình và mời cả bà Thảo đến dự. Lan cũng được mẹ cho đi cùng.
Hôm ấy, không khí trong nhà ông Báo thật khác thường. Cuộc họp diễn ra trên tầng 2, nơi đặt bàn thờ gia tiên và điện thờ nhỏ của bà Báo. Chị Thu ngồi trên cái ghế đẩu cạnh sập gỗ kê bên phải gian nhà thờ, gương mặt lo âu mệt mỏi. Kế bên là anh Quyết, mắt cứ nhìn vào ti vi đang mở, không biết có xem hay nghe được gì không. Ông bà Báo và bà Thảo cùng ngồi trên cái tràng kỷ gỗ gụ khảm trai. Lan thì thập thò ngoài hè, vừa vuốt ve con mèo mướp, vừa dỏng tai hóng chuyện.
Ông Báo tắt ti vi, rót nước vối cho hai bà, rồi rót thêm chén nữa cho mình. Ông uống một ngụm, hắng giọng, lại uống thêm ngụm nữa. không gian lặng như tờ. Có tiếng con thạch sùng chặc lưỡi nơi treo tấm tranh Đức Phật chỗ điện thờ. Mùi hương trầm làm cho không gian trở nên trang nghiêm hơn. E hèm... ông Báo bắt đầu nói:
- Hôm nay bố mẹ họp gia đình để nói với các con việc hệ trọng. Bố mời cả cô Thảo nữa. Chuyện là thế này: Các con đã kết hôn được 4 năm rồi. Bình thường như nhà người ta cũng đã có một đôi đứa bế bồng. Nhưng không hiểu vì sao các con vẫn vậy. Vấn đề là ở chỗ nào? Các con hãy trình bày cho rõ ràng đi. Trước tiên, Quyết nói cho bố mẹ và cô nghe!
Quyết cau mày, nhìn vợ rồi nhìn bố mẹ, rồi lại nhìn vợ. Thu cúi mặt xuống, lấy ngón tay út quệt khóe mắt. Sửa lại tư thế ngồi, Quyết nói:
- Không phải là con không muốn. Nhưng không hiểu sao mãi không đậu. Con không có vấn đề gì, nhà con thì con không biết. Mấy lần con bảo cô ấy đi kiểm tra nhưng cô ấy không chịu thì con biết làm thế nào?
Anh kéo ghế đánh roạt. Ông Báo hướng về con dâu hỏi, giọng lạnh lùng:
- Còn chị thì nói sao đây?
Thu ngồi thẳng dậy, run run:
- Dạ! Con có đến bệnh viện huyện... Bác sỹ nói chưa thấy có biểu hiện gì bất thường. Họ bảo chồng con cũng cần đến khám. Nhưng anh ấy nhất quyết không đi...
Quyết ngay lập tức gằn lên:
- Cô không đẻ được thì nói không đẻ được, bày chuyện làm gì? Tôi chả có bệnh gì hết.
Bà Quyết cũng cất cao giọng:
- Đúng! Từ bé đến giờ con trai tôi chả mất một viên thuốc nào, nó hoàn toàn khỏe mạnh. Cô đi khám ở huyện thì chính xác thế nào được. Đến Hà Nội mà khám. Tôi ra hạn cho cô, nếu từ giờ đến cuối năm, cô không mang bầu thì chúng tôi xin trả cô về ông bà trên kia... Nhà tôi không thể mất giống thế này.
Bà Báo vừa dứt lời, bỗng một nén hương trên điện thờ bùng lên cháy lẹm sang nén bên cạnh, rồi tất cả các chân hương trong bát rừng rực tự hóa. Bà Báo và bà Thảo vội vã quỳ xuống vái lấy vái để. Thu và Quyết đứng như trời trồng, vẻ sợ hãi. Cuộc họp gia đình nhanh chóng kết thúc.
Sau lần ấy, bà Báo lại ốm. Chứng bệnh của bà là run chân tay, đi lại phải có người dắt, ăn phải có người bón. Bà cũng không thể ngồi gõ mõ tụng kinh hàng ngày được nữa. Chị Thu thêm phần vất vả vì phải chăm sóc mẹ chồng. Chuyện con cái tạm thời gác lại.
Lan vào Đại học Sư phạm và ở nội trú, mỗi tháng chỉ về một lần. Nhưng lần nào về cô cũng sang chơi nhà ông bà Báo. Nhìn cảnh quạnh hiu mà thấy nao lòng. Anh Quyết giờ lại quay về thói cũ, thâu đêm suốt sáng ở nhà máy. Có lần còn bị công an "úp sọt" cả đám, giam cho 3 ngày, phải viết cam kết không đánh bạc mới được thả. Nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Mỗi lần về nhà là một lần say. Ông Báo chửi mắng một cách bất lực. Không làm gì nổi con trai, ông xoay ra hành hạ dâu bằng những lời bóng gió cay độc. Thu ngày một gầy hơn, mắt thâm quầng, không còn lấp lánh như trước. Mỗi lần gặp Lan, chị lại rân rấn, hỏi thế nào cũng không kể, chỉ cười buồn…
Một lần về nhà, sau khi ăn tối xong với bố mẹ, Lan lại chạy sang nhà ông Báo. Mới chợt đến ngõ đã nghe tiếng Quyết gào thét:
- Sao cô lại lì lợm như thế! Nhà này có gì cho cô lưu luyến đâu mà cô phải khổ sở vậy. Bỏ tôi cô còn có cơ hội lấy chồng khác đấy.
Lan chạy đến gọi to:
- Anh Quyết!
Thấy Lan, Quyết ném cái chén ra sân vỡ tan rồi vớ xe máy lao vù đi. Chị Thu khóc thút thít trong buồng. Bà Báo run rẩy trên cái ghế bành, liên hồi kêu rên. Nhìn quanh không thấy ông Báo đâu. Chắc vắng nhà. Lan vào buồng ôm lấy Thu, vỗ vỗ vào lưng chị, lòng rưng rưng một nỗi xót thương cay đắng.
Thấm thoắt Lan đã ra trường. Đúng lúc bộ môn Văn của THPT Gia Bảo có 2 giáo viên đến tuổi nghỉ hưu. Cô giáo chủ nhiệm lớp Lan năm xưa đang là Hiệu trưởng của trường. Khi cô trò cưng đến nộp hồ sơ xin dạy hợp đồng trong thời gian chờ thi viên chức, cô vui vẻ nhận và phân công Lan dạy 2 lớp 10. Lan còn được bố mẹ "thưởng" căn phòng đầu hồi phía Nam, có trổ một cửa riêng ra hè, nói là để con gái út yên tĩnh làm việc và tiện tiếp đồng nghiệp hay học sinh... Thích nhất là Lan được cùng trường với Thu. Hai chị em vốn yêu quý nhau, bây giờ càng thêm thân thiết. Lan nhận ra khi Thu đến trường, thần thái khác hẳn. Quần áo giản dị, kín đáo nhưng tôn dáng, màu sắc rất hợp với nước da. Tự tin và thân thiện, đó là điều ai cũng nhận ra khi tiếp xúc với chị. Lan còn nghe kể năm ngoái Thu được giới thiệu vào danh sách nhân sự cho chức Phó Hiệu trưởng. Khi biết tin chị cương quyết từ chối.
Các cụ xưa từng nói "Gái ba mươi tuổi đã toan về già". Vậy mà Thu đã 33 tuổi rồi. Vợ chồng chị vẫn chưa có con. Bà Báo mất hơn một năm nay. Anh Quyết giờ công khai cặp kè với một mụ nạ dòng buôn đồ gỗ tận trên Lao Cai. Ông Báo uất mà không làm gì được. Thiên hạ đàm tiếu. Họ Mai bắt đầu dè bỉu xa lánh gia đình ông. Mẹ Thảo của Lan có lần vì xót nhà anh trai mà chửi nhau với bà bán bún trên chợ, khi suýt lao vào túm tóc bà kia thì bố kịp thời ra ngăn lại, lôi mẹ về nhà. Vậy mà suốt dọc đường mẹ vẫn xơi xơi chửi "Đồ bạc bẽo, đồ đơm đặt hại người".
càng có nhiều người trong họ xì xào về chị Thu. Người ta gán cho chị cái tội là đã bị vô sinh lại không chịu buông tha cho chồng để nó đi lăng nhăng. Thằng Quyết vô phúc lấy phải vợ không ra gì. Cái lũ thanh niên chưa vợ họ Mai mở mắt ra mà nhìn nhé! Lấy vợ phải soi cho kỹ, dò cho sâu, đừng thấy xinh thấy giỏi mà bập vào. Vớ phải đứa không biết đẻ mới trắng mắt ra... Khổ nỗi, lũ thanh niên ấy nhiều đứa được cô giáo Thu kèm cặp mà nên người, bố mẹ chúng đã từng ca ngợi cô hết lời, giờ lại khinh ghét cô là sao? Đa phần chúng vặc lại bố mẹ. Có những đứa còn nói hỗn với phụ huynh của mình. Tưởng bênh được cô thành ra hại cô thêm. Các bà được thể càng gào thét đổ tại cô Thu làm bọn trẻ mất nết. Thế là họ rủ nhau, rồi đơn từ ào ào gửi đến trường...
Bà Tạ Minh Phượng (Hiệu trưởng trường THPT Gia Bảo) thật sự khó hiểu và khó xử khi có tới gần chục lá đơn không rõ tên của phụ huynh cùng một lúc gửi đến trường. Họ đều ở xóm nhà chồng cô giáo Thu và xưng là họ hàng. Nội dung tố cáo trong các lá đơn na ná như nhau. Đọc mà thấy lạnh gáy. Vốn là người sắc sảo và thận trọng, bà Phượng cảm nhận có điều gì đó sai sai, không bình thường. Bà nghĩ ngay đến Lan- em họ chồng cô giáo Thu. Bà hẹn Lan đến trường vào buổi chiều muộn, khi học sinh đã tan học.
Đọc xong những lá đơn, Lan vô cùng tức giận và ấm ức thay cho chị Thu. Cô nói với bà Hiệu trưởng:
- Cô ơi! Em lấy danh dự ra để bảo đảm chị Thu không phải là người như vậy. Nếu chị ấy biết có những lá đơn này thì em sợ chị ấy không sống được mất. Chị ấy đã chịu khổ nhiều rồi.
- Như vậy là nhà chồng đối xử không tốt với cô giáo Thu phải không?
- Dạ! Về việc này em xin kể cho cô điều mà em không muốn ai trong trường mình biết vì sợ họ nhìn chị Thu bằng con mắt thương hại...
Nghe xong câu chuyện mà Lan kể, bà Phượng nói, giọng run run xúc động:
- Chuyện vợ chồng cô giáo Thu chưa có con cô biết từ lâu. Nhưng không ngờ lại ra cơ sự này. Cô thấy mình thật có lỗi. Thì ra Thu đã cố gắng biết bao nhiêu để hàng ngày lên lớp, tận tụy với học sinh và vui vẻ với đồng nghiệp... Thôi! Cũng đã muộn rồi, em về đi. Việc này trước mắt có em và cô biết.
Bà Phượng ngồi trầm tư một lúc trong phòng. Nhớ lại hình ảnh tươi tắn trong ngày cưới của vợ chồng Thu cách đây 9 năm, bà bỗng thở dài… Bên ngoài trở gió. Một đợt khí lạnh bổ sung khiến bầu trời đang xanh trở nên xám ngắt. Bóng tối loang dần…
Thu hiện lên trước cửa phòng Hiệu trưởng cùng tiếng nhỏ nhẹ:
- Em chào chị! Chị gọi em lên có việc gì ạ?
- Thu đấy à! Em vào đây!
Bà Phượng đứng dậy kéo chiếc ghế tựa cho Thu và nhẹ nhàng ngồi bên cạnh.
- Cốc cà phê này là của em, chị vừa pha đấy! Cùng một trường đã lâu, nhưng chưa lúc nào chị em mình ngồi tâm sự. Hôm nay rỗi, thấy em trống tiết nên chị gọi lên chuyện trò. Em uống đi, Buôn Ma Thuột nguyên chất đấy, đứa em chị vừa gửi ra...
Thu uống một ngụm, khen ngon rồi uống thêm ngụm nữa. Bà Phượng bắt đầu vào câu chuyện. Bà hỏi thăm tình hình bên bố mẹ Thu trên Tuyên Quang. Hỏi Thu có năng lên đó không? Lần tới về ngoại cho bà gửi lời hỏi thăm... Rồi bà hỏi về gia đình nhà chồng Thu. Đến đây, bà Phượng đọc thấy nét do dự, thận trọng trên gương mặt cô. Không còn vẻ thoải mái như khi kể về gia đình mình, mỗi lời của Thu đều có sự cân nhắc. Bà Phượng đủ tinh ý để không hỏi cặn kẽ làm khó Thu. Nhưng cũng cần cho Thu biết cô đang phải đối mặt với ác ý của một số phụ huynh là họ hàng nhà chồng. Nếu không dập ngay thì nó sẽ như ngọn lửa loang khó có thể bảo toàn thanh danh của một cô giáo...
Cầm những lá đơn bà Phượng cho xem, mặt Thu tái dần. Đôi mắt lộ rõ sự đau đớn Hít một hơi thật sâu, Thu đặt tập đơn lên bàn, nhìn thẳng vào bà Hiệu trưởng rồi nói, giọng nhỏ và rành rọt:
- Em cám ơn chị đã cho em biết sự việc này. Em có thể khẳng định với chị là em không làm gì sai trái. Đây là những điều vu khống trắng trợn. Nó làm em rất đau lòng. Em cần có thời gian để suy nghĩ nên giải quyết như thế nào. Trước mắt em xin phép chị nghỉ không lương một thời gian…Giờ em phải về ạ!
đứng dậy, bỗng loạng choạng, phải vịn vào bàn. Bà Phượng vội đỡ nhưng Thu khẽ gạt tay và bước nhanh ra cửa. Bà Phượng nhìn theo với vẻ mặt vừa lo lắng vừa như thấy mình có lỗi. Liệu bà phải ân hận vì việc này không? Đó là vào thứ Năm tuần đầu của cái tháng Chạp đang đổ về nhưng cơn lạnh cắt da cắt thịt, mà nửa đêm hôm đó, Thu xách túi đồ chạy sang nhà Lan. Chị kể cho Lan mọi chuyện và hai chị em bàn bạc đến lúc gà gáy sáng. Thu đã kịp về lại nhà chồng khi ngoài đường chưa có bóng người...
Tối thứ bảy. Hôm nay Quyết ở nhà. Mâm cơm chỉ có 3 người vẫn buồn tẻ như mọi khi. Ai cũng muốn ăn nhanh cho xong bữa. Khi ông Báo đặt đũa xuống định đứng lên thì Thu cất giọng:
- Thưa bố! Hôm nay có các ông bà trưởng chi sang nhà mình. Bố và anh ở nhà. Con cũng có việc muốn thưa.
Ông Báo ngạc nhiên, vì lâu rồi, ông không tổ chức họp người trong họ. Lần gần đây nhất các trưởng lão họ Mai đến là khi bà Báo mất. Thế rồi bao chuyện xầm xì chê bai khiến ông không thiết gặp gỡ. Hàng ngày ông ngồi riết ở trụ sở Cựu chiến binh chơi cờ với mấy người trong hội, chiều muộn mới về. Những công việc to nhỏ trong họ, có khi người ta phải nhắn qua Thu hoặc qua thằng cháu ruột của ông. Hôm nay không hiểu chuyện gì các trưởng chi sang đây. Chắc liên quan đến việc thằng Quyết làm bậy. Phải tỉnh táo để đối phó mới được. Ông thong thả ra ghế ngồi. Trên bàn đặt 2 bộ ấm chén sạch sẽ. Một ấm nước vối đã ủ sẵn. Một ấm để pha chè. Chưa kịp rót nước thì nghe ngoài cổng lao xao tiếng người. Đầu tiên là vợ chồng ông Thấu trưởng chi 2, tiếp là đến là các ông bà trưởng 3 chi còn lại. Theo phép lịch sự, ông Báo và Quyết ra sân đón khách. Thu vừa rửa bát đũa xong cũng chạy ra chào. Phòng khách phút chốc kín chỗ ngồi. Thu rót nước mời từng người. Ông Thấu cất tiếng đầu tiên:
- Hôm nay chúng tôi sang đây là để xem bác trưởng có công chuyện gì. Cháu Thu nói là gia đình có việc cần trao đổi.
Ông Báo chưa kịp phản ứng thì Thu đã vội đỡ lời:
- Dạ! Con xin lỗi bố vì đã mạn phép mời các ông bà đây sang mà chưa hỏi ý kiến của bố. Cuộc họp hôm nay là do con. Con muốn gặp các ông bà đại diện cho họ Mai để được trình bày một việc hệ trọng mà bấy lâu nay con chưa có cơ hội nói rõ với mọi người.
Không gian căn nhà lắng hẳn lại. Ông Báo và Quyết vô cùng bối rối. Họ đã bị Thu đưa vào chuyện đã rồi đành phải ngồi im, mặt cau có. Tiếng Thu lại cất lên, tuy hơi run nhưng rành rẽ:
- Thưa các ông bà trong họ. Cháu đã về làm dâu ở đây được 9 năm và cũng đã 11 năm dạy học ở huyện nhà. Trong suốt thời gian ấy, cháu thấy mình không làm điều gì trái với lương tâm. Nhưng trời đã không cho chúng cháu mụn con để vui cửa vui nhà. Nguyên nhân là từ anh nhà cháu. Việc này cháu biết từ 5 năm trước nhưng vẫn giữ kín vì thương anh ấy và lo bố mẹ cháu không chịu nổi việc này. Đổi lại, cháu phải chịu những đồn đại nghiệt ngã... Gần đây nhất, không hiểu vì sao có những tờ đơn xưng là của các phụ huynh trong họ gửi tới trường tố cáo cháu đối xử tệ với gia đình và dạy học sinh những điều thiếu đạo đức. Cháu rất buồn tủi và cảm thấy bị oan ức. Hôm nay cháu xin được nói rõ tất cả để các ông bà biết sự thật ạ!
Giọng Thu chợt nghẹn lại. Tất cả im lặng. Có tiếng sụt sịt khe khẽ. Ông Thấu hắng giọng mấy cái rồi nói:
- Chị Thu đã trình bày vậy rồi, anh Quyết nói đi chứ! Có phải như vậy không?
Từ nãy giờ Quyết như nuốt từng lời vợ nói. Cô ấy đã không thể chịu đựng được nữa và nói tất cả. Thế có nghĩa là hết. Cô ấy sẽ ra đi đúng như Quyết từng muốn. Anh đứng dậy, tay chắp trước bụng:
- Thưa các ông bà trong họ. Điều mà vợ cháu nói là sự thật. Thời gian qua cô ấy rất khổ sở. Cháu đã tàn nhẫn với vợ để cô ấy chán nản mà đồng ý ly hôn. Nhưng vợ cháu vẫn cố ở lại chăm sóc mẹ cháu và lo toan gia đình. Không ngờ, giờ lại có những người độc địa dựng chuyện bôi nhọ cô ấy. Hôm nay các ông bà đã biết rõ chuyện rồi xin nói lại trong họ để giải oan cho nhà cháu. Thu! Trước mặt các ông bà đây, anh xin lỗi em và mong em tha thứ cho tất cả những gì mà anh đã gây ra...
Quyết nấc lên không thể nói tiếp được nữa. Ông Báo từ nãy giờ ngồi như hóa đá. Nghe tiếng khóc của con trai ông như bừng tỉnh. Uống một ngụm nước đã nguội, ông cất tiếng, giọng trầm sâu trong ngực:
- Tôi không ngờ cơ sự như thế này. Đúng là gia đình tôi có họa mà không tỏ, có phước mà không biết trân trọng giữ gìn... Thu à! Bố mẹ rất xin lỗi con và sẽ có trách nhiệm trong việc giải oan cho con.
Quay về phía các trưởng chi ông nói tiếp:
- Hiện tôi vẫn là trưởng họ, vì thế tôi yêu cầu và kính nhờ các ông bà ngồi đây, sớm họp chi của mình. Còn tôi với ông Thấu sẽ đến trường gặp cô hiệu trưởng xin lại những tờ đơn và cũng cho cô biết sự thật, tránh những hiểu lầm tiếp theo.
Hướng về con trai, ông lên giọng:
- Anh Quyết! Anh đã sống rất tệ trong thời gian qua. Nếu không sửa mình thì anh không xứng là trai trưởng họ Mai. Tôi sẵn sàng giao chức trưởng đó cho người xứng đáng hơn. Tất nhiên là giao luôn cơ ngơi nhà thờ này để trưởng họ chăm nom thờ tự. Anh sẽ phải ra chỗ khác mà ở. Còn bây giờ, thay mặt gia đình, tôi cám ơn các ông bà đã đến đây để tường rõ mọi việc và giúp minh oan cho con dâu tôi.
Mọi người đứng dậy ra về, mấy bà còn nắm tay Thu nói:
- Tội cho cháu quá! Cứ bình tâm nhé! Từ giờ cháu không phải lo buồn gì sất!
Căn nhà lắng vào sự yên tĩnh. Ông Báo quay lại ghế và bảo 2 con ngồi xuống. Ông nhìn Thu với ánh mắt có phần trìu mến:
- Chín năm qua, Thu đã làm được rất nhiều việc cho gia đình mình. Bố biết chứ! Nhưng vì đóng đinh trong đầu cái suy nghĩ con vô sinh nên bố đã coi những điều con làm trở nên nhỏ bé không có giá trị. Ai ngờ chính con trai bố lại là kẻ bệnh hoạn, đáng trách hơn cả. Còn từ nay, con hãy tự quyết định cuộc sống của mình, không phải hi sinh hay lo nghĩ cho ai nữa. Bố và Quyết dù sao cũng sống giữa anh chị em họ hàng, rồi sẽ ổn cả thôi…
Quyết cũng quay sang nói với vợ:
- Bây giờ, anh tự nhận thấy không có quyền khuyên em từ nay phải như thế nào. Bố nói đúng. Em hãy suy nghĩ kỹ và đưa ra quyết định của mình.
Thu im lặng. Đôi mắt phủ đầy nỗi buồn. Một lát sau chị nói:
- Vâng! Con sẽ nghe theo lời bố và anh. Trước mắt con xin phép lên trên bố mẹ con một thời gian để suy nghĩ. Con đã hẹn một chuyến xe đường dài đón con ở ngã tư huyện lúc 5 h sáng mai rồi ạ!
* * *
Bốn giờ rưỡi sáng, Lan đã chờ sẵn trước cổng nhà ông Báo để chở Thu ra chỗ đón xe đường dài lên Tuyên Quang. Căn buồng nhỏ của vợ chồng anh chị đã sáng đèn.
- Để anh đưa em ra bến xe!
- Không cần đâu anh! Em đã hẹn cái Lan rồi. Chắc nó đến bây giờ. Anh chào bố giúp em.
Một lúc sau, chị Thu ra. Anh Quyết tiễn tới cổng và dặn hai chị em đi cẩn thận. Trên đường đi, Thu nói:
- Chị có một tờ giấy trong cuốn sách Toán lớp 12 để trên bàn làm việc. Độ hai hôm nữa em nói anh Quyết lấy ra đọc. Còn em, gửi giúp chị một phong thư tới cô hiệu trưởng. Sắp tới chị sẽ còn nhờ em nhiều. Chị em mình nhớ giữ liên lạc.
Phải chờ khoảng 15 phút xe mới đến. Thu dang tay ôm chặt Lan rồi vội vàng chạy lên xe. Một cơn gió mạnh thổi tung chiếc khăn Thu quàng trên cổ, tạo thành 2 dải sau vai, vẫy vẫy như đôi cánh chim. Chiếc xe khách lao đi trong không gian nhập nhòa tối sáng...
(Hà Nội, 5/2023)